Kỳ 2:
Nhà thơ Lê Minh Quốc trò chuyện về:
Sự tinh tế của phụ nữ trong ứng xử
Một chiều lộng gió, hàng bạch đàn run rẩy trong bóng nắng. Từ giảng đường trở về ký túc xá, tiếng cười nói của các nữ sinh viên ríu rít như chim non. Có một chàng trai lẽo đẽo bước theo sau, với lá thư tình nằm gọn trong tay. Nàng yểu điệu thục nữ. Nàng xinh đẹp. Và hắn đang say đắm. Lấy hết sự dũng cảm, hắn bước vội lên phía trước và trao thư cho nàng. Rồi hắn lùi lại phía sau, hồi hộp chờ đợi, vì nghĩ rằng hẳn nàng sẽ quay lại “đá lông nheo” với hắn, hoặc sẽ “hồi âm” cho hắn. Thế nhưng, chỉ dăm phút sau, trên đường đi hắn thấy lá thư tình của mình bị xé vụn và thả bay trong gió.
Hắn chính là tôi của năm thứ hai ở làng Đại học Thủ Đức. Cách ứng xử “thô bạo” của người bạn gái ấy khiến “vết thương lòng” tôi đau nhói nhiều năm liền. Sau này gặp lại, dù hai chúng tôi đã có đời sống khác, đã có vợ có chồng, nhưng cũng khó giữ được sự thân thiện.
Lần khác, tôi mời người yêu vào nhà hàng “hát với nhau” và tình cờ gặp một bạn gái khác (cũng là chỗ thân tình), chúng tôi liền ngồi cùng bàn. Khi âm nhạc lên tiếng, dường như mọi ngập ngừng, lúng túng rớt lại phía sau. Theo phép lịch sự, tôi mời cô bạn lả lướt theo điệu valse… Có lẽ lúc ấy tôi vô tình nên không thấy người yêu nhìn mình bằng “cặp mắt hình viên đạn”. Và bỗng nhiên, cô ấy hất tung mọi thứ trên bàn. Từng âm thanh vỡ toang khiến mọi người xung quanh kinh ngạc và nhốn nháo. Mười năm sau, nàng mới kể lại cảm giác gì khiến nàng cư xử điên rồ như thế: “Khi anh khiêu vũ với cô kia lần đầu, tôi thấy bình thường. Lần thứ hai, tôi thấy trái tim mình run rẩy. Lần thứ ba, tim tôi như bị siết chặt. Nghẹt thở. Đích thị là tôi… ghen”. Ứng xử khi… ghen của nàng đã đẩy chúng tôi vào tình thế vô phương cứu chữa!
Lại nói đến bạn bè, một người bạn ở báo Người Lao Động thường về khuya vì… ham nhậu. Lúc anh ta về nhà, vẫn thấy vợ ngồi đợi với nét mặt (cố gắng) thản nhiên và ân cần chăm sóc; ân cần đến mức mời anh dùng cơm chiều. Chỉ dăm lần được chăm bẵm như thế, bạn tôi phải tự giác thay đổi giờ giấc sinh hoạt của mình vì không… thích ứng được sự dịu dàng đến mức ấy của vợ. Nhưng một người bạn khác lại phải mắc cỡ với hàng xóm vì vợ thường “tiếng bấc, tiếng chì” những khi anh về muộn. Lần nọ, anh liề lĩnh ngủ lại nhà bạn do sợ vợ “làm cho một trận”. Sáng hôm sau, vợ đã thu xếp… vali cho anh và bảo “thích bạn hơn vợ thì theo bạn mà sống. Trước cách ứng xử quyết liệt ấy, không ngờ anh ta… đi luôn.
Chắc bạn còn nhớ mấy câu ca dao sau:
“Chị kia bới tóc đuôi gà
Nắm tay chị lại hỏi nhà chị đâu?
Nhà tôi ở dưới đám dâu
Ở trên đám đậu, đầu cầu ngó qua
Ngó qua bụi bắp trở cờ
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông”.
Rõ ràng, cách chỉ đường này kỳ cục. Hãy nghe nhà văn Mai Văn Tạo lý giải sự kỳ cục này: “Thực ra, người hỏi rất ba gai - mới gặp đã hỏi nhà, lại còn nắm tay người ta mà hỏi. Người con gái đàng hoàng tất nhiên không nói chỗ ở của mình cho người ba gai như thế. Không trả lời thì không tiện, nặng lời thì bất lợi (biết đâu hắn nổi khùng thì sao)… Vậy nên, cô gái điềm nhiên chỉ mà không… chỉ”. Thế đấy, càng thông minh, khôn khéo bao nhiêu thì phụ nữ càng tỏ rõ bản lĩnh của mình.
Thay cho lời kết, tôi mượn chuyện của một nhà văn Pháp. Người ta “làm mai” cho ông một người, và giới thiệu “cô ấy đẹp”, nhà văn liền viết số 0; “cô ấy giàu”, nhà văn lại viết số 0; “cô ấy đầy quyền lực”, nhà văn cũng viết số 0. Nhưng khi người mai mối nói là “cô ấy rất dịu dàng” thì lập tức nhà văn viết số 1 trước một dãy số 0 kia.
Thục Oanh ghi
(nguồn: Báo Thể thao TP.HCM ngày 17.9.2004)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|