TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Giám khảo bình chọn Trái Cóc Xanh 2012 Lê Minh Quốc: Thuốc xấu hổ đã lờn

Giám khảo bình chọn Trái Cóc Xanh 2012 Lê Minh Quốc: Thuốc xấu hổ đã lờn


Có lẽ đây là giải độc nhất trong năm mà giám khảo bình chọn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc không giấu sự ngao ngán của mình. Năm nay tròn 20 năm giải Trái cóc xanh do báo Tuổi trẻ cười (TTC) bình chọn những cá nhân, những hiện tượng gây phản cảm về văn hóa trong một năm. Được công bố và “trao tặng” cùng với giải Cù nèo vàng tổ chức trước Tết âm lịch, nhưng chưa bao giờ giải này lại có người tới nhận. Năm nay dự báo số lượng ứng cử viên “tranh giải” cóc xanh khá nhiều.

Năm 2011, có gần 20 đề cử Trái cóc xanh - “kỷ lục” trong các lần đề cử giải thưởng “danh giá” này. 4 Trái cóc xanh “chua lòm” được trao cho: Phim truyền hình Anh chàng vượt thời gian và phim truyện Cảm hứng hoàn hảo; Nhạc sĩ Trương Lê Sơn và ca sĩ Hoàng Lê Vy với trailer 18+ Xin lỗi em chỉ là…;  Một số báo mạng có xu hướng lá cải hóa; Bầu show Hoàng Tiến, đại diện cho một vài nhân vật đã tạo ra sự lùm xùm không đáng có tron show Chế Linh. Trái cóc xanh 2012 sẽ được công bố trên báo Tuổi trẻ cười Xuân Quý Tỵ 2013. Các “hiện tượng” ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khóa môi nhà sư; thảm họa dịch thuật; báo lá cải… đều lọt vào tầm ngắm của giải năm nay.

trai-coc-xanh

 

*Làm giám khảo Trái cóc xanh trong nhiều năm liền, anh đánh giá ra sao về “độ rung xã hội” của giải thưởng này?

- Hơn 10 năm nay phải nói thật, Giải Trái cóc xanh rất ép phê trong dư luận xã hội. Công chúng lẫn nghệ sĩ đều náo nức chờ đến ngày phát hành Tuổi trẻ cười Xuân hàng năm để biết kết quả của ban Giám khảo như thế nào. Kết quả đó như một dạng tổng kết những sự “trái tai gai mắt” trong năm. Vậy “độ rung xã hội” hiện nay ra sao? Theo ý kiến chủ quan của tôi, không còn “nặng ký” như trước nữa.

*Vì “cóc xanh” cũng đã “bão hòa” rồi?

- Cái xấu, các nhố nhăng, cái “vô nghĩa lý” ngày một nhiều, ngày một “trơ” ra. Có nhiều “nghệ sĩ” cố tình phát ngôn gây sốc, khỏa thân tênh hênh, giở đủ trò nhăng cuội cũng nhằm khoe lấy “mặt trơ như thớt” trên các mạng thông tin! Có những tựa báo, tít báo lẫn hình ảnh chỉ mới liếc qua thôi, nhiều bậc phụ huynh đã không dám đem về nhà bởi sợ con mình “ngộ độc” thì khốn!

Không riêng gì báo TTC đã phê phán mà các cơ quan truyền thông khác cũng đã lên tiếng, nhưng thử hỏi kết quả cho thấy gì? Thưa, chỉ là ném viên sỏi xuống ao bèo. Rồi đâu lại vào đó. Vậy thì, Trái cóc xanh có trao hoặc không trao thì người có “vinh dự” ấy cũng “phớt tỉnh Ăng lê”! Khi mà thiên hạ dửng dưng với cái xấu, cái nhố nhăng thì cũng là một hiện tượng xã hội rất đáng báo động đấy chứ?

*Nhiều nghệ sĩ Mỹ tới nhận Mâm xôi vàng nhưng 10 năm qua chả thấy người tới nhận Trái cóc xanh. Phải chăng họ không đủ dũng cảm đối diện để vượt qua sai lầm của mình?

- “Tại sao lại nhận? Chẳng lẽ xác nhận những việc trái khoáy của mình là đúng?” chắc suy nghĩ thế nên người ta chả dại. Từ khi thành lập giải đến nay, tôi chưa thấy “mống” nào mon  men đến nhận giải cả! Tất nhiên là vậy thôi! Ban Giám khảo thừa biết, nhưng vẫn cứ trao, bởi giải Trái cóc xanh như là một định hướng của dư luận xã hội. Tôi nhấn mạnh lần nữa, định hướng đó là của dư luận xã hội.

* Giải Trái cóc xanh như một dạng “văn hóa phê bình” và người nhận giải này tức là “nhận sự phê bình”. Từ giải Trái cóc xanh, anh nhận xét thế nào về “văn hóa phê bình và đón nhận sự phê bình” của người Việt?

- Trước đây, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn có làm một công trình mà tôi rất thích, đại loại, ông đi tìm thói hư tật xấu của người Việt. Có tự biết, tự ý thức như thế thì con người ta mới có thể sửa chữa, thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trong đó, ông Vương Trí Nhàn cũng có đôi lần đề cập đến “văn hóa phê bình” của người Việt. Tuy nhiên, theo tôi chỉ trong thời đại này có điều đó, tức “văn hóa phê bình” mới thật là tệ hại!

Đọc lại các cụ Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế v.v… dẫu có bút chiến dữ dội, phê bình nhau sát sàn sạt về học thuật nhưng họ vẫn tôn trọng nhau, một câu “tiên sinh”, hai câu “tiên sinh” chứ không hề xách mé nhau dẫu là một câu, một chữ. Còn bây giờ ư? Ta thấy người ta phê bình nhau mà cứ như hàng chợ búa xỉa xói nhau, hàng tôm hàng cá chưởi nhau, họ mắng mỏ nhau có vần, có vè, có câu, có cú… hơn là “góp ý cho nhau cùng tiến bộ” (!)

Tất nhiên, “phê bình” không có “văn hóa” cũng chưa tệ hại bằng lúc người ta không còn dám phê bình nữa. Sống giữa trùng trùng điệp điệp cái xấu, cái lố nhố lăng nhăng có ai dám làm Lục Vân Tiên “giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha”? hay chỉ “mũ ni che tai” hoặc chỉ “ngậm miện ăn tiền”?

Thế thì, trong lúc tình hình “phê bình” đáng âu lo như thế, sự có mặt của Trái cóc xanh hoặc những thông tin phê bình khác trên các cơ quan truyền thông (dù chỉ gói gọn trong chừng mực có thể) vẫn rất đáng hoan nghênh.

* Có một số hiện tượng ví dụ như ăn mặc hở hang lên sân khấu của giới showbiz hoặc thói hám danh bất chấp dư luận của một số người… cứ lặp đi lặp lại hàng năm. Theo anh, ép phê của Trái cóc xanh có đủ làm “ê răng” những người từng nhận giải này hay việc mời các chủ nhân xơi cóc chỉ như một sự cảnh báo rồi đâu cũng vào đấy?

- Đâu vào đấy thôi. Tôi có cảm giác là bây giờ giới showbiz không thèm quan tâm luôn đến cả sự phê bình nữa. Những cái trò mà bạn vừa trên, báo chí cũng đã phê bình đến rát mặt nhưng nào có thay đổi được gì đâu.

* Tức “thuốc xấu hổ” đã lờn?

-Tôi nghĩ, đó là do họ cố tình làm mọi cách và bằng mọi giá để được… nổi tiếng! Trong lãnh vực văn hóa văn nghệ, còn có gì bi đát hơn khi có nhiều người mười năm “sống chết với nghề” chả ma nào biết đến, nhưng chỉ cần một đêm “lộ hàng” bắn vèo vèo lên mạng thì xóm trên ngõ dưới đều hay; rồi hợp đồng mời biểu diễn lại nườm nượp đến! Ngao ngán thật!

*Trong năm 2012 vừa qua, theo anh hiện tượng nào gây phản cảm trong văn hóa nhất?

- Cái đó còn tùy theo ta nhìn nhận nó ở góc độ nào, lãnh vực nào. Về hiện tượng gây phản cảm, tôi đã phát biểu và thông nhất với Ban Giám khảo Trái cóc xanh rồi. Về nguyên tắc khi giải chưa công bố thì không ai được tiết lộ, dù là ý kiến riêng đi nữa.

 

trai-coc-xanh-2

 

KHÔNG GIỚI HẠN SỐ LƯỢNG TRÁI CÓC

Trái cóc xanh không giới hạn số lượng giải mà tùy thuộc vào các hiện tượng văn hóa nhố nhăng trong năm nhiều hay ít. Một thành viên Ban giám khảo Trái cóc xanh cho biết: “Năm nào chúng tôi bóp trán hoài mà không tìm ra giải hoặc giải quá ít thì chúng tôi rấ mừng. Tuy nhiên, năm nào trong lãnh vực văn hóa cũng có nhân vật, sự kiện đáng để mời xơi “trái cóc”. Đáng buồn hơn, trong vài năm trở lại đây, có những hiện tượng cứ lặp đi lặp lại nên năm nào cũng nhận Trái cóc xanh đến độ ban giám khảo chúng tôi quá ngao ngán, bởi sự phê bình của công luận nhằm định hướng sự tiến bộ và cảnh báo cái xấu mất dần tác dụng, nếu không muốn nói là “nước đổ đầu vịt” vậy.

 

Hoàng Nhân (thực hiện)

(nguồn: báo  Thể thao & văn hóa cuối tuần ngày 18.1.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com