TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Lời thưa dịu dàng

Lời thưa dịu dàng

loithua

Dạ thưa

 

Dịu dàng em nói dạ thưa

Đôi môi lễ độ nghìn xưa vọng về

Cảm tình sâu nặng phu thê

Thoáng nghe nhưng đã hẹn thề núi non


Dạ thưa như trái nho non

Tháng giêng chín mọng môi son nghĩa tình

Mắt cười miệng nói rất xinh

Mặt trời độ lượng bình minh bất ngờ


Dạ thưa vọng đến giấc mơ

Tôi nghe ấm áp đôi bờ yêu thương

Ngủ ngon giữa cõi thiên đường

Lời em nói ngọt như đường mía lau


Dạ thưa mà ngỡ chiêm bao

Con mắt lúng liếng em chào rất ngoan

Một lần nghe - lại âm vang

Một đời đâu dễ vội vàng quên ngay


Dạ thưa mưa nắng gió mây

Thiên nhiên gìn giữ cho đầy nết na

Dù em - con gái người ta

Dạ thưa hai tiếng đã là của tôi

L.M.Q

 

Lời thưa dịu dàng

 

Có lẽ mỗi ai trong chúng ta đã từng một lần được nghe lời ca dao mà ngày xưa mẹ thường hát ru giấc thơ bé bỏng của mình:

Chim khôn hót tiếng véo von

Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe

Đó chính là lời khuyên dạy nhẹ nhàng mà thấu đáo của người xưa để lại, và đó cũng là một trong những truyền thống tốt đẹp, coi trọng điều nết na, lễ độ có tự lâu đời của người Việt Nam ta.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà tác giả mở đầu cho bài thơ của mình, rằng:

Dịu dàng em nói dạ thưa

Đôi môi lễ độ nghìn xưa vọng về

Cảm tình sâu nặng phu thê

Thoáng nghe nhưng đã hẹn thề núi non

Cám ơn em đã giữ được cái nết na, lễ độ của “nghìn xưa” để lại. Hai tiếng “dạ thưa” mới thật nhẹ nhàng, thanh thoát làm sao! Lời thủ thốt tưởng chừng đơn giản ấy thật sự là làn gió mát thổi vào lòng người nghe, là “cảm tình sâu nặng”, hiếu đễ của em đối với người.

Trong cuộc sống thường nhật, đôi khi ta buộc phải nghe những lời nói thật chói tai, làm lòng phải phiền muộn… để rồi càng cảm mến em hơn khi hai tiếng “dạ thưa” không chỉ phát xuất từ tình cảm của em đối với ta, mà còn mang lại nét dễ thương duyên dáng khi:

Mắt cười miệng nói rất xinh

Mặt trời độ lượng bình minh bất ngờ

So sánh đôi môi như trái nho chín mọng, rồi lại em như mặt trời độ lượng buổi bình minh thì quả thật tác giả đã cảm được hai tiếng “dạ thưa” đến như thế nào rồi!

Thật thế, lời thưa thốt dịu dàng của em vừa ngọt ngào vừa làm lòng ta càng thêm ấm áp, ngỡ ngàng như giữa cõi chiêm bao và thiên đường.

Dạ thưa vọng đến giấc mơ

Tôi nghe ấm áp đôi bờ yêu thương

Ngủ ngon giữa cõi thiên đường

Lời em nói ngọt như đường mía lau

Nhưng có lẽ tác giả đang “say” thì hơn. Say trong tiếng dịu dàng khi “Em chào rất ngoan”, và dù say đến đâu, thì:

Một lần nghe - lại âm vang

Một đời đâu dễ vội vàng quên ngay.

Quả thật, nếu em luôn “gìn giữ cho đầy nết na” điều dịu dàng, lễ độ ấy, chắc chắn không một ai có thể quên được, mà còn:

Dù em, con gái người ta

Dạ thưa hai tiếng đã là của tôi

Hẳn các bạn nữ sinh không kém phần duyên dáng của tôi bắt đầu mong ước cho mình có đôi mắt biết cười và miệng nói rất xinh như cô em trong bài thơ kia? Tôi nhận thấy rằng cả bài thơ tác giả chỉ nói đến một cô em nào đó rất chung, nhưng lại làm tôi liên tưởng đến bóng dáng của những tà áo nữ sinh của các bạn.

Vâng! Chính những tà áo dịu dàng như bướm trắng và tuổi học trò trong sáng mới chính là đối tượng thật sự của hai tiếng “dạ thưa” vốn đã dần lãng quên trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta…

 

Bùi Tá Phạm Vinh

(nguồn: Tạp chí Nữ Sinh 2.1999)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com