TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC: Bàn tròn về thơ

LÊ MINH QUỐC: Bàn tròn về thơ

 

Một câu hỏi chung

Thuộc thế hệ những nhà thơ thành danh sau 1975 tại TPHCM, xin các anh cho biết: Liệu đã thật sự có một thế hệ nhà thơ khác, hiện đại hơn sau các anh có mặt ở thành phố này? Họ đã kế thừa gì ở thế hệ các anh, cũng như đã từ chối điều gì? Bởi thế đâu là cái mới của họ?


ban-tron


Lê Minh Quốc:

Tôi thường không thích sự phân chia các thế hệ làm thơ. Một bài thơ hay, dù viết cách đây ngàn năm cũng có giá trị như bài thơ hay viết trong năm 2005. Với tôi, Nguyễn Du vẫn trẻ, trẻ đến độ ta tưởng chừng thiên tài này vẫn tồn tại cùng với thế hệ chúng ta. Trong khi đó, có những nhà thơ sống trong thế kỷ này, nhưng ta lại cảm tưởng như họ đã chìm khuất trong vệt bụi mờ của thời gian, dù hàng ngày vẫn có thơ.

Thế nào là hiện đại? Câu ca dao đi vào trong trí nhớ của nhân loại Thương em, anh khóc đã mòn con ngươi là hiện đại đấy chứ! Nó hiện đại đến mức tưởng chừng như khó có thể tìm cách nói nào khác ấn tượng hơn thế nữa. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ. Tính hiện đại của thơ không nằm trong hình thức biểu hiện. Nó nằm ở tư tưởng. Tôi rất sợ những câu thơ biểu đạt tiếng Việt một cách ngọng nghịu, ngô nghê. Nói như ông Trần Mạnh Hảo đó là “phong cách” của những người “tự dịch thơ mình ra tiếng Việt” vậy.

Gần đây có những anh em trẻ thể nghiệm, tìm tòi cách diễn đạt mới trong thơ. Tôi ủng hộ thái độ này. Ủng hộ thái độ dũng cảm dám sống tận cùng với thơ. Nhưng thơ có cho họ sống chung hay không lại là chuyện khác.

Ở bất cứ thời điểm nào cũng có những người trẻ tuổi gan dạ trên chiếc đu bay cả. Nhưng chỉ có thái độ thôi vẫn không đủ, vấn đề cốt lõi vẫn là tài năng.

Thật ra, không phải khi trẻ người ta mới thể nghiệm, mà đến lúc bạc đầu các nhà thơ đích thực vẫn đau đáu muốn khám phá đến tận cùng bí ẩn của thơ. Ở nhà thơ lớn Chế Lan Viên, là một thí dụ điển hình qua tập Di cảo thơ, khiến ta kinh ngạc và cảm nhận ở ông một sự tươi trẻ đến lạ lùng, hiện đại đến lạ lùng.

Trong cuộc chơi này, nếu một khi nhịp điệu của tâm hồn anh còn giông tố, còn bất an, còn tan nát bởi, chẳng hạn của ngọn gió của thời cuộc, của ngọn roi tình ái… thì may ra còn có thơ, nếu bình lặng quá, yên bình quá, “công thức” quá thì thơ cũng bỏ ta đi thôi. Đi tìm cái mới trong thơ ư? Nhà thơ, anh hãy hỏi tâm hồn của chính anh.

 

Nguyễn Viện (thực hiện)

(nguồn: Thể thao & văn hóa 5.8.2005)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com