Cái tôi là cái đáng ghét. Nhưng khi quyển truyện dài Về nơi nào để nhớ (NXB Văn Nghệ TP.HCM) đã được gửi đến bạn đọc thì buộc tôi phải nói về một kỷ niệm. Kỷ niệm của một gã làm thơ với vài tập mỏng đã in ra. Chẳng có gì để nhớ. Chẳng có gì để quên. Thế rồi, đột ngột lại liều lĩnh viết vài quyển truyện dài. Có thể, bạn đọc không cần quan tâm đến điều đó. Cuộc đời này có những điều đáng được quan tâm hơn. Chẳng hạn, một vụ đánh ghen và tạt át - xít hoặc một vụ ngoại tình nào đó. Nhưng tôi quan tâm đến tôi - dù cái tôi là cái đáng ghét vì nó gắn liền với một người khác.
Vào khoảng giữa năm 1990, NXB Trẻ có tổ chức họp mặt những nhà văn viết cho tủ sách ÁO TRẮNG. Tôi cũng được mời dự với tư cách là phóng viên (báo Phụ nữ TP.HCM) để đưa tin trên báo. Do “ma đưa lối quỷ dẫn đường”, thế nào đó mà tôi ngồi gần nhà văn Đoàn Thạch Biền. Chính sự “ngồi gần” ấy lại là điều may mắn cho tôi. Ông Biển bảo tôi: “Lâu nay người ta mới biết đến cậu qua những bài thơ, bây giờ cậu thử đăng ký viết truyện dài thử xem sao”. Tôi còn ngần ngừ chưa biết trả lời như thế nào thì ông Biền lại “phán” tiếp: “Cậu cứ mạnh dạn lên. Cứ đăng ký đề tài NXB Trẻ sẽ ứng trước một trăm ngàn”. Một trăm ngàn đối với tôi là một số tiền không nhỏ. Tôi khoái chí làm theo lời ông Biền.
Khi cầm được tiền rồi thì tôi âu lo. Âu lo ấy giục tôi ngày đêm chúi mũi vào viết. Chỉ trong vòng mười lăm ngày tôi viết xong truyện dài Sân trường kỷ niệm (NXB Trẻ). Quyển sách in ra. Tôi đưa người đầu tiên góp ý là ông Biền. Khuyên tôi tiếp tục viết. Thừa thắng xông lên, tôi viết Mùa thu đứng trước cổng trường (NXB Trẻ). Viết một cách hứng thú ngay tại tòa soạn báo Phụ nữ. Thời gian sách đem xuất bản, tôi viết tiếp Về nơi nào để nhớ. Khi đặt tựa, bỗng giật mình, tôi lại nhớ lại lúc “ngồi gần với ông Biền”. Nên đặt ra tựa đó. Như một kỷ niệm. Như điều tự nhắc nhở không quên một lời khuyên nhủ rất chân tình buổi ban đầu. Nếu làm xong một bài thơ ưng ý, tôi thấy mệt mỏi như vừa leo lên dốc thì viết xong một truyện dài tôi sung sướng như được tụt dốc, được thoát nợ. Cái nợ đầu tiên là không phụ một lời khuyên. Mỗi người đều có những lời khuyên của người khác mà nhớ mãi. Lời khuyên của ông Biền đối với tôi là một thay đổi đột ngột.
Tôi đang nói về cái tôi đáng ghét. Ngay cả Đoàn Thạch Biền chắc hẳn khó chịu và thậm chí, bực mình khi thấy tôi gặp người sang bắt quàng làm họ. Nhưng biết làm sao được. Tôi thương mà em đâu có hay. Tôi chẳng biết nói một cách nào khác. Đành viết vậy chứ sao?
L.M.Q
(nguồn: Báo Người lao động - 1991)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|