Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp năm 1987, Lê Minh Quốc về công tác tại báo Phụ nữ TP.HCM cho đến nay. “Để trở thành nhà thơ, tôi viết lại giấc mơ mà mình đã chiêm nghiệm trong cuộc đời. Để trở thành nhà báo, tôi viết từ mẩu tin nhỏ đến bài phóng sự”. Đó là lời bộc bạch của anh cùng chúng tôi, một nhà báo nhưng chứa đầy chất lãng mạn của một nhà thơ.
PV: Anh bắt đầu sáng tác thơ từ năm nào? Những tập thơ đã in? Bài thơ anh yêu thích nhất?
L.M.Q: Từ năm học lớp 8, tôi đã có thơ in trên báo dành cho tuổi học trò, xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 như Thiếu Nhi, Thằng bờm… nhưng mãi đến năm 1989, tôi mới có tập thơ đầu tay TRONG CÕI CHIÊM BAO (Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh) và đến nay tôi đã có 6 tập thơ được xuất bản: NGÀY MAI CÒN LẠI MỘT MÌNH TÔI, THƠ TÌNH LÊ MINH QUỐC, NẾU KHÔNG CÒN CỔ TÍCH, ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC, TÔI VẼ MẶT TÔI. Bài thơ nào thích nhất ư? Mỗi bài thơ đều được viết trong khoảnh khắc nào đó của tâm trạng, làm sao có thể khẳng định tâm trạng nào của khoảnh khắc nào là đáng nhớ nhất? Cũng giống như những người tình đã đi qua trong trí nhớ mình, làm sao bạn có thể chỉ nhớ người này lại quên người kia?
PV: Công tác tại báo Phụ nữ, trong công việc anh tiếp xúc nhiều nữ giới, điều này có ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác thơ về tình yêu của anh không?
L.M.Q: Tất nhiên là có. Nét đẹp của người phụ nữ, dù thoáng qua một lần trong giây phút gặp gỡ cũng để lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Tuy nhiên, từ cảm nhận ấy đến lúc làm được thơ ca ngợi nhan sắc ấy đòi hỏi phải còn có nhiều yếu tố khác. Tôi thường nuôi dưỡng cảm xúc của mình với ý nguyện mỗi ngày được gặp một gương mặt đẹp. Để ngắm nhìn. Để thấy cuộc sống quanh mình đáng yêu biết chừng nào…
PV: Anh cho biết lợi thế của nhà thơ khi làm nhà báo? Nghề báo cản trở hay hỗ trợ công việc làm thơ của anh?
L.M.Q: Nhà báo cần một cái đầu tỉnh táo. Nhà thơ cần một trái tim “lơ tơ mơ”. Cả hai yếu tố đó kết hợp trong một con người thì còn gì tuyệt hơn? Do sống giữa bộn bề thông tin thời sự nên trái tim nhà thơ luôn bắt nhịp được với cái mới, để từ đó làm mới cảm xúc của mình. Điều này thể hiện rất rõ qua ngôn từ của thơ. Đó là những ngôn từ bước vào thơ từ bụi bặm đời thường nên tươi rói sức sống hơn những ngôn từ cũ kỹ vay mượn từ sách vở và… tưởng tượng. Hiểu theo ý nghĩa đó thì rõ ráng công việc làm báo là bạn đồng hành của nhà thơ. Thực tế đã chứng minh rằng có nhiều nhà thơ khi làm nhà báo cũng thành công không thua kém bất cứ nhà báo chuyên nghiệp nào.
PV: Xin cảm ơn anh.
Thủy Tiên (thực hiện)
LÊ MINH QUỐC
TỪ ĐÂU ĐẾN
Chẳng ai có thể biết
Thơ anh đến từ đâu
Ngoài con sông dòng suối
Ngoài hồn lau bãi dâu
Ngoài chân mây xa tít
Ngoài nắng phai lưng đèo
Ngoài giấc mơ anh gặp
Ngoài ngọn gió đang reo
Cũng giống như giọng nói
Khiến anh giật thót người
Là khi em bước tới
Mãi mãi tuổi hai mươi
Đừng đưa anh lên trời
Không có em nơi đó
Dưới mặt đất rong chơi
Anh tồn tại như cỏ
Thơ hữu hình như gió
Đi đến đâu về đâu
Không một ai biết rõ
Ngoài mầm lá xanh non
Ngoài những đêm mất ngủ
Ngoài mắt biếc môi ngon
Cũng giống như em đến
Trong giây phút tình cờ
Anh giật mình trẻ lại
Ú ớ mớ ra thơ...
2001
(nguồn: Tạp chí Xây dựng và đời sống - số 19 tháng 7.2002)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|