LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.4.2014


Có nên nói huỵch toẹt ra không? Sao lại không? Sau khi đưa lá thư riêng vào Nhật ký 8.4.2014, nhiều bạn bè nhắn tin, điện thoại hỏi nhà văn đó là ai?

Nhà báo Hà Đình Nguyên comment: “Bây giờ là hơn 1h30 ngày...Giỗ tổ Hùng Vương (nhằm 9.4.2014), mình vừa đọc xong Nhật ký 8.4.2014 của Q. Những lần khác mình cũng đọc trọn bài (trang nhật ký) nhưng lần này mình thấy có gì đó thôi thúc phải "còm", bởi tự... xấu hổ khi đọc: "Ngày hôm qua, đọc ngấu nghiến tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam. Bạn bè tặng sách, chẳng lẽ không viết giới thiệu đôi dòng? Khuya lại đọc bản thảo sắp in của một đồng nghiệp. Sáng nay viết lá thư trao đổi. Anh em chơi với nhau, chỗ thân tình, chịu khó vì bạn một chút...”. Thú thực, 2 cuốn sách Q tặng, mình chưa đọc dòng nào, tự biện minh "Bận quá". Nhưng nhìn lại Q: Cũng một độ tuổi, cũng làm báo, cũng viết lách, cũng ăn nhậu, cũng... yêu - nhưng sao mình "ham chơi hơn viết", thờ ơ với những người chung quanh đến vậy? Đọc những lời góp ý chí tình (có tình, có lý) của Q với "anh bạn nhà văn" về tác phẩm viết về SG xưa sắp in. mới thấy "anh em chơi với nhau, chỗ thân tình, chịu khó vì bạn" mà... đọc kỹ, để góp ý chân thành. Đó không chỉ là cái tình, mà còn là cái TÂM của người cầm bút. Chúc Q lúc nào cũng giữ vững "tâm thế" như vậy trong cuộc sống, Q ơi !”.

Ngoài Quảng Nam, một bạn đọc chỗ thân tình nhận xét: “DCC khi nào cũng nhận xét chân thành,tỉ mỉ dễ sợ à nghen. Dạo trước đọc mấy Email DCC góp ý bài viết cho DCC ấy, nói thiệt là cảm động ghê gớm. Lâu ni DCC ít viết nên chưa có cơ hội được đọc tiếp mấy nhận xét thâm thúy của DCC nữa. Hãy đợi đấy, DCC hỉ, hii!”. DDC là viết tắt “đồng chí chú” & “đồng chí cháu”. Một cách xưng hô thân tình giữa hai chú cháu đồng hương.

Thế thì lá thư ấy, y viết cho ai?

Xin thưa, viết cho nhà văn Lê Văn Nghĩa. Nay công bố danh tính rõ ràng bởi tiểu thuyết của anh đã có kết quả: NXB Trẻ sẽ in vào dịp 21. 6 năm nay. Biết tin này, sáng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, lang thang cà phê cùng nàng và đố: “Trong tiểu thuyết của anh Nghĩa có mẩu đối thoại như sau: "Vừa đưa vắt mì lên miệng chú hỏi:

- Mầy biết hông?

- Biết cái gì chú? Chú chưa nói làm sao con biết.

- Mì tàu chính cống là mấy tiệm mì, xe mì có chữ phía sau. Thí dụ như Tài Ký, Minh Ký, Minh Ký… Mầy để ý coi, tiệm nào cũng có chứ Ký hết. Có chữ ký mới ngon.  

- Ký viết i ngắn hay  y-cà-lết vậy chú?

- Y dài hay I ngắn đều được. Mà nó viết "Hải kí mì gia" hay "Hải ký mì gia" cũng như nhau, miễn là nó nấu ngon là được… Chánh tả đâu có liên quan gì đến ước lèo đâu! Mì dở thì có 10 chữ ký như tiệm mì Ký ký ký ký ký ký… cũng dở ẹt. Cũng giống như chữ hủ tiếu có ê hay hủ tíu không ê đâu có quan trọng miễn ngon là được”.

Vậy ta hiểu chữ “ký” ấy như thế nào?”. Thật vậy, hầu hết các quán mì của người Hoa đều có kèm theo chữ “Ký”. Tại sao? Tất nhiên nàng ngắc ngứ. Nhà văn có trách nhiệm ghi nhận lại những gì đã diễn ra trong đời sống, nếu giải thích được thì hay quá, bằng không, với chữ "ký" này là vai trò của các nhà ngôn ngữ học.

Qua ngày hôm sau, lai rai cạn chai rượu đỏ tại một địa điểm mà nàng đã viết trong Ve vãn Sài Gòn:Trên đường Hai Bà Trưng, đối diện khách sạn Park Hyatt có một ngõ nhỏ, bề ngang độ bốn mét. Chạy xe vào ngõ độ bốn mét thì cái ngõ mở toang ra thành cái sân to, hai bên san sát nhau những nhà hàng đẹp, đủ các loại thức ăn của nhiều nước khác nhau”. Giữa chốn phồn hoa đô hội, tìm được nơi nghỉ chân buổi chiều như thế  là một niềm khoái trá. Các quán rượu cận kề, chỉ cách ngăn chỉ một bờ giậu thấp. Mọi người đều bình đẳng hướng mắt ra một khoảng sân rộng. Gió chiều nhẹ nhàng. Âm thanh náo nhiệt của phố xá nghẽn xe lục tặc tam bành không vọng đến. Khu này theo nhà văn Nguyễn Đông Thức, thời trước năm 1975 là “cư xá của dân Quan thuế (Hải quan)”. Thử hỏi, còn thời Pháp dùng để làm gì? Lúc mới quen, nàng đố, y tài lanh tra cứu nhiều sách báo, tài liệu cũ, kể cả Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển nhưng rồi bí rị. Nào ngờ, cũng trong Ve vãn Sài Gòn, nàng cho biết: Thực chất trước đây là một nhà máy chế biến thuốc phiện từ thời Pháp. Cái tên Refinery xuất xứ từ đây mà ra. Và nhà hàng Việt lấy tên là Hoa Túc cũng từ đấy mà ra (tr.114). Quá thú vị. Thế nhưng  chiều qua dù uống cạn cả một chai rượu đỏ mà vẫn không tìm ra cách lý giải chữ “Ký”. Bực mình chưa? Vậy là tối qua bèn vào quán "Lương Ký mì gia" bên Bình Thạnh ăn cho bõ ghét. Mì ngon nhưng vẫn không thể có câu trả lời. Bực mình chưa?

Nào ngờ chiều nay ăn tối ở quán ăn Hàn Quốc, nàng nói như reo: “Em đã tìm ra ý nghĩa của chữ “Ký” rồi. Ngày xưa người Hoa buôn bán tại một địa điểm cố định họ thường gọi “điếm” - người Việt nói trại ra thành “tiệm”. Còn xe mì do di chuyển nên họ gọi là “ký”. “Ký” có nhiều nghĩa trong đó còn hàm ý “di chuyển”, “tạm bợ”… Cách giải thích này nghe hợp lý quá chăng? Sở dĩ nghi ngờ vì tra lại Hán - Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh vẫn không thấy có ý nghĩa đó. Hay "Ký" của xe mì người Hoa nằm trong ý nghĩa này: "Gởi -  Phó thác cho - Ở ngụ, ở đậu" mà ta có thể suy luận thêm? Xe mì trong tiểu thuyết của nhà văn Lê Văn Nghĩa có tên “Hải Ký mì gia”, anh miêu tả: “cái xe có tranh kiếng vẽ những nhân vật từ truyện Tam Quốc như  Lữ Bố, Quan Công, Trương Phi trong các tích “Lữ bố hí Điêu  thuyền”, “Vườn đào kết nghĩa”, “Quan Công tha Tào ở Huê dung đạo”…”. Đúng quá, loại xe mì này vẫn còn khá nhiều tại Sài Gòn. Thời sinh viên và nay, mỗi lần đi chơi về khuya y vẫn ghé ăn xe mì trên đường Lê Văn Sỹ, gần Trường Đại học Sư phạm. Mấy chục năm rồi vẫn thế, hai chị em ruột giống nhau y chang, cô chị lưng hơi gù chẳng bao giờ nói một câu nào. Nghe khách yêu cầu là thao tác thoăn thoắt từng vắt mì, không hé răng hỏi một thêm câu nào. Nhân đây cũng "bật mí", có lẽ với tiểu thuyết sắp in thì Lê Văn Nghĩa là nhà văn Việt Nam đầu tiên dám đặt tựa sách dài đến thế. Anh Ánh và nàng phản đối quá xa vì tựa dài ơi là dài nhưng y lại khoái.

Mà này, đố ai biết tựa tiểu thuyết đó là gì không?

Sáng nay, bài y viết về tập sách của bạn văn Nguyễn Danh Lam đã in PN. Đưa vào Nhật ký như kỷ niệm  bạn bè: “Nhà văn Nguyễn Danh Lam từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn VN với tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc. Cùng những tiểu thuyết khác như Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian… Nguyễn Danh Lam luôn tự ý thức tìm tòi cách thể hiện mới. Do đó, những trang viết của anh không dễ đọc, nếu ai đó muốn tìm những tình tiết ly kỳ, gay cấn…Thế nhưng, với Cuộc đời ngoài cửa (NXB Hội Nhà văn), anh lại chọn cách viết khác trước là đưa vào nhiều chi tiết của đời sống. Anh tâm sự: Nhà văn không thể đứng ngoài hiện thực của đời sống. Dòng chảy các sự kiện từng ngày là chất liệu phong phú để tái hiện trên trang văn, tôi đã quan sát và hư cấu thành số phận cho nhân vật của mình”.

Cuộc đời ngoài cửa là câu chuyện của ông giáo đã có mấy mươi năm đứng trên bục giảng, nhưng một ngày, ông quyết định bỏ dạy. Tại sao? Sự việc hai cậu học trò đâm nhau chết đã khiến ông bàng hoàng; cùng lúc đời sống hôn nhân lại trục trặc đã đẩy ông đến quyết định đó. Ông tâm sự với bạn: “Cũng buồn. Bằng tuổi này rồi, coi như lại lẫm đẫm tập đi. Cả đời, ngoài việc đứng trên bục giảng, dạy học trò, làm mấy bài thơ, tao chẳng có bất kỳ kỹ năng sống nào khác” (tr.17). Sau khi nghỉ dạy, ông thực hiện một chuyến đi xa. Hay tin, cô con gái suốt ngày chỉ dán mắt chơi game trên điện thoại di động, nhoay nhoáy với cả đống tin nhắn cũng đòi đi theo: “Ba muốn đi để có một đời sống khác, để gột rửa quá khứ, để học lại đời mình… như ba đã nói. Vì vậy, con cũng muốn đi để làm mọi điều như ba”.

Hai cha con lên đường.

Những tưởng từ chuyến đi này, cả hai sẽ có những cảm thông, hiểu biết nhau hơn, nhưng không, xung đột giữa hai thế hệ lại mở ra. Với ông giáo, được sở hữu một tủ sách là cả gia tài: “Ba đã từng mơ ước để lại số sách đó cho các con. Đó là tài sản lớn nhất cho các con”, nhưng cô con gái nói toẹt ra “ít khi đọc”, không thèm quan tâm đến. Suy nghĩ này đã khiến ông choáng. Đi ngang nghĩa trang, ông tâm sự: “Những con người trong ấy, họ nằm lại bởi chiến tranh. Cuộc chiến mà con học trong sách đó. Hàng triệu người đã nằm xuống. Và rất nhiều người chưa được về với quê hương bản quán. Những người ở đây cũng vậy”. Điều đó khiến ông giáo thương xót, day dứt, thương cảm, nhưng cô con gái lại dửng dưng đến vô cảm: “Con tưởng có chuyện gì. Họ chết rồi, còn con thì phải đang sống”.

Đi trên cùng một chuyến xe, va chạm nhiều cảnh đời, nhưng hai cha con, hai thế hệ luôn không cùng suy nghĩ, sự bực bội diễn ra thường xuyên. Những lúc nhắc lại chuyện ly hôn của ông cũng gây cho cô con gái cú sốc nặng nề về tâm lý. Xung đột được đẩy đến đỉnh điểm khi cha con cãi nhau kịch liệt: “Trong khoảnh khắc thấy bóng con vừa vùng lên, định gào tiếp một câu gì đó, ông dang thẳng cánh tay, tát giữa mặt con một cú như trời giáng”. Chính vì cơn giận dữ không kiểm soát, ông giáo đã đẩy cô con gái tự tìm cách kết thúc số phận của mình.

Cuộc đời ngoài cửa là một cuốn tiểu thuyết lôi cuốn, mở ra nhiều vấn đề của hiện thực. Ít ra, khoảng cách giữa hai thế hệ không phải là hố thẳm, nếu con người hiện đại - như nhân vật của Nguyễn Danh Lam, được trang bị nhiều hơn về kỹ năng sống để có thể chấp nhận mọi tình huống trong cuộc đời. Điều nhà văn cảnh báo khiến người đọc khép trang sách vẫn còn ngẫm ngợi…”.

Có lẽ lúc khác, sẽ bổ sung và giải thích vì sao các nhân vật của Nguyễn Danh Lam đều không có một cái tên cụ thể nào? Sẽ trả lời sau. Sáng nay lên facebook lại hay tin tiểu thuyết của bạn văn Trần Nhã Thụy cũng sắp tin. Mấy hôm nay, còn vui thêm một chút là cháu An May đã sinh hoạt trong Hướng đạo. Nhìn ảnh của các cô / chú nhóc ngoài Đà Nẵng, y sực nhớ lại tuổi nhỏ và cảm động ghê gớm. Nhớ lại ngày tháng sinh hoạt cộng đồng ấy, sau này, y đã trả lời trên báo TN (số ngày 1.7.2013):  “Ngày đó, mẹ tôi thường dẫn ra chợ Cồn, được các anh chị dẫn đi chơi Hội An, Ngũ Hành Sơn, Mỹ Khê, Mỹ Sơn… qua đó tôi thấy cụ thể những gì mà trước đó chỉ biết qua sách vở. Những hình ảnh mới mẻ này đọng lại trong ký ức lâu bền hơn là chỉ học và đọc từ các trang sách. Nếu không có những ngày hè lang thang nhiều nơi ở vùng quê Quảng Nam, đi cắm trại, du lịch… chắc chắn ký ức về tuổi thơ của tôi rất nghèo nàn; và nhất là sự thăng hoa, bay bổng của trí tượng tượng khó có thể hình thành từ ngày ấy”. Lan man thêm một chút chăng? Ừ. Vậy đố tiếp, ai là người tiên phong đưa Hướng đạo vào Việt Nam? Trả lời luôn đi. Rằng, từ năm 1926 mới bắt đầu có hướng đạo sinh tại Việt Nam, nhưng chỉ là con lai Pháp sinh hoạt. Vũ Ngọc Tân là người Việt Nam đầu tiên gia nhập hướng đạo ở trường Albert Sarraut (Hà Nội). Tháng 9.1930, Hướng đạo Việt Nam chính thức khai sinh, Đoàn Lê Lợi. Người thành lập là đoàn trưởng Trần văn Khắc, đoàn Lê Lợi ra mắt tại sân Trường Thể dục Hà Nội, sau giao lại Nguyễn Ngọc Vũ. Tháng 10.1939, thành lập Đoàn Vạn Kiếp... Phải kể đến công sức, vai trò buổi ban đầu ấy còn là các ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Lê Thị Lựu v.v.…Y không phải dân Hướng đạo nhưng biết rằng muốn tìm hiểu nguồn gốc Hướng đạo Việt Nam thì phải đọc cho bằng được 2 quyển: Kỷ yếu Hướng đạo Việt Nam 1930-1945 (NXB Văn Nghệm -2009) do Phạm Văn Nhơn sưu tầm - biên soạn;  Hội Hướng đạo Việt Nam kỷ yếu in năm 2006 (lưu hành nội bộ).

Viết những dòng chữ này, lại ước gì các thế hệ hoa niên hiện nay, bất kỳ nơi nào cũng được khuyến khích sinh hoạt trong những đoàn thể như thời tuổi nhỏ mà y đã trải qua…

 

10168078_1520974594796073_4601295999447306059_n

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment