Hình ảnh ra mắt sách NGUYỄN NHẬT ÁNH - HOÀNG TỬ BÉ TRONG THẾ GIỚI TUỔI THƠ tại Hội sách 2014 (ảnh: Cao Xuân Sơn)
Những ngày này, không buồn không vui không không có gì đọng lại trong đầu. Chiều thứ bảy, đi ăn đám cưới con trai người bạn. Gặp nhiều đồng nghiệp cũ. Trước đây, có thể tay bắt mặt mừng, khề khà vô tư. Nay đã khác. Góc nhìn về thời sự của mỗi người, tự nó đã góp phần phân hóa các mối quan hệ. Dù bạn bè nhưng suy nghĩ của mỗi người đã khác. Cẩn trọng hơn. E dè hơn. Chỉ là những xã giao vụn vặt. Vô thưởng vô phạt. Đưa mắt chào nhau nhưng trong lòng chắc gì đã thắm thiết tình. Mà cũng ngồi với nhau. Những câu chuyện nhạt như nước ốc. Đã từ lâu, y không muốn phải quan tâm đến những câu chuyện thời sự nữa. Nghe nói, có trang thông tin mạng nọ ròng rã cả tháng nay “đánh” tờ báo nọ dữ dội lắm, y cũng không buồn đọc. Đọc những thông tin hắc ám, rồi bực, rồi cau có thì làm sao có thể vui trong ngày? Nhìn cuộc đời nhẹ nhàng, thanh thản cũng không dễ.
Đành vậy. Biết làm sao?
Trong hồi ký của Sơn Nam, ông cho biết dưới thời Ngô Đình Diệm để tránh né tình hình chính trị, ông túc trực trong thư viện viết biên khảo Tìm hiểu đất Hậu Giang. Sau này, một loạt sách biên khảo khác nữa, có phải ông viết trong tâm thế đó không? Lúc đó, nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết kiểu khác, tất nhiên có tác dụng ngay lập tức với quần chúng, khích thích lòng yêu nước, kêu gọi xuống đường v.v… nhưng nay mấy ai nhớ? Thời gian cứ thế lừng lững đi qua và nghiến nát cả thẩy chúng sinh. Thôi thì, mỗi ngày còn có niềm vui thong dong, tự hài lòng với chính mình là được. Chẳng tham vọng cao xa gì hơn. Ngày hôm qua, đọc ngấu nghiến tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam. Bạn bè tặng sách, chẳng lẽ không viết giới thiệu đôi dòng? Khuya lại đọc bản thảo sắp in của một đồng nghiệp. Sáng nay viết lá thư trao đổi. Anh em chơi với nhau, chỗ thân tình, chịu khó vì bạn một chút. Nghĩ rằng, thư trao đổi về chuyện văn chương cũng chẳng gì cá nhân mà phải giấu giếm:
“Thư gửi anh,
Quốc đã đọc xong tập sách mới của anh. Đọc kỹ. Ngoài một vai tiểu tiết về lỗi chính tả, không nhắc lại. Nhìn chung, đây là một tập sách hay, đọc lôi cuốn. Xây dựng được tính cách nhân vật. Các nhân vật có xương cốt, dễ nhận diện. Ngôn ngữ của nhân vật OK lắm, điều này trong tập sách trước anh đã phát huy. Đó là thế mạnh của nhà văn bụi đời, nhiều la cà, lượm nhặt, ghi chép và sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, Q mạnh dạn trao đổi với anh như sau:
1. Hạn chế, hoặc thay đổi những từ chửi tục, dù chỉ là “dm” hoặc “cc”… Không cần thiết, vì sách viết cho thiếu nhi nên khó chấp nhận. Dù câu nói đó làm rõ tính cách nhân vật nhưng cũng có cách viết khác. Cái này thì anh thừa biết rồi. Bên cạnh đó, có cách nào cho nhân vật hạn chế hút thuốc lá không? Kể cả việc nhắc đến tên các loại thuốc lá đó. Đừng quên, các bậc phụ huynh rất dị ứng với những chi tiết trên. Viết cho người lớn thì sao cũng được nhưng viết thiếu nhi lại khác. Đôi khi nhà văn cũng tự “ràng buộc” mình, dù muốn dù không thì yếu tố giáo dục vẫn cần. Mà trong này nhiều đoạn rất rõ yếu tố giáo dục của tác giả, chẳng hạn chuyện “sửa lưng” lũ học trò khi gọi con đào, thằng kép v.v…
À, khi xem Tin Tin - một mẫu mực truyện tranh kinh điển thì không bao giờ có nhân vật nào nói tục và cảnh bạo lực.
OK anh nhé.
2. Phải suy nghĩ rằng, đây là truyện viết cho thiếu nhi của thập niên 60 thế kỷ XX tại Sài Gòn, do đó, bạn đọc thế hệ này chưa chắc đã cảm thông và chia sẻ. Trong khi đó, N.N.A cũng viết thiếu nhi nhưng anh lại chọn những tình tiết phổ biến mà ai ai cũng từng trải qua, nhờ đó, dễ tạo sự cảm thông. Hơn nữa, là nhà thơ nên trong văn N.N.A nhiều miêu tả và câu cú cứ như thơ, trau chuốt… Trong khi đó, anh có thế mạnh là chi tiết, ngôn ngữ của đời thường - cụ thể là thời anh đã sống và trình bày lại qua qua nhân vật anh. Đừng quên, cách sử dụng từ ngữ ấy đã trở nên xa lạ với nhiều người, chứ huống gì trẻ em hiện nay.
Vậy thì tập sách của anh nên như thế nào?
3. Mạo muội nghĩ rằng, anh đã đi đúng hướng (không rõ chủ đích hay tình cờ) mà hướng đi đúng nhằm giúp tác phẩm có giá trị lâu dài: Thông qua câu chuyện của những đứa trẻ ở Sài Gòn năm tháng đó, tác giả đã khắc họa lại một Sài Gòn thời trước.
Điều này rất quan trọng.
Theo Q biết, hầu như chưa nhà văn VN nào chạm tới điều này. Viết về SG bất quá cũng dăm ba cảm nghĩ, tự sự, hoài niệm… Chưa có nhân vật trẻ em Sài Gòn quan sát về Sài Gòn. Cảm hứng này chắc chắn người lớn đọc sẽ thích, rất thích. Đây cũng là thế mạnh của anh. Bằng chứng, các chi tiết về chiếu phim thùng, đẩy xe dưới chân cầu kiếm tiền, ảo thuật sơn đông mãi võ v.v… anh viết sống động, nhiều chi tiết rất đắt giá (chẳng hạn, vụ thằng Ti khám phá ra màn ảo thuật đổi người) hoặc cho nhân vật chui vào tủ thờ ngủ (hồi xưa Q cũng vậy thôi. Đọc rưng rưng muốn khóc) v.v…
Các chi tiết này nhiều, khiến tác phẩm vững vàng và có bề dày hơn.
4. Với tư cách người bạn, người đọc khó tính và ít nhiều đọc kỹ anh, đề nghị anh thu hồi lại bản thảo, không vội in và anh viết bổ sung thêm nữa các đoạn về sinh hoạt đời thường của người Sài Gòn. Nhiều hơn nữa. Anh viết đoạn 6 cực kỳ hoặc trẻ con lúc xem phim trong rạp v.v… Q rất thích những đoạn như:
“Tiệm nước của chú Quẩy thường mở cửa từ năm giờ sáng nhưng bây giờ đã hơn 9 giờ mà tiệm vẫn còn đông khách ngồi “dẩm chà” (1), uống cà phê, ăn hủ tiếu. Quán nằm ở ngã tư, nhìn sang khu hành chánh quận 6, một bên nhìn sang nhà thờ Tin Lành của người Hoa, dưới chân dốc cầu Chợ lớn (2), thuộc khu thị tứ, lại ngon nên lúc nào cũng đông khách. Quán có chừng 10 cái bàn tròn. Giữa bàn là một bình trà với mấy cái ly nhỏ nằm úp trên dĩa để cho thực khách có thể thoải mái uống trà trong khi chờ đợi món ăn. Án ngữ phía trước quán là một quày nấu hủ tiếu, mì đang bốc hơi nghi ngút. Chú Quẩy, là chủ quán, kiêm luôn việc đứng nấu hủ tiếu, mì. Nghe người ta nói chú Quẩy chỉ là người tiếp tục công việc bán quán của người cha để lại. Khi ba của chú, từ Quảng đông sang đã mở một cái quán nhỏ tại đây- một khu vực hoang vắng, ít người qua lại. Dù cho thời gian trôi qua, mặc cho khu phố nầy ngày càng phát triển, sầm uất, nhiều nhà lầu mọc lên thì cái tiệm nước Hải Ký mì gia cũng y như vậy. Nhiều người là thân chủ ruột của chú Quẩy cho biết là chú đã có mấy căn nhà cho thuê bên Chợ Lớn nhưng chú nhất quyết không bỏ tiệm nước này và cũng không thèm xây dựng cho nó thật to và bề thế như những tiệm nước khác. Dù trải qua bao nhiêu năm tháng cái quán nầy vẫn vậy về hình thức cũng như hương vị đặc biệt của nó cũng không thay đổi, chỉ có tấm bảng hiệu ngày càng mờ đi vì bụi bặm, khói bám nhện giăng. Vợ chồng chú thì ngày càng già đi nhưng chú vẫn đứng nấu bếp, vợ chú bán cà phê y như ngày xưa. Đứa con gái thì phụ việc bếp núc và rửa chén. Còn thằng con trai thì chú Quẩy đang truyền tay nghề lại bằng cách bắt làm ‘phổ ky’. (3) ‘Hầy à, cái quán lầy trước sau gì ló cũng làm chủ. Muốn làm chủ ‘hảo lớ’ thì phải biết cách phục vụ khách chớ…’ Chú thường nói như vậy với người quen bằng ngôn ngữ nửa tàu, nửa Việt" v.v… và v.v.. Viết kỹ như vậy, đọc thích và nó còn hơn mấy đoạn tạp bút, hoài niệm hiện nay viết về Sài Gòn nhiều lắm.
Hấp dẫn của tập sách này, chính là những chi tiết đời thường này.
Dù theo dõi tình tiết của nhân vật nhưng người đọc vẫn có dịp biết thêm về sinh hoạt của người Sài Gòn ngày trước. Mà anh là người có thế mạnh này. Thiết nghĩ, anh nên “gài” thêm nhiều hơn:
Chẳng hạn, sao không cho nhân vật đi mượn truyện thuê lấy cớ nói về cách thuê truyện thời đó như thế nào? Khi nhân vật vào rạp chiếu phim, sao không nói đến chuyện vẽ phông màn to đùng trước rạp hát, vẽ bằng màu nước (hồi nhỏ, Q ở ĐN nghe đồn là tay họa sĩ đó bị câm, phải không anh?), rồi các tờ “prồ - gam” tóm tắt cốt truyện?; sao không có đoạn “tám” về các nghệ sĩ cải lương, đóng phim thời đó (mà chắc chắn các đứa trẻ ít nhiều có nghe lóm)? chuyện đánh máy chữ sao không gài cho chúng nói đem đơn đến chỗ đánh thuê, lấy cớ để miêu tả thêm hoạt động này (mà nay đã mất)…
Những chi tiết này không làm ngắt mạch truyện đâu, anh đừng lo vì nó sẽ tái hiện lại Sài Gòn rõ nét hơn. Anh đọc “Vạch một chân trời” của Sơn Nam chưa? “Lão” chuyên “gài” chuyện xưa tích cũ vào đó khiến bạn đọc có hai cảm hứng: Câu chuyện đang diễn ra; và kiến thức của “lão” khi đề cập đến tình tiết, địa danh nào đó v.v… Về Sài Gòn, nếu anh chọn hướng đi đó là đúng hướng. Thiết nghĩ, anh vẫn còn nhiều vốn sống, lần này, “gài” thêm nữa đi anh.
Anh thừa sức để miêu tả rõ nét hơn nữa, cái nhà thơ Tin Lành đầu câu chuyện, cái trường lũ trẻ học; chiếc xe đạp của bọn học trò; truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông, Lâm Sanh Xuân Nương thời đó in giấy thế nào anh? Hình như xếp chữ chì? Sao không lấy cớ miêu tả thêm? Đi xem hát hạng “cá kèo” sao không miêu tả hình tượng hơn mà chỉ 1 dòng chú thích là không đủ vì từ này rất Sài Gòn v.v...
À, anh xem lại chuyện tiền có hợp lý chưa? Q không rành, nhưng ngờ ngợ, thử so sánh, tiền uống nước, tiền đẩy xe, tiền thuê viết đơn, tiền mua thịt heo v.v… thì những con số đó có hợp lý không? Cái này Q không dám quả quyết lắm.
Đoạn kết, 48, kết thúc như vậy là khéo lắm, hợp lý. Dấu lặng này OK lắm anh, vì dư âm còn mãi.
Đại khái mấy góp ý chân tình.
Đừng ngại phải bổ sung thêm. Nếu giữ nguyên đem in thì chẳng sao, nhưng uổng đi, thử suy ngẫm thêm.
Chúc vui anh nhé.
Tình thân,
Q”.
Email gửi đi, sáng nay hai anh em trò chuyện khá lâu qua điện thoại. Nếu không có gì thay đổi tác phẩm của anh sẽ phát hành vào dịp 1.6 năm nay. Hãy chờ xem. Đọc đoạn trên thấy chính xác. Thường ngày, y vẫn ăn mì ở góc Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, hỏi ra chủ người Hoa đã theo nghề từ mấy chục năm rồi, trước giải phóng đã có. Đời cha truyền lại đời con. Cứ thế, nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Họ không bỏ nghề. Lại nhớ, hồi mới về nhà này đã gặp lão bán bánh tiêu, bánh quẩy... bao nhiêu năm rồi, lão vẫn thế. Khi bạn có sách mới, tự nhiên vui. Sẽ viết đôi dòng nói đầu cho tập sách này. Đố ai biết quyển gì không? Rồi tập sách Sài Gòn mùa trứng rụng của Chị Đẹp nữa. Đêm qua đã xem qua bìa rồi. Còn chỉnh sửa một chút. Cũng là họa sĩ vẽ bìa của Ve vãn Sài Gòn.
Sáng chủ nhật này, 13.4.2014 từ 9 giờ đến 11g tại Tiệm sách Kính Vạn Hoa (hẻm 173 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1), y sẽ gặp gỡ và tặng chữ ký cho bạn đọc nhân dịp ra mắt hai tập sách mới: ĐỜI, THẾ MÀ VUI và KHI TỔ ẤM NHẢY LAMBADA. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng sẽ có mặt trong buổi gặp gỡ thân mật này nhân tập sách NGUYỄN NHẬT ÁNH - HOÀNG TỬ BÉ TRONG THẾ GIỚI TUỔI THƠ của y vừa được NXB Kim Đồng tái bản.
Chiều rồi. Đi hớt tóc nhé?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|