Lưng chừng rượu đỏ đáy ly - chiều ngày 1.4.2-14 (ảnh: L.P.T)
Mấy hôm nay xao nhãng chuyện Nhật ký. Một phần do nản bởi không có thời gian mổ xẻ “ra ngô ra khoai” những gì đã nghĩ. Viết hời hợt, loáng thoáng, né tránh thì viết làm gì? Chiều qua đã làm một việc phi thường, chỉ mới 15 giờ chiều, sau khi viết xong bài vở cho cơ quan đã dũng cảm tắt máy vi tính. Xuống phố. Đi một mạch đến quán cà phê ngay tại trung tâm Sài Gòn. Và rượu đỏ. Cảm giác yên lành. Nhẹ nhàng. Không thèm nghĩ đến những gì đã nghĩ.
Nhìn xuống đường phố, nàng bảo, đã lâu em có xem bộ phim Nửa đêm ở Paris. Có thể tóm tắt, anh chàng nhà văn tỉnh lẻ nọ một ngày kia đến Paris. Trong đêm khuya, anh đi lạc và tình cờ lạc vào quán cà phê, quái, từ khung cảnh bài trí đến cách ăn mặc dường như của thế kỷ trước. Ở đó, anh đã gặp những văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất, gặp cả văn hào Ernest Miller Hemingway (1899 - 1961). Mừng quá, anh đến làm quen, rụt rè thổ lộ mình đang tập viết văn. Đôi bên tương đắc. Bia bọt lai rai. “Dân chơi không sợ mưa rơi” vì nhờ có men nên anh ta dạn dĩ van nài: “Ông có thể đọc giúp và nhận xét tác phẩm của tôi được không?”. Nhà văn sốt sắng: “Sao lại không? Đem bản thảo đến, tôi sẽ đọc”. Vâng lời, anh chàng vội vàng trở về nhà lấy bản thảo. Khổ thay, lúc quay lại, anh ta không thể tìm ra quán cà phê nọ. Trời đã rạng sáng.
Mấy này sau, anh chàng vẫn không ngừng bỏ ý định đi tìm quán cà phê đó. Những lần này, anh đem theo kè kè tập bản thảo. Rồi cuối cùng vận may cũng đến. Tìm được quán cà phê, gặp lại cố nhân, anh sung sướng trình bày câu chuyện khuya nọ, nào ngờ Hemingway thốt lên: “Anh là ai? Tôi không biết. Hơn nữa, tôi chỉ đọc tác phẩm của tôi chứ không đọc của ai khác”. Câu chuyện này tất nhiên đạo diễn bịa ra, vì lúc bối cảnh trong phim cho biết thời điểm đó Hemingway đã mất.
Nghĩ gì về chuyện này?
Trước đây, tạp chí Văn số 41 (1.IX,1965) có thực hiện số báo đặc biệt về Hemingway. Còn nhớ câu của Hemingway: “Khi tôi ngừng viết, nguồn văn của tôi khô cạn, nhưng rồi nó lại tiếp tục tràn đầy. Thật chẳng khác gì việc trai gái làm tình với nhau. Trong lúc đó, không cái gì có thể xẩy ra, không cái gì có thể có nghĩa lý gì, cho tới khi làm việc trở lại ngày hôm sau. Chính cái sự chời đợi cho tới ngày hôm sau mới là việc khó khăn nhất đó”. Ghi thêm câu này nữa: “Đối với một nhà văn chân chính, mỗi tác phẩm phải là một sự khởi đầu mới mẻ, nhờ đó họ lại cố công đạt tới được một cái gì không thể nào vươn tới được. Họ phải thử làm một cái gì chưa có ai làm bao giờ, thản hoặc đã có những người thử làm mà đã không thành. Và chỉ có một đôi lần, nếu gặp rất nhiều may mắn, nhà văn đó mới có thể thành công”. Đây là một đoạn trong diễn văn nhận giải văn học Nobel do Hemingway đọc tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 25.10.1954.
Chiều hôm qua đã trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo ANTG. Câu hỏi, đại khái, “để lại cho anh những tín hiệu gì vui hay buồn” khi có những tác phẩm như (…) rất xoàng nhưng cũng bán được vài chục ngàn bản? Trả lời thế nào? Chẳng muốn có nhận xét nào, đành trả lời chung chung: “Có những tập sách bán chạy nhưng thú thật đó là lần đầu tiên tôi biết đến tên tác giả đó. Tất nhiên tôi cũng tìm đọc họ nhưng do không “hợp tạng” nên tôi không thể đọc nổi. Điều này cũng bình thường bởi độc giả chỉ đọc những gì họ quan tâm. Theo chủ quan của tôi, chỉ có vài nhà văn hiện nay có sách bán chạy là do tự thân của tác phẩm đó, còn lại không ít do các động tác P.R.
Thật lạ, có những tập sách của nhiều nhà văn tên tuổi viết rất hay, sâu sắc nhưng số lượng in chỉ vài ngàn bản, trong khi đó, một tác giả mới toanh lại in vài chục ngàn bản mà đọc xong chẳng đọc lại trong đầu mình một ấn tượng nào. Thế nhưng, các bạn trẻ vẫn chen chúc xếp hàng mua và xin chữ ký tác giả. Trả lời câu hỏi này như thế nào? Do tác giả viết đúng suy nghĩ của lớp người cùng thế hệ nên nhận được sự tán thành? Do tác động của người khác nên họ tò mò “đọc cho biết” chứ không hẳn vì yêu thích tác phẩm đó? Do sự P.R từ các trang mạng xã hội để tạo ra một hiệu ứng nhất định? Tôi nhận thấy điều này cũng bình thường.
Văn chương kỳ lạ lắm, nó chỉ có thể tồn tại tự thân chứ không thể bẳng bất kỳ một sự can thiệp nào. Nếu có, hiện tượng đó cũng nhanh chóng trôi vào quên lãng. Rồi thời gian, vị quan toà phán xử nghiêm khắc nhất sẽ xác định lại lần nữa”.
Vừa trả lời xong, buổi tối, nhà văn N điện thoại, tình cờ cũng trao đổi chuyện này, chị nói gay gắt hơn nhiều và cho biết những tập sách đó khi đọc bản thảo, vì chất lượng kém nên chị không thể đầu tư in ấn. Nào ngờ, có những quyển sách văn học mình đọc thấy kém cỏi nhưng vẫn tạo ra cơn sốt! Tạo ra cơn sốt này, y tin ở chất lượng chỉ có thể là Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư và những nhà văn đã thành danh. Vừa qua, có những tác giả mới toanh mà sách bán chạy như tôm tươi, y đọc nhưng thất vọng quá. Lang thang trên facebook, thấy nhà văn Trần Nhã Thụy có câu status: “"Không phải cái gì kẹp vào giữa hai cái bìa thì cũng được gọi là sách". Sáng nay trên đường đi ăn phở thoáng nghĩ, có người lâu nay uống cà phê giả, chỉ là bắp rang, cơm cháy rang khô, bỏ thêm hóa chất nhưng uống riết thấy ngon. Rồi đến khi uống cà phê thật lại chê dở. Thì có gì đáng trách không? Bởi đó là lựa chọn của họ và họ hài lòng kia mà? Nàng cãi: “Chẳng phải đâu anh, phải trách nhà sản xuất chứ?”. Nghe nàng bảo thế, y chẳng dám thốt lên lời nào nữa bèn đánh trống lãng qua chuyện khác. Và câu chuyện này khép lại thôi. Chẳng quan tâm nữa.
Vụ ASIAS mấy hôm nay vẫn râm ran trên mặt báo. Đã có ý kiến, “không khả thi, không tổ chức”. Ông trời hay thật, dù con người giàu nghèo, xuất thân thế nào cũng có hạnh phúc như nhau. Ngồi ăn búp-phê, một suất ăn hơn một triệu đồng ở nhà hàng sang trọng nhất Sài Gòn thì khác gì kẻ ngồi lề đường ăn hộp cơm chỉ mười ngàn? Chẳng khác gì, cả hai đều hạnh phúc như nhau nếu đều thấy ngon miệng, no dạ, hài lòng với bữa ăn của mình. Không những thế, ông trời còn cho mỗi người có cơ hội đáng nhớ nhất. Vấn đề đặt ra là trước cơ hội đó, con người ta hơn nhau ở chỗ có dám thực hiện hay không? Lịch sử đã tạo cho hội cho Trần Thủ Độ trở nên bất tử với câu nói: “Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo”, dù đương thời và đời sau có phán xét gì về ông thì cũng không hể quên được câu nói khí khái, sáng ngời lòng yêu nước ấy. Mọi sự so sánh đều khập khiểng nhưng trong lúc ngẫu hứng bèn bông phèng nghĩ rằng, biết đâu lịch sử cũng đang tạo cơ hội cho ai đó thôi. Thật không? Thì đây, chỉ một câu trả lời, một quyết định dứt khoát “nên hay không tổ chức ASIAS?” là cũng có thể lưu danh hoặc xú danh trong lúc này.
Chiều rồi, tự nhiên lại nhớ nhà văn Mai Văn Tạo. Thế hệ này ít ai biết chăng? Ông cùng thế hệ với Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Sơn Nam, Đinh Quang Nhã… Nhớ vì có thời cà kê với ông thuở mới vào nghề. Có lần ngồi uống cà phê gần nhà ông, đường Hai bà Trưng, ông cao hứng đọc mấy câu ca dao:
Chị kia bới tóc đuôi gà
Nắm tay chị lại hỏi nhà chị đâu ?
Nhà tôi ở dưới đám dâu
Ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua
Ngó qua bụi bắp trổ cờ
Đám dưa trổ nụ đám cà trổ bông
“Q nghĩ thế nào?”. Không để cho y trả lời, ông Tạo nói luôn, giọng lắp bắp, nhát gừng theo thói quen: “Nguyên văn của nó là “Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu”. Ban đầu, tôi cũng nghe hát “Nắm đuôi”. Nhưng khi đưa vào sách, tôi cảm thấy nắm đuôi sỗ sàng quá, hỗn quá. Tôi chữa lại “nắm tay” cho câu hát dịu dàng hơn, lễ độ hơn. Ngày xưa, trước những năm Bốn mươi, các cô gái làng quê bới tóc, cô nào muốn làm dáng, thêm duyên, chừa một tí tóc ló ra khỏi búi tóc. Trông giống cái đuôi gà. Thế là đẹp đấy. Tôi nghĩ anh chàng nào tán gái, mà lại xấn xổ nắm tóc, còn có nghĩa là nắm đầu. Nắm đầu là khi đánh nhau, hoặc hạ nhục. Đàng này ve gái kia mà...
Bài hát hay mà ngộ nghĩnh. Ẩn dụ sâu xa về nhân cách người con gái đoan trang và tư cách một anh chàng hơi cà chớn. Chưa biết nhà người đẹp, có thể mới gặp lần đầu, đã vội vàng “hỏi nhà chị đâu?”. Cách hỏi rất ba gai - nắm tóc người ta mà hỏi! Người con gái đàng hoàng tất nhiên không ai chỉ chỗ ở của mình cho con người như vậy. Không trả lời không tiện, nặng lời càng bất lợi hơn. Chứ đối với anh chàng cà lơ kia đáng mắng, đáng tát tai và tặng hai chữ “cút đi”. Cô gái điềm nhiên chỉ chỗ ở nhà mình. Cái hay là chỉ mà không chỉ. Không làm cho anh chàng thô tục kia mất mặt. Biết đâu hắn chẳng nổi khùng. Cô gái khôn khéo chọn thái độ trung dung, nửa thật nửa đùa. Chỉ nẽo loanh quanh như đố...”.
Ngẫm ra, lời bình của nhà văn Mai Văn Tạo thật chính xác! Tuy nhiên, khi ông sửa "nắm đuôi chị lại" thành "nắm tay chị lại" thì câu thơ đã nhẹ đi nhiều lắm. Thời buổi này, có ai còn rảnh rang thời gian đọc thơ, đọc ca dao chậm rãi và suy ngẫm gì về từng chữ, từng câu không? Chẳng rõ nữa. Với y, mọi sự viết gì cũng mục đích kiếm sống. Chỉ có thơ mới là nơi gửi gắm nhiều tâm sự nhất. Nhưng rồi, có ai đọc không? Thoáng nhớ đến câu thơ của Phạm Hầu mệnh yểu:
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|