LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.3.2014

 

anh-Bich-Ngan-R

Sách mới của Lê Minh Quốc (Ảnh: Bích Ngân)

 

Nhiều thông tin choáng váng. Ấy là vụ nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun đã tung ra một thông tin chấn động: “Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã hối lộ cho một vài lãnh đạo ngành đường sắt VN hơn 700.000 USD”. Chưa hết, báo chí trong nước cho biết trang tin Japan Daily Press (Nhật Bản) ngày 26.3. 2014 đưa tin: “Cảnh sát Tokyo đã tạm giữ một nữ tiếp viên Vietnam Airlines vì tình nghi cô này buôn lậu đồ ăn cắp, đồng thời đã khám xét văn phòng của hãng hàng không Vietnam Airlines tại Tokyo”.

Đã thế, lại có tâm thư Việt Nam - Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan của cô gái Nhật nào đó đang phổ biến trên cộng động mạng. Trong thư có đoạn: “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Nhưng, thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày. Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; Người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy bird đã không phải chết yểu đau đớn; Người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; Người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa. Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng…mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?

Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi? 

Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt - Khó lắm! Thật vậy sao?”.

Có ý kiến phản biện, chẳng hạn nhà báo Nguyễn Thế Thịnh cho rằng: “Tôi nghi bạn là người Việt tự sướng mạo danh”. Thật ra, bản thân ai viết không quan trọng, điều cốt lõi vẫn chính là nội dung có nó. Đừng mất thời gian tìm hiểu ai viết, hãy dành thời gian suy nghĩ về câu hỏi mà bức thư đã nêu. Quái lạ, vụ Ván bài lật ngửa của nam diễn viên N.C.T thiên hạ bàn tán, bình luận sôi nổi trên các động động mạng, ai cũng tự cho mình cái quyền phán xét, chỉ trích, tung hô kẻ khác. Kệ họ. Đó là quyền tự do ngôn luận cá nhân. Y không quan tâm. Chỉ đáng tiếc là trước một vấn đề thiết thực, cần thiết như lá thư của cô gái Nhật lại không nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận, phản biện. Lạ nhỉ? Có lẽ đã đến lúc, cần có nhiều hơn nữa các cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu về thói xấu của người Việt. Có đau đớn nhìn nhận, tủi nhục dắn vặt mới có thể bắt đầu tự chấn chỉnh và thay đổi. Bằng không, nếu cứ tự vỗ về, tự mơn trớn, tự mũ ni che tai, tự bịt tai nhắm mắt, tự bằng lòng, tự sướng với những gì đang có hoặc tưởng tượng đang có thì còn lâu chúng ta mới trưởng thành. Những ngày này, y nghĩ nhiều về chuyện máy bay MH 370 mất tích.

Còn có sự thất vọng nào khủng khiếp hơn, nếu vào phút chót của sự mỏi mòn chờ đợi, con người ta phải đối đầu với một sự thật mà họ không hề dám nghĩ đến?

“Thuở đợi chờ ôi thời gian rét lắm” (Huy Cận). Trong đời, ai lại không từng sống trong cảm giác ấy? Lo lắng. Bồn chồn. Rạo rực. Có lẽ, chỉ khi đợi chờ tình nhân bước đến, lúc ấy, trong trái tim mới nghe được nhịp gõ hân hoan từng phút, từng giây; và thậm chí còn chờ mong giây phút ấy trôi qua thật chậm. Thật chậm đặng có thể gặm nhấm cảm giác sung sướng, hồi hộp ấy như chàng thi sĩ Hồ Dzếnh thốt lên nhẹ nhàng: “Tôi khẽ nói: Gớm, sao mà nhớ thế?”. Nỗi nhớ cũng làm thăng hoa đời sống này. Thuở nhỏ, ai lại không từng trải qua khoảnh khắc thời gian hạnh phúc cùa lúc ngóng mẹ đi chợ về? Mẹ về là có quà, là tiếng cười reo tíu tít, rộn rã trong nhà.

Còn người đi xa, thông thường, lúc quy cố hương, cảm giác của họ là mong thời gian trôi thật nhanh để mau chóng được gặp lại tình cảm ấm áp nhất. Trong lúc đó, người ở nhà cũng mong ngóng, trông chờ và trong đầu đã hiện lên biết bao hình ảnh, bao câu nói thương yêu dành cho họ. Nếu người ấy lại không về? Chỉ thoáng nghĩ đến điều hắc ám ấy lập tức từ trong lông ngực đã nhói đau, tưởng chừng nghẹt thở.

Trong thế giới phẳng có những nỗi lo âu của sự chờ đợi, tưởng rằng của ai khác nhưng tự sâu thẳm tâm hồn mình cũng như đang sống với cảm giác ấy. Những ngày qua, cộng đồng đã quan tâm, lo lắng đến số phận của những con người trên chuyến bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines. Chuyến bay này đã rơi vào một phương trời vô định nào? Cả thế giới thấp thỏm, bàn tán, ngong ngóng thông tin trên các phương tiện truyền thông. Một phần, do chưa ai có thể trả lời câu hỏi tò mò, tại sao lại có thể xẩy ra cớ sự đáng buồn đó; nhưng cái chính vẫn là từ tấm lòng nhân văn khi nghĩ đến số phận của hàng trăm con người đang rơi vào cõi vô định, không còn có cơ hội sống sót.

Thân nhân của họ đã sống trong cảm giác âu lo tột cùng, họ luôn nguyện cầu đến một phép lạ thần kỳ có thể đưa người thân quay trở về, chứ không dám nghĩ, dù chỉ trong thoáng chốc một điều tệ hại nhất có thể xẩy ra. Có lẽ điều đớn đau, trông ngóng tột cùng nhất trên đời vẫn là lúc người mẹ canh khuya thao thức đợi chờ con, vợ chồng đợi nhau, con chờ bố mẹ. Đường bay đang bất trắc, sao giờ này người của mình chưa về, có thể gặp tai nạn gì trên con đường tăm tối kia chăng? Và làm sao có thể chống chọi lại tai ương đè ập xuống đầu? Chỉ nghĩ đến đó, tiếng thở dài đã sườn sượt một nỗi niềm bi thảm. Những thân nhân của chuyến bay định mệnh bị mất tích bí mật cũng đã trải qua những ngày tháng khốc liệt ấy.

Khủng khiếp nhất của sự chờ đợi là lúc giây phút phải đón nhận thông tin xấu nhất, thông tin mà trong đầu họ dù có thoáng đến cũng cố gắng xua đuổi, không dám nghĩ có thật trong đời. Vậy mà, điều đó đã đến. Đến giờ phút này, số phận của chiếc may bay bí ẩn kia đã có kết luận cuối cùng. Không bàn cãi, không tranh luận nhằm trả lời câu hỏi tại sao, họ nuốt ngược nước mắt vào lòng; hoặc trào ngược ra khỏi mí để gào lên những tiếng kêu thương và chấp nhận điều bi thảm nhất đã là xẩy ra. Một sự thật mà những ngày qua họ nguyện cầu sẽ không dành cho người thân của mình. Nhưng rồi, cả một bầu trời tăm tối đã ập xuống  ngay trước mắt. Cảm giác mất mát của bất cứ ai cũng buồn thảm, cũng nặng như đá tảng đè nặng trong tâm trí lẫn thể xác tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi.

Lúc ấy, những lời động viên, an ủi, chia sẻ của người xung quanh cần thiết vô cùng cũng tựa như hớp nước trong lành cho kẻ chết khát trên sa mạc. Thế rồi, nghĩ cho cùng, từ suối nguồn sẻ chia ấy, tự mỗi người phải đứng dậy, biết chấp nhận và gượng dậy bước tới. Biết chấp nhận điều bi thảm nhất đang gánh chịu cũng là một bản lĩnh, một thái độ sống. Không ai có thể sống nổi nếu cứ triền miên trong nỗi đớn đau ấy. Người thân của mình đã mất, đã không về thì liệu sự thương tiếc có thể cứu rỗi được không? Do không thể cứu rỗi nên phải biết chấp nhận và bắt đầu cho một hành trình mới. Một trang đời lại mở ra. Ý nghĩa của cuộc sinh tồn chính là ở chỗ hướng tâm trí này, cõi lòng này về phía ngày mai. Ngày mai còn biết bao nhiêu điều mới lạ, kỳ diệu đang chờ đón.

Nhà văn Cổ Long (1937-1985) tác giả nổi tiếng nhất của trường phái Kiếm hiệp tân phái đã viết hàng triệu con chữ, đã “ra tay” cho hàng ngàn  nhân vật phải chết trong cuộc giang hồ gió tanh mưa máu mà cuối cùng ông tự nhủ: “Bất kể buồn bã đau xót sâu xa tới đâu, ngày dài tháng rộng sẽ làm phai đi, làm quên đi. Quên lãng vốn là bản năng mà nhân loại nhờ vào đó để sinh tồn”. Vâng, tin như thế không phải lạc quan tếu mà chính là liều thuốc thần kỳ nhất thúc giục, nâng đỡ những số phận bất hạnh tiếp tục cuộc sinh tồn.

Biết lãng quên đi nỗi đau, bắt đầu một trang đời mới là có thể cảm nhận được sự hiện hữu của người đã mất vẫn còn đâu đó trong cuộc đời này…

Viết như thế, y cũng tự nhủ như thế.

Từng ngày lại trôi đi. Chiều nay, có cuộc hẹn lai rai thơ mộng. Đôi lúc, lại muốn ra Hội sách một chút nhưng nghĩ đến cả một từng người lại ngại. Ấy là y tự “kiềm hãm sự sung sướng” bởi lẽ, đi lang thang trong Hội sách, cắm cúi lựa chọn, lật quyển này, cầm quyển kia, xem cái bìa sách nọ… cũng là một lạc thú. Đôi khi quyển sách đó đã có nhưng lần này thấy cái bìa khác, cũng mua. Quyển này đọc rồi, nhưng tiện tay lại cầm lên, đọc loáng thoáng đôi dòng… Đi giữa một rừng sách luôn đem lại cảm giác bình yên và bỗng thấy thời gian trôi qua thật nhanh.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment