Thông tin này thú vị, vừa đọc trên TNO:
“Cách đây 175 năm trước, từ "OK" ra đời, xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ báo Mỹ. Đến nay, OK được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới. Vào ngày 23.3.1839, từ OK xuất hiện lần đầu tiên trên trang 2 tờ báo The Boston Morning Post, một trong những tờ báo hàng đầu lúc bấy giờ của Mỹ, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 23.3.
Giáo sư Allen Walker Read, đại học Columbia (Mỹ), chính là người nghiên cứu và phát hiện ra từ OK lần đầu tiên được sử dụng trên báo The Boston Morning Post. Ông Read qua đời vào năm 2002 sau khi dành cả đời mình nghiên cứu lịch sử hình thành từ OK. “Tôi nghĩ mọi người nên ăn mừng ngày sinh nhật từ OK bằng những bài diễn văn và những buổi diễu hành chẳng hạn”, ông Allan Metcalf, giáo sư tiếng Anh ở bang Illinois (Mỹ) đề nghị. Ông Metcalf có viết một quyển sách xuất bản hồi năm 2001 với tựa đề OK: The Improbable Story of America's Greatest Word (tạm dịch OK: Câu chuyện không chắc có thực về một từ vĩ đại nhất nước Mỹ). Trong quyển sách này, ông Metcalf cho rằng OK là “từ được nói thông dụng nhất trên toàn thế giới”.
Theo định nghĩa của từ điển Oxford, OK là đồng ý, chấp thuận, tán thành... Từ điển Oxford cho rằng từ OK xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 ở Mỹ là từ viết tắt của "orl korrect", một cụm từ hài hước của "all correct". Theo từ điển Oxford, từ OK trở nên nổi tiếng khi nó trở thành khẩu hiệu OK trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ứng cử viên Van Buren vào năm 1840. Ông Buren, vị Tổng thống thứ 8 của nước Mỹ, lúc đó có biệt danh Old Kinderhook, viết tắt OK, với Old nghĩa là già và Kinderhook là nơi sinh của ông Buren, cũng theo từ điển Oxford”.
Có nhiều từ mới, hiện đang sử dụng nhưng có lẽ ít ai biết rõ gốc gác, ra đời từ lúc nào. Chẳng hạn, “bà tám” có thể hiểu ám chỉ những người đàn bàn rảnh việc, ngôi lê đôi mách, rỗi hơi bàn chuyện thiên hạ. Dần dà, chỉ còn “tám”, bỏ béng đi từ “bà” cho gọn. Trước đây, từng nghe “buồn ơi, bỏ qua đi tám”; chương trình “Gia đình bác Tám”… Đã lâu lắm rồi, dường như đọc trên tạp chí Đối Diện thì phải, đăng bài thơ nọ có câu:
Mì tôm anh Tốm Quảng Nôm
Đi mô đói bụng vô lồm một tô
“Tôm” là biến âm của “tám”. Sao lại chọn “tám” mà không là con số khác? “Nõn nường” ai cũng biết rồi. Tại sao lại:
Ba mươi sáu cái nõn nường
Cái để đầu giường,cái để đầu tay?
Osin nghĩa người giúp việc nhà, chắc chắc ra đời từ bộ phim truyền hình cùng tên. Lại nữa “chip hôi”, “chanh cốm” rồi “chảnh”, “trà xanh chém gió” v.v… Những từ này ra đời từ lúc nào? Không rõ nhưng chắc chắn phải từ những người trẻ. Từ cổ tiếng Việt, có những từ nay đã mất. Đọc văn bản thời trước, có những từ không dễ dàng giải thích chút nào. Có thể tìm đọc quyển Từ điển từ Việt cổ (NXB VHTT - 2001) của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện; Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam (NXB VHTT- 2011) của Nguyễn Thạch Giang. Thêm quyển này cũng cần thiết, Tiếng lóng Việt Nam (NXB KHXH - 2001) của Nguyễn Văn Khang. Hiện nay, có ai chịu khó biên soạn quyển sách giải thích cái từ mới xuất hiện không?
Trên báo TT gần đây có cuộc trao đổi nhỏ “ngọt sắt” hay “ngọt sắc”? Sách Giáo khoa viết: “Đặt lên lưỡi, cắn một miếng thì nước chan hòa, ngọt sắt, nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt”. (Tiếng Việt 4, tập hai, tr. 51). Đoạn này trích trong tác phẩm Thương nhớ mười hai, chương Tháng tư, mơ đi tắm suối Mường của nhà văn Vũ Bằng, người làm sách đặt tựa Trái vải tiến vua. GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - người chủ biên SGK Tiếng Việt 4 cho rằng:
“Nhà văn viết là “ngọt sắt”, chứ không phải “ngọt sắc”. Khi chọn đoạn văn vào SGK, chủ biên, tác giả và biên tập viên đã bàn thảo khá kỹ về từ này. Theo chúng tôi, nhà văn Vũ Bằng là người Bắc, do đó ông không thể lẫn “sắt” với “sắc” như người sử dụng phương ngữ Nam bộ… Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học không có các từ “ngọt sắc” và “ngọt sắt”. Nhưng đặt trong văn cảnh, có lẽ viết “ngọt sắt” (“sắt” có nghĩa là “sắt lại”) phù hợp hơn với cảm nhận “nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt”.
Có bạn đọc phản biện: “Tôi không biết là GS lấy từ "sắt lại" ở đâu ra? Riêng từ "ngọt sắc", có thể tham khảo tại đây:
1) Wiki: http://vi.wiktionary.org/wiki/ng%E1%BB%8Dt_s%E1%BA%AFc
Định nghĩa: "ngọt sắc" là "Ngọt đến khê cổ".
2) SOHA tra từ/ Định nghĩa: "ngọt sắc" là "(Khẩu ngữ) rất ngọt, có thể gây khé cổ (thường nói về độ ngọt của đường)". Ví dụ: bát chè ngọt sắc. Có thể tìm Google với từ "Ngọt sắc" để thấy là nó đã được sử dụng rất lâu rồi”.
Ai cũng có lý. Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết chưa thuyết phục lắm khi viết: “Giả sử có lỗi của nhà in thì Vũ Bằng cũng phải yêu cầu đính chính và khắc phục trong những lần in sau, bởi vì đây là cuốn sách tâm huyết mà ông “thành mến tặng” người vợ thân yêu ở Hà Nội “để thay lời ai điếu”. Bản in cũng có dăm ba bảy đường. Nhóm chủ biên sử dụng bản in năm 1999 của NXB Kim Đồng, lúc đó nhà văn đã mất từ năm 1984 thì làm sao ông có thể yêu cầu đính chính? Ta biết, Thương nhớ mười hai lần đầu in từng kỳ trên tạp chí Văn ở Sài Gòn, sau đó mới in thành sách. Để muốn biết rõ ràng Vũ Bằng viết “ngọt sắt” hay “ngọt sắc”, phải khảo sát từ bản in trên tạp chí Văn thì mới hợp lý. Và việc tuyển chọn vào SGK khi ấy tác giả đã qua đời thì làm sao có chuyện: "Khi chọn đoạn văn vào SGK, chủ biên, tác giả và biên tập viên đã bàn thảo khá kỹ về từ này"? Mà thôi, ấy chỉ là tiểu tiết. Quan sát trao đổi này, ngẫm nghĩ kỹ, y nghiêng về ý kiến của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: 1. Đoạn văn này, nhà văn Vũ Bằng không miêu tả cảm giác ngọt, ngọt như thế nào, mà cái ngọt ở đây đã “sắt lại”. 2. Với người miền Nam, nghe “sắt lại” lạ tai quá nhưng từ này thông dụng ở ngoài Bắc. Bằng chứng Việt Nam từ điển do Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo, Trung Bắc tân văn in năm 1931, có giải thích: “sắt”: quắt lại: “Đậu rán sắt lại không nở” (tr.486). Theo Vũ Bằng, cái ngọt ở đây đã “sắt”, đã quánh, đã quắt trong trái vải tiến vua. Như vậy là rõ ràng, không gì phải tranh cãi nữa.
Tối qua giao lưu ở Hội sách. Sáng nay, qua Phương Nam nhận sách biếu của hai tập sách mới: Khi tổ ấm nhảy Lambada và Đời, thế mà vui. Cầm tập sách mới đưa về từ nhà in, bao giờ y cũng lật ngữa quyển sách ra, úp mặt vào trang giấy mới và hít một hơi thật dài. Giấy mới, chữ mới đem lại một cảm giác sung sướng lạ kỳ. Sách của y đã phát hành. Lại những trang viết mới. Lại là Sisyphus hằng ngày đẩy hòn đá tảng khổng lồ lên đỉnh núi cao như trong thần thoại phương Tây. Chiều nay, Ban Tổ chức Hội sách mời tiệc chiêu đãi hội nghị xuất bản sách nhưng không đi. Đi vào hội sách. Lang thang cùng sách. Mênh mông là sách. Có cảm tưởng một quyển sách, hàng triệu quyển sách viết ra chẳng khác nào ném hạt muối xuống biển. Vẫn biết thế, dã tràng cứ việc se cát biển Đông. Điều này không quan trọng, miễn là tìm thấy niềm vui và hài lòng với công việc mỗi ngày. Ý nghĩa đích thực của đời sống là ở đó, nào phải tìm kiếm dâu xa...
Sách Khi tổ ấm nhảy Lambada & Đời, thế mà vui tại Hội sách 2014 - gian hàng sách Phương Nam. Ảnh: L.P.T
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|