LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.3.2014


Trong cuộc đời, có đôi lúc y nhìn thấy cuộc đời xám xịt. Bởi chỉ gặp một điều gì đó không hài lòng, lâp tức bao nhiêu hỉ nộ ái ố ùn ùn kéo tới, y  cảm thấy chán nản, buông một câu hằn học và cảm thấy đời đáng chán như thể chẳng còn cảm hứng để sống nữa. Con người ta vốn chẳng bao giờ tự hài lòng với những gì đang có, cứ nghĩ, mình là “cái rốn vũ trụ”, những việc làm của mình dù bé tí tẹo nhưng phải được xã hội biết đến, phải tuyên dương ầm ĩ. Nếu không, lại thấy cuộc đời sao bất công quá (?!). Đâu riêng gì ai. Nghĩ lại đi, ai lại không có lúc suy nghĩ nông cạn ấy? Trong tâm thế hẹp hòi ấy, đôi khi chính mình lại làm khổ mình. Rồi, có một lần, nhiều lần giữa đời thật này, chính y đã gặp những con người bình dị, làm công việc bình dị nhưng họ đã tác động làm thay đổi một nhận thức mà lâu nay y không nhìn ra. Lúc ấy, y tin chung quanh mình vẫn còn có niềm yêu đời, đốm sáng lương thiện từ những con người cần lao đã kiếm sống từ giọt mồ hôi trên vầng trán. Những con người tay làm hàm nhai. Những con người bỏ sức lao động để cầm lấy đồng tiền nát nhầu bụi bặm nhân sinh. Những con người ấy mới chính là biểu tượng làm nên sức sống trường tồn của dân tộc này. Lúc ấy, y “ngộ” ra rằng, số phận của mình còn may mắn, sung sướng hơn nhiều người, sao lâu nay lại không nhận ra để yêu quý năm tháng đáng sống?

Ấy là suy nghĩ của nhiều năm trước khi cùng VTV 9 lên trại phong Bến Sắn làm bộ phim về thi sĩ Đơn Phương. Nay anh đã khuất núi. Rồi gần đây, y lại cùng đồng nghiệp báo PN đi thăm bệnh nhân tâm thần, trẻ thiểu não, người già bại liệt… Nhìn các nữ hộ lý, y, bác sĩ công tác nơi này, y gọi “những cô tiên không phép màu”. Công việc lặng thầm của họ khiến y xác tín trên đời vẫn còn có nhiều người tốt. Những đức hy sinh lặng lẽ vẫn còn. Nếu ngày 20.9.1940 vào trại phong Quy Hòa, không được gặp seur Juetta, không được gặp những con người thánh thiện như Đức Mẹ làm sao Hàn Mặc Tử đủ cảm hứng ca ngợi Thánh nữ động trinh Maria mà từng câu thơ sáng ngời như sao ngọc:

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,

Thơ trong trắng như một khối băng tâm

Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu;

Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,

Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,

Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,

Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ.

Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ

Nguồn thiêng liêng yêu chuộng MẸ SẦU BI.

Trong đời ai cũng có Mẹ Sầu Bi của riêng mình. Nhà văn Võ Phi Hùng, trước ngày mất anh bảo: “Có những điều oái ăm của số phận ta đành phải chấp nhận”. Anh là đứa trẻ mồ côi, mờ mắt chào đời trong cô nhi viện, sống cù bơ cù bất, viết văn kiếm sống và luôn ý thức đi tìm mẹ. Cuối cùng, anh không toại nguyện. Thế thì, những ai còn có mẹ, biết được mẹ của mình đã là điều hạnh phúc lớn lao trong đời. Quả thật, trôi theo dòng chảy đời sống, y chưa thấy ai thương y bằng mẹ của y. Bà cụ không một lời thở than, than van gì dù y chẳng gương mẫu gì. Có những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, y mải mê trôi theo hương hoa phấn son phù phiếm. Nhắm mắt đắm đuối rượu men nồng nàn. Quên cả đường đi lối về. Vậy mà, sáng ngày mai, y vác xác về nhà, bà cụ cũng không một nặng nhẹ một lời, chỉ âu yếm hỏi: “Trưa, con ăn cơm không mẹ nấu?”. Nghe cứ nhẹ nhàng như không. Y thừa biết rằng, đêm qua bà cụ không hề chợp mắt, cứ ngong ngóng, lo lắng, hồi hộp không rõ vì sao y không về… Lúc gặp con, lạ thay bao nhiêu phiền muộn ấy tan biến hết. Bà mẹ nào cũng thương con đến vậy. Lòng yêu thương ấy chỉ từ sự thôi thúc của trái tim, chứ không có một điều kiện nào.

Có gì sánh được với tình mẹ con? Tình chồng nghĩa vợ chăng? Cũng có thể lắm nhưng y chưa nhiều trải nghiệm để có thể thấu hiểu điều này. Nghĩ cho cùng, sự gặp gỡ của những con người trên trái đất này, nói gọn lại, chỉ là duyên nợ. Có duyên nợ chỉ diễn ra trong một giai đoạn. Rồi chia lìa, cắt đứt. Có duyên nợ gắn kết đời đời kiếp kiếp, chỉ có thể tình mẹ con, tình cha con. Y thích đọc sách của học giả Vương Hồng Sển còn có một lý do nữa. Ấy là trong các tập sách, trước khi vào sách bao giờ cụ cũng có những dòng ứa nước mắt. Chẳng hạn, ngay trang đầu tiên Thú chơi sách, cụ viết:

“Con kính dâng quyển sách nhỏ lên hương hồn mẹ, từ trần năm Quý Sữu (1913). Công ơn mẹ sanh thành, dưỡng dục: con chưa đền bồi; Ơn mẹ dạy con biết thương cuốn sách từ tuổi chưa biết gì: con chưa báo đáp”.

Rồi, trước đó, trong tập Sài Gòn năm xưa còn có dòng chữ cụ viết ngày 26.5.1960:

“Tập biên khảo thường đàm nầy để tưởng niệm những phút êm đềm đã qua:
Năm 1919, Ba đưa con lên Sài Gòn vô trường lớn.
Con bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu.
Năm 1927, Ba lên thăm, con mua bánh Catinat, lòng mừng dâng Ba món lạ. Ba không dùng, hỏi con: "chữ Hiếu" sao có đắt tiền?
Năm nay 1960, đầu con bạc mà túi vẫn nhẹ; muốn mua bánh, Ba không lên: xe giằn, đường xa, hai con đò Cái Vồn và Mỹ Thuận vẫn có tiếng không lịch sự đối với hành khách "bát thập lão ông" như Ba vậy!
Những ký ức bấy lâu, con viết gởi về:
"Vương Trạch Nhựt, cháu hãy đọc lớn cho Nội nghe".

Hỡi ôi, những gì y đã viết có ai đọc cho mẹ y nghe không? Bà cụ ngày xưa có học bình dân học vụ, nay đã quên hết chữ. Những gì y viết, mẹ y chẳng thể đọc. Với cụ Sển, lúc mất, cụ có nguyện vọng: “Xác chở về Sốc Trăng, chôn dưới chân cha sanh mẹ đẻ”. Vừa rồi, có người lên tòa soạn PN tìm gặp y và báo tin nhà thơ Kiên Giang đang bệnh nặng. Lúc ấy, sực nhớ nhà thơ Kiên Giang có bài thơ Ngủ bên chân mẹ thật cảm động. Bài thơ này in trên KTNN khoảng những năm 1990, ít người còn nhớ:

Tết này con ngủ bên chân mẹ

Một cổ thụ già bên gốc khô

Con ngỡ trở về thời bú mớm

Nghe bên thềm vẳng tiếng ầu ơ

 

Nhìn mẹ ốm gầy dáng khẳng khiu

Lòng con chua xót biết bao nhiêu

Suốt đêm nước mắt trào bên gối

Bếp khói khuya buồn cũng hắt hiu


Hết Tết con về nơi chợ búa

Bỏ thân cổ thụ giữa mùa đông

Biết con mấy Tết, bao mùa bấc

Còn ngủ bên chân mẹ nữa không?

Câu hỏi nghe nhói lòng. Y lại khác. Mỗi ngày, y vẫn ở chung với mẹ. Mà cả hai mẹ con chẳng trò chuyện gì. Thỉnh thoảng chỉ dăm ba câu. Rồi ai làm việc nấy. Những lúc anh em y từ quê vào, thỉnh thoảng nằm dưới chân mẹ trò chuyện rôm rã. Còn y, chẳng bao giờ. Cả một ngày, một đời phiêu bồng đâu đó trên mây như y đã tự thú:

Ta đi tìm thuốc trên trời

Mẹ ngồi bệt đất hát lời ru ta

 

Ầu ơ! Cá bống, cháo hoa

Ngọn rau, mắm muối, dưa cà... nhà quê

 

Con đường bến Lú cõi Mê

Đi trong vô vọng nẻo về đã quên

 

May còn sót lại hương sen

Từ trong giấc ngủ đêm đêm dỗ dành

 

Ta đi tìm sự vô danh

Chỉ gặp ngọn cỏ níu xanh nấm mồ

 

Cúi xuống nhặt được câu thơ

Chỉ là ngọn gió hư vô nhạt phèo

 

Mẹ ngồi thềm cũ sẫm rêu

Sao ta ngoảnh mặt đi theo tuyệt mù?

(Tuyệt mù)

Hỏi là trong một chốc lát nào đó y cảm thấy áy náy, ngoảnh lại tự hỏi chính mình. Rồi lại quên béng ngay đó thôi. Lại lầm lũi dấn thân vào bến Lú. Lại lao theo cõi Mê. Cuối đời, xòe hai bàn tay sẽ thấy gì ngoài mây trắng thong dong đi qua một kiếp đời. Có phải vậy không?

Mấy hôm nay, công việc cũng nhì nhằng thế. Chẳng có gì hay ho cả. Đọc trên các trang mạng xã hội, gặp nhiều thông tin trái chiều về trường hợp N.C.T - diễn viên chính của bộ phim Ván lật ngửa.Sao không đưa vào Nhật ký?”. Một người bạn hỏi, y chẳng trả lời gì. Chỉ nhớ lại tích xưa. Đại khái, có cung phi nọ khi bệnh, nhan sắc đã xấu, đã xuống cấp trầm trọng, nhà vua muốn vào thăm nhưng nàng từ khước. Nàng không muốn ngài nhìn thấy một chân dung đã tàn tạ, héo úa vì sẽ thất vọng não nề. Nàng bèn cắt tóc, cho người đem dâng vua, nhìn mớ tóc ấy và tưởng tượng nàng vẫn đẹp như xưa. Vậy là đủ. Từ tích này, Đoàn Phú Tứ có câu thơ:

Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Tâm thế của cung phi ấy, đúng là “dân chơi thứ thiệt”. Còn trường hợp trên, nghe ra bẽ bàng, trơ trẽn, thất vọng quá. Vì thế, mấy hôm nay y không đưa vào Nhật ký. Không bàn cãi gì với các đồng nghiệp khi anh em bàn đến chuyện này. Mà thật ra, cũng có nhiều sự kiện khác trong ngày y cũng tránh né. Đơn giản, không muốn từ tâm hồn đến trí não phải vướng bận, nghĩ ngợi về những điều quá khốn nạn. Mệt óc.Tránh né những thông tin xấu ấy, dù ảo tưởng vì đã sống thì không thề đứng ra ngoài các sự kiện xã hội, vẫn biết thế nhưng ít ra cũng giữ được sự nhẹ nhàng cho chính mình.

Sáng chủ nhật này, xuống phố. Huýt sáo. Rượu đỏ. Trước lúc đi, ngắm lại bức tranh mới nhất của Chị Đẹp. Vẽ cũng hay quá ta?

 

1554487_10201576183873136_1208564496_n

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment