LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.3.2014

THO-21.3

 

Y chán y ghê gớm. Những lúc nhậu nhẹt say quắc cần câu, mềm như sợi bún, nói năng ba xí ba tú, phát ngôn nhăng cuội, oang oang đầu cua tai nheo, bán trời không mời thiên lôi thì như rằng, ngày hôm sau y lại tự dằn vặt lấy y. Rồi, y tự kỷ luật chính y bằng cách buộc ngồi vào bàn viết. Viết cái gì đó. Đã thế, cả ngày không cho nói. Buộc câm miệng cho bõ ghét. Lúc ấy, y thành khẩn. Y xỉ vả. Y ăn năn. Y hối lỗi. Y nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc để thành người tốt. Ấy mà, qua ngày hôm sau, dù chưa tỉnh rượu, chỉ cần nghe một cú điện thoại, một tin nhắn là y lại hăm hở lên đường. “Ngựa phi ngựa phi đường xa / Tiến trên đường cát trắng trắng xóa..”. Tệ thật.

Mấy hôm nay, chẳng rượu chè gì. Chỉ rượu đỏ lai rai. Cảm hứng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, y cũng chán y luôn. Chán bởi một ngày trôi qua nhanh quá. Chẳng kịp làm gì đã một ngày bay vèo. Vì thế, những ngày này, luôn gài điện thoại báo thức. Dậy đúng vào lúc 6 giờ sáng. Không chệch một giây.  Không chìu chuộng. Không thỏa hiệp.Không ngủ nướng nữa. Lâu nay, y dễ dãi với y quá. Phải chỉnh đốn lại. Dạy sớm tập thể dục. Và lướt web nhì nhằng. Sáng nay, dậy sớm, nghe chim hót véo von. Tiếng chuông chùa thanh tịnh vọng sang. Với tay lấy tập thơ và đọc. Tập Thơ ca (NXB Quân đội nhân dân - 1980) của nhà thơ Thanh Tịnh. Một phát hiện nho nhỏ. Lâu này trên báo chí, các cơ quan truyền thông đều mặc nhiên thừa nhận:

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

là câu nói của Cụ Hồ. Người này viết, người kia chép lại và lâu dần cứ nghĩ Cụ Hồ là tác giả. Viết, nói, nghĩ như thế là sai lè lè. Bằng chứng trong Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, Cụ Hồ phát biểu: “Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong"

Bài này, lần đầu in trên báo Nhân dân số 4722 ra ngày 14.3.1967, có thể kiểm chứng tại trang 1359, Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị Quốc gia - 2002). Rõ ràng, Cụ Hồ không khẳng định mình là tác giả. Vậy mà đương thời, thời sau cứ gán cho Cụ. Vậy tác giả là ai? Xin thưa, của nhà thơ Thanh Tịnh. Trong tập Thơ ca, trang 51 có in bài thơ Dân no thì lính cũng no, nguyên văn như sau:

Trông lên thì thấy đầy sao

Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Thóc thuế mà có dân đong

Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi

Đêm nằm nghĩ lại mà coi

Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên?


Nhân dân là bậc mẹ hiền

Cơm gạo áo tiền thì mẹ đã lo

Dân no thì lính cũng no

Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công

(1951)

Sự việc rất rõ ràng. Chẳng gì phải bàn cãi thêm nữa. Nghe kể, Thanh Tịnh là người sống chí tình. Khi Thanh Tịnh bước vào trường văn trận bút, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã quá nổi tiếng và có nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích. Thế nhưng, đối với các cây bút mới, tác giả Lá ngọc cành vàng đều có thái độ nâng đỡ tận tình, vì thế ai cũng quý mến. Trong số đó, có nhà văn Thanh Tịnh. Dù chưa có điều kiện “trả nghĩa” nhà văn đi trước từng dìu dắt mình trên đường văn nghiệp, Thanh Tịnh áy náy lắm. Nhưng lần nọ ông cũng có dịp “đỡ” cho Nguyễn Công Hoan. Ông “đỡ” như thế nào? “Đó là lần tôi cùng các anh Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông... đỡ chiếc quan tài đưa nhà văn Nguyễn Công Hoan về nơi an nghỉ cuối cùng”.

Nghe cảm động quá.

Sáng nay, vẫn công việc của mỗi ngày. Đang đi nghe điện thoại của anh em bán sách cũ. Thường có sách gì hay, họ lại gọi y đến mua. Thường là y chẳng mua gì, đơn giản, y không phải là người chơi sách cũ. Không việc gì phãi bỏ ra số tiền lớn để mua. Chỉ mua những gì cần thiết thôi. Mà những cú điện thoại như thế, y rất khoái. Dù không mua nhưng cũng có dịp tận mắt nhìn ngắm, tận tay sờ mó những sách, báo chí cũ. Chà, lần này lại là loại y rất ghét. Đó là thơ. Hầu như tuần nào, tháng nào y cũng nhận được thơ của anh em, bạn bè gửi tặng. Nay lại thơ nữa. Ngao ngán quá. Các tập thơ mỏng dính nhưng xếp lên kệ, kệ sách của y đã dài hàng chục mét… thơ! Vậy mua làm gì nữa? Chẳng lẽ, người ta có lòng gọi điện thoại báo tin mà chẳng mua gì sao? Thôi thì bấm bụng mà mua vài tập thơ cũ vậy. Trưa, cơm nước xong lật tập Hà Nội thơ do Chi hội văn nghệ Hà Nội in năm 1968 đọc lai rai. Nhận xét, hầu hết các bài thơ đều gắn với yếu tố chính trị, thời sự thuở ấy. Đọc lại thấy ít có bóng dáng Hà Nội, chỉ là sự biểu lộ quyết tâm “đánh Mỹ cứu nước” - mà tài năng lừng lẫy như Xuân Diệu cũng viết (tr.160):

Sao chúng nó bỗng tới đây gào rú

Đem cái điên rồi từ Mỹ đến trợn mắt phồng mang

Miệng chảy dãi ra, nhe nhọn cái nang vàng

Con mụ hóa dại Huê KỲ thổi phù phù phun ra cái chết

Máy bay chúng rạch lên trời tinh khiết

Lấy quyền chi bay đến, cái lũ quạ diều kia?

Đập dập đầu mi xuống, vặt trụi cánh mày đi

(Thủ đô, trời chiến thắng)

Chưa kiểm tra lại, Tuyển tập Xuân Diệu có tuyển lại bài này không? Rồi Yên Thao, nổi tiếng với bài thơ Nhà tôi thời kháng Pháp, có những câu như:

Anh rót cho khéo nhé!

Không lại nhầm nhà tôi

Nhà tôi ở cuối thôn Đoài

Có giàn thiên lý, có người tôi yêu

Trong tập thơ này, Yên Thao in bài thơ Vỡ đất,  có đoạn (tr.173):

Hội nghị Chi đoàn họp trước tiên

“Việc cần, việc khó có thanh niên"

- Máy cày không nổi ta dùng sức

Đem cánh tay này lật đất lên!

Đã thế:

Cái mạ đầu tiên chưa cắm xuống

Đã nghe vàng óng những nong đầy

Nghĩ gì về những câu thơ này? Phải chăng cũng phản ánh tâm thế của một thời đó chăng? Nói thật, y lại thích những đoạn thơ của tác giả có cái tên lạ hoắc: Từ Đông Quan. Tựa thơ giản dị “Hàng của ta” có những khổ thơ mộc mạc, đọc lại, ắt nhiều người Hà Nội sẽ bùi ngùi khôn xiết:

Có người xa quê hằng tơ tưởng chờ mong

Chợt bồi hồi châm điếu thuốc Thăng Long

Khi lửa xòe que diêm Thống Nhất

Nghe lửa quê hương sưởi ấm trong lòng


Chiếc lốp Sao Vàng xông pha đánh Mỹ

Quấn áo, chăn, giầy bộ đội hành quân

Ánh đèn pin đêm đêm dài chiến lũy

Chai bia Trúc Bạch dâng mát tình dân


Cây bút Hồng Hà chấm mực Cửu Long

Trên giấy Việt Trì ta viết bài thơ ca ngợi

Những mặt hàng

                                 Những mặt hàng rất mới

Như mỗi ngày thêm một chiến công

Sau ngày miền Nam giải phóng, thế hệ y cũng biết đến thuốc lá Thăng Long, hộp diêm Thống Nhất, lốp Sao Vàng, bút Hồng Hà, mực Cửu Long… Nói thật, chất lượng những thứ này thua xa do miền Nam sản xuất. Dễ nhìn ra nhất là loại giấy vở học trò. Một bên trắng tinh. Một bên đen xì. Có một điều lạ, trong hai mươi năm (1954 - 1975) hầu như các địa danh ngoài Bắc ít thay đổi. Bằng chứng, sau nhiều năm chia cắt đất nước, không thông tin liên lạc, sốt ruột quá, ba y viết lá thư gửi về quê nội. Gửi hú họa về làng, xã, tỉnh thành theo trí nhớ. Lạ chưa? Vài tháng sau, nhận được thư trả lời. Chà, vui mừng phải biết. Ba y cầm lá thư ấy đem khoe cả xóm. Ai cũng cầm lá thư, xem từ con tem đến bìa thư. Ngày đó, không rõ trong Nam có bia Trúc Bạch hay không? Y chưa uống bao giờ. Nay đọc những câu thơ mộc mạc, hiền lành này y có thể hình dung ra đời sống thường nhật của Hà Nội năm ấy. Còn những câu thơ “lên gân” thời sự, đọc lại chỉ buồn cười...

Chiều nay làm gì? À quên, ghi luôn vào Nhật ký đoạn này: “Thứ võ thuật mà Jessy đang dạy chính là KravMaga, đỉnh cao của kỹ thuật đối kháng xuất phát từ quân đội Do Thái. “Chỉ đánh nhanh, mạnh hết sức rồi… bỏ chạy các em nhé”, tôi nhớ mãi câu tiếng Việt và vẻ mặt ngộ nghĩnh của Jessy khi dạy học. KravMaga được đánh giá là môn dẫn đầu trong các môn võ tự vệ vì tính đơn giản và hiệu quả”. Chuyện gì vậy? Ấy là thế võ mà ông thầy dạy võ Jessy dạy cho các em gái vị thành niên tự bảo vệ mình khi bị kẻ xấu tấn công, quấy rối tình dục trong một tình huống đơn độc. “Chỉ đánh nhanh, mạnh hết sức rồi… bỏ chạy”. Điều này, trong kỹ năng sống có ai dạy cho trẻ em chúng ta không?

Chiều rồi. Mai đã là thứ bảy. Cuối tuần. Nhanh quá.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment