LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.3.2013

 

Ủa? lạ chưa, hiện nay còn có Ngày Quốc tế Hạnh phúc nữa à? Ngày 20.3 hằng năm. Chỉ mới bắt đầu có từ năm 2012. Lâu nay chẳng biết. Nhờ đọc báo nên biết rằng, Ngày Quốc tế Hạnh phúc lấy ý tưởng của Bhutan - một vương quốc nhỏ bé nằm sâu trong lục địa miền Đông Himalayas - vốn được đánh giá là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Mỗi ngày, lật trang báo khó có thể tìm được những thông tin khiến mình thật sự hạnh phúc. Bi quan quá không? Sáng nay, lại một vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, Q.5 (TP.HCM). Choáng váng. Trước đây đã xẩy ra một vụ tại Bệnh viện Q.7. Thế rồi có “rút kinh nghiệm” gì đâu. Quá nhiều vụ việc tồi tệ xẩy ra trong các lãnh vực, đã cho thấy rằng, không thể cứ đi giải quyết từng việc cụ thể mà phải có một chủ trương, một chính sách chung. Nếu không, sự tồi tệ vẫn còn tiếp diễn dài dài.

Vụ cầu sập ở Lai Châu thế nào rồi? Chỉ giải quyết cụ thể vụ này, ắt còn các vụ khác nữa. Vấn đề là phải có biện pháp thay đổi, chấn chỉnh chung chứ không thể làm theo kiểu là khi thấy mái nhà dột chỗ nào thì thay viên ngói nơi đó. Thay viên ngói này, còn viên ngói khác hư hỏng khác sờ sờ ra đó mà chẳng ai thèm quan tâm. Rồi cũng có lúc tái diễn. Hên xui thôi. Sống trong một xã hội mà sự cố xảy ra theo kiểu hên xui thì làm sao an tâm?

Mấy hôm nay, có thông tin sắp ra đời Ngày sách Việt Nam. Ngày 21.4 hằng năm. Quốc hội đang hoài nghi về kinh kinh phí 150 triệu USD để tổ chức ASIAD 18 sắp tới. Nếu cho một điều ước, y ước gì số tiền này đem xây dựng, thay thể cầu treo các loại trên toàn cõi Việt Nam thống nhất. Có như thế mới thật sự yêu quý, tôn trọng người nghèo. Nông thôn - đô thị ngày càng có một khoảng cách quá xa. Hồi mới giải phóng, còn thò lò mũi xanh đi học chính trị ở phường, nghe tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội mà mê quá. Mê nhất là điện khí hóa nông thôn. Mấy mươi năm rồi, muốn qua sông suối vẫn còn như thời hoang dã. Báo TT đưa tin vụ các cô giáo chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu; rồi những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao “đựng” cô giáo và kéo các cô bơi vượt qua suối. Kinh hoàng quá. Bịa chăng? Không, chuyện này xẩy ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên). May quá, nhờ báo chí một chiếc cầu đang xây dựng ở đây. Còn bao nhiêu nơi nữa cũng cần có chiếc cầu như vậy? Chẳng rõ có ai thống kê không? Hay khi nào xẩy ra sự cố, người ta mới lại có kế hoạch mới chăng?

Chiều qua, đi tham dự nhân khai trương một loại trà Thái Nguyên: Trà của mẹ. Cho đến nay, y vẫn nghĩ, quán này đã chiếm một vị trí đắc địa nhất Sài Gòn. Chiều, ngồi trên sân lầu 1 nhìn xuống đường phố Sài Gòn, góc Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa gió lồng lộng. Mê tơi. Gió ơi là gió. Nhìn xuống thấy thiên hạ đang nhốn nháo xe cộ, chen lấn từng bước tự nhiên y thấy hạnh phúc lạ thường. Ít ra, trong lúc mọi người phải tất bật, hối hả, vội vã thì y vẫn bình chân như vại. Uống rượu đỏ. Ngắm trời trăng mây nước. Và không nghĩ gì đến những chuyện cầu sập, cầu treo, trẻ con bị bắt cóc… nữa. Thì ra, tâm thế của y cũng nhỏ nhen, chật hẹp. Chán thế. Thôi, chẳng nghĩ nữa. Ngồi nghĩ bâng quơ như kẻ nhàn rỗi.

Y nghĩ gì?

Ngày nọ, một người du lịch đến bờ biển Địa Trung Hải. Biển xanh. Gió mát. Tâm hồn hưng phấn tột cùng, ông ta ưỡn ngực bảo đám ngư dân: “Hạnh phúc như tôi, khố rách áo ôm đừng hòng mơ tới. Chỉ tỷ phú, nhiều tiền mới có thể mỗi năm đến đây vài lần”. Một lão ngư dân cười khẩy: “Vậy à? Tôi chẳng có xu nào nhưng vẫn có mặt ở đây quanh năm suốt tháng”. Thì ra, không phải hễ ai có tiền nhiều thì hạnh phúc hơn người khác. Một tỷ phú ngủ trong resort VIP giá hàng ngàn USD, giấc ngủ đó cũng không khác gì gã ăn mày “buồn ngủ gặp manh chiếu rách”, miễn cả hai hài lòng và ngon giấc. Cùng quan tâm về vấn đề “tương lai con em chúng ta”, anh nhà văn nọ bạn y, dù nghèo kiết xác nhưng do có con học giỏi, nhận phần thưởng liên tù tì vẫn hạnh phúc hơn ông bạn doanh nhân nằm ngủ trên đống tiền nhưng con cái chữ nghĩa không đầy lá mít.

Đôi khi y nghĩ hạnh phúc là một điều gì xa vời, thật ra nó ở trong tầm tay mỗi người. Hạnh phúc của nhà tỷ phú lúc lâm bệnh, với ông ta lúc ấy không phải tiền, những đồng tiền chắt bóp từng ngày phải lao tâm khổ tứ trên thương trường. Mà trước mắt, hạnh phúc chính là điều mà lâu nay ông ít quan tâm đến: sức khỏe. Nếu đổi cuộc sống phú quý lấy sức khỏe, chắc chắn có người bằng lòng đánh đổi.

Nếu không cùng một tâm thế, chưa chắc người này cảm nhận được hạnh phúc người kia. Rằng, anh nhà thơ nghiệp dư nọ, ngày kia, nhờ “ mưa móc ơn trên” anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, ngay lập tức anh long trọng tổ chức cuộc rước thẻ hội viên từ thủ đô về nhà thờ tộc ở quê cha đất tổ trong niềm vinh quang kiêu hãnh tột cùng. Ấy là anh đang sống với giây phút hạnh phúc của kẻ sĩ ngày xưa “vinh quy bái tổ”. Trong khi đó, vợ anh lại thấy chướng mắt quá, nhưng muốn mắng cho một câu đặng hả lòng hả dạ, bởi cô chỉ muốn chồng đem tiền về chứ không cần hư danh ấy. Hư dnah này, thật ra thời buổi này đã khác. Đã thấy nhiều người viết văn không làm đơn xin vào hội nữa rồi. Có cái thẻ hội nhà văn mà vẫn sống bám váy vợ, vẻ vang gì.

Cùng là nhà thơ nhưng lúc có tác phẩm mới ấn hành, cảm nhận của họ cũng khác nhau. Với nọ người, nếu được quan chức, lãnh đạo chính trị khen vu vơ vài câu là nở mày nở mặt suốt cả đời; trong khi đó, trái lại nhà thơ Hải Bằng lại hạnh phúc là khi được… vợ khen thơ mình! Nghe kể, ngày nọ, sau khi ăn cơm xong ông mới nghiêm túc nói với vợ: “Miềng (mình) ơi! Anh Phùng Quán vừa tặng cho vợ mình hay câu thơ hay quá!”. Vợ trợn tròn mắt: “Thiệt à! Đọc cho miềng nghe đi!”. Chỉ chờ có thế, Hải Bằng đọc ngay: “Nếu biển hỏi vì sao tôi yêu biển/ Tôi xin đưa tặng biển những con thuyền”. Đợi cho vợ hết lời ngớt tấm tắc, xít xoa khen hay, Hải bằng mới ôn tồn: “Hihi! Không phải thơ của eng (anh) Quán đâu! Thơ của miềng đó!”. Bỗng vợ xị mặt, đáp gọn lỏn: “Thế à? Vậy thơ không hay!”. Khổ thế! Rõ ràng, bụt chùa nhà không thiêng! Nghe được lời khen của người yêu quý dành cho mình cũng là hạnh phúc đấy thôi. Đơn giản quá phải không?

Đúng thế. Có lần nhà thơ Cao Xuân Sơn, bạn y đùa tếu táo: “Thơ tôi biếu rất chạy” - âu cũng là hạnh phúc của rất, rất nhiều nhà thơ hiện nay vậy. Hỡi ôi! Tốn tiền in thơ, đem biếu còn có người nhận,  nhà thơ đó cảm thấy đã hạnh phúc ghê gớm. Sự trái khoáy này là bình thường bởi khi hài lòng với công việc của mình, tinh thần an vui cũng là yếu tố góp phần làm nên hạnh phúc mỗi người.

Thời trước khi nước nhà còn chia cắt, nhà văn Vũ Bằng tâm tình, hạnh phúc lớn nhất của ông trong thời điểm đó là trở về miền Bắc: “Xắn một miếng cá, chấm nước mắm ngon có vắt chanh, bỏ ớt, và quậy mấy cây tăm cà cuống nguyên chất tự tay mình lấy ở trong bọng cà cuống ra, ăn với cháo có hành cuộn lại, có rau cần điểm một ít thìa là ngọt cứ lừ đi, quỷ thần không hưởng thì thôi chớ đã hưởng một chén chắc chắn cũng phải đòi ăn chén nữa”. Tâm tình vào lúc ông đang đói ăn khát uống à? Không lúc đó, ông đang được chiêu đãi các món ngon vật lạ ở nhà hành Thanh Thế. Người bạn văn quý văn tài ông mà đãi, những tưởng rằng ông sẽ hạnh phúc vô cùng với những “thời trân” nhưng chưa chắc.

Quái, ngẫm nghĩ lại, đôi lúc cũng thấy buồn cười. Rằng, nhiều người cứ cho rằng phải thật nhiều tiền mới hạnh phúc nhưng chắc gì đã đúng? Tiền nhiều, “đông như quân Nguyên” nhưng ăn không ngon ngủ không yên, lo ngay ngáy kẻ cướp khoét vách đục tường liệu có hạnh phúc bằng những người sống trong tâm thế như Nguyễn Công Trứ: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”?

Giàu hoặc nghèo không phải là yếu tố làm nên hạnh phúc, mà chính là chất lượng sống của mỗi người. Chao ôi! Ông trời “công bằng” quá trời. Dù sinh ra dưới gầm trời, có khác nhau gì đi nữa về xuất thân, thu nhập cá nhân v.v… nhưng mỗi con người đều “bình đẳng” khi tận hưởng giá trị hạnh phúc, miễn là họ hài lòng với chất lượng sống, môi trường sống.

Chiều nay lại ngắm gió với rượu đỏ. Nói như đạo diễn Lê Hoàng trêu y: “Đã thế, còn ăn thêm chocolate đến gẫy răng”. Bịa. Làm gì có chuyện ấm ớ đó. Thử hỏi, y có hạnh phúc không? 

Dạ, thưa có.

 

tranh-tang-dong-nghiep-bao-PN

Lê Minh Quốc tặng tranh nhân sinh nhật đồng nghiệp báo Phụ Nữ TP.HCM


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment