LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.3.2014


Sáng nay, đến trường quay HTV 9 trên dường Nguyễn Tất Thành (Q.4). Đến vào lúc chương trình thứ nhất sắp quay xong. Trời nóng, bèn vào trong phòng thu có máy lạnh, tiện thể xem chương trình đang quay. Họ đang bàn về chuyện “Nét chữ nết người”. Có những ý kiến khác nhau. Lắng nghe và chợt nghĩ, khuyến khích học trò rèn chữ chắc chắn không có từ bây giờ mà trước đó đã lâu, từ thời còn học chữ Hán.

Do chữ Hán được cấu tạo theo sáu nguyên tắc gọi là "lục thư": Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh, Chuyển chú, Giả tá. Do đó, khi tập viết chữ cũng là lúc đứa trẻ suy ngẫm về ý nghĩa của từ mà nó đang tập viết. Chẳng hạn viết chữ “mẫu” (mẹ), đứa trẻ hình dung ra hình ảnh mẹ ngồi ở tư thế quỳ, trước mặt là hai bầu vú sữa, cho con bú. Vậy khi chăm chú rèn chữ, đứa trẻ càng hiểu sâu xa hơn từ “mẫu” và ngẫm nghĩ ý nghĩa của từ này: Ơn mẹ cho bú mớm. Với chữ Quốc ngữ thì không. Viết “mẹ” chỉ đơn thuần là "mẹ". Vì thế, bây giờ đặt ra chuyện rèn chữ đẹp không thể có ý nghĩa sâu xa như tập viết chữ Hán. Chỉ đơn giản là viết sao cho dễ đọc, rõ chữ. Điều này cũng tốt thôi. Thời nhỏ, đi học viết chữ cẩu thả, thầy chê: “Chữ xấu như gà bươi”. Ai trong đời không từng nghe câu âu yếm, yêu thương này?

Mà thật ra, với một đứa trẻ, chỉ cần viết chữ đẹp là chưa đủ, vì thế cũng không nhất thiết phải mất quá nhiều thời gian rèn chữ đẹp theo phong trào đang phổ biến. Trước đây, đọc bài báo nọ, có ông nọ bỏ thời gian cả đời để tập viết, gò từng chữ, tưng trang theo một quyển tự điển. Khi đối chiếu, khó có thể phân biệt đâu là trang tự điển viết tay và đâu là trang in! Cả đời mất thời gian để chỉ được khen khéo tay thì lợi ích gì? Lại nghĩ, có người cả đời sưu tập sách cũ, cắt các bài báo lưu trữ theo từng chủ đề, cất chật cả một nhà, liệu có ích gì khi các tài liệu đó không sử dụng cho cuộc sống hiện tại? Hôm 13.3.2014 tại nhà riêng, trả lời anh em VTV nhân họ làm bộ phim về cụ Vương Hồng Sển, y nhấn mạnh, cụ Sển không phải người chỉ biết chơi sách cũ, điều cần học tập là phải viết sử dụng sách cũ ấy như thế nào? À, cụ Sển cũng hóm ra phết. Cụ bảo, phải nói là “thú xem sách”, chứ đừng bao giờ nói “thú coi sách” hoặc “thú đọc sách” vì “mấy người nói lái, đọc lộn lại thì biết”.

Quan điểm của y, bất cứ vật chất nào chỉ có giá trị một khi nó phục vụ cho cuộc tiến hóa của xã hội hiện đại, bằng không chẳng có ý nghĩa gì. Hiện vật trong bảo tàng chỉ giá trị khi thúc đẩy niềm tin cho con người hướng về tương lai chứ không phải ăn mày vào quá khứ. Tự hào quá khứ, đúng rồi nhưng phải làm gì để thúc đẩy niềm tự hào đó trở thành trong hiện tại và tương lai mới là điều cốt lõi.

 

truong-quay-VTV-9

Lê Minh Quốc, Hà Anh, Lê Hoàng tại trường quay HTV 9 ngày 15.4.2014

 

Sáng nay, ghi hình ở HTV 9. MC Khương Ngọc, Mai Phương trao đổi với khách mời đạo diễn Lê Hoàng, người mẫu Hà Anh và y. Câu chuyện xoay quanh trong chuyên mục Đẹp, chưa đẹp; Tiêu điểm văn hóa; Nên, không nên. Nhìn chung cuộc thảo luận lý thú, đưa vào Nhật ký bởi những vần đề này đang diễn ra  và cộng đồng quan tâm, bàn tán.

Trao đổi trước nhất về một sự việc đẹp: “Học tiếng Anh, hiểu văn hóa Việt”: “Từ hai năm trở lại đây, trong các lớp tăng cường tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học tại TP.HCM, Giáo trình “I am proud to be a Vietnamese” - “Tôi tự hào là người Việt Nam” đã mang đến những tiết học hết sức lý thú và bổ ích cho các em học sinh. Điểm đặc biệt của bộ sách chính là việc các bài học tiếng Anh được lồng ghép cùng các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam một cách gần gũi và thực tế”. Bên cạnh đó, có sự viêc chưa đẹp: “Môn Lịch Sử bị bỏ rơi trong kỳ thi tốt nghiệp 2014”: "Một thay đổi quan trọng của Bộ Giáo Dục Đào tạo với kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm nay, khi học sinh chỉ phải thi 4 môn học, trong đó có 2 môn tự chọn, bên cạnh Toán và Ngữ Văn. Và khi quyền chủ động chọn môn thi thuộc về thí sinh thì đã nảy sinh một thực trạng đáng lo ngại khi môn Lịch sử gần như bị bỏ rơi. Hàng loạt trường chỉ có vài học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Sử, và thậm chí có trường con số này là 0%”.

Kế đó là những vấn đề khác, chẳng hạn, hai người Việt được vinh danh “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu”: “Năm nay, Việt Nam vinh dự có hai đại diện: Nguyễn Hoàng Long - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ý và Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa”. Trong khi đó, chưa đẹp“Khi hoa hậu lách qua cửa quy định”: “Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Diễm Hương ly hôn cùng chồng đã khiến dư luận hết sức bất ngờ. Điều đáng ngạc nhiên ở đây chính là việc cô đã kết hôn từ năm 2011, nhưng lại là đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2012, bất chấp quy định không cho phép các thí sinh đã kết hôn tham gia cuộc thi”.

Thêm một sự kiện đẹp : “Đưa gốc cây sưa ở sông Troóc vào bảo tàng”: “Một gốc cây sưa dài 2m, nặng gần 2 tấn được trục vớt ở sông Troóc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cuối tháng 2 vừa qua đã được UBND tỉnh chủ trương đưa vào trưng bày trong Viện bảo tàng tổng hợp tỉnh, thay vì dự định bán đấu giá sẽ thu được nguồn kinh phí không nhỏ, thì quyết định trên sẽ có tác dụng giúp người dân địa phương biết rõ về loại cây quý hiếm này và nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống”. Trong khi đó chưa đẹp“Dỡ gỗ sưa đình làng đem bán”: “ Vào đầu tháng 3 vừa qua, một sự việc gây bức xúc trong dân làng thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội khi các quan chức của làng đã cho người dỡ 4 tấm gỗ sưa trên mái đình đem bán. Với tổng trọng lượng hơn 120 ký, được bán với giá 10 triệu đồng/kg thì số tiền bán gỗ thu được hơn 1,2 tỷ đồng. Và câu trả lời của họ là số tiền này để dùng vào việc công như sửa sang đường làng, tu bổ và mua đất ruộng cho đình”. Kế đó là câu thảo luận về “Văn hóa đọc thời kỹ thuật số”. Và cuối cùng là nên hay không nên “Chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật?”.

Y và khách mời đã phát biểu thế nào? Chờ xem chương trình khi phát sóng vậy.

 

DSCN1106truong-quay-HTV

Lê Minh Quốc, Hà Anh, Lê Hoàng tại trường quay HTV 9 ngày 15.4.2014

 

Sáng nay cũng như mọi ngày, từ thông tin trên facebook mới biết tập sách Đàn bà liêu xiêu của Beo Hồng, Đỗ Ngọc, Hậu Khảo Cổ bị ách lại. Nếu muốn thuận buồm xuôi gió, phải bỏ đi một người. Sững sờ. Tập bản thảo này, y có đọc trước, chẳng chính trị chính em gì, chỉ “tám” về chuyện đàn bà.

Buồn cười với cái tin đọc trên TN sáng nay: “Nơi nào chụp hình 'tự sướng' nhiều nhất thế giới?”. Bài báo viết: “Theo kết quả khảo sát dựa trên số người sử dụng phần mềm chụp và chia sẻ ảnh miễn phí Instagram công bố trên tạp chí Time, Makati Pasig - hai thành phố thuộc Vùng thủ đô Manila của Philippines - đã cùng đoạt danh hiệu nơi có nhiều người chụp hình tự sướng nhất thế giới: trung bình cứ 100.000 người thì có 258 người “tự sướng”. Một thành phố khác của Philippines là Cebu cũng được xếp hạng 9 trong top 10, với tỷ lệ là 99/100.000 người. Những vùng đất mà dân chúng chăm chỉ chụp hình “tự sướng” khác có mặt trong top 10 gồm: hạng 2 - Manhattan, Mỹ: 202/100.000 người; hạng 3 - Miami, Mỹ: 155/100.000 người; hạng 4 - Amaheim và Santa Ana, Mỹ: 147/100.000 người, hạng 5 -  Petaling Jaya, Malaysia: 141/100.000 người; hạng 6 - Tel Aviv, Israel: 139/100.000 người; hạng 7 - Manchester, Anh: 114/100.000 người; hạng 8 - Milan, Ý: 108/100.000 người; hạng 10 - George Town, Malaysia: 95/100.000 người”.

Ủa? Không có Việt Nam à? Thật ra chúng ta đã “tự sướng” ngay từ trong tư duy, suy nghĩ của chính mình từng ngày, từng giờ rồi, cần quái gì phải chụp hình "tự sướng" khoe trên mạng nữa?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment