LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.3.2014

 

Số phận một quyển sách chẳng bao giờ mất đi. Dù số lượng in ít ỏi bao nhiêu, nhưng chắc chắn vẫn còn lưu lạc ở chân trời góc biển nào đó. Đến một lúc, nếu có duyên may, người ta sẽ tìm được. Tại sao tin vậy? Khi viết, nếu tác giả nghĩ đến lợi ích của cộng đồng thì hãy tin mai sau sách và người vẫn còn có duyên tri ngộ. Điều này bình thường, cũng tựa đóng cái ghế, cái bàn nếu toàn tâm toàn ý, người thợ nào lại không tin nó còn hữu dụng lâu dài. Nói như thế, bởi mấy ngày này sắp xếp lại kho sách, thấy còn lưu giữ những quyển sách đã ra đời cách đây gần trăm năm. Trăm năm là ngắn hay dài? Số lượng thời đó, in bao nhiêu? Ấy cũng là cái thú của người chơi sách cũ. Quyển Morale Pratique A L’usage des Élèves des Écoles de l’Indochine của ông giáo J.C.Bosco in tại Sài Gòn năm 1914 vẫn còn sờ sờ đây. Đọc lại một bài để xem văn phong, câu cú thuở ấy:

“Từ mẫu:

Con trẻ! Ở đời có ai thương con cho bằng mẹ. Tình mẹ lai láng như sông như biển. Vì con mà vong phế mọi việc; coi con như vàng như ngọc; lo từ bữa ăn giấc ngủ cho con. 

Khi bây bé thơ, dạy nói từ tiếng, tập đi từ bước. Bây có vang mình sức mây, chạy chơn khôn bén đất, quên ăn quên ngủ, ngày đêm chẳng rời con.

Ai săn sóc con bằng mẹ? Ngày nay mà bây còn thấy đất trời, cũng nhờ chưng có mẹ. 

Ớ các con! Hãy thương mẹ bây cho hết lòng và phải lo đền ơn: “thập ngoạt hoài thai, tam niên nhũ bộ” - nghĩa là “Mười tháng đai mang bây trong lòng, ba năm cho bú mớm (tr.10).

Bài học thuộc lòng này viết cách đây 100 năm rồi còn gì, thời nào cũng đúng. Chiều nắng nhạt, ngồi một mình, tiện tay vớ quyển sách, đọc bâng quơ vài câu cũng là một cái thú. Mấy hôm nay, lại đọc quyển Lao trung lãnh vận của ông Trần Văn Hương, ngoài bìa ghi “Nguyên giáo sư  Việt văn Trường Trung học Mỹ Tho”. Ông Hương là nhân vật của chính trường miền Nam, không nhắc lại nữa. Tập thơ này gần trăm bài thơ ông viết lúc ở tù, từ ngày 12.11.1960 đến ngày 7.4.1961. Ông bị Nha Cảnh sát và An ninh Quốc gia gọi lên thẩm vấn vì tình nghi có liên quan đến vụ đảo chính ngày 11.11.1960. Tập Việc từng ngày, Đoàn Thêm cho biết:

 

laotrunglanh-van

Lao trung lãnh vận - tập thơ của Trần Văn Hương

 

“Ngày 11.11.1960 (23 tháng 9 Canh Tý): Đêm qua, 1g30, tiếng súng nổ ở phía Sở Thú; tới 2 giờ, có tin đảo chính. Nhiều tràng liên thanh ở vài ngả khác, Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù, cùng một số sĩ quan, đem quân vây dinh Độc Lập và đòi T.T Ngô Đình Diệm rút lui. Dân chúng vẫn đi lại như thường, trừ ở khu gần dinh Độc Lập.

10 giờ sáng, T.T Ngô Đình Diệm đọc hiệu triệu phát thanh, gọi quân ở Mỹ Tho về. 

Buổi trưa, súng ngớt. Trên đài phát thanh , nghe tiếng B.S Phan Văn Đán hô hào quốc dân hưởng ứng Cách mạng.

Chiều, nghe Đại tướng Lê Văn Tỵ đọc nhật lệnh: T.T Ngô Đình Diệm trao quyền cho các tướng lãnh để lập chính phủ khác.

Một hội đồng Cách mạng kêu gọi dân chúng đi biểu tình vào sáng mai.

Có tin các Sư đoàn 7 ở Biên Hòa và Sư đoàn 21 ở Mỹ Tho đã bắt đầu kéo về giải vây dinh  Độc Lập” (Nam Chi tùng thư XB 1966 - tr.282).

Tài liệu sử “chính thống” là Việt Nam những sự kiện lịch sử 1945-1960 của Viện Sử học ghi nhận:

“Ngày 11.11.1960:

- Cuộc đảo chánh bùng nổ ở Sài Gòn do Phan Quang Đán, một người thân Mỹ cầm đầu.

- 5.000 công nhân và nhân dân Sài Gòn biểu tình “đả đảo chế độ Ngô Đình Diệm”, đòi thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc dân chủ, đòi đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam. Binh lính Diệm và bọn đảo chính xả súng bắn vào quần chúng biểu tình làm nhiều người chết và bị thương.

-Hàng vạn đồng bào các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo (Mỹ Tho) họp mít tinh, biểu tình phản đối chính sách “Khu trù mật”; “Luật phát xít 10.59” và đòi tống cổ cố vấn Mỹ ra khỏi miền Nam (NXB Giáo Dục -2003 - tr. 203 - 204).

Đọc lại hai nguồn tư liệu này, có thể rút ra suy nghĩ gì? Nhân đây, chép lại bài thơ Trần Văn Hương làm ngày 17.11.1960. Còn nhớ đọc hồi ký của Vũ Mộng Long (nhà văn Duyên Anh) đôi lần có nhắc đến và cười cợt bông phèng bởi hai câu “thực”:

Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn,

Chưa thấy chuyện gì, chuyện khó khăn.

Nằm khễnh sờ môi: râu tua tủa,

Ngồi rù gãi háng: dái lăn tăn.

Làm sang phe phẩy tay còn quạt,

Đi tắm trần truồng mổng thiếu chăn.

Ăn, ngủ, ỉa xong đầy đủ cả

Muốn mần chi nữa, biết mần răng?

Tập thơ này do tác giả xuất bản, có giấy phép hẳn hòi, in vào năm 1964. Đọc thơ của nhân vật chính trị còn có cái thú nữa, những ghi nhận của họ còn có thể phản ánh thời sự của thuở đó. Sau này, báo chí nhắc nhiều đến nhân vật Hà Minh Trí - người đã trực tiếp bắn Ngô Đình Diệm. Sự kiện này, Đoàn Thêm ghi: “22.2.1957: Khánh thành long trọng Hội chợ Buôn Ma Thuột. 8 g 30 T.T Ngô Đình Diệm tới gần đến khánh đài, bị một thanh niên bắn bằng tiểu liên Mas-49 dưới áo blouson. Nhưng đạn lại trúng B.T Cải cách Điền địa Đỗ Văn Công; ông Công bị thương nặng ở tay. Người bắn bị bắt ngay. Lễ khánh thành tiếp tục theo chương trình. Thanh niên bị bắt là Hà Minh Chí, tức Phạm Ngọc Phú, đã từng làm việc ở Ty Thông tin Tây Ninh” (S Đ D, tr.212). Trong khi đó, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1945 - 1960 của Viện Sử học hoàn toàn không ghi nhận sự kiện này.

Tại sao?

Thông tin của ông Đoàn Thêm nhầm Trí/ Chí. Điều này cũng bình thường. Đọc tập thơ Hãy nhớ lấy lời tôi (NXB Thanh Niên - 1968), tên gọi về Nguyễn Văn Trỗi lúc ấy cũng khác nhau: "Nguyễn văn Trôi/ Anh đã chết rồi/ Anh còn sống mãi/ Chết như sống, anh hùng vĩ đại” (Tố Hữu); “Hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi/ Mọc thành cờ khắp nơi” (Tế Hanh)… Đến nay, chưa một bài báo nào viết về Hà Minh Trí có nhắc đến chi tiết mà Trần Văn Hương đã kể lại trong Lao trung lãnh vận: “Bị giam vào ít lâu, thường lối 9, 10 giờ, có nghe tiếng hoặc ca hoặc hát văng vẳng từ xa đưa đến, giọng vô cùng buồn thảm, như hờn như oán, như khóc như than. Ban đầu cứ ngỡ là tiếng hát ca của mấy ông lính canh; mà sau nghe kỹ lại thì là tiếng ca hát do một xà lim cuối dãy đưa lại, mà người hát là một cậu nhỏ, lối hai mươi tuổi thôi. (Sau ngày biến cố 1.11.1963 mới biết cậu là Hà Minh Trí…)”. Vì cảm tiếng hát đó mà ông Hương thỉnh thoảng chia sẻ cho Trí đồ tiếp tế và ngày 10.12.1960 làm bài thơ như sau:

Từng chập luồn song giọng thiết tha,

Đưa niềm u uất khách phòng xa.

Nỉ non máu nghẹn lời yêu nước,

Tê tái sầu nung hận mất nhà.

Oán dậy ào ào: cây núi đổ,

Hờn tuôn cuồn cuộn: suối ngàn sa.

Lặng nghe não ruột người thông cảm

Đồng bịnh cùng thương lựa trẻ già.

Qua bài thơ này, có thể thấy thêm hình ảnh khác về một chính khách của miền Nam. Sau này, có những vấn đề của thế kỷ XX, thế hệ sau chắc chắn sẽ viết lại, trong đó, bộ môn lịch sử vẫn là thử thách lớn lao nhất. Mấy hôm nay rất thú vị với cuộc tranh luận xung quanh quyển Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945 của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Cuốn sách này in lại bộ tranh quý hiếm của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ thời vua Thành Thái -  năm 1902 bằng màu nước, bột màu ghi rõ chủ đề bằng tiếng Pháp bên ngoài: Grande tenue de la Cour d’Annam (Đại lễ phục của triều đình An Nam). Ông Sơn chỉ công bố bộ tranh và vào đó phần Quan phục và Mũ áo trích trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, chứ không phân tích gì thêm. Do đó, ngày ra mắt sách ở Thư viện Khoa học Xã hội, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng đứng cạnh, quay sang hỏi y: “Anh ơi, xem tranh trong sách nhưng em cũng không thể phân biệt các chi tiết áo, mão của vua mình với hoàng đế Trung Quốc. Khác thế nào hả anh?”. Y là dân tay mơ, làm sao có thể trả lời câu hỏi đó.

May quá gần đây có cuộc tranh luận giữa Trần Đình Sơn và Trần Quang Đức - tác giả tập sách quý Ngàn năm áo mũ. Tranh luận này có lợi cho học thuật, đôi bên đều có ý kiến xác đáng nhưng thật bất ngờ đọc một comment trên TNO: “Tiendoan (saigon) - 4 giờ trước: Phải công nhận Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn rất khiêm cung , nhã nhặn đối đáp từng ý , từng lời của đối phương mà không hề có ý xúc phạm hay miệt thị .. Đáng kính đáng kính. Đây mới là đức tính cần học”. Quái lạ, “đối phương” gì ở đây? Thời buổi này, con người ta cũng lạ, hễ tranh luận nhau là “đối phương” của nhau sao? Chẳng biết từ bao giờ hễ tranh luận với nhau một vấn đề gì, đôi bên cứ như ngồi trên lửa, dùng lời lẽ thiếu thiện cảm ném vào mặt nhau. Cuộc tranh luận này thì không. Đọc và thấy đôi bên cùng có lý lẽ riêng nhưng kết luận chắn thế nào phải là vai trò của Bộ và các cuộc hội thảo khác tầm cỡ quốc gia. Thế nhưng bốn phương phẳng lặng, chẳng thấy có thêm một động tĩnh gì. Đến nay đã có trên mười cuộc festval Huế ngốn biết bao tiền bạc nhưng lễ phục Việt Nam thời Nguyễn ra làm sao vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát.

Thật đáng tiếc cho sự bàng quan của các quan chức làm văn hóa.

Trong khi đó, thiên hạ chỉ chăm bẳm vào cái gọi trùng tu di tích mà có ra hồn gì đâu. Những ngày này, dư luận lại bất bình với cái bình phong hình con thú phản cảm trước Lăng Ngô Quyền, đã đập bỏ. Rồi vụ bán sưa nhà chùa cổ, làm biến dạng các công trình di sản văn hóa v.v… nhiều không kể xiết. Công bằng mà nói, bền bĩ báo động các sự khốn nạn ấy chính là báo TT, TN từ nhiều năm qua. Nhưng rồi, có thay đổi, chấn chỉnh tích cực nào đâu. Thế mới đau. Những ngày này, báo chí đưa tin nhiều về Hội sách 2014. Sáng mai thứ 7 (15.3.2014), y và đạo diễn Lê Hoàng, người mẫu Hà Anh cùng trao đổi về văn hóa đọc tại trường quay HTV 9. Y sẽ nói gì? Nói gì thì nói, cũng sẽ nói cái ý mà y đã từng diễn đạt bằng thơ: Người giữ thời gian cho mọi người:

“Nếu anh muốn trò chuyện với những người thành thật của các thế kỷ qua

Thì hãy đọc sách”

Nhà triết học Descarte đã từng khuyên như thế

Sáng hôm nay một mình anh ra bể

Thấy sóng bao la vạm vỡ tận chân trời

Ta có thể lấy điều gì so sánh?

Xin thưa anh: “Tri thức của loài người”


Sáng hôm nay một mình anh lên núi

Thấy ngàn năm mây trắng nõn nà phơi

Mây cuồn cuộn không gì sánh nổi?

Xin thưa anh: “Có kiến thức trên đời”


Nguồn Sống ấy nằm trong trang sách

Từ đời cha truyền lại đến đời con

Lưu giữ mãi một Tình Yêu trong sạch

Sách mở ra vô tận những tâm hồn


Trang sách chứa bao điều mới lạ

Những tinh khôn từ vạn cổ chí kim

Ai giữ sách để người sau được đọc

Để tri âm - tri kỷ biết nhau tìm?


Điều đơn giản mọi người cùng chia sẻ

Là những thủ thư trong thư viện hiền hòa

Họ yêu sách như duyên tình vạn kiếp

Suốt một đời duyên nợ chẳng lìa xa


Họ giản dị như mọi người giản dị

Nhưng có uy quyền là giữ được Thời Gian

Thời gian ấy nằm trong trang sách

Quyển sách hay sánh với một rương vàng


Nếu có được quyền lực cao chót vót

Thì anh làm gì với quyền lực của anh?

Anh sẽ lấy sách

Gieo khắp bốn bề trái đất

Để hành tinh này tươi thắm một màu xanh


Hành tình này tươi thắm một màu xanh

Nếu trên đời vẫn còn nhiều thư viện

Trang sách mở ra tri thức của loài người

Dạy cho chúng ta biết làm người lương thiện


L.M.Q

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment