LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.3.2014

 

Quan-nhanu-cam-chi-RR

(Từ trái: Lê Minh Quốc, Chị Đẹp, Lê Khanh, Trần Tiến, Trần Hoàng Nhân và Nguyễn Minh Nhựt - đêm 3.3.2014 tại đường Hải Triều, Q.I, TP.HCM)

 

Đêm qua, đi xem Thị Hến tại Nhà hát Lớn. Nhiều tràng cười rôm rã. Nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng. Làm mới vở chèo kinh điển Nghêu, sò, ốc, hến là điều không dễ dàng. NSND Lê Khanh đã thử sức với chính mình. Và chị đã làm được. Điều cảm động là trong những ngày này, ông bố là NSND Trần Tiến - người đã từng thủ một vai trong Nghêu, sò, ốc, hến đã đi theo động viên con gái. Đêm qua, trò chuyện mới biết, Lê Khanh là cháu ngoại nhà thơ Lê Đại Thanh (1907-1996). Trước đây, khoảng năm 2006, em gái Lê Khanh nổi đình nổi đám với tự truyện Lê Vân yêu và sống. Lúc đó, trên báo PN số ra ngày 1.12.2006, y biết sổ tay văn nghệ Tự truyện - không dễ ăn nêu vài suy nghĩ:

“Có lẽ với tác phẩm Những ngày thơ ấu in năm 1941, nhà văn Nguyên Hồng là người viết thể lại “tự truyện” sớm nhất ở Việt Nam. Mở đầu, ông viết: “Cha tôi làm cai ngục, mẹ tôi là người buôn bán…”. Câu này, nay đọc lại ta thấy bình thường. Nhưng thuở ấy, nhiều người - ngay cả nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cũng “sốc” bởi viết như thế là “vô lễ” với đấng sinh thành.

Từ Những ngày thơ ấu đến Lê Vân yêu và sống đang gây xôn xao dư luận, rõ ràng có một khoảng cách quá xa trong nhận thức của người viết lẫn người đọc. Ngay nay, người ta có thể “vạch áo cho người xem lưng” một cách… quyết liệt, thậm chí thô bạo. Chính vì thế, độc giả náo nức hơn và tìm đọc, bàn tán nhiều hơn. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là sự thành công của một cuốn tự truyện. Cho đến nay, Lê Vân yêu và sống đã có nhiều bài báo giới thiệu, khen chê. “tranh luận” qua lại ầm ĩ.

Nhưng liệu sự tranh luận về các “vấn đề” như thế này thì có ích gì, cho ai? Rằng, người tình đầu của cô là ai? Con trong bệnh viện vừa đẻ của người tình này hay của người tình kia? Vô bổ.  Trong khi đó, lẽ ra với một tài năng như Lê Vân, sau khi tập sách ra đời, mối quan tâm của công chúng tử tế phải nằm ở khía cạnh kinh nghiệm sống, lao động nghệ thuật - hơn là tò mò những chuyện vớ vẩn trên. Theo “điều tra xã hội học” của một trang web nọ, đa phần độc giả cho biết họ tìm đọc vì… “tò mò” những chuyện rất “đời thường tình ái” kia…

Nay lại có thêm vài ca sĩ tuyên bố “công bố bí mật của đời mình”. Liệu có cần thiết cho độc giả không, khi có “người nổi tiếng” cho biết sẽ kể lại nhiều “chuyện động trời”, dạng như tại sao mình mang tiếng… giết chồng? Rằng, lẽ ra mình đã… phá thai! Nay đứa con ấy đã lớn, đã ổn định nghề nghiệp đã hạnh phúc với chồng con thì những thông tin này liệu có cần thiết không?

Nghĩ cũng oái oăm: phải có những thông tin “giật gân” như thế thì tự truyện mới bán chạy? Bằng không, chẳng ai để ý đến làm gì! Thực tế đã có một vài ca sĩ cũng “tự truyện” dưới nhiều hình thức về các chuyến lưu diễn trong và ngoài nước, được công chúng ái mộ như thế nào v.v…. như một cách tự “lăng xê” nhưng có “ma nào thèm để ý đến”…

Trở lại với Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, ta thấy tác phẩm này vẫn dứng được trong văn học sử. Vì sao? Vì qua những trang tự truyện, nhà văn đã khái quát được không khí chính trị của một thời, phản ánh được kiếp người trong một xã hội thực tế, chứ không phải khai thác những cuộc tình lén lút với người này, người nọ để câu khách”.

Công chúng thời nào cũng tò mò. Hôm chủ nhật tham gia chương trình Sao Việt - đàng sau câu chuyện lộng ngôn, nhóm thực hiện kịch bản đã đưa ra số liệu thống kê “Mức độ ảnh hưởng của truyền thông đến công chúng”. Có mấy con số đáng lưu ý: “Đây là cuộc khảo sát  420 người trên mạng Internet: 

52%: thường bị thu hút bởi những câu chuyện giật gân.
80%: thường đọc những bài giật gân chỉ vì sự tò mò.
24%: không bao giờ nghi ngờ .
75%: chia sẻ với người xung quanh.
53%: tin nó là sự thật”.

Bài báo trên viết đã lâu, đọc lại, vẫn còn ý nghĩa thời sự. Chép vào Nhật ký bởi nhấn mạnh yếu tố chính trị của thời đang sống, dù muốn dù không, nó phải thể hiện rõ trong một tác phẩm văn học. Bằng không chỉ là câu chuyện vô vô thưởng vô phạt. Đêm qua xem Thị Hến, nghe nhiều tiếng vỗ tay hoan nghênh bởi NSND Lê Khanh biết “mượn xưa nói nay”. Công chúng hả hê với những câu thoại như: “Toàn một lũ sâu dân mọt nước”; “Làm quan như ta đây, lấy của cậy ngọn roi, làm quan nhờ cái miệng, nếu vụ nào kiện cáo thì đây… xét xử không cần lý, hơn thua tại đồng tiền”. Trong đời, họ đã nghe đã thấy, đã biết, nay lại oang oang công khai trên sân khấu há chẳng phải vui tai, đỡ ngứa tai hơn đó sao? Mà nghĩ cho cùng, cũng là một vở diễn. Một cách xả xú bắp cho nhẹ cái đầu. Chính vì thế, xem hài kịch Thị Hến vẫn lý thú. Có được tiếng cười cho khoay khỏa, dù chỉ trong chốc lát. Vai trò của người nghệ sĩ là gì? Là “mua vui cũng được một vài trống canh”. Thế thôi. Đừng buộc nó phải gánh thêm quá nhiều sứ mệnh. Mệt lắm. Đào kép muốn nổi danh phải có ông bầu. Nhà văn muốn có danh nhanh chóng, nếu được đỡ đầu bởi ông bầu là nhà chính trị ắt lên như diều gặp gió. Lên kiểu ấy, liệu có bền?

Đêm qua, tan vở diễn. Đến nhậu với Nhựt, Nhân và nàng. Giây lát sau bố con NSND Lê Khanh cũng đến vá mời ngồi chung bàn. Nhậu ầm ĩ và hoàng tráng đến tận 2 giờ sáng. Cảm động vẫn là hình ảnh con gái cầm tay ông bố dẫn qua đường lúc khuya khoắt. Ngày thơ ấu, mẹ cầm tay dẫn đến trường. Về già, lại cầm tay mẹ dẫn đi từng bước. Ôi thiêng liêng tình cha con, tình mẹ con. Và y thì sao? Những chuyện y làm vẫn lẻ loi, đơn độc một mình. Có những tiếng vỗ tay dành cho y, chẳng một ai chia sẻ. Lầm lũi đường dài. Canh khuya xế bóng. Đêm qua say. Một cơn say ngất ngưởng/. Quên cả đường về. Sáng nay, dậy muộn. vào cơ quan họp, rồi tranh thủ sang HTV thu chương trình thơ 8.3 cùng anh em văn nghệ. Cũng phát biểu và đọc thơ như lệ thường. Mấy câu thơ này là của Tú Sót, nhưng anh bạn thơ Đặng Hấn khi phát biểu lại nhầm sang Bút Tre:

8.3 muôn năm

(Gửi C.T.H)

Hôm nay mồng Tám tháng Ba

Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi

Tôi phần bà một đĩa xôi

Sợ bà răng yếu tôi xơi hộ bà

Bà thơ in trong tập Gà trống đẻ (NXB Thanh Niên - 1989) của Tú Sót. Ngay cả một người làm thơ còn nhầm, huống gì bạn đọc bình thường? Trước đây, anh Đặng Hấn có tập sách “vịnh” về các nhà văn, chẳng hạn:

Thương mà chẳng được em hay

Hay mà chẳng được một ngày em thương

Si mê áo trắng sân trường

Đã làm “tình nhỏ” dễ thương quên nào 

Ví dụ như ta yêu nhau

Những ngày tươi đẹp liệu sau có bền?

“Đáp án” của mấy thơ đố này là nhà văn Đoàn Thạch Biền, tác giả của những tập truyện ngắn, truyện dài như Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương, Tình nhỏ làm sao quên, Những ngày tươi đẹp, Ví dụ ta yêu nhau…Thì ra, tựa tác phẩm của nhà văn cũng là cảm hứng cho nhà thơ vậy! Có điều tập của Đặng Hấn không “ác liệt”, không tạo ra tiếng vang dữ dội như tập Chân dung nhà văn của Xuân Sách.

Ngủ thôi. 22 g rồi còn gì.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment