LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.2.2014

 

Sáng nay, điện thoại B hỏi về tờ SGTT. Tờ báo cuối cùng đã phát hành. Ngoài bìa ghi rõ: “Như một lời chia tay". Tựa một ca khúc của Trịnh Công Sơn: "Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây/ Chút nắng vàng giờ đây cũng vội/ Khép lại từng đêm vui...". Cầm tờ báo và lẩm nhẩm hát. Tờ báo này số đầu tiên phát hành ngày 15.4.1995. Dấu ấn lớn nhất, vẫn là Chương trình Hàng Việt nam chất lượng cao. Linh hồn của sân chơi sang trọng đầy tinh thần ái quốc này, y nghĩ đến nhà báo Kim Hạnh, dù trên số báo cuối cùng có viết một câu rất khéo: “Danh hiệu này thuộc về một chủ thể quan trọng hơn tất cả. Chính là người tiêu dùng”. Năm rồi, ngày 11.11.2013 tạp chí Thế Giới Mới - một ấn phẩm báo chí đã gắn bó với độc giả hơn 20 năm cũng đình bản do khó khăn về tài chính. Trường hợp SGTT kết thúc số phận cũng với lý do tương tự? Sáng nay, tại tòa soạn SGTT (25 Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3, TP.HCM) anh Nguyễn Xuân Minh - quyền Tổng biên tập đã đọc quyết định “Về việc thu hồi Giấy phép hoạt động báo chí và Giấy phép hoạt động báo điện tử trên internet của báo Sài Gòn Tiếp thị” của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quyết định này do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký ngày 26-2-2014, ghi rõ “do cơ quan chủ quản Báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện về tài chính”. Có thật vậy không? Lại nghe vài thông tin khác. Chỉ nghe loáng thoáng, vỉa hè vì thế không đưa vào Nhật ký. Sáng nay, cà phê với nàng. Cầm trên tay số báo cuối cùng. Dừng lại với bài “Nơi đang chờ ai điếu” ở chuyên mục Phiếm, ký tên Người Già Chuyện. Nguyên văn như sau: “Hổm rày muông thú cứ thấy chiều xuống là có một con chim mặt ngu bay vào rừng đứng khóc thảm thiết, khiến cả một cánh rừng nhuốm màu sầu thảm. Dù đã được đồng loại xúm vào hỏi han, chim mặt ngu vẫn thút thít khôn nguôi. Một con sẻ vừa được phóng sinh bay từ thành phố về chợt phát hiện: “Tao biết nó: đó chính là con Flappy bird! Để tao!” Sau đây là nội dung cuộc tư vấn tâm lý:

- Cớ sao mi buồn?

- Hic hic... Tao buồn vì bay qua được bao nhiêu là ống nước, mang về cho ông chủ cơ man là tiền, vậy mà đang lúc vui nhất thì phải bỏ cuộc chơi!

- Để tao kể chuyện này. Có những người đồng cảnh ngộ với mày, mà kết cục của họ thê thảm hơn nhiều! Họ cũng giống mày ở chỗ không được thẳng cánh bay giữa trời cao đất rộng mà phải khép nép luồn lách giữa bao chướng ngại, chỉ khác là thay vì bay giữa mấy cái ống nước như mày thì họ bay giữa búa trên và đe dưới...

Nghe đến đây chim mặt ngu lại sụt sịt:

- Nghĩ thật tủi, sinh ra làm chim mà không được tung cánh giữa trời mây! Hic hic... Thôi, kể tiếp đi.

- Thế rồi một ngày kia, dẫu gió mưa vùi dập họ vẫn miệt mài vỗ cánh thì đột ngột bị buộc tự game over! Mày nghĩ đi: ông chủ mày chủ động nghỉ chơi, còn họ sau khi game over còn phải bàn giao tên tuổi cái game bao năm gầy dựng cho người khác chơi, ai đáng buồn hơn?

Chim mặt ngu hớn hở hẳn ra:

- Thế thì so với họ tao may mắn hơn nhiều. Ờ, nhưng mà địa chỉ họ ở đâu để tao tới hót một bài ai điếu?

-    Cứ tới khu vực nhà tang lễ đường Lê Quý Đôn...”

Một bài viết xuất sắc. Thể loại phiếm đàm đã xuất hiện trên báo đã lâu. Tương tự Bút Bi trên báo Tuổi Trẻ, Lang Là một dạo trên Thanh Niên…. Hoặc Tư Trời Biển trên báo Tin Sáng ngày trước v.v...  Vài năm trở lại đây, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã làm một việc phi thường: tìm lại các bài báo của nhà văn hóa Phan Khôi. Điều khiến ông khó xử lý nhất là bút danh Tân Việt, Thông Reo ký dưới các bài phiếm đàm... in trên báo chí Sài Gòn thập niên 1920 - 1930. Bởi làm sao có thể xác định chính xác đâu là bài viết của Phan Khôi? Diệp Văn Kỳ? Nguyễn An Ninh? Bởi đó là bút danh chung của họ khi xuất hiện trên chuyên mục cố định của báo Trung Lập, Thần Chung... Theo nghề báo, y cũng có tham gia viết chơi vài chục bài phiếm đàm với bút danh chung Người Sành Điệu trên báo PL TP.HCM, vào khoảng cuối năm 2011 đến tháng 3.2102, sau đó, bỏ hẳn. Ngày nào cũng phải tiếp cận với thông tin "éo le", "cà chớn" và viết cà rỡn chơi, riết đâm ra ngán! Ngán vì phải đọc, phải viết về những chuyện thời sự  "không ra gì" khiến mình cũng mệt mỏi, chán đời, phải nghĩ ngợi. Mệt óc. Trước đó nữa, y cũng viết phiếm đàm cho báo Làng Cười với bút danh Tiểu Nhị. Viết hàng tuần, ròng rã mấy năm liền. Nhân lật lại báo cũ, thấy có bài “Triệu Đà được đặt tên đường” in từ đời tám hoánh:

A:- A! Chuyện này lạ à nghen! Ai đời cái tên của tên xâm lược cũng được đặt tên dường, quả là chuyện lạ! Chuyện này xẩy ra tại đâu? Thưa, trên địa bàn khu phố 2, phường Hiệp Phú, Q.9 (TP. Hồ Chí Minh) thiên hạ thấy có con đường mang tên Triệu Đà!

B:-Ủa? Triệu Đà lài mà ông la toáng lên như thế?

A:- Trong lời giới thiệu tập Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học Xã hội - 1983, trang 60, 61) GS Phan Huy Lê: “Triệu Đà là người Hán (quê ở huyện Châu Định, tỉnh Hà Bắc - Trung Quốc), làm quan lệnh huyện Long Xuyên quận Nam Hải thời nhà Tần. Nhân khi đế chế Tần sụp đổ, năm 207 tr. CN Triệu Đà đã chiếm cứ quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng (vùng Quảng Đông, Quảng Tây) lập thành một nước cát cứ ở phương Nam. Nước Nam Việt của Triệu Đà không phải là nước ta - bấy giờ là nước Âu Lạc đời An Dương Vương. Hơn thế nữa, chính Triệu Đà là kẻ đã xâm lược và đô hộ nước Âu Lạc. Sự thật lịch sử là như vậy. Nhưng Triệu Đà xây dựng lực lượng cát cứ, mưu đồ “tranh bá đồ vương” trên một địa bàn người Việt mà nhà Tần mới thôn tính; cư dân tuyệt đại đa số là người Việt. Trong hoàn cảnh đó, để có lực lượng chống Tần, chống Hán, thực hiện mộng bá vương của mình, Triệu Đà và các vua Triệu kế tục, đã thực hiện nhiều thủ đoạn mị dân nhằm tranh thủ các thủ lĩnh người Việt, tìm hậu thuẫn trong dân cư người Việt. Triệu Đà đặt tên nước ta là Nam Việt, coi như người phục hưng nước cũ của người Việt, tự xưng là “Man đại trưởng lão phu”, lấy vợ Việt, theo phong tục tập quán Việt (búi tó, ngồi xổm)… Những thủ đoạn cai trị đó, cùng với hành động chống Tần, đã làm cho nhiều nhà viết sử của ta thời phong kiến không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược của nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu như một triều đại của nước ta”.

Sự việc này đã rõ ràng. Ấy vậy mà nay người ta lại lấy tên Triệu Đà để “tôn vinh” thì lạ quá trời ạ! Vậy có thơ rằng:

Người có công với nước nhà

Dứt khoát không có Triệu Đà ai ơi!

Đặt tên đường thật... dở hơi

Cần sớm chấn chỉnh mọi người hoan nghênh”

Đến nay, có thay đổi gì đâu. Bảng tên đường phố tại TP.HCM còn nhiều bất cập, chẳng thấy chỉnh sửa: Trần Khắc Chân/ Trần Khát Chân; Trương Quốc Dung/ Trương Quốc Dụng; Nguyễn Thiệp/ Nguyễn Thiếp… Ngoài Hà Nội, cũng sai, chẳng hạn, Đại Cổ Việt/ Đại Cố Việt ! Nghe oải quá. Oải thế nào? Có như chuyện hài hước này không? Nhà nọ, có ông bố nọ dạy con rất độc đoán. Có những lúc bực bợi điều gì đó, ông lôi nó ra phết cho vài roi. Nó bị đòn oan bèn khóc hu hu. Làng xóm láng giềng chạy qua hỏi han chuyện gì vậy, nó liền dọn ngay bộ mặt đám tang, quẹt nước mắt, tươi tỉnh trả lời: "Tôi có lỗi nên bố tôi dạy tôi đó thôi". Lỗi gì? Thì cái lỗi mà lúc phết toi, ông bố vừa hậm hực đó thôi. Nghe vậy, bà con quay về, chẳng ai bênh vực. Lúc một mình, nó lại khóc tiếp vì còn ấm ức. Lần sau, cũng bị đòn bởi ông bố bực bội gì đó, nó lại khóc. Ai hỏi, nó cũng trả lời y chang lần trước. Chẳng biết, chuyện này có gợi hứng cho Người Già Chuyện của SSTT viết phiếm đàm không?

Sáng mai, 8g30 dự ra mắt sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tại Thư viện Khoa học Xã hội; sáng chủ nhật, tham gia chương trình  talkshow truyền hình cùng ca sĩ Ánh Tuyết chủ đề “Sao Việt - đàng sau câu chuyện lộng ngôn"; tối thứ hai đi xem kịch Thị Hến tại Nhà hát Lớn; sáng thứ ba tham gia cùng HTV chương trình thơ nhân 8.3. Một ngày trôi qua nhanh. Cuối tuần rồi. Đã viết xong lời Tựa tập sách Trảng Bàng phương chí của Dương Công Đức; chưa viết xong lời Tựa tập thơ của anh bạn thơ Vũ Khắc Tĩnh. Còn chờ sửa bản bon lần 2 tập tùy bút Khi tổ ấm nhảy Lambada, tiểu thuyết Đời, thế mà vui. Chưa thấy email bìa. Mọi việc, qua tuần sẽ đâu vào đó thôi.

Chiều nay làm gì? Vẫn như mọi ngày thôi. Thôi nhé, bia bọt lai rai, vẫy tay chào mi.

 

thi-hen-du-xuan

Hài kịch Thị Hến của Đạo diễn Lê Khanh diễn tại Nhà hát lớn TP.HCM ngày 3.3.2014

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment