LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.2.2014

 

Viết nhật ký dễ hay khó? Mỗi người tự có câu trả lời. Với y, quá khó. Mỗi ngày có quá nhiều thông tin, chẳng lẽ cứ “thu gom” vào trang viết? Mà những thông tin ấy, nếu đọc riết, chẳng hay ho chút nào. Không khéo, tâm hồn mình cũng hoen ố theo. Lạ lùng quá, ngày nào cũng có những chuyện “chẳng ra làm sao”. Nhói lòng. Bực tức. Nhìn thấy chung quanh chỉ một màu xám xịt. Sáng nay, dậy sớm, lướt web, ngay giao diện TTO đập vào mắt tin đọc nhiều nhất - tin xếp hàng thứ nhất: “Bắt giam thanh niên hiếp dâm cụ bà 80 tuổi”, tin thứ hai: “Khởi tố thầy giáo cưỡng dâm học sinh lớp 10”. Thú thật, y không dám click vào đó. Y yếu bóng vía, chứ nào phải đạo đức gì. Biết làm sao được, đã thông tin, nhà báo phải đưa đến bạn đọc. Vấn đề là cách viết như thế nào? Viết như thế nào, y cũng không đọc. Tỷ như xem phim thấy cảnh đâm chém, máu me gớm giếc, y vội vàng chuyển qua kênh khác. Không dám nhìn, dù he hé mắt. Hèn thế? Vâng, y vốn hèn. Trước đây, khi bản tin nội bộ của ngành C.A được phát hành công khai, rộng rãi, lập tức báo bán chạy như tôm tươi. Có những cộng tác viên được tòa soạn ưu ái cho mua một số lượng báo, rồi bán lại cho phát hành để hưởng hoa hồng chênh lệch. Tuy báo bán chạy nhưng cũng có người âu lo, nếu bài vở chỉ đề cập đến vụ án, hình sự thì sẽ tác động đến xã hội ra sao? Nhìn lại, so với báo lá cải hiện nay thì báo C.A còn "hiền lành" chán. Khi có thông tin làm sao không đưa lên mặt báo? Vấn đề là viết thế nào thôi. Biết thế, nhưng vẫn rờn rợn với nhiều thông tin hiện đang phơi bày...

Mỗi ngày, càng nhiều thông tin quái đản ấy. Nhà văn Vũ Trọng Phụng, cây bút luôn căm thù hiện thực xã hội, chắc rằng, cũng không tưởng tượng nổi. Khinh khiếp quá. Xã hội gì lạ lùng, cứ mỗi ngày lại diễn ra những trò lố nhố lăng nhăng không thể tin được. Làm sao có thể tin được rằng, học trò đi học phải đu dây qua sông như Tazan; người đi đưa tang trên cầu nhưng cầu lại sụp v.v… Đất nước mình còn có hàng ngàn cây cầu tương tự. Ai quan tâm? Chẳng rõ. Gần đây lại rộ lên thông tin đòi xóa sổ cầu sông Hồng. Rồi biết bao di tích khác cũng chung số phận hẩm hiu. Nhìn đâu cũng thấy chuyện kỳ quặt. Quái thật. Không quái sao được khi khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn quá. Thành thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa một trời một vực. Cả hai thế giới cách biệt hoàn toàn. Lại nghe chuyện rằng, có ông quan nọ nổi tiếng thanh liêm, sau khi về hưu mụ vợ đưa ra con chuột bằng vàng. Ngạc nhiên quá, bèn hỏi, ở đâu, làm sao có? Mụ vợ thật thà bảo, ngày nọ nhân sinh nhật quan, có người hỏi quan tuổi gì, mụ bảo tuổi tí, người ta tặng cho con chuột này. Quan nghe xong, bực bội quát, ngốc ơi là ngốc, sau lúc ấy không nói ta tuổi sửu? Tương tự, có quan chức thanh tra cũng nổi tiếng "thanh liêm", sau khi nghỉ hưu báo chí mới phát hiện ra biết bao là nhà đất! Hỡi ôi! Biết bao là chuyện "trời ơi đất hỡi"! Có nhà văn ý thức xâu chuỗi lại những tình tiết tiêu biểu, đắc giá nhất để hư cấu thành truyện ngắn. Đó là Nguyễn Đông Thức với tập truyện ngắn Đời. Vài mươi năm sau đọc lại, thế hệ sau sẽ nhìn rõ chứng tích của một thời. Cái thời mà con người ta biết tin vào sự hướng thiện nào để tu dưỡng tâm hồn? Bây giờ, y cứ ngồi đây, liệt kê hết những chuyện nhố nhăng ấy? Thử hỏi, lợi ích gì không hay cuối cùng chỉ thu về cái nhìn cuộc đời này u ám quá. Thôi thì, cứ hãy tin, cứ hãy ảo tưởng về một thế giới tốt đẹp. Tin thì tin. Thế nhưng hiện thực xã hội vẫn còn đây:

“Trong 10 năm (2003 - 2013), các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã phát hiện hơn 50 nghìn văn bản sai trái, tức 3% trong khoảng 1,7 triệu văn bản được tiếp nhận, kiểm tra. Riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phát hiện trên 4,8 nghìn văn bản (18%) sai trái trong 27 nghìn văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra và xử lý của mình”. Gì nữa? “Nhìn vào danh sách số lượng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật còn nợ đọng, thật đáng quan ngại: Cả nước nợ 60 văn bản trong năm 2001; tăng lên 80 trong năm 2002; còn 50 trong năm 2003, và đỉnh cao là 165 văn bản trong năm 2006; sau đó giảm còn 52 vào năm 2007; 45 văn bản năm 2010 và 58 văn bản năm 2011; năm 2013 này còn nợ 93 văn bản. Đơn vị "nợ" lớn nhất là Bộ Công thương, với 100% (10/10 văn bản cần ban hành, trong đó có Luật Điện lực); tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo nợ 93% (14/15); Bộ Lao độngThương binh và Xã hội nợ 67% (28/42) và Bộ Tài chính nợ 63% (12/19)”. Thông tin này ở đâu? Thưa, trên báo Nhân Dân cuối tuẩn số ra ngày29.9.2013 (http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_ndct/_mobile_thoisuchinhtr/_mobile_diendanndct/item/21294302.html).

Choáng chưa? Chưa à? Vậy đọc tiếp thông tin khác?

Không. Không đọc nữa. Nhật ký mỗi ngày, nếu không tỉnh táo, cứ bị cuốn theo những loại thông tin “chẳng ra làm sao”, cuối cùng mình sẽ thế nào? Tự ý thức nhưng rồi chẳng lẽ né tránh, không đề cập đến? Vì thế, có những ngày chẳng muốn viết một chữ nào là vậy. Nhật ký là trang viết riêng tư, cá nhân thế mà cũng dối lòng. Cũng uốn éo chữ nghĩa. Vậy đừng viết còn hơn. Hèn thế? Vâng, y vốn hèn. Mà đâu chỉ mình y hèn. Cứ nhìn chung quanh thì rõ. Khi ngồi tụ năm tụ ba trong cuộc nhậu, cứ xoen xoét. Bước vào chốn đông người, thay ngay cái lưỡi khác. Chẳng lẽ, để tồn tại, con người ta phải sắm quá nhiều cái lưỡi đến vậy sao? Thì phải thế, biết thế nào?

Mỗi ngày, thức dậy, y lại dặn lòng mình hãy tìm lấy và đón nhận những tín hiệu mới, tươi vui, lạc quan hơn. Mà cũng khó. Vừa rồi, đọc bài báo này hay, trích dẫn lại. Ấy là bài viết Chưa đủ sao, hỡi các nhà văn hóa? của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Anh Thân viết khỏe, lập luận sắc bén và luôn am hiểu thời sự. Hôm kia gặp nhau ở tòa soạn báo PN, nhìn thấy anh vẫn khỏe mạnh, lực lưỡng dù đã gần 80 xuân xanh. Anh bảo, tớ ghét nhất là lúc gặp bạn bè cùng trang lứa, bằng tuổi tớ nhưng chẳng biết gì về vi tính, email, internet gì cả. Họ như sống ở một cõi khác. Chán nhất lúc gặp nhau, hỏi “dạo này, có gì mới không?”. Kể đến đây, anh vỗ vai y cái đét, đau điếng: “Trời, thông tin thay đổi mỗi giờ, mỗi ngày mà hỏi thế, tau biết trả lời thế nào?”. Đúng quá, bạn bè y cũng thế. Những anh em một thời chiến trường K, có người về sống ở quê, suốt ngày vui thú với nhậu, hầu như chẳng biết gì về thế giới bên ngoài, chỉ quanh quẩn dăm ba câu chuyện của thời mười tám. Chán thế. Trở lại với bài báo của anh Thân, anh viết về sự kiện chọi trâu vừa diễn ra ở Phúc Thọ (Hà Nội), đoạn này hay, thuyết phục:

“Một kiểu hội kích thích tinh thần thượng võ, đua tranh tìm và tụng ca chiến thắng, gợi lại sự hào hùng, sảng khoái của chiến tranh ác liệt và khải hoàn lộng lẫy. Trong bối cảnh một quốc gia thuần nông nghiệp, luôn có chiến tranh chống xâm lược phương Bắc, hội chọi trâu mang hồn dân tộc khá cao nên mới được gìn giữ đến ngày nay.

Nhưng đấu trường La Mã hình thành 60 năm sau Công nguyên, nơi giải trí lừng danh thời trung cổ của Rome, chỉ tồn tại đến thế kỷ thứ 6. Ánh sáng văn minh ló dần và con người không thể chấp nhận giải trí, mua vui trên cái chết của những con mãnh thú đẹp đẽ hay những võ sĩ giác đấu tài ba. Ngay hổ quyền (Huế) cũng phải chứng kiến trận đấu cuối cùng vào năm 1906 và chỉ còn là một di tích văn hóa, tuy độc đáo và quý hiếm nhưng hoàn toàn không còn lý do khôi phục những cuộc đấu voi - hổ đẫm máu thời Minh Mạng.

Liệu có “đẹp” và “thiện” không khi hàng vạn người trên khán trường hò la cổ vũ một vài cặp trâu - những con gia súc bạn nhà nông, bạn của trẻ con nông dân, hiền lành và tử tế - đang trở lại với bản năng man rợ dã thú đã được thuần hóa nhiều đời, lao vào nhau nhằm giết chết nhau trong một trận tử chiến máu me, không khoan nhượng và dung thứ? Liệu phải giải thích thế nào cho trẻ em và những chàng trai làm chủ đất nước tương lai vì sao con trâu chiến thắng lẫn thua cuộc của cả mấy hội chọi trâu đều bị giết để tế thần linh và sau đó nhập vào “kinh tế thị trường”, được bán thịt với giá cao gấp hàng chục lần? Tất nhiên phải dẫn giải hoặc bịa ra niềm tin thần bí và như thế phải chăng là cách tốt nhất để giúp thế hệ trẻ khả năng tự cường bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật hiện đại? Đó là chưa nói vì lợi ích cỏn con, những ông chủ các thớt trâu bị giết thịt phải huyên truyền rằng đó là thứ “thịt trâu thần thánh”! Chúng ta vẫn ăn thịt trâu. Nhưng giết trâu bò để lấy thịt trong những lò mổ được coi là nhân đạo hiện đại, hoàn toàn đối lập với cách giết trâu man rợ trước sự chứng kiến của đông đảo người xem hội” (TT số 25.2.2014).

Bài viết của anh còn cho biết: “Theo thống kê, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội”. Do thấy còn ít quá nên người ta mới “chế” thêm lễ hội chọi trâu ở Phúc Thọ (Hà Nội) cho xôm trò chăng? Có lẽ chưa dừng lại đó, sẽ còn có thêm nhiều “lễ hội” khác nữa. Để xem. Ở xứ ta, không gì là không thể. Chiều qua, ngồi ở Đồng Khởi. Uống rượu đỏ và nhìn xuống đường phố. Chiều yên ả. Gió mát. Nắng tươi ngon. Lúc ấy, thấy một ông Tây cao ngồng như nhân vật Nhện chân dài trong truyện tranh Lucky Luke lướt qua đường, tự nhiên lại nhớ đến nhà văn Ngụy Ngữ. Lâu rồi không gặp, anh cũng cao nhỏng. Lần nọ, gặp nhau quán Ruốc, hỏi, “vì sao trong cuốn Nhìn lại một chặng đường văn học (Văn học yêu nước, cách mạng thành thị miền Nam 1954- 1975)  do NXB TP.HCM in năm 2000 không có tác phẩm của anh?”. Anh trả lời, đại khái, văn học là văn học, làm gì lại phân chia rắc rối thế? Vì thế, anh không cho phép người thực hiện tuyển chọn lại truyện ngắn "yêu nước và cách mạng" của anh đã in tại Sài Gòn. Nghe anh trả lời vậy. Bèn cười. Trả lời kiểu này có là “gàn’ không?” À, chẳng biết vì sao lại gọi “gàn bát sách”? Từ điển thành ngữ Việt Nam (NXB VTTT-1994) của Viện Ngôn ngữ học giải thích: "Gàn dở, ai nói cũng không nghe (dù là điều hay lẽ phải) ví như hình người con gái, trong quân bài bát sách của bộ tổ tôm, với điếu thuốc vắt vẻo trên môi, đầy vẻ nghênh ngang gàn dở" (tr.299).

Mở miệng nói ra gàn bát sách

Mềm môi chén mãi tít cung thang

(Nguyễn Khuyến)

Tra cứu thêm một chút về tổ tôm, đúng là có quân bài Bát sách thật, có câu "diễn ca:

Lèo ngay một mụ xồn xồn
Tính gàn BÁT SÁCH vểnh mồm hỏi chi

Ủa? Thì ra còn những tiếng lóng khác cũng từ trò chơi tổ tôm, lâu nay y chẳng hề biết. Đó là "Cửu vạn, Thất sách, Phỗng mất, Hoa rơi cửa Phật, Nhũn như chi chi, Hợp cạ, Tròn bài". Hay quá là hay.

Giữa lúc thiên hạ đang bàn chuyện tầm cỡ quốc gia đại sự, y mỗi ngày chỉ quẩn quanh với những cảm nghĩ vụn vặt, thế chẳng gàn là gì? Đành vậy. Nhật ký ghi thêm thông tin này trên báo TN sáng nay: “Nhà xuất bản Ten-Books (Nhật Bản) vừa ra mắt ấn phẩm 105 cuốn sách đang được đọc nhiều nhất ở các nước trên thế giới quy tụ bài viết của 83 tác giả là giáo sư, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học... Qua phần phân tích, bình luận, các tác giả muốn giới thiệu với công chúng Nhật những tác phẩm được yêu thích và bán chạy nhất ở nhiều quốc gia như VN, Anh, Đức, Bỉ, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên...Đây cũng là “gợi ý” cho các nhà xuất bản xứ hoa anh đào vì những tác phẩm này chưa được dịch ra tiếng Nhật. Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn duy nhất của VN được giới thiệu trong ấn phẩm của Ten-Books, với tác phẩm nổi tiếng Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và bộ truyện Kính vạn hoa. Tác giả bài viết nhận định về Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: “Tác phẩm lấp lánh nét duyên dáng, sự hài hước, dí dỏm trong cách kể chuyện và một sự tươi trẻ dường như không bao giờ mất đi ở nhà văn đã trải qua gần 60 “xuân xanh”. Còn bộ Kính vạn hoa gây được sự chú ý vì là bộ sách đạt kỷ lục bán chạy nhất trong ngành xuất bản VN với hàng triệu bản in”. Đọc tin này thấy vui.

Đã nghe tiếng chuông chùa vọng sang. Chiều rồi.

Một ngày đã qua.

cung-cac-dong-nghiep

Cùng các đồng nghiệp tại tòa soạn báo PN (Xuân 2014)

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment