LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.2.2014

 

thu-vien-quoc-gia

Ảnh lưu niệm cùng các thủ thư Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM chiều ngày 24.2.2014

 

Từ sau buổi nhậu tân niên tập san Áo Trắng, đến nay, đã hơn một tuần, không ngày nào lang chạ với bia rượu, dù chỉ một giọt, y đáng được biểu dương công dân tốt. Ô hay, vậy những người bia bọt mỗi ngày là người xấu ư? Chưa chắc. Mấy ngày hôm nay, trên báo chí đăng nhiều bài viết than phiền về kỷ lục uống bia của người Việt. Theo báo TT, “2,9 tỉ lít là sản lượng bia ở VN năm 2013”; “Người Việt chi 3 tỉ USD/năm cho bia rượu”. Đọc kỹ, chưa thấy ai lý giải thuyết phục vì sao người Việt uống bia nhiều đến vậy?

Cho đến nay, có hai sáng kiến độc đáo nhất mà người Việt có thể tự hào giữ bản quyền, đố nước nào có thể cạnh tranh. Sáng kiến gì vậy? Thưa, “văn hóa phong bì”. Đã mời nhà báo đến họp, ắt phải có phong bì lúc bịn rịn chia tay. Thậm chí, chỉ gặp gỡ, trò chuyện thân mật cũng có phong bì kèm theo. Gì nữa? Trong giao tế, sau khi đã bàn bạc, thảo luận một vấn đề làm ăn gì đó, việc đầu tiên và kết thúc phải diễn ra ở quán nhậu. Nhờ cậy ai điều gì, gặp ở đâu “tình thương mến thương” nhất? Quán nhậu. Sực nghĩ đến người bạn, ngày nọ, cơ sở in ấn của anh bị cháy do công nhân của công ty sát bên cạnh hàn xì sơ ý. Dĩ nhiên, anh phải được đền bù xứng đáng. Mà việc hệ trọng này, tất nhiên phải lui tới, nhờ cậy một vài cơ quan chức năng điều tra. Mỗi lần gặp gỡ trình bày, nộp đơn từ, sau đó, lại kéo nhau ra quán nhậu. Nguyên tắc này bất di bất dịch. Đưa tiền “bồi dưỡng” sổ sàng thì không dám. Có đưa, chắc gì người ta nhận. Thôi thì, cứ ra quán nhậu là giải pháp tốt nhất.

Khi mời một hai người, đừng tưởng chỉ có một hai người đó. Sau khi đã an tọa, bắt đầu xem thực đơn cũng là lúc điện thoại của người được mời réo rắt ồn ã, chỉ mươi phút sau, người khác ùn ùn kéo đến. Anh bạn y không lường trước tình huống éo le này, ngồi méo mặt chịu trận. Mà cũng hay, chỉ nhậu đến nửa chừng, khách mời đã lẻn về trước tự bao giờ, anh phải ngồi lại tiếp bạn của họ mà đôi bên chẳng quen biết gì. Mười lần như một. Chơi kiểu này, “gài độ” kiểu này, tục ngữ Việt Nam gọi là “mượn hoa cúng Phật”. Mượn tiền người này đãi người kia, dù không tốn một xu nào nhưng vẫn đóng ai "chủ xị". Có như thế, lần sau nó mới gọi lại mình nếu nó cũng có một “độ” tương tự. Khổ thật, dù đang hoạn nạn, đang nguy cơ phá sản vì nhà in bị cháy, thế mà cũng phải đãi đằng biết bao cha căng chú kiết. Tốn kém lắm. Mất thời gian lắm.

Dù biết thế, “qua sông phải lụy đò” mà chẳng thể “rút kinh nghiệm” cho lần sau. Nếu không mời ra quán nhậu, công việc cứ ầu ơ ví dầu ngày này qua tháng nọ. Chi bằng bấm bụng mời nhậu cho nó xong. Lúc đó, đã chén chú chén anh, với thẩm quyền đang có may ra người ta mới tích cực giúp mình. Có thế mọi việc kết thúc nhanh hơn. Cuối cùng mọi việc như thế nào? À, anh bạn y “bỏ của chạy lấy người”. Rằng, lúc ấy, anh lại mời người ta ra quán nhậu. Đã phóng lao phải theo lao vậy. Lần ấy, trời xanh gió mát, quán ăn đặc sản, bia rượu ê hề, ăn thịt rừng theo yêu cầu của khách mời. Bạn bè của khách cũng nườm nượp kéo đến như mọi lần. Thì, đành chịu vậy. Món đầu tiên là tiết canh, vừa đặt lên bàn thì khách mời đứng thẳng dậy dõng dạc bảo tiếp tân: “À, món này ngon đây, mày đem xuống bảo nhà bếp gói riêng lại, chút nữa tao đem về”. Nghe câu nói ấy, anh bạn choáng váng. Anh sực tỉnh, với loại người như thế còn có gì để nói nữa không? Từ đó, trở về sau anh bỏ mặc, không lui tới mời ăn nhậu nhờ cậy nữa. Cuối cùng, bao nhiêu đơn từ thưa kiện, đòi hỏi bên kia phải đền bù v.v… bị xếp xó, ì ạch. Chẳng đâu vào đâu.  “Để lâu phân trâu hóa bùn”. Chán. Thôi, kệ nó. Người ta xử sao thì chịu vậy.

Lạ, người Việt thuộc loại siêu nhậu. Nhậu từ hàng ngàn năm nay nhưng vẫn không có “tửu đạo”. Tại sao? Ông Vũ Thế Ngọc khi biên khảo Trà kinh kết luận: “"Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc đã biết đến cây trà đầu tiên trong lịch sử loài người. Người Việt Nam đã uống trà từ ngàn năm nay”. Vậy mà, người Việt làm gì có “trà đạo”. Phải chăng, tư duy của người Việt là không chú tâm hệ thống, sắp xếp lớp lang cái gì cho ra đầu ra đũa? Mà tùy cơ ứng biến, ngẫu hứng? Nếu đúng, ấy cũng là ưu lẫn khuyết của người Việt vậy.

Chiều qua nói chuyện về kỹ năng, nghệ thuật đọc sách ở Thư viện Khoa học Tổng hợp. Nói đúng ra, đây là buổi tập huấn ngoại khóa cho các bạn thủ thư đang công tác tại thư viện lớn nhất, tầm cở nhất tại TP.HCM. Sau đây là những gạch đầu dòng của buổi nói chuyện trong vòng hai giờ: Mê sách; mua sách; tủ sách gia đình phải sắp xếp, phân loại theo tác giả, chuyên đề; phải có “sách công cụ” để khi cần có thể tra cứu, kiểm chứng; không thể hoàn toàn tin cậy goolge, nếu đã “search” cũng phải kiểm chứng lại từ tài liệu gốc; tham dự những buổi ra mắt sách; trao đổi với tác giả để hiểu hơn về nội dung sách; phải biết tôn chỉ, mục đích của NXB để xác định sự tin cậy về thể loại của tập sách đó; cần đọc trước lời giới thiệu, mục lục; phải có kiến thức về lãnh vực mà quyển sách đề cập đến v.v…  Cuối cùng, y nói rằng, nếu không mê sách, mê như mê người tình, không đọc sách, không quý sách, đau đáu với sách thì đừng nên làm nghề thủ thư vì như thế tự làm khổ mình lẫn người đến mượn sách.

Đêm qua, nằm đọc lại quyển Thơ văn Tự Đức của NXB Thuận Hóa. Bản in này là bản Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa ở miền Nam xuất bản năm 1970. Đọc và thấy rằng, vua Tự Đức không đến nỗi “đáng ghét” như lâu nay y từng nghĩ. Nào riêng gì y, đọc lại giai đoạn triều Nguyễn, ai cũng thấy rằng thời loạn lạc, lầm than, bi đát nhất vẫn là thời Tự Đức. Nào ngờ, đã có vài lần, vua Tự Đức dũng cảm dám nhận khuyết điểm. Ngày 2.6 năm Tự Đức thứ 29, ngài viết Tự chê trách, có đoạn: “Cơ nghiệp sáng lập giữ gìn hơn hai trăm năm, bỗng một bỏ mất, thực là tội của tiểu tử này không thể nói xiết. Dù cho có làm được công đức cũng không thể chuộc được tội lỗi”. Ấy là ngài “tự phê” là đã để “mất cả đất đai dân chúng sáu tỉnh Nam kỳ” khiến “Trông lên cúi xuống, sống đã không mặt mũi nào, chết cũng không thể nhắm mắt”. Ngài chọn “hình thức kỷ luật” thế nào? Theo lệ cũ, quân vương có tội, đặt tên thụy là “lệ” (tội lỗi), không được được đặt chữ “Tông”:Vậy phải nên bỏ đi. không nên đặt thêm Tông hiệu, để làm gương cho những quân nhân có lỗi muôn thuở về sau. Và cho trẫm được cùng các bầy tôi có lỗi, cùng chia sẻ tội tình, cùng chịu tủi nhục, ấy là chí hướng của trẫm. Lời nói trung thực, phát ra từ lòng ra, chớ nên trái ngược, chớ nên quá lạm. Vậy bố cáo cho cả thiên hạ điều hay”.

Dám nhận lỗi, nhìn thấy lỗi lầm, ray rứt đến độ “chết cũng không thể nhắm mắt”, ta nghĩ sao về con người này?

Đau đớn do đất đai mất vào tay kẻ thù, ngày 12.2 năm Tự Đức thứ 30, ngài lại có bài dụ Bảo cùng bề tôi, có đoạn: “là ngày sau không dám dự vào nhà Thế miếu, vì không mặt mũi nào còn dám trông thấy tổ tông dưới suối vàng”. Thế miếu là nơi  thờ các vị vua Nguyễn thời trước, ngài tự nhận mình không xứng đáng vào nơi tôn nghiêm ấy, há đã tự nhận một hình phạt ghê gớm về tâm linh đó sao? Đọc những dòng này, trong tâm trí nghĩ về vua Tự Đức đã ít nhiều thay đổi. Ôi, thời buổi nay, có ai còn dũng khí cắn rứt, tự nhận lỗi như vậy không? Chẳng biết trả lời sao? Chỉ nhớ đến câu tục ngữ thật hay: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa”.

Chiều nay, họp báo về vở Thị Hiến do NSND Lê Khanh do NSND Lê Khanh dàn dựng theo kịch bản dân gian nổi tiếng Nghêu, Sò, Ốc, Hến.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment