LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.2.2014

 

Dai-Viet-Su-Ky-Toan-Thu

Đại Việt sử ký toàn thư - bộ sách của mọi nhà

 

12g45 trưa nay gửi một email ra Hà Nội. Đã có thể chính thức sắp xếp, thu dọn các tập sách bừa bãi trên bàn làm việc từ trước Tết đến nay. Đã viết xong 19 nhân vật lịch sử cho Công ty Đ.A. Đó là 10 nhân vật văn hóa: Thiền sư Vạn Hạnh, Mạc Ðĩnh Chi, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Quý Ðôn, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ðào Duy Từ, Cao Bá Quát; và 9 danh tướng đời Trần: Phật hoàng Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Huyền Trân công chúa, Trần Khát Chân, (ngoài ra còn có cả Trần Thủ Độ, nhưng người khác viết). Mỗi quyển truyện tranh này chỉ 18 trang, kể cả bìa, khổ lớn. Họa sĩ vẽ bằng tay chăm chút tô màu, kỹ lưỡng từng trang. Nếu không có gì thay đổi, bộ sách này ra mắt trong Hội sách năm nay.

Y không phải là nhà nghiên cứu sử, chỉ là người ham đọc sử và tìm cách kể lại cho phù hợp với đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi. Ngày nọ, gặp nhau trong quán cà phê, Thắng bảo: “Em có nói anh em biên tập làm thế đừng để anh Q giận. Ảnh giận bỏ cuộc thì gay lắm”. Bèn trả lời: “Bộ sách ra đời nếu có sai sót, trước hết thuộc về tác giả. Tác giả phải là người chịu trách nhiệm. Do đó, anh em biên tập càng chu đáo càng tốt chứ sao lại giận?”. Mà thật vậy, làm việc với người biên tập chu đáo, kỹ lưỡng, có trách nhiệm và khó tính là điều may mắn cho tác giả.

Hơn mười năm trước, khi viết bộ sách 10 tập Kể chuyện danh nhân Việt Nam, may mắn được việc với chị Cúc Hương, con gái cụ Nguyễn Đổng Chi. Chị đã biên tập tỉ mỉ từng lỗi chính tả, phản biện, trao đổi từng chi tiết nếu thấy không hợp lý, hoặc ngần ngại cần tra cứu thêm… Nhờ vậy, bộ sách tránh được sai sót đến mức có thể. Nay làm việc, anh em Đ.A cũng có có tinh thần này. Chỉ kể lại một chi tiết để thấy sự chu đáo của người biên tập. Với bộ Đại Việt Sử ký toàn thư, có những bản dịch như Hoàng Văn Lâu, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, GS Hà Văn Tấn hiệu đính; Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Tham khảo bản dịch của Cao Huy Giu do NXB Văn Học ấn hành năm 2009, về nhân vật Trần Nhật Duật, y viết:

“Lần nọ, gia nô của ông bị người bên Quốc phủ đánh, có kẻ nhân cơ hội này bèn mách. Ông nghiêm mặt:

- Đánh có chết không?

Người đó trả lời rằng, không. Ông nói:

- Không chết thì thôi, mách làm gì?

Rồi ông lảng qua chuyện khác, không nhắc đến nữa. Lần khác, có người kiện gia tì của ông với Quốc phủ.

Quốc phủ sai gia đồng đến tận phủ ông vây bắt ầm ĩ cả lên,  vợ ông oán trách:

- Ông là Tể tướng đâu có kém gì ai, cũng chỉ vì ông nhân nhu quá nên người ta mới khinh rẻ thế này!

Nghe thế, ông vẫn điềm tĩnh chẳng nói gì, chỉ sai người đến bảo gia tì:

-    Mày cứ ra, ở đâu cũng đều có phép nước”.

Bản dịch này, trang 363 chú thích “Quốc phủ” và chú thích: “Quốc phủ: tức Hưng Đạo vương". Tuy nhiên, anh em biên tập bên Đ.A khẳng định “Quốc phụ” mới đúng. Lập luận như sau:

1. Bản tiếng Hán của ĐVSKTT ghi chữ 父 (phụ) nên có thể khẳng định từ này là Quốc phụ, không phải Quốc phủ. 

2.Trong ĐVSKTT (bản biên tập tra cứu) không thấy lần nào khác có nhắc đến Quốc phủ chỉ Trần Quốc Tuấn. Trang 274 lại ghi rõ, năm 1324, phong Trần Quốc Chẩn làm Nhập nội quốc phụ thượng tể. 

3.Trang 282 nói về tích Trần Nhật Duật “dĩ hòa vi quý” chúng ta đang bàn, có thêm chi tiết là: Phu nhân Trần Nhật Duật sau đó khóc lóc nói với ông rằng: 

- Ân chúa là tể tướng, Bình chương cũng là tể tướng, vì ân chúa nhân từ, nhu nhược nên người ta mới coi khinh đến nước này. 

Như vậy, Quốc phụ ở đây còn là Bình chương. Trần Quốc Chẩn được phong làm Nhập nội Bình chương năm 1302 (trang 260 ĐVSKTT sách Đông A 2010). Trần Quốc Tuấn thì không thấy nhắc đến là được phong là Bình chương hay Tể tướng bao giờ. Vậy nên, người được nói đến ở đây rất có khả năng là Trần Quốc Chẩn hơn là Trần Quốc Tuấn. 

4. Xét về thời gian, năm 1289 Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) đã lui về Vạn Kiếp, khi đó Trần Nhật Duật (1255-1330) mới ngoài 30. Phần niên biểu cũng viết, năm 1302, Trần Nhật Duật mới được phong Thái úy quốc công: khó có chuyện làm tể tướng rồi mới làm thái úy. Còn Trần Quốc Chẩn được phong Quốc phụ năm 1324, khi Trần Nhật Duật đã gần 70. Thời gian Trần Nhật Duật làm tể tướng thì Quốc phụ chỉ Trần Quốc Chẩn hợp lí hơn là Trần Quốc Tuấn.  

5.Theo ý kiến của biên tập thì nên sử dụng thông tin theo bản của sách Đông A vì năm xuất bản mới hơn, được biên tập trên những bản cũ và cũng để đảm bảo thống nhất với sách của công ty”.

Làm việc chung với ê kíp biên tập có trình độ và chu đáo, vui quá chứ còn gì nữa? Viết sách, đọc sách cũng là học. Mọi nhà nên có bộ Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó có biết bao điều cần phải học. Học cách xử thế ở đời, chẳng hạn, nghĩ lan man một chút về chuyện sử dụng kẻ tôi tớ. Từng trải qua của hai cuộc kháng chiến, nhìn thấy sự trung thành của  gia nô, gia đồng nên vua Vua Trần Nhân Tông dành cho họ nhiều thiện cảm. Lúc ngự chơi, giữa đường gặp họ, ngài đều gọi rõ tên và ân cần hỏi “chủ mày đâu?”. Những lúc ấy, ngài thường bảo các quan hầu cận:

- Ngày thường, có thị vệ hai bên nhưng khi nước nhà hoạn nạn chỉ có bọn ấy đi theo thôi.

Mấy ai trên ngôi cửu ngũ biết còn biết nghĩ đến điều này? Nếu biết nghĩ đến những con người chân lấm tay bùn làm nên kháng chiến vừa qua, có lẽ niềm tin hòa hợp của dân tộc đã khác. Chứ không phải đi đến đâu, ngồi ở đâu, đọc ở đâu cũng nghe văng vẳng bên tai tiếng than khóc, lời trách móc, oán hận, trăn trở...

Có lần vua Trần Thái Tông cho các quan hầu ăn xoài nhưng không Hoàng Cự Đà không được ăn. Đến khi quân Nguyên Mông sang đánh nước Đại Việt, Cự Đà chèo thuyền trốn đi. Khi gặp ở sông Hoàng Giang, quan quân nhà Trần hỏi: “Quân Nguyên ở đâu?”. Cự Đà đáp: “Không biết. Các ngươi nên hỏi những người ăn xoài ấy”. Trong giai đoạn mười năm kháng chiến chống quân Minh, có lần anh hùng Lê Lợi đãi quan quân uống rượu. Người thì nhiều, rượu thì ít, phải chia làm sao cho công bằng? Ngài sai người đem đem bầu rượu ít ỏi ấy đổ xuống đầu nguồn. Như vậy, khi múc nước suối uống, bất kỳ ai cũng được hưởng rượu của chủ tướng. Ông cha ta khôn ngoan và tinh tế biết bao.

Nhân vật Đỗ Khắc Chung có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông nên được ban quốc tính họ Trần. Năm 1328, ông được phong Thiếu bảo và đứng ra xử vụ trọng án Trần Quốc Chẩn. Do xét án không kỹ nên Trần Quốc Chẩn bị chết oan. Về sau khi Khắc Chung chết, chôn ở Giáp Sơn, gia nô của Thiệu Võ - em trai của Quốc Chẩn trả thù cho chủ bằng cách băm xác Khắc Chung ra. Lại không thể không nhắc lại chiến công năm 1390 của danh tướng Trần Khát Chân. Nếu lúc ấy tôi tớ của Chế Bồng Nga không vì sợ bị chủ giết, không chạy sang đầu hàng quân Đại Việt thì cuộc chiến sẽ thế nào?

Sự việc thế này, ngày 8.2.1390, Chế Bồng Nga chỉ huy hơn 100 chiến thuyền đến sông Hải Triều quan sát tình thế bày binh bố trận của Trần Khát Chân. Lúc các thuyền giặc chưa tập hợp, tên tiểu thần của Chế Bồng Nga là Ba Lậu Khê vì bị Bồng Nga trách móc, sợ bị giết nên chạy sang doanh trại quân Đại Việt đầu hàng. Trần Khát Chân dò hỏi Chế Bồng Nga đang đi trên thuyền nào, Ba Lậu Khê liền trỏ cho biết quốc vương Chiêm Thành đang ngự trên chiến thuyền màu xanh. Trần Khát Chân ra lệnh cho các hỏa pháo tập trung nã đạn vào chiến thuyền đó. Đạn bay trúng giữa thân Chế Bồng Nga suốt vào ván thuyền. Nghe tin Bồng Nga chết tại trận, quân Chiêm Thành sợ hãi tháo chạy tan tác.

Hỡi ôi, chỉ do một kẻ tôi tớ mà quốc vương phải bỏ mạng chốn sa trường. Một cái chết không xứng tầm với danh tướng phải da ngựa bọc thây. Có lần anh B bảo, bàn tay năm ngón tay thì ngón nào cũng có vai trò của nó. Chẳng hạn, khi ngứa tai, nếu không có ngón út thì thế nào? Ông bà ta bảo, "dụng nhân như dụng mộc". Chẳng sai chút tẹo nào. Năm này, năm Ngựa. Đã có quá nhiều bài báo đăng giai phẩm xuân nói về điển tích ngựa từ Đông sang Tây, chẳng thấy bài báo nào nhắc đến chi tiết này: Mùa hạ năm 1383, Độc bạ Trần Công Niểu cưởi ngựa đi tuần xét quân Chiên Thành, giặc đuổi theo, chạy đến địa hạt Cát Giang, bị cách ngòi nước hơn một trượng, ngựa nhảy qua ngòi dược thoát, bèn đặt tên con ngựa ấy là Tử Bất Tề. Sao không không sử dụng như một điển tích khi nói về ngựa, việc gì phải mượn của nước ngoài? Những chi tiết thú vị như thế này có nhiều, rất nhiều trong Đại Việt sử ký toàn thư. Chỉ tiếc do ít đọc sử nước nhà nên khi cần nói điều gì đó, thường mượn lấy điển tích Trung Hoa mà quên rằng, nước Việt ta cũng có những câu chuyện tiêu biểu, khái quát, sâu sắc không thua kém gì.

Công việc đã xem như tạm ổn. Ngày mai, viết cho xong lời Tựa tập Trảng Bàng phương chí của bạn Dương Công Đức. Đến thời điểm này, chưa có tâp sách biên khảo nào viết về Trảng Bàng Tây Ninh đầy đủ tư liệu hơn. Biết thế, sẵn sàng góp một tay với bạn. Lại phải còn tiếp tục sửa "bon" hai tập sách của y nữa: Khi tổ ấm nhảy Labada, Đời, thế mà vui. Công việc từng ngày lần lượt kéo đến, vì thế phải bỏ những lời mời đi chơi xa đầu năm. Chơi bời gì nữa. Đã gần nửa tháng chơi Tết rồi.

Chịu khó ngồi làm việc đi cưng.

Vâng ạ.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment