LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.2.2014


Bận rộn quá. Bận rộn cái gì? Chằng biết nữa. Mỗi ngày mở mắt dạy, hoay loay một chút đã trưa. Rồi chiều. Và tối. Một ngày đi qua. Hôm qua, có làm được gì đâu. Lại lật từng trang với Đại Việt sử ký toàn thư. Đọc và học được nhiều chi tiết hay. Sẽ viết gì đó. Nhiều bài học ở đời. Vừa ngẫm nghĩ, chưa kịp viết, anh em VTV đã đến tận nhà trao đổi về ngày Valentine để phát sóng. Đang trò chuyện, bỗng điện thoại ò ý e báo tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã mất. Lập tức, phải có ngay bài viết về ông. Bài viết Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã in PN sáng nay:

“Có lẽ tấm ảnh cuối cùng về nhà văn Nguyễn Quang Sáng (12/1/1932-13/2/2014), là tấm ảnh vừa được công bố trên facebook của nhà báo Phi Long. Nhân ngày Tết, anh qua thăm ông Chiếc lược ngà, vừa nói: “Chúc anh Năm khỏe”, lập tức ông cười khà khà: “Nhậu đi mậy”.

Nói đến nhà văn Mùa gió chướng không thể không nhắc đến chuyện nhậu. Những năm gần đây, dù đã yếu, đi đứng chậm chạp, nói cười ít hơn nhưng mỗi lần đạo diễn Trịnh Lê Văn từ Hà Nội vào, ông Năm đều có mặt trong cuộc nhậu, cũng là cái cớ để anh em già, trẻ ngồi lại với nhau. Nói thật, tôi thích nhậu chung với ông bởi ở ông là cả một kho chuyện về văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều giai thoại không phải ai cũng biết. Suốt những năm tháng dài được gặp gỡ trò chuyện với Ông Năm Hạng, tôi có thể “gạch đầu dòng” vài “bí mật” độc đáo Như một huyền thoại của ông:

1. Sau khi đi nhậu về không ngồi vào bàn viết văn, ông bảo, lúc đó, cảm hứng “bốc đồng” lắm. Viết xong, sáng mai ngủ dậy, đọc lại thấy giả lắm. Chỉ viết khi tỉnh táo.

2. Sau khi nghĩ xong cấu trúc, chi tiết cho một truyện ngắn, ông không viết ngay mà kể đi kể lại nhiều lần cho nhiều người nghe. Mỗi lần kể, có thể ông phát hiện ra chi tiết nào đó chưa hợp lý, không ưng ý thì loại bỏ; hoặc có chi tiết nào hay thì bổ sung thêm. Ông kể đến độ thuộc làu, ai cũng khen hay “hết xẩy con bà Bẩy”, mới ngồi vào bàn viết ra. Nhờ vậy, đọc truyện ngắn của ông, bạn đọc thấy đi vào lòng rất “ngọt”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu đánh giá ông là “người kể chuyện xuất sắc”.

3. Thời văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM còn ở đường Nguyễn Văn Đậu, là Chủ tịch Hội nên ông có phòng riêng. Thỉnh thoảng, chúng tôi đến chơi, thấy ông cởi trần như lão nông dân Mùa nước nổi, quấn ngang người cái khăn lông, ngồi trầm ngâm, đăm chiêu nhìn xuống xấp giấy trắng. Ngạc nhiên quá, hỏi: “Ủa, đang làm gì vậy anh Năm?”. Ông cười rổn rảng: “Tao đang viết văn”. Sau này, mới biết, lúc viết văn ông gần như “nude” một trăm phần trăm. Ông bảo: “Mặc quần áo ngồi viết văn, tao thấy vướng víu quá”.

4. Kinh nghiệm nhậu của Nhật ký người ở lại là không nói xấu người vắng mặt. Lúc chúng tôi làm tập thơ giấy dó, bán và thu về gần nửa tỷ bạc làm từ thiện, có mời ông tham gia. Ông chọn bài Rượu, tự tay viết: “Trong mâm rượu/ Nếu nói xấu người vắng mặt/ Rượu sẽ thành thuốc độc/ Trong mâm rượu/ Nhắc, nhớ người vắng mặt/ Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh/ Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương”. Viết xong bài thơ này, ông vỗ vai tôi: “Tuyên ngôn nhậu của tao đó mậy”.

5. Tác giả Tôi thích làm vua chính là người đẻ ra cụm từ “nhuận bút nhân dân”. Đôi lần đi nhậu với đám chúng tôi, ông vác theo chai rượu, bảo: “Rượu tình rượu nghĩa do bạn đọc yêu quý tác phẩm mà tặng. Tao khoái hơn bất kỳ nhuận bút nào. “Nhuận bút nhân dân” cao quý lắm”.

 

anh-1-mong-7-tet-trang-webR

Hình ảnh cuối cùng về nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên facebook của nhà báo Phi Long


6. Hồi ký, tự truyện… là một thể loại khó viết. Rất khó. Bởi thói thường do “tốt khoe, xấu che”, ít ai dám bộc bạch hết suy nghĩ của mình. Có lần tôi hỏi Dòng sông hát tại sao không réo rắt những cung bậc hồi ký? Ông cười xua tay: “Chẳng lẽ tao chỉ toàn kể tốt về tao?”.

Kể về Pho tượng còn nhiều nhưng tôi nghĩ, làm nên một diện mạo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng chính là tính cách rất Nam bộ từ trang viết đến sinh hoạt đời thường của ông. Tính cách của ông giống nhà văn Sơn Nam ở chỗ thích chơi với anh em viết trẻ, hòa đồng, không kênh kiệu. Dù bắt đầu cầm bút từ năm 1952 lúc còn ở rừng U Minh nhưng mãi đến năm 1956, ông mới có truyện ngắn đầu tay Con chim vàng in trên báo Văn Nghệ. Hơn bốn mươi năm cầm bút, đã trở thành “cây đa cây đề” của nền văn học nước nhà, đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng thật ngạc nhiên khi ông “tự bạch” trong Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015:Tôi luôn tự hỏi mình đã thật là nhà văn hay chưa?”. Lời tự vấn này cho thấy Nguyễn Quang Sáng khiêm nhường biết chừng nào.

Vĩnh biệt ông, các thế hệ yêu văn chương Việt Nam tiếc nhớ một tài năng lớn nhưng rất chính hiệu “dân chơi Nam bộ” mà đôi lần ông tự trào vui vẻ, được anh em tán thành. Chắc chắn với sự nghiệp văn học đã đóng góp của mình, không dễ gì sóng gió thời gian vùi lấp được tên tuổi nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Xin cúi đầu vĩnh biệt ông”.

Sáng nay, quyết tâm không làm việc. 8 giờ sáng đã ra khỏi nhà. Ăn sáng. Cà phê. Dự định không làm gì trong ngày hôm nay, đột nhiên báo TN gọi điện thoại cần có bài viết về nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Thế là mất ngủ trưa. Viết. Đang viết. Lại có cuộc hẹn của anh em HCTV đến nhà phỏng vấn về nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vừa phát biểu xong, lại kênh truyền hình của TTO phỏng vấn qua điện thoại. Thôi thì, cố gắng chu toàn mọi điều. Đang ngồi với trang Nhật ký hôm nay, có nhiều điều muốn viết lắm. Rất nhiều chuyện đầu có trong đầu. Lại sực nhớ đến cuộc hẹn thơ mộng chiều nay. Môi thơm. Rượu đỏ. Bèn dũng cảm và nghiến răng tắt máy. Bước ra khỏi nhà. Rất cương quyết. Lâu rồi mới tìm lại cảm giác thèm viết nhì nhằng gì đó. Chẳng biết để làm gì, nhưng rồi cứ viết. Nay muốn viết nhưng cũng không. Mới năm giờ chiều đã ra khỏi nhà, lòng áy náy quá. Đành vậy.

Mà thôi, thỉnh thoảng phải dễ tính với chính mình một chút. Khó tính quá để làm gì?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment