LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.2.2014

truoc-sna-nha-nguya-mong-1-tt-2014

Anh em Lê Minh Quốc trước sân nhà ở Đà Nẵng mồng Một Tết 2014

 

Năm nay, ăn Tết dài ngày. Mồng Mười Tết, trở về Sài Gòn. 2 giờ sáng. Sân bay nườm nượp người đưa, kẻ đón. Chào những ngày vui qua mau. Lại bắt đầu công việc mỗi ngày. Mở điện thoại, check email đã thấy những tin nhắn. Những thúc giục. Những bài vở. Công việc đang lặng lẽ đến. Từng ngày. Từng giờ. Ngồi vào bàn phím, gõ những con chữ, tự nhiên thở dài. Mệt thật. Những hăm hở, náo nức, nhanh nhẹn trước kia đã trốn biệt. Phải cần vài ngày làm quen lại. Tối nay, 11.02, tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM, Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân TP.HCM sẽ long trọng tổ chức buổi lễ đón nhận bằng của Unesco vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vài ngày nữa đã rằm tháng Giêng. Sắp đến Ngày thơ Việt Nam, diễn ra từ 14.2.2014, chủ đề năm nay: "Mùa xuân đất nước từ Điện Biên tới Trường Sa: trách nhiệm trước chủ quyền đất nước”. Sao lại không có Hoàng Sa?

Nghĩ lan man về những ngày Tết vừa qua.

Tối mồng Hai vào Hội An. Resort Boutique tại phường Cẩm An nằm ven biển. Sân cỏ dài ngút mắt. Ngồi ăn sáng, còn nghe tiếng sóng. Phố cổ vẫn đẹp. Những buổi ăn trưa ở cửa Đại vẫn ngon. Ngày dặt dìu trôi đi.

Trưa ngày mồng 4, quay ra Đà Nẵng tiễn đưa ông bà. Ăn xong, ra Huế. Resort Pilgrimage village. Một vẻ đẹp mê hồn của Huế xưa. Nhà cổ. Một không gian tĩnh mịch. Những món ăn của Huế vẫn còn gợi nhớ. Thức ăn Huế ngon ở nước chấm. Nói cách khác, linh hồn ẩm thực Huế nằm trong chén nước chấm. Đã đến ăn bánh khoái Lạc Thiện. Hình như nhà văn Đoàn Thạch Biền có viết truyện ngắn lấy cảm hứng từ quán ăn này thì phải. Ăn nhẩn nha nhiều món ăn trong những quán Huế. Ăn để cảm nhận sự tinh tế của các tay đầu bếp chuyên nghiệp. Không chê vào được. Đi lang thang phố Huế, nàng phát hiện ra cách dịch tiếng Anh trên đường Chu Văn An như sau: "Nhận giặt là" WASHING ARE. Cũng vui vui.

Trưa mồng Sáu, từ Huế về Resort Vedanā Lagoon, khu nghỉ dưỡng tại phá Tam Giang. Nhà nghỉ mọc lên ở lưng chừng đồi núi. Nhà nghỉ nằm trên sông. Lâu lắm mới đi lại xe đạp. Dạo chơi trong khu resort này. Một cảm giác bình yên lạ thường. Chỉ tiếc, khu dân cư ngay phía ngoài còn nghèo quá. Sự tương phản đến nao lòng. Ngày Tết, ngay chỗ quẹo vào khu resort là một bãi đất trống, nơi ấy dựng lên một cái rạp tạm bợ, là nơi người dân trong làng tụ tập hát hò đón xuân. Không có quán xá gì, ngoài vài gánh hàng rong. Chỉ có thế. Sống với thiên nhiên đẹp lạ lùng nhưng nghèo quá, còn đâu tâm trí tận hưởng cảnh đẹp ấy mỗi ngày. Có đúng vậy không?

Trưa ngày mồng Tám về Đà Nẵng và đến Resort Intercontinental. Có ở nơi này, mới cảm nhận được hết sự khéo léo, tài hoa của những người thợ xây dựng nên một công trình đồ sộ. Đẹp mê hồn. Tết năm ngoái cũng đã đến. Lần đầu tiên đến, có cảm hứng làm thơ. Không gian trời biển mênh mông hữu tình, nhưng không phải người dân nào cũng có thể đến được. Dù họ là người đã từng sống chết cho Đà Nẵng. Cuối cùng, vì lý do đó, bài thơ bỏ dở. Trước lúc quay về Sài Gòn, vào Hội An ăn ở quán có tên ngộ nghĩnh A Rồi. Những thức ăn quê của Quảng Nam yêu dấu.

Rồi vào lại Sài Gòn.

Chỉ mới vài ngày rong chơi, y đã trở thành con người khác. Thời khóa biểu thay đổi. Trượt dài theo thời gian. Gõ bàn phím mà lọng cọng. Như đứa trẻ bắt đầu tập đi.Chán chưa? Phải lặp lại thói quen của mỗi ngày. Du xuân như vậy là đủ rồi. Thêm vài ngày du hí nữa, chẳng biết y sẽ thế nào. Có chuyện rằng, ngày nọ do hạn hán. Đất trời trở thành chảo lửa. Nước sông hồ khô ran, những con cá phải thích ứng để tồn tại. Thay vì bơi, chúng tập đi bộ. Đi trên cạn. Hoan hô cá. Chúng mày hay lắm. Cá đi bộ đã quen. Rồi một ngày kia, thời tiết thay đổi. Mưa trút xuống ầm ầm. Sông nước lênh láng. Những chú cá sẽ reo vui, mừng rỡ chăng? Không, chúng chết đuối. Mấy ngày Tết, với y cũng thế. Phải nhanh chóng quay lại với thói quen hằng ngày.

Trở về Sài Gòn, sau Tết, tự nhiên thấm mệt. Không mệt sao được khi hàng trăm con người phải đứng trước sân bay chờ đón đón taxi. Tranh giành. Chầu chực. Tay xách nách mang. Buồn ngủ buồn nghê. Không đủ xe taxi đón khách? Trên đường về, nghe lời than, anh taxi cho biết, đại khái:

- Lúc ấy ở phía bên ngoài, bọn em đang ngủ gà ngủ gật chờ đến phiên mình.

Ngạc nhiên quá, bèn hỏi:

- Sao không nhanh chóng vào đón khách?

Anh taxi chép miệng:

- Không thể anh à. Mỗi xe vào rước khách phải tuần tự theo chỉ huy của nhân viên sân bay. Taxi nào đã ghi xong biển số, họ mới cho vào. Nếu nối đuôi vào ùn ùn theo thì họ không thể ghi kịp.

Ghi lại từng biển số xe để làm gì vậy? Câu trả lời nghe choáng luôn:

- Sáng mai, các tài xế lên đóng 20.000 đồng cho nhân viên trực ca.

Luật bất thành văn. Chắc chắn các hãng taxi muốn đón khách trong sân bay phải có hợp đồng ràng buộc. Thế nhưng tài xế phải đóng thêm khoản tiền này nữa. Đã có câu lý giải vì sao khách xuống sân bay phải chầu chực, chờ đợi taxi đến khổ. Nếu hơn 20 năm trước, biết được thông tin oái oăm này, y đã bỏ công viết ngay một bài phóng sự chấn chỉnh một cách làm ăn ma mãnh. Lúc ấy, còn trẻ, còn hăng, còn sung nên y có thể viết ngay những bài báo nẩy lửa. Nay đã khác. Nghe xong, y chỉ thở dài. Thông tin này nêu ra, nhà báo nào còn yêu nghề có thể bắt đầu thao tác nghiệp vụ điều tra thêm.

Cái nghề báo cũng lạ. Tại sao lúc trẻ, người ta viết nhiều. Xông xáo. Những bài báo hừng hực hơi thở của đời sống. Tại sao? Vì yêu nghề? Đúng rồi. Vì kiếm sống? Đúng rồi. Đúng nhưng chưa đủ. Câu trả lời phải bổ sung thêm rằng, do lúc ấy họ có quá nhiều ảo tưởng. Ảo tưởng thánh thiện. Ảo tưởng trong sáng. Ảo tưởng rằng, những bài viết dằn vặt tâm tư, đau đáu nỗi niềm ấy sẽ góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn. Cả xã hội rúng động bởi những phát hiện mới mẻ. Rồi chính sách sẽ thay đổi. Lòng dân an vui hơn. Những trang báo, hằng này góp thêm một tiếng nói xây dựng đời sống Nghiêu, Thuấn hơn. Chính vì thế, họ hăng hái viết. Viết không chỉ vì kiếm sống. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, cuộc đời dạy cho họ nhiều bài học. Lúc ấy, có thể họ cay đắng, có thể họ thản nhiên mỉm cười với ảo tưởng của một thời trai trẻ. Tuổi trẻ tươi đẹp bởi có nhiều ảo tưởng. Tuổi trẻ đáng yêu bởi có nhiều cả tin. Tuổi trẻ đáng ghét nhất khi có quá nhiều mưu toan trong sự tính toán.  Y già rồi. Chẳng còn ảo tưởng gì đâu. Có đúng vậy không?

Chiều rồi. Có chỗ nào ngồi ngắm nắng chiều?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment