LÊ MINH QUỐC: Nhật ký Mồng 2 Tết


Trên cánh đồng hoang thuần một màu

Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi

Tàu chạy mau mà qua rất lâu

Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau

Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu

Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt

Gò nổng cao rồi thung lũng sâu

Ngựa thở hào hển, thở hào hển

Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau

Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn

Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu

Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết

Tàu chạy mau, càng mau, càng mau

Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ

Chấm giữa nền nhung một vết nâu

Đọc lại lần nữa đi. Một cảm giác lạnh, chạy dọc sau lưng. Lạnh buốt. Sáng nay, dậy sớm. Mồng 2 Tết. Nhớ đến bài thơ Cánh đồng con ngựa chuyến tàu của Tô Thùy Yên. Trong đời sống, có những lúc như ngựa. Cứ chạy. Chẳng biết về đâu. Nhắm mắt. Và chạy. Không ngoái lại đằng sau. Chạy mải miết. Mải mê. U mê. Rượt đuổi theo một hư ảo xa xăm nào đó. Chẳng biết, cuối cùng sẽ đến đâu. Đến chân mây? Về góc biển? Lên cõi địa đàng? Chỉ là những câu hỏi mơ hồ. Chẳng có câu trả lời. Vậy mà từng ngày vẫn chạy. 365 ngày tung vó. Ngựa vẫn chạy. Lao nhanh về phía trước. May quá, còn có ngày Tết. Sực tỉnh. Dừng chân. Nghỉ ngơi. Nằm dài trên cỏ xanh. Lăn dài ra ngã tư đường phố. Nhìn lên trời. Sống cho mình.

Chiều ba mươi Tết. Ngồi trước nhà. Vài lon bia. Vài ba gương mặt bạn bè của thuở hoa niên. Những câu chuyện lan man, nhẹ nhàng. Khoảng khắc ấy, đáng nhớ. Chầm chậm từng phút giây chờ đón giao thừa. Đường phố vắng người. Ai nấy cũng vội vàng. Quay về nhà. Sống cho mình. Những vàng hoa, lộc nõn lướt nhanh qua phố. Mùa Tết đang gần. Giao thừa sắp đến. Trời không lạnh. Chỉ một chút gió rét. Vẫn đường phố mọi ngày nhưng chiều 30 Tết lại rất khác. Khác từ trong tâm tưởng. Bâng khuâng. Rạo rực. Đã sắp tết. Ở lứa tuổi nào, vào ngày này, ai cũng có giây phút lửng lơ, nhẹ nhàng ấy. Nghe Sanh kể mà buồn cười: “Cậu nhóc nhà mình thích Tết lắm. Có năm, sau Tết, bắt đầu chuẩn bị đi học lại, cu cậu ngồi khóc hu hu. Khóc ngon khóc lành, hỏi sao khóc? Chẳng nói. Gặng hỏi mãi cu cậu thút thít: “Ba ơi, con nhớ Tết quá!”.  Hỏi cháu An May nhà mình, vì sao con thích Tết? “Con thích Tết vì được nghỉ học, được đi chơi, được tiền lì xì”. Niềm vui trẻ nhỏ đơn giản. Dễ dàng tìm kiếm. Khi già, lại khác. Niềm vui xa vời vợi. Ngày càng hiếm hoi. Hiếm hoi bởi như ngựa. Từng ngày, cứ chạy, cứ lao nhanh về  phía trước. Không giây phút tĩnh tâm nào. Tâm viên ý mã. Náo động. Ồn ào.  Rồi chiều ba mươi Tết, sực tỉnh. Giật mình. Đã lâu rồi không nghỉ ngơi. Mỗi sáng, ngồi trước bàn phím. Gõ nhì nhằng.  Hết dòng chữ này đến trang viết khác. Cứ viết. Mỗi ngày. Đều đặn. Nhẫn nại. Như kẻ leo ngược dốc.

tôi nào dám dậy sau tiếng gà

rạng sáng đã lao vào bàn viết

gió thổi ngoài sân

chim reo mùa tết

nhắm mắt bịt tai quên hết

viết rồi lại viết

uống cà phê cầm hơi

trán toát mồ hôi

viết

cảm hứng gì cái nghề keo kiệt

lấy chữ đổi ra tiền

tiền tiêu rồi cũng hết

lấy chữ đổi ra danh

danh phai dần không còn dấu vết

một ngày kia tôi chết

còn để lại gì không?

đừng nản lòng

Nuôi lấy một ảo tưởng. Để sống. Trong cõi trần gian bon chen này, với ảo tưởng, từng ngày, con người ta lại có thêm năng lượng. Đi hết một kiếp đời. Mải mê đi. Đi trong bóng tối. Đi qua ánh sáng. Mù lòa. Nhắm mắt. May quá, còn có ngày Tết. Lúc này, dừng lại. Ngồi lại. Nhìn xuống lòng bàn tay. Nhìn lại đời mình. Những đường chỉ tay đã sâu như luống cày miệt mài theo năm tháng. Ủa, lâu nay mình có sống hay chỉ là sự tồn tại theo bản năng? Câu trả lời chẳng dễ dàng. Ừ thì sống.

Những sum họp gia đình bạn bè anh em trong chiều tối ngày Mồng Một Tết đã đến. Sống cho mình. Những nén nhang thơm trên bàn thờ nhà ông ngoại. Những gương mặt tiền nhân đã khuất. Cũng quay về. Cũng sum họp. Những tiếng cười hào sảng như sóng vỗ khơi xa. Những hoạt ngôn, những tiếng nói náo động vang vọng lên tận cõi trời. Những dòng men như lửa rần rần chảy qua cuống họng một nỗi niềm hân hoan không e dè. Không ngần ngại. Cứ uống. Những suối bia đổ tràn qua thân xác đã 50 mệt mõi từng ngày bỗng dưng vừa hồi sinh, vừa tươi trẻ hồng hào thức dậy một niềm yêu đời phơi phới. Cứ uống. Làm gì sẽ có những cuộc vui như thế này khi lao nhanh như ngựa trên đường đời phải cảnh giác. Phải nhìn trước ngó sau. Phải uốn lưỡi bày lần trước khi nói. Y có thói xấu vô cùng vô tận là thích nói khi đã có men. Nói như gió reo ngoài đồng nội. Nói như sóng vỗ vào ghềnh đá. Nói như tiếng mưa ầm ầm giông tố. Chẳng việc gì. Đã từng ngày im lặng độc thoại cùng bàn phím. Đã từng đêm độc hành qua trang sách.Cũng im lặng. Rồi khi có cuộc vui, tự dưng y thèm nói. Những  tiếng nói không e dè. Không dối trá. Không thay lưỡi. Không đeo mặt nạ. Không khoác lên bất kỳ một son phấn đỏm dáng láu cá nào. Ấy là sống. Sống trong chiều tối của ngày Mồng Một Tết tại căn nhà thờ ông bà ngoại. Căn nhà của tuổi thơ, đầu năm mới có những phong bao lì xì đỏ chói mừng tuổi mới hồn nhiên lên mười. Căn nhà của ký ức. Ngày đó, ông bà ngoại còn sống. Anh em vui vầy trong đùm bọc.Yêu thương chở che. Bây giờ, anh em y lại tiếp nối vai trò đó. Con cháu lại ra đời. Từng thế hệ nối tiếp.

nén nhang trên bàn thờ ông ngoại

thơm hoài mỗi nỗi buồn về khuya

Anh em ngồi lại. Họp mặt đầu năm. Vũ nói,mọi năm ở nhà Tẹo rồi. Năm này, ở đây. Vui quá. Tiếc không còn cái giếng mà ngày trước, mùa xuân, bà ngoại múc từng gàu nước, đổ vào thau, rửa sạch từng lá trầu xanh, hoa huệ trắng, vạn thọ vàng đặt lên bàn thờ. Hương thơm ngày tuổi nhỏ lãng đãng quay về. Nhắc nhở. Sống lại cùng hoa niên. Mộng mị. Đã xa vời vợi. Ngày về, đi trên phố xá. Đà Nẵng đã khác. Những con đường. Mái phố. Vòm cây. Đã khác. Chỉ còn trong trí nhớ. Mà lạ lùng chưa. Dù khác. Nhưng mỗi bước chân đi, tưởng như vẫn có tiếng vọng thì thầm của thời thời gian quá khứ gọi tên y . Giật mình. Quay lại. Chỉ nghe tiếng gió reo. Chỉ nghe tiếng vỡ của năm tháng xa xưa gợi nhớ.

Tiễn chào tối ba mươi

Gió về trên môi ấm

Chao ôi dưới sông Hàn

Sóng vỗ bờ Đà Nẵng

Mùa ngọt trên môi em

Dẫn tôi về nguyên đán

Bất chợt một nhành mai

Huy hoàng như ánh sáng

Ngồi xuống ngã tư đường

Chợ Cồn tô cháo trắng

Ngon như là quê hương

Quê hương? Nơi ấy còn có nấm đất của ba, của chị. Mộ chí đã cỏ xanh. Một kiếp người đã khuất. Nơi ấy, neo giữ lại máu thịt dòng tộc, còn nhớ để quay về. Sáng Mồng Một Tết, cả nhà lên thắp nhang cho ba, cho chị. Nhang khói ấm áp. Nghe gió thổi qua tâm tưởng một nỗi niềm. Thương nhớ. Cõi âm và dương có mối liên hệ nào không? Ngày nọ, ông anh rể nằm mơ, thấy trong mơ ba bảo: “Con lên mộ ba xem, mái hiên bị đổ”. Hư thực thế nào, chẳng rõ. Trong giấc mơ, nghe là nghe vậy. Mơ hay thật? Trên đường về quê, ông anh rể tự nhủ, tạt ngang qua mộ kiểm tra xem. Không ngờ, báo mộng là chuyện có thật. Thì ra, mái hiên che bia bị ngã một bên. Lập tức, sửa lại ngay. Kỳ lạ chưa? Trong đời sống này, âm dương hữu hình. Trong âm có dương và ngược lại. Ngày Tết, muôn đời, thiên thu vạn kiếp vẫn là dịp sum vầy của người đã khuất với dương trần. Ông bà về với cháu con. Phù hộ. Độ trì. Cứ như thế. Vòng đời tiếp nối. Duy trì cội nguồn. Từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và y thì sao? Y đáng yêu quá đi thôi. Bây giờ, y gõ những dòng chữ này vẫn là nơi hơn 50 năm đã khóc tiếng oa oa chào đời:

Cúi đầu chào những giấc mơ

Tôi về nhà cũ không ngờ gặp tôi

Gặp lại thơ ấu mừng vui

Cớ sao giọt lệ ngọt bùi ứa ra?

Ngày Tết êm đềm. Yêu dấu. Y đang sống lại năm tháng của tuổi thơ. Ngày ấy, ba mẹ y còn khỏe mạnh. Ngày đầu năm mừng tuổi cháu con những đồng tiền mới. Ban phúc tuổi mới. Những đồng tiền mới ấy, nay thế hệ anh em y lại mừng cháu con. Sự nối tiếp. Muôn đời. Và mãi mãi.

Tối nay, vào Hội An. Lại sống. Lại những men rượu đỏ chảy tràn qua mắt môi. Hai người một bóng. Sóng Cửa Đại. Phố cổ. Những mộng mị trong đời... Tết ơi.

le_minhtien

Gia đình em Lê Minh Tiến ở Úc

 

L.M.Q

(1.2.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment