LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.12.2013

 

TDAM_Toadam30namTTCRR

Đại biểu dự tọa đàm 30 năm báo Tuổi trẻ Cười chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Thanh Đạm)

 

Sáng nay, dậy sớm tham dự tọa đàm 30 năm báo Tuổi trẻ Cười. Gặp lại nhiều gương mặt quen. Có cả thẩy 20 bản tham luận của các đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà giáo: Nguyễn Sơn, Kim Hạnh, Huỳnh Dũng Nhân, TS Huỳnh Như Phương, TS Huỳnh Văn Thông, Th.S Nguyễn Hà, Hoàng Thiếu Phủ, Bích Ngân, Lý Trực Dũng, Lê Minh Quốc, Nop, Lại Nguyên An, GS-TS Nguyễn Đức Dân, Lê Chí Trung, Phạm Xuân Nguyên, Đồ Bì, Vương Huyền Cơ, Nam Đồng, Võ Văn Điểm, D.Duy.  Và nhiều khách mời khác.

Trưa ngủ dậy, leo lên facebook thấy anh Nguyễn Đông Thức nhận xét: “Sáng nay đi dự hội thảo 30 năm báo Tuổi Trẻ Cười, đành về giữa chừng vì lòng đã quyết k còn thì giờ để làm chuyện vô ích nữa. Chỉ mỗi Lê Minh Quốc nói đúng (lâu lắm mới thấy): "báo TTC chỉ hay nếu có tự do báo chí!". Ủa mà đâu phải chỉ TTC!”. Chuyện này, nếu bàn thì lắm chuyện lắm. Khi phát biểu, y nhấn mạnh: “Tôi không nhìn TTC ở góc độ riêng lẻ mà đặt trong sự vận động của nề báo chí nước nhà, vẫn  nhấn mạnh quan điểm: Một nền báo chí lành mạnh, trong đó có báo cười, TTC chỉ thật sự trở thành tiếng nói phản biện để góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý của một nhà nước khi nó được thông thoáng về mặt dân chủ, tự do báo chí”. Thật ra điều này không có gì mới. Có điều chẳng ai dám nói. Chẳng biết từ khi nào con người ta lại chọn sự an toàn này như chọn sự khôn ngoan trong xử thế: Trước một sự việc cụ thể, nếu nói giữa cuộc họp khác với nói bên bàn nhậu; nói bên bàn nhậu khác nới vợ; nói vợ khác với “mèo” v.v… Dù cái nói nào đi nữa cũng chưa chắc đúng với suy nghĩ mà mình không nói ra. Chỉ tự mình biết. Tự mình phải đóng nhiều gương mặt.

Quá mệt.

Quan điểm phát biểu của y, nhiều người chia sẻ. Chú Nguyễn Sơn trước công tác ở Ban Tuyên huấn Thành uỷ, con rể nhà yêu nước Nguyễn An Ninh cũng nhấn mạnh, đại khái, vấn đề là bản lĩnh của người quản lý báo chí như thế nào? Thời các ông Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Bảy Trấn… TTC xông xáo hơn nhiều. Lần nọ, y trò chuyện với nhà văn Văn Lê, anh thuộc biên chế của Hãng phim Giải phóng. Nhờ vậy anh được gặp khá nhiều lãnh đạo cấp cao khi làm phim tài liệu, anh nói: “Các cụ cởi mở hơn anh em trẻ nhiều lắm. Có những vấn đề các cụ nhìn rất thoáng. Trong khi đó, tự anh em mình lại trói buộc do cứ sợ bóng sợ vía”. Chuyện hội thảo nào, bàn luận nào nghĩ cho cùng cũng cho vui thôi. Đóng cửa lại, anh em trong nhà có dịp tâm tình. Nói này nói kia, tranh luận. Rồi về. Ai lại làm việc nấy. Tờ báo TTC sẽ thế nào cũng khó thể đoán trước điều gì. Ấy vậy sáng nay vẫn có người cứ nói này nọ, không thật chút nào. Để làm gì? Để đám đông nhìn thấy mình "quan điểm lập trường" như thế như thế, nhưng ác một nỗi lại quên, chẳng ai buồn cãi lại. Chẳng hạn, nói rằng báo chí ta không có “vùng cấm” (?!). Thời buổi này nói thế là không thật, là diễn, là ba xạo, ba que xỏ lá, đá cá lăn dưa. Ai tin? Ai có thể tin người không dám nói thật suy nghĩ của mình là người tốt? Nhiều lúc, các nhà lãnh đạo cũng cần nghe ý kiến này ý kiến kia. Khổ nổi, lúc ấy chẳng ai nói thật cả.

Vậy nghe là nghe cái gì? 

Cái điều tệ hại nhất của người viết hiện nay vẫn chính là tự mình biên tập lấy mình. Khi viết, nghĩ là thế nhưng khi đưa bài đi lại cân nhắc từng dòng, từng chữ. Chữ này, câu kia mà lọt ra ngoài ắt phiền. Bèn cắt luôn. Thiến gấp. Từ một hình hài có da, có thịt, có cá tính lại trở nên vô hồn. Nhạt như nước ốc. Cái nỗi sợ ấy vô hình mà người nào cũng tự ám ảnh. Tự mình làm “mềm” lại, “tròn” lại. Dù chỉnh chu hơn, an toàn hơn nhưng thật ra chỉ là cái xác. Chẳng hạn, bài báo này đã tự mình biên tập; nộp trưởng ban là qua tầng thứ hai; rồi phòng biên tập lại biên tập lần nữa; rồi nộp lên ban biên tập, nếu cần thiết lại biên tập lần nữa. Quy trình là thế. Bài viết còn gì? Đôi khi chuyện này chuyện nọ chả có “cấp trên”, “cấp dưới” nào chỉ thị, chỉ đạo nhưng rồi tự mình gọt dũa lấy mình. Rồi anh em với nhau, chơi thân với nhau chưa chắc đã tin nhau cũng tự có ý kiến này nọ. Mệt lắm cái nghề chữ nghĩa. Có đọc đâu đó giai thoại về hai nhà văn lão thành. Lần nọ, khi duyệt bản thảo cuốn “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, ông  Tô Hoài “Dế mèn phiêu lưu ký” bảo với Nguyễn Tuân:

- Ông là lôi thôi lắm, cứ để cái tên Hà Nội đánh Mỹ là đầy đủ rồi, cần gì phải dài dòng như thế?

Nguyễn Tuân cà khịa:

- Ông thấy nó dài dòng chỗ nào?

Tô Hoài đáp: 

- Để Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi cứ thấy như mình đứng ở cái thế bề trên mà ban khen cho Hà Nội vậy!

Nguyễn Tuân nổi đóa lên:

- Đấy! Ba cái anh duyệt bài là chúa hay suy diễn. Tôi không có đứng trên đứng dưới gì sất, chỉ có điều là tôi không chịu được cái gì chung chung. Tôi nói “Hà Nội ta” là "Hà Nội của chúng ta" đây! Của ta đây! Tôi tự hào với cái Hà Nội của ta thế có được không? Thế còn “đánh Mỹ giỏi” phải nói rõ đánh Mỹ giỏi, chứ nói đánh Mỹ thì ai biết ta đánh Mỹ như thế nào? Một cái tên sách, nó cũng là cái tên sách của tôi, sao ông cứ bắt tôi phải giống mọi người? Nếu ông làm biên tập mà cứ muốn gọt tôi cho tròn vo như vậy, không có cá tính, không có cái gì của riêng tôi thì thôi, để sách đó, không in nữa!

Thấy bạn nổi nóng, Tô Hoài cười dàn hòa:

- Là tôi cũng gợi ý vậy, ông không đồng ý thì thôi, chứ có gì đâu mà ông đã giận!

Và cuối cùng như chúng ta đã biết, khi sách ra vẫn giữ y nguyên cái tựa mà Nguyễn Tuân đã đặt! Lại có chuyện rằng, nhà thơ Tô Hà làm biên tập ở một tờ báo nọ, hôm nọ ông nhận được bài thơ của tác giả nổi tiếng nọ gửi đến. Trong đó có câu mà ông rất thích và  bảo với tác giả:

-Cái câu: “Chiếc lá sen thơm cả tay cầm” theo mình là rất gợi. Lá sen xui người ta nhớ đến cốm vì người Hà Nội hay dùng lá sen gói cốm. Viết như thế này phải là người tinh tế lắm. Chao ôi! Cốm thơm, lá sen cũng thơm, hai mùi thơm ấy quyện vào tay mình thì thật tuyệt. Mình sẽ cho in ngay!

Nhưng chờ mãi, chẳng thấy bài thơ này xuất hiện trên mặt báo! Tại sao? Nhà thơ Tô Hà kể với tác giả:

-Tớ đưa lên, nhưng tay duyệt bài cuối cùng phê bên câu thơ của ông là: “Không khuyến khích làm cốm, có hại cho chính sách lương thực”. Vậy là toi bài thơ.

Mới đây thôi, y mail bài thơ cho tờ báo nọ cộng tác số Xuân 2013. Câu thơ này:

Một ngày nắng mới vừa lên

Dấu răng giữa ngực gọi em, em là...

Có là gì đâu, đúng không? Y viết như chơi. Đặt bút xuống là có thơ. Người bạn chọn thơ điện thoại bảo: “Báo của Đảng bộ mà in như thế này, các cụ hưu trí đọc soi từng chữ là mệt lắm”. “Tại sao?”. “Sex quá. Mà thơ xuân thì nhẹ nhàng hơn, tươi vui hơn. Để mình sửa lại nha”. “Khỏi sửa anh à, nếu ngại thì thôi”. “Nhưng mình thích bài này”. Chẳng lẽ rút lui bài thơ mà chỗ anh em cả. Nói thế nào bây giờ? Đành tặc lưỡi: “Tùy anh”. Cho nó xong. Lúc ấy nghĩ, “Đấy! Ba cái anh duyệt bài là chúa hay suy diễn” vẫn còn có ý nghĩa thời sự lắm. Sự suy diễn này nọ, đôi khi rất chủ quan chứ chẳng trên một “quan điểm lập trường” gì cả.

Sáng nay, theo phát biểu của anh Nguyễn văn Khanh - trưởng phòng quản lý báo chí của Sở văn hóa Thông tin Truyền thông, hiện nay cả nước có đến 1.084 ấn phẩm báo chí. Trong đó, chỉ có 4 tờ báo cười: Học trò cười (Thiếu niên tiền phong), Nhi đồng cười (Nhi Đồng), Làng cười (Nông thôn ngày nay) và TTC (Tuổi Trẻ). Nhìn chung, số lượng báo cười quá ít. Nếu nhìn rộng ra, ta sẽ thấy tác phẩm văn học trào phúng, hoạt kê cũng không nhiều. Thậm chí đọc nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn chừng mươi năm trở lại đây, ta thấy các tình tiết humour cũng ít.

Trưa, TTC mời ăn. Thực đơn như sau: Gỏi củ hủ dừa tôm thịt, mực sa tế, cá chẽm sốt chua ngọt, cơm chiên sò điệp, gân bò tiềm thuốc bắc, trái cây thập cẩm, bia Sài Gòn. Lúc ấy, cũng bàn chuyện linh tinh, trên trời dưới biển. Hỏi anh Hoàng Thiếu Phủ về anh Hoàng Phủ Ngọc Tường? Anh Phan cho biết, sức khỏe anh Tường ngày một yếu, khi chuyện trò anh vẫn nghe, vẫn hiểu nhưng khổ nổi lại không trả lời, không diễn đạt được. Anh bị tai biến, nằm một chỗ mấy năm rồi. Hỏi, sao anh biết anh Tường có thể nhận biết mọi thông tin của người khác, phải có biểu hiện gì chứ? Anh Phan ngần một lúc, nói, mình biết chắc mà. Như vậy, mối liên hệ ruột rà giữa hai anh em ruột có gì đó rất thiêng liêng, tự họ nhận ra, người ngoài không thể biết được. Cũng như người mẹ có thể biết con mình đang như thế nào. Dù cách xa vạn dặm nhưng nó gặp sự cố gì thì bằng sự linh cảm của người mẹ sẽ biết ngay.  Rồi anh Phan phàn nàn về bộ Từ điển văn học (bộ mới) lại không có mục từ “Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Kỳ lạ chưa? Chẳng thể hiểu nổi. Trước đây, khi bộ sách này lần đầu tiên ấn hành, y đã viết 2 bài in trên báo TN (số ra ngày 29.5 & 31.5.1998) phân tích sự thiếu sót của các cây bút miền Nam. Chà, nay đã tái bản mà vẫn còn thiếu. Đọc kỹ, vẫn còn thiếu nhiều người lắm. Thậm chí thế hệ cầm bút trưởng sau 1975 lẽ ra cũng phải được đề cập đến. Mà thôi, bàn chuyện này làm gì?

Lại một ngày.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment