LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.12.2013

leminhquocnhau-R

Một cuộc nhậu gần 30 năm trước tại báo TT (ảnh: Nguyễn Công Thành)

 

“Thời buổi nay, làm ăn khó khăn quá”. Hôm kia ghé lại một quán ăn quen chung với bạn bè. Cô chủ quán thỏ thẻ, đại khái, mỗi ngày mở mắt ra việc đầu tiên phải nghĩ đến trong ngày phải thu về 20 triệu. Dù nắng, mưa, thiên tai, động đất, khủng bố, lễ tết gì gì đi nữa cũng phải có số tiền đó. Tiền nhà thuê 5 ngàn USD/ tháng; chưa kể tiền nhân viên phục vụ, quản lý, điện nước, tiền giữ xe, bảo kê… Mệt lắm anh à. Nghỉ quách đi em? Đâu có được, sau khi thuê nhà đã đầu tư sửa chửa lại hơn cả tỷ, nếu bỏ là mình mất trắng. Vì thế cứ phải gồng mình cầm cự. Đêm qua, mừng sinh nhật quán. Vậy là cô đã cầm cự được hai năm. Đã có lời lãi gì chưa? Chưa anh à. Mỗi tháng không phải bù thêm là mừng rồi.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Những quán ăn, cà phê giải khát, dịch vụ ăn nên làm ra tại Sài Gòn, ở trên nhiều tuyến đường lớn, giữ xe cho khách không phải nhân viên của nhà hàng. Có một nhóm người đứng ra thầu. Đó là luật bất thành văn. Nếu không, nay công an khu vực đến phạt lấn chiếm vỉa hè; mai mất xe; mốt có người đến gây gổ... Chi bằng thuê bọn chúng. Mà chúng đứng chân là đâu vào đó. Quán có khách hay không, mặc kệ, cứ đều đặn mỗi tháng phải đóng một số tiền nhất định. Rồi phải “biết điều” với quan chức cấp bét nhất ở địa phương, nếu không, vài ba ngày lại có nhóm người hùng hùng hổ hổ đến kiểm tra, hoạnh họe này nọ. Đang ăn, đang uống, đang hát, đang hò bỗng nhiên thấy ầm ĩ cả lên. "Đầu trâu mặt ngựa ầm ầm như sôi" chỉ có nước mất khách. Đủ thứ phải lo. Ngày tết, ngày lễ phải quà cáp, nhét tiền vào bì thư gọi là tiền cà phê cà pháo, đến nơi trao tận tay một cách lễ phép. Tháng nào trễ, có điện thoại hỏi han ngay. Đủ thứ phải “biết điều”. Có những chỗ, sau khi đã thuê, làm ăn ổn định thì chủ nhà trở mặt đòi lại mặt bằng. Rồi lại tiếp tục mở quán, cũng kinh doanh mặt hàng đó. Quán phở góc đường Nguyễn Du, ban đầu chỗ này, phải dời về chỗ kia; quán gà ác tiềm ở góc Cao Thắng cũng vậy.

Quá mệt.

À, lúc ngà ngà say lại nghe kể câu chuyện buồn cười. Cô này có anh chồng người nước ngoài. Lúc ra mắt nhà vợ, anh từ Sài Gòn về Long An. Đến nơi, sau phần lễ theo đúng nghi thức của người Việt, anh bước ra sân chào hỏi mọi người. Chưa kịp ngồi xuống ghế, lập tức một ly rượu đế “trân trọng kính mời”. Chẳng lẽ từ chối? Vì phép lịch sự, anh nâng ly uống cạn cho phải phép xã giao. Vậy là xong? Không. Lần lượt hết người này đến người nọ luân phiên nhau mời. Anh không rành tiếng Việt. Họ không biết tiếng Anh. Từ chối thế nào cho đúng phép lịch sự? Thôi thì, đành uống. Xã giao một vài ly, chỉ nhấp môi có được không? Ai lại làm thế, phải trăm phần trăm cho đúng điệu. Thấy anh khổ sở, nhăn nhó quá, cô vợ chạy ra can anh em, bạn bè “tha” cho chồng mình. Mọi người mắng cho té tát. Thương nhau, quý nhau mới mời chứ có ai ép uổng gì đâu? Rượu quê mình là rượu ngon, rượu quê mình nhà nhất, chứ có phải thuốc độc đâu mà từ chối? Sự hiếu khách nhiệt tình ấy đã khiến anh lúc quay lên lại Sài Gòn vẫn chưa có gì bỏ vào trong bụng. Đã thế, anh lại bị nấc cụt liên tục. Từ đó, trở về sau, mỗi lúc nghe về quê vợ là anh xay xẩm mặt mày, mùi rượu vẫn còn xộc lên óc. Bèn tìm mọi cách thoái thác cho bằng được. Vợ thương chồng nên không nở ép. Mà đã xong đâu, không thấy anh theo vợ về, mọi người xì xào, bộ thằng chả ỷ người nước ngoài giàu có chê họ hàng, xóm giềng mình nghèo hèn nên không thèm về chứ gì?

Anh bạn thời bộ đội của y là dân Hà Nội chính hiệu nai vàng. Ngày nọ nhận thư mời lên vùng cao dự đám cưới của con trai đồng đội ngày trước. Chiến hữu sống chết ở chiến trường thuở đôi mươi, mười tám, nay sống sót trở về thì không thể vắng mặt trong ngày trọng đại này. Từ rạng sáng ở Hà Nội, anh bắt xe đò đi dự đám cưới, đến nơi trời đã ngọ. Ngồi vào bàn, chưa kịp cầm đũa là có ly rượu “tình thương mến thương” đưa đến. Anh uống cạn, trả lại ly, định cầm đũa thì một cánh tay chìa ra và bảo: “Uống xong phải bắt tay cho thân tình anh ạ”. Thì bắt tay. Buông tay ra, anh vừa cầm đũa lên thì người khác chìa ngay ly khác; lại uống; lại bắt tay. Cứ thế, cho đến lúc chết ngất trên cành quất, anh vẫn chưa ăn được gì.

Phép uống rượu của người Việt là gì?

Là cố ép người khác phải uống cho thật say. Say mềm như cọng bún. Say ngất ngư luôn càng hay, càng vui. Thật ra sự mời mọc ấy chẳng ác ý. Họ chỉ tỏ lòng mến khách, hiếu khách. Khổ nỗi, dù không thể uống được nữa nhưng rồi do nể nang, chẳng mấy ai từ chối thịnh tình, mời mọc quá hớp đó. Cuối cùng, cắn răng mà chịu. Gì nữa? Chán nhất trong tiệc cưới, tiệc tùng ngồi ăn chung nhau lại có người lại tỏ ra lịch sự quá mức cần thiết. Chẳng cần biết, người bên cạnh hoặc đối diện có hợp khẩu vị hay không, họ cứ thọc đũa vào món đó gắp cho người này, người kia làm ra vẻ ta đây, dù không quen nhưng vẫn quan tâm. Đi ăn kiểu này là cực hình.

Đêm qua, món ăn tự chọn. Ngồi với bè bạn thân tình. Vẫn những gương mặt của tình bạn. Chẳng ai ép ai phải uống. Vui càng thêm vui.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment