THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Tuổi trẻ cười trong làng báo cười Việt Nam

LÊ MINH QUỐC: Tuổi trẻ cười trong làng báo cười Việt Nam

 

Sáng ngày 5.12.2013, tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: Sự đóng góp của báo Tuổi Trẻ Cười trong lĩnh vực báo chí, văn học, hội họa trong 30 năm qua.

Tham dự tọa đàm có sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia các lĩnh vực: nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Huỳnh Như Phương, Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Vũ Kim Hạnh, Huỳnh Dũng Nhân, nhà văn Nguyễn Đông Thức, Bích Ngân, các nghệ sĩ  Xuân Hương, nhà viết kịch Vương Huyền Cơ... cùng các họa sĩ và cây bút trào phúng quen thuộc của Tuổi Trẻ Cười.

Sau đây là tham luận của nhà thơ Lê Minh Quốc trình bày tại cuộc tọa đàm.


TDAM_NbLeMinhQuocRR

Nhà thơ Lê Minh Quốc phát biểu tại tọa đàm 30 năm cùng Tuổi trẻ cười (ảnh: Thanh Đạm)

 

Nhìn lại tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, chúng ta thấy rằng, vào những năm 1920 thế kỷ XX thể loại tân văn mới xuất hiện. Có thể ghi nhận, Tố tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách viết năm 1922, in năm 1925 tại Hà Nội là tác phẩm mở đầu cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Tất nhiên, trước đó đã có Truyện  thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản in năm 1887 tại Sài Gòn nhưng vẫn chưa là tiểu thuyết đúng nghĩa và nhất là chưa tạo nên một trào lưu văn học.

Nhìn lại “quy luật” chung của sự ra đời một trào lưu văn học, ta thấy rằng trước hết chính là vai trò góp phần tích cực của báo chí.

1.


Nhà văn hóa Nguyễn văn Vĩnh nhận xét: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Thế nhưng, thật lạ lùng vào thời điểm thể loại tân văn xuất hiện vẫn chưa có nhiều người viết thể loại trào phúng. Phải đợi đến lúc sự xuất hiện của Nguyễn Công Hoan - người trước nhất đem đến tiếng cười cho thể loại tân văn. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan nhận định: “Những truyện ngắn của ông tiêu biểu cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày trước nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngoài bút ông mà thôi” (1).

Chính thế hệ Nguyễn Công Hoan, cùng thời với Vũ Bằng, Tam lang, Hoàng Tích Chu, Ngô Tất Tố, Đồ Phồn… đã sử dụng “thứ văn rất vui” ấy trên báo chí qua các chuyên mục như Hài đàm, Nói hay đừng, Xã hội ba đào ký, Bức tranh vân cẩu… Rồi mãi về sau, các thể loại trào lộng ấy mới có sân chơi riêng trên những tờ báo “chuyên trị” tiếng cười.

Căn cứ Thư mục báo chí Việt Nam (2), ta thử liệt kê năm tháng ra đời vài tờ báo trào phúng cười tiêu biểu.

Có thể ghi nhận đây là những “tiền bối” của Tuổi Trẻ cười (TTC) ngày nay:

1930: Nhất Linh có giấy phép tờ Tiếng cười nhưng không có tiền ra báo.

Ngày 15.11.1931: Tuần báo Duy Tân do Nguyễn Đình Thấu chủ trương.

Ngày 22.9.1932: Tuần báo Phong Hóa (số 14, loại mới) do Nhất Linh chủ trương.

Ngày 8.2.1934: Tuần báo Loa do Phan Trần Chúc quản lý.

Ngày 1.10.1937: Tuần báo Cười do Lê Thanh Cảnh chủ trương.

Ngày 24.1.1938: Tuần báo Vịt Đực do Tam Lang Vũ Đình Chi chủ trương.

Ngày 4.6.1939: Tuần báo Con Ong do Nghiêm Xuân Huyên chủ trương.

Với các chứng cứ này, rõ ràng, tờ báo trào phúng đầu tiên của nước ta chính là tờ Duy Tân, đúng như trong Những cây cười tiền chiến (3), nhà văn Vũ Bằng đã khẳng định. Có điều tờ báo này không thọ, chỉ ra được 21 số, tồn tại đến ngày 15.11.1931. Về lý đình bản nhà Vũ Bằng cho biết: “Mặc dù báo có khẩu hiệu: “Cười cợt để sửa đổi phong hóa” nhưng thực ra đã chửi bới tùm lum: chửi thời tếh, chửi phong hóa, chửi xéo Tây và chửi luôn cả đồng nghiệp nữa. Rốt cuộc Tây ghét mà ta cũng ghét”. Các tờ báo cười tiêu biểu nêu trên, chỉ tờ Phong Hóa thọ nhất, và số lượng in cũng nhiều nhất (10 ngàn bản/ kỳ), số cuối cùng 190 phát hành ngày 5.6.1936.

Sau năm 1975, trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam sự ra đời của TTC, số đầu tiên phát hành tháng 1.1984 đã đánh dấu thay đổi một tư duy của nhà cầm quyền về sử dụng công cụ báo chí.

Thật ra trước năm 1975, tại miền Nam cũng có các tờ báo cười như Con Ong, Đời, Cười cười v.v…; ngược lại ở miền Bắc lại không có. Sự trào phúng, châm chích, góp ý xây dựng, phê phán chỉ nằm trong các chuyên mục riêng lẻ.  Ở đó, các chuyên mục Trên đe dưới búa, Đòn bút, Bảo nhau, Đầu làng cuối xóm… đều có quan điểm, chủ trương rõ ràng, xuyên suốt. Chẳng hạn, khi trào phúng, phê phán, giễu cợt nội bộ “phải từ bản chất ưu việt của xã hội chúng ta, từ ánh sáng của chủ nghĩa xã hội mà phê phán mới có tác dụng cải tạo, giáo dục sâu sắc”; khi đánh địch: “phải xuất phát từ tư tưởng chính nghĩa, từ quan điểm trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin để soi rọi vào tim đen của kẻ thù mà tố cáo” (4). Tóm lại, trong một thời gian dài, sự vận hành của nền báo chí Việt Nam dù hiểu theo nghĩa nào vẫn là một sự khuyết tật. Bởi lẽ, chưa có một sân chơi trào phúng đúng nghĩa trên mặt trận này.

Chính vì thế, sự ra đời của TTC có thể ghi nhận là một sự kiện rất quan trọng. Quan trọng nhất theo tôi, vẫn sự thay đổi tư duy từ nhận thức của những người quản lý báo chí khi chấp nhận tiếng nói phản biện. Mà tiếng nói phản biện ấy được nhìn từ góc lệch sự việc, từ lăng kính hài hước để tạo ra tiếng cười.
Đó là một tín hiệu lạc quan của Đổi mới báo chí.

Tín hiệu này bắt đầu từ sự xuất hiện của TTC.

Từ sự xuất hiện kèn trống rôm rả trên sân chơi một mình một ngựa, sau đó đã tạo ra những cú nhảy ngoạn mục khác. Ta có thể kể đến các tờ Thư Giản, Tiếng cười, Long An cười, Học sinh cười, Làng cười… Muôn hoa đua nở trong thời điểm đó cho thấy diện mạo báo chí có sự khởi sắc nhất định, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Chỉ tiếc các tờ báo đó lại rời bỏ đường đua quá chóng vánh; hoặc có cầm cự cũng không thu hút được số lượng bạn đọc như TTC.

Chính vì lý do đó, đến nay TTC vẫn là tờ báo trào phúng có một cõi riêng, tuổi thọ bề thế, có một vị trí mà không tờ báo cười nào có thể soán ngôi.

 

2.


Thật ra, sự xuất hiện của TTC lúc ban đầu chỉ là sự thử nghiệm, có tính cách tham dò dư luận, hơn là cú “bật đèn xanh” cho các cây bút trào phúng có thể “tả xung hữu đột” trên nhiều lãnh vực, bất chấp “vùng cấm” và làm đúng chức năng, vai trò phản biện của báo chí.

Căn cứ vào đâu, ta có thể nắm bắt được điều đó?

Thứ nhất, ngay từ lúc chào đời, TTC đã gương cao ngọn cờ quan niệm trào phúng đã hình thành ở miền Bắc trước 1975. Lời nói đầu TTC số 1,  nguyên văn như sau: “TTC với tiếng nói hồn nhiên trong sáng, lạc quan, dũng cảm để xây dựng cuộc sống mới đẹp hơn, vui hơn, sướng hơn. Cười những cái tự nó bắt cười, không nín được (ai mà cố nín coi như bị… bệnh). Cười những cái buồn mà cười. Và cười những cái tức mà cười, nghĩa là cười tấn công quyết liệt kẻ thù làm ta căm tức, cười chê trách, đả kích cái lạc hậu, tiêu cực làm ta bực mình”.

Ta thử so sánh với chủ trương sử dụng tiếng cười của báo Phong Hóa.

Trên Phong Hóa số 13, ngày 8-9-1932, có những dòng chữ lớn giới thiệu sự thay đổi của tờ báo, trong đó nhấn mạnh chủ trương: “Bàn một cách vui vẻ về các vấn đề cần thiết: xã hội, chính trị, kinh tế. Nói rõ về hiện tượng trong nước”. Thế nhưng đến số ra ngày 2.9.1933, chỉ một năm sau, nhóm chủ trương đã có sự thay đổi quyết liệt:

* Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới; 

* Không chịu khuất phục thành kiến; 

* Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào; 

* Lấy lương tri mà xét đóan, theo lẽ phải mà hành động; 

* Lấy thành thực làm căn bản; 

* Lấy trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí.

Họ đã đi theo chủ trương này và cuối cùng chấp nhận bị rút giấy phép. Không dễ dàng đầu hàng, lập tức họ ấn hành tờ Ngày Nay và ít nhiều có phong cách của Phong Hóa.

Trong khi đó, TTC từ lúc khai sinh cho đến nay vẫn tuân theo mục tiêu ban đầu. Điêu này cũng dễ hiểu. Báo chí chúng ta là công cụ chính trị của một tổ chức đoàn thể nên không có thể chệch hướng ra ngoài quỹ đạo. Do cơ chế của hai nền báo chí khác nhau nên chúng ta không thể so sánh. Chỉ biết rằng, nhìn từ TTC ta thấy rõ một nguyên tắc bất di bất dịch của chung nền báo chí nước nhà: Dù nhà báo có là Tề Thiên đại thánh cũng không thể thoát ra khỏi bà tay của Phật Bà Quán Thế Âm. Ở đây, tôi không nói đúng hoặc sai, chỉ nhấn mạnh đến sự quản lý chung của báo chí trong một cơ chế cụ thể.

Nhìn chung, cái cười của TTC những bước đi ban đầu chỉ là sự thể hiện hài hước những vấn đề mà báo chính trị - xã hội đã phê phán hoặc biểu dương. Nếu có khác, TTC chỉ khác về văn phong, cách trình bày báo, cách vận dụng thể loại. Tình hình chính trị - xã hội những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước như thế nào? Nếu chỉ nhìn từ những gì TTC đã phản ánh, ta thấy “loài chuột gian thương”; “loài rắn độc đầu nậu”; cơ sở tư nhân câu trộm điện nhà nước; các đơn vị sản xuất nhà nước cấu kết ký hợp đồng ma; kẻ xấu phao tin đồn nhảm, gây hoang mang dư luận; con phe chạy mánh, mua một bán mười; đàn ông hư đốn sáng sỉn chiều say; đàn bà ngồi lê đôi mách, mê tín dị đoan… Nếu có phê nội bộ thì cũng chỉ phê đến cỡ anh cán bộ Đoàn nói dài, hoặc cùng lắm là đến các vị giám đốc của nhà máy nào đó “trì trệ, quan liêu, bao cấp”…

Sự phản ánh này, rõ ràng vẫn chưa đầy đủ bởi hiện thực của đời sống còn “gay cấn”, đa dạng và nhiều tầng, nhiều lớp sự kiện hơn nhiều.

Do tuân thủ tôn chỉ, mục tiêu của tiếng cười là xây dựng, góp ý, “đóng cửa bảo nhau” nên cảm giác “vui khỏe, trẻ trung, hồ hởi phấn khởi” vẫn là gam màu chủ đạo mà TTC hướng đến. Tùy mỗi thời kỳ, mỗi thời tiết chính trị mà TTC có những cách đặt vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn cái cười về hiện tượng “bề nổi của tảng băng”. Cái cười đó hiền lành, chung chung mà bất kỳ tờ báo nào cũng có thể đăng tải chứ không riêng gì đến tờ TTC. Tôi nghĩ rằng, giá trị của một tờ báo cười không chỉ gói gọn ở đó. Mà nó đòi hỏi nhà báo khi cười phải chạm đến những vấn đề nhân sinh, xã hội, cơ chế… từ chỗ không thể cười trên các báo chính trị - xã hội, có thể cười qua trang báo trào phúng. Đó mới thật sự là một đóng góp của báo chí trong làng cười. Đó cũng chính là “lối thoát” an toàn của nhà báo khi muốn phản ánh trung thực, sử lý khôn khéo những hiện tượng nào đó của xã hội. Bởi thông qua tiếng cười, nhà báo có thể “né” được cú phạt thẻ vàng, thẻ đỏ từ cơ quan quản lý báo chí.

Từ ý nghĩa đó, người đọc có quyền đòi hỏi tờ báo “chuyên trị” thể trào phúng thì hiện thực chính trị - xã hội đương thời phải tái hiện sinh động hơn, cay đắng hơn, chua xót hơn, trào lộng hơn. Chắc chắn chúng ta đồng ý rằng, một nền báo chí lành mạnh, trong đó có báo cười, TTC chỉ thật sự trở thành tiếng nói phản biện để góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý của một nhà nước khi nó được thông thoáng về mặt dân chủ, tự do báo chí.

Nếu không, chỉ là sự lừa mị bạn đọc lại ẩn giấu dưới những cái cười vô thưởng vô phạt.

Nếu TTC phản ánh trung thực với những gì đã xẩy ra, chắc chắn sự đóng góp của TTC còn phong phú hơn, đa dạng hơn và giá trị hơn nữa về mặt tư liệu - loại tư liệu thời sự đã được “biến hóa” bằng tiếng cười để ghi sâu hơn nữa vào lòng bạn đọc.

Sứ mệnh ấy nghĩ cho cùng là một thử thách bản lĩnh, tài năng, nghệ thuật tác nghiệp của người là báo cười - mà nhất là tờ báo đã định hình như TTC. Đòi hỏi như thế có nghiêm khăc quá không? Tôi nghĩ là không, bởi bạn đọc tin cậy và yêu mến một tờ TTC ra đời có tính chất tiên phong thì phải gánh lấy sứ mệnh vẻ vang ấy.

 

3.


Thành tựu của TTC, ở hội thảo lần này, cho phép tôi không làm công việc thống kê và phẩn tích tỉ mỉ bởi đó những chuyên đề có tính cách nghiên cứu học thuật lâu dài. Ở đây trong một tham luận, tôi chỉ nhấn mạnh sự cảm nhận với tư cách của một bạn đọc thủy chung với TTC. Có điều, cảm nhận này đặt trong tổng thể của làng báo cười nói chung, có như thế ta mới nhìn ra tầm vóc của TTC.

Trước hết, có thể ghi nhận ở TTC những đóng góp mà theo tôi, các nhà nghiên cứu về đặc trưng của báo cười Việt Nam không thể bỏ qua: Ngôn ngữ và phong cách ngôn ngữ gây cười thể hiện qua truyện ngắn, tiểu phẩm của các cây bút trụ cột như Hoàng Thiếu Phủ, Đồ Bì, Lê Văn Nghĩa, Hai Cù Nèo, Lê Hoàng v.v… Bên cạnh đó, mảng tranh trào phúng cũng là một đóng góp lớn cho phong cách hí họa Việt Nam.

Ở hai lãnh vực này trong vài thập niên, TTC đã quy tụ được những cây bút cười hàng đầu của Việt Nam. Thế nhưng TTC lại không tạo ra được nhân vật điển hình. Nhân vật điển hình ra đời trong một hoàn cảnh điển hình luôn là khát vọng của người cầm bút, trong đó có người làm báo cười. Tôi muốn nhấn mạnh vì sao TTC lại không làm được?

Trong khi đó, ta hãy nhìn lại tờ Phong Hóa. Dù Phong Hóa đã khép lại vai trò lịch sử trong tiến trình báo chí Việt Nam, vậy mà nhân vật Lý Toét - Xã Xệ - Bang Bạnh vẫn lửng lững, sừng sững song hành cùng thời đại chúng ta. Những nhân vật đó đã trở thành đại biểu cho thân phận của tầng lớp nông dân Việt Nam trong cuộc cọ sát, va chạm trong buổi giao của hai nền văn hóa thời Đông - Tây.  Vì các nhân vật này “đụng chạm” trên nhiều lãnh vực, kể cả tạo ra yếu tố gây cười nhằm đá giò lái sang lãnh vực chính trị, bộ máy chóp bu đang cầm quyền... Do chính tầm nhìn và có chủ trương xuyên suốt nên không chỉ họa sĩ chuyên nghiệp mà các cây bút biếm không chuyên cũng góp phần tạo nên da thịt, tình huống gây cười để nhân vật Lý Toét - Xã Xệ - Bang Bạnh linh họa, sống động và đa dạng hơn.

Công bằng mà nói, TTC cũng có ý thức xây dựng nhân vật điển hình đó -  đứa con đẻ mang hồn vía của phong cách TTC. Có lẽ nhân vật xuất hiện “dài hơi” nhất đến nay vẫn là Linda Kiều. Tiếc là cái cười của cô nàng ỏng ẹo này chỉ “đóng khung” trong một hai lãnh vực cỏn con, tầm phào, vô thưởng vô phạt không đủ sức khái quát để trở thành một nhân vật điển hình của một thời đại. Nghĩa là Linda Kiều chỉ mới chạm đến lối sống, đạo đức cá nhân, thói hư tật xấu phổ biến của một tầng lớp hơn là các vấn đề nhân sinh, quyền con người trong một thể chế chính trị.

Khi nhận định TTC không có nhân vật điển hình, chắc hẳn có người la toáng lên rằng, tại sao lại bỏ qua Điệp viên Không Không Thấy, Đại văn Mỗ của Lê Văn Nghĩa? Đúng, không thể bỏ qua, cũng như không thể bỏ qua ông Bôn Tập của Hoàng Thiếu Phủ v.v… Nhưng thưa rằng, chính sân chơi của TTC đã tạo điều kiện ra đời các nhân vật đó. Xác định như thế, rõ ràng TTC đã tạo một sân chơi góp phần thúc đẩy cho thể loại trào phúng cho văn học.

Tuy nhiên nhân vật đó thuộc về “bản quyền” của nhà văn chứ không phải của TTC. Bằng chứng, bạn đọc TTC không “hà hơi tiếp sức” cho nhân vật như trường hợp Lý Toét - Xã Xệ - Bang Bạnh trên báo Phong Hóa. Ngay cả nhân vật mà TTC đầu tư nhiều nhất là anh Hai Cù Nèo. Thế nhưng, tính cách Hai Cù Nèo đến nay vẫn chưa được từ tiểu phẩm đến hí họa vẫn chưa khắc họa được một diện mạo, một chân dung có thể “đóng đinh” trong trí nhớ, tình cảm bạn đọc. Hai Cù Nèo đến nay vẫn chưa có hình hài, xương thịt khi mà TTC chưa đẩy “ách chủ bài” đó đến tận cùng nên ngày càng mờ nhạt dần.

Lẽ ra với bề dày kinh nghiệm, bản lĩnh nghiệp vụ tài tình như bộ sậu của TTC hoàn toàn đủ sức đảm đương trọng trách ấy. Vậy vấn đề đặt ra là do cơ chế quản lý báo chí nói chung hay do bản lĩnh của người cầm chịch?

Có lẽ cả hai chăng?

Trở lại với câu hỏi “tiền đồ” của TTC về sau sẽ như thế nào? Tôi không nhìn nó ở góc độ riêng lẻ mà đặt trong sự vận động của nền báo chí nước nhà, vẫn  nhấn mạnh quan điểm: Một nền báo chí lành mạnh, trong đó có báo cười, TTC chỉ thật sự trở thành tiếng nói phản biện để góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý của một nhà nước khi nó được thông thoáng về mặt dân chủ, tự do báo chí. Nếu không, sự tồn tại của nó chỉ là sự lừa mị bạn đọc lại ẩn giấu dưới những cái cười vô thưởng vô phạt, vụn vặt...

 

L.M.Q


Chú thích:
(1) Nhà văn hiện đại - Vũ Ngọc Phan - tr. 1069 - NXB Thăng Long 1959.
(2) Thư mục báo chí Việt Nam - PSG,OPTS Tô Huy Rứa chủ biên -  NXB Chính trị Quốc gia - 1988.
(3) Những cây cười tiền chiến  - Vũ Bằng - Cơ sở Văn Học - 1971.
(4) Thơ trào phúng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Đặng Quốc Nhật, tạp chí Văn Học số 6.19878.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com