LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.12.2013

 

TRAO-GIAI-AO-TRANG

 

Một tuần trôi qua nhanh quá. Cuối tuần rồi, chiều thứ sáu nhậu lai rai do vài anh em báo TN và Công ty truyền thông báo TN đãi anh Nguyễn Đông Thức nghỉ hưu. Lão này tuyên bố “rửa tay gác kiếm” là liên tục có độ mời nhậu. Quá vui. Sáng thứ bảy, tham dự trao giải thưởng cuộc thi viết của tập san A.T. Gặp những gương mặt như lá xanh. Như mưa đầu mùa. Thương quá. Có những em từ Quảng Nam, Bình Dương, Biên Hòa… tham dự. Câu chuyện về văn chương vui vẻ, hào hứng, trong sáng, những mong lấy con chữ nuôi dưỡng tâm hồn.

Hôm kia sắp xếp tủ sách, tình cờ tìm thấy tạp chí Phổ Thông số 89 (1.10.1962) do nhà văn Nguyễn Vỹ chủ trương. Trong đó, nhà nghiên cứu Thiếu Sơn có bài Lập trường của nhà văn. Có đoạn: “Thật ra nhà cầm quyền nào khôn ngoan mà không muốn lôi kéo bọn nhà văn vì họ biết nhà văn đã sẳn có uy tín đối với người dân trong nước. Muốn tranh thủ nhân dân, họ phải o bế văn sĩ và cũng có một số nhà cầm bút đã vội vàng xung vô làm món “văn chương theo chánh quyền” (littérature officiellle) để kiếm miếng đĩnh chung”. Chuyện này thời nào cũng có. Ai cũng biết, sở dĩ ghi lại vì nhớ lại thời tuổi nhỏ. Ngày trước, ba của y rất mê sách. Hầu như trong nhà có đầy đủ các loại tạp chí, báo chí của miền Nam ấn hành. Nhờ vậy, thời trung học đã làm quen với Bách Khoa, Phổ Thông, Thời Nay…; rồi sau này Văn Học, Văn, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi… Thời trẻ nhỏ, có những nhà văn dù chưa gặp nhưng do đọc mà quý mến. Chính những trang viết của họ đã hun đúc sự yêu mến văn chương. Chỉ nghĩ thế, tự nhiên có cảm tình với biết bao nhà văn, nhà thơ thuở ấy.

Với nhà văn giữa tài năng và bản lĩnh sống, điều nào quan trọng hơn? Hỏi như thế là ngốc. Chẳng nên tự làm khó bằng những câu hỏi. Mấy ngày hôm nay, sau khi viết lai lai, viết quyết liệt để hoàn tất bộ chuyện kể danh tướng đời Trần cho thiếu nhi. Sau khi rời bàn phím là mệt ngất ngư. Trước đây, thường thư giản với những tạp chí cũ. Vớ đâu đọc đó. Giết thời gian theo thói quen trước lúc ngủ. Nay lại kè kè bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Dừng lại một chút với nhân vật Trần Ích Tắc. Tắc nào có hèn kém gì: “Trần Ích Tắc thông minh, hiếu học, thông hiểu lịch sử lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v... gồm 20 người, đều được dùng cho đời”. Đầu năm 1285, giặc Nguyên Mông tràn vào nước ta. Một số tôn thất nhà Trần vì khiếp sợ uy thế của giặc mà mang cả gia quyến sang trại giặc xin hàng như bọn Trần Kiện, Trần Ích Tắc, Trần Lộng, Trần Tú Viên…

Văn hay chữ tốt mà làm gì?

Sáng qua ăn phở tình cờ gặp Đ.T.H. Trước đây, anh là phóng viên chiến trường của báo chí Sài Gòn, sau đó, vì dính vào vụ án Hồ Con Rùa phải ngồi gỡ lịch đúng mười năm. Hỏi, ấn tượng nào trong tù khiến anh nhớ nhất? Anh kể, vào dịp Tết, cán bộ xuống tập trung mọi người lại thông báo, dịp này, các anh tự bầu ra mười người chấp hành nội quy, cải tạo tốt nhất để ưu tiên được gặp thân nhân, nhận quà thăm nuôi. Số còn lại thì không. Bao nhiêu ngày thiếu thốn, xa cách tất nhiên ai cũng mong mình được. Thế là anh em phê bình, miệt thị, vạch lá tìm sâu rất ráo riết. Cuối cùng, không thể bình chọn được ai. Vài ngày sau, cán bộ lại xuống và nói, vậy các anh hãy tự bình chọn mười người chậm tiến bộ nhất, những người này sẽ không được gặp thân nhân, nhận quà trong dịp tết. Số còn lại thì được. Vậy là anh em lại phê bình nhau ráo riết, đấu tố lẫn nhau không kém gì lần trước. Cuối cùng không thể bình chọn được ai. Toàn  bộ các cuộc phê và tự phê này đều có ghi biên bản hẳn hoi. Nào ngờ, đến dịp đó ai cũng như ai. Ai cũng được gặp thân nhân, nhận quà thăm nuôi. Chỉ có điều sau đó chẳng ai nhìn mặt ai. Cảnh giác lẫn nhau.

Tối qua, đi ăn với gia đình nhà thơ Thy Ngọc nhân phát hành tập Thy Ngọc - “Anh Bồ câu trắng vẫn còn bay” do NXB Kim Đồng ấn hành vào dịp giỗ đầu. Nhà thơ Thy Ngọc bằng tuổi với mẹ y. Trong bài viết nhớ về Thy Ngọc, y thích nhất khi viết câu này: “Nhớ đến ông, tự thâm tâm tôi biết rằng khó có thể còn gặp được một con người viết mà từ trang văn đến nhân cách sống là một sự nhất quán. Chính vì lẽ dó, sự tồn tại bản thân và tác phẩm của nhà thơ Thy Ngọc đã là một bài học cho thế hệ hậu sinh của chúng ta”. Bây giờ, khó có thể tìm được nhà văn nhân hậu, tử tế đến thế. Thời trước năm 1945, ông ký Thy Thy Tống Ngọc nhưng sau đó bút danh này “tiểu sư sản” quá nên đổi Thy Ngọc.

Tối qua, không thể lai rai với Đoàn Tuấn được cũng vì lý do trên. Sáng nay, phải cà phê với nhau một chút. 9 giờ sáng nay, NXB Kim Đồng ký hợp đồng bản quyền với gia đình nhà thơ Thy Ngọc, và Phan Hồn Nhiên nữa. 10 giờ, nhà sách Cá Chép của Công ty sách Đ.A khai trương. Thêm nhiều nhà sách, tốt quá. Chiều nay, họp với TTC về giải Trái cóc xanh. Đã nhận được thiệp chúc Tết của NXB Tổng hợp TP.HCM. Trong thiệp có câu đối:

Phúc thọ khang ninh cốt lấy nhân từ xây sự nghiệp;

Quý tài lợi lộc mỗi do trung hiếu dựng cơ đồ.

Ngày trước, hễ dịp Tết đến, Xuân về là nhà thơ Bảo Định Giang đều có câu đối Tết in đầy trên các báo. Sực nhớ, năm 2005, bạn y, nhà thơ Bùi Chí Vinh có làm câu đối Tết cho Công ty Vietcom. Thiệp vẽ hình con gà đang gáy và hình cậu Hoàng tử bé - một nhân vật nổi tiếng của  nhà văn Saint Éxupéry. Lật vào trong, có câu đối “hơi bị” dài:

Chào nhé Giáp Thân mang tiếng văn minh mà con người cô độc giữa hành tinh như con khỉ;

Bắt tay Ất Dậu tưởng rằng lạc hậu nhưng tiếng gáy truyền thông trên trái đất có tiếng gà.

Khi viết “tiếng gáy truyền thông” là anh “phản ánh” đúng chức năng của công ty đã “đặt hàng”. Lúc ấy, y nhận xét: Câu trên thì hay rồi, còn câu dưới, nếu mà đổi được chữ “có tiếng gà” thành “tựa tiếng gà” sẽ hợp lý hơn. Đứng về thủ pháp câu đối,  “như” đối với “tựa” - cùng là so sánh, mới đúng điệu chứ nhỉ? Mà truyền thống có “tựa tiếng gà” cũng đúng thôi, vì đường truyền đôi lúc cũng... “ò ó o” lắm! Bằng chứng là điện thoại cùi bắp của y đây, giá đến 500 ngàn nhưng đôi lúc chỉ nghe được tiếng đực tiếng cái. Mà làm sao, y có thể nhớ được câu đối của Bùi Chí Vinh? Chẳng qua, do biết cách làm tư liệu thôi. Làm tư liệu thuộc hạng thượng thừa của nước Việt Nam phải kể đến cụ Vương Hồng Sển. Quá siêu. Nghiêng mình bái phục.

Trưa qua, mở máy vi tính mới hay trên facebook của y có câu status: “Trúng tiếng sét ái tình rồi”. Có nhiều comment quá chừng chừng. Thiên hạ cứ tưởng y mê gái và đang ngất trên cành quất với một nhan sắc mới nên quan tâm quá mức. Hoảng quá. Bèn delete ngay tắp lự. Đơn giản, sức mấy y dám viết một câu hoành tráng, dũng cảm đến thế?Sáng nay, dậy sớm.

Đặt từng tình khúc lên môi

Tôi nghe tôi hát tôi ngồi lặng câm

Thưa rằng, nhìn xuống cõi trần

Con đường xa lắc bội phần nhớ em


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment