LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.11.2013

 

Sáng hôm qua, y phải tự dỗ dành. Rủ y vào Dinh Độc Lập. Dũng cảm gác lại công việc. Ra khỏi nhà. À, nơi đó diễn ra Ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt lần II. Tổ chức chỉnh chu. Có cả hàng ngàn thanh niên tham dự. Khi trong khán phòng chính diễn ra hội thảo, các phòng khác hoặc ngay ngoài sân cỏ cũng đều có màn hình trực tiếp cho công chúng theo dõi. Người tham dự được tha hồ uống các loại cà phê Trung Nguyên, miễn phí; đã thế còn được tặng thêm tập sách Quốc gia khởi nghiệp - Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel.

Y ngồi trên sân cỏ và lắng nghe các phát biểu từ hội thảo Khởi nghiệp Kiến quốc - công thức thành công từ các cường quốc và bài học cho Việt Nam với sự tham dự của nhiều GS - TS, chuyên gia kinh tế hàng đầu trong vào ngoài nước. Điều hành buổi sáng, bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình Việt Nam; buổi chiều, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Phải thành thật mà nói, các bài phát biểu rất lý thú, hấp dẫn, bổ ích. Chẳng hạn, GS - TS Trần Thị Vinh - giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuyết trình Bài học thành công của Singapore. Theo bà, 3 bài học quan trọng nhất của Singapore đã đạt được: Khát vọng và ý chí vươn lên của người dân; nhà nước xây dựng được chiến lược giáo dục; bộ máy cầm quyền trong sạch, có tài, có tâm vì đất nước. Bà Vinh phân tích rất hay và nói năng khúc chiết, thuyết phục.

Chương trình này cần thiết cho giới trẻ, hơn ai hết chính họ phải trả lời; hoặc phải được nghe câu trả lời từ hội thảo: Từ hậu quả sau bom nguyên tử ở Hirosima, điều gì đã khiến Nhật Bản chỉ chưa đầy 20 năm trở thành siêu cường kinh tế? Điều gì đã khiến Israel từ một sa mạc tưởng như không có sự sống, giờ đây chỉ với 13 triệu dân đã kiểm soát hầu hết những lãnh vực then chốt của thế giới? Điều gì đã giúp Singapore từ một làng chài nhỏ bé nghèo nàn của Malaysia thành quốc đảo văn minh bậc nhất thế giới? Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Người khác làm được sao ta chưa làm được? Người khác làm được sao nước ta chưa làm được? v.v…

Lúc trên đường về nhà, tự hỏi, Việt Nam mình có được 3 bài học như Singapore không? Vừa tự hỏi lại tự nhiên nhớ chừng mươi năm trước cùng nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đi về Cần Thơ đọc thơ. Anh em hội VHNT đưa xe chở đến một trường trung học thuộc vùng sâu vùng xa. Xe đang lăn bánh qua cầu, nhà báo Vũ Châu, lúc ấy đang công tác tại báo Cần Thơ chỉ qua cồn Tân Lộc (huyện Thốt Nốt). Chị nói, nơi  này người dân địa phương quen gọi đảo Đài Loan vì hầu hết gia đình nào cũng có con gái làm dâu xứ người.

Sáng nay, xem lướt qua các tờ báo lớn, không thấy có được bài tường thuật nào đọc cho ra hồn, kể cả tờ báo đồng hành cùng chương trình này.

 

1458678_10151998749314869_68693070_n

Từ trái: Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (ảnh: nhà báo LAM ĐIỀN)

 

Sáng nay, cùng Trần Hoàng Nhân vào phở. Đã gọi. Cuối cùng phải xin lỗi, cả hai đứng dậy và phóng xe đến NVH Thanh Niên. Anh em gọi điện thoại liên tục vì đã đến giờ trao giải Cuộc thi Nguyễn Nhật Ánh và tôi. Có mấy nhận xét: Tổ chức chu đáo, thu hút được cả hàng trăm bạn trẻ đến tham dự. Nguyễn Nhật Ánh có sức hút mà không nhà văn nào có thể “hớp hồn” được các bạn trẻ nhiều đến thế. Các câu hỏi giao lưu của bạn đọc đều chất lượng, thể hiện được tinh thân yêu sách và yêu tác phẩm của anh Ánh. Giải Nhất trao cho bạn Lê Mạnh Tân qua bài viết Tác phẩm của chú đã giúp tôi vượt qua giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời. Ngạc nhiên khi gặp cả hai bố con Tân từ Hà Nội vào dự.

Trong bài viết đó, cậu Tân kể lại: “Lúc ấy, tôi như bao đứa trẻ con khác mải ăn, mải chơi. Lên lớp 9 vì dốt quá nên thi trượt cấp 3. Bố tôi không nói lời nào, lôi tôi ra đánh một trận và nói: “Tại sao mày ngu thế”. Sau đó, ông bố mua cho 200 con gà Tam hoàng và 4 con lợn: “Loại như mày thì ở nhà mà nuôi gà, nuôi lợn thôi con ạ. Học làm gì”. Trong thời gian này, lần đầu tiên cậu bé đọc truyện dài Còn chút gì để nhớ và khóc thút thít một mình. Do sợ bố biết nên mỗi lần mua sách, đọc sách cậu phải giấu. Đây là một chi tiết cảm động: “Mua truyện về, tôi phải giấu thật kỹ, đợi nửa đêm thắp một cái nến vào trong tủ quần áo, mở cửa tủ he hé rồi thò đầu vào đọc. Nhiều hôm, trời mùa hè, đọc được mấy trang lại thò đầu ra để lau cái đầu ướt đẫm mồ hôi. Có mấy lần đang đọc truyện, bố tôi bắt gặp, xé hết và cho tôi một trận đòn”. Sao đó, cuộc đời cậu thay đổi thế nào? “Từ khi đọc truyện của chú, tôi lại muốn đi học giống như nhân vật trong truyện, được cắp sách tới trường, được yêu đương, được vui đùa…. Chứ không muốn mãi mãi ở nhà nuôi gà, nuôi lợn”.

Những tác phẩm văn chương có thể thay đổi số phận con người.

Thời trẻ, lúc học lớp tám, cuốn sách dầy đầu tiên đã làm y rưng rưng suốt mấy ngày liền chính là Chim hót trong lồng của nhà văn Nhật Tiến. Sau này, mới biết là anh ruột nhà văn Nhật Tuấn. Hai anh em cùng viết văn nhưng tính cách khác xa một trời một vực. Đã lâu không gặp Nhật Tuấn để rủ lên Suối Hoa ăn uống bia bọt mỗi chiều chủ nhật nữa.

Chiều nay trời mưa. Ngồi viết lai rai đỡ buồn. Lúc này, có ai rủ rê lai rai một chút thì vui quá. Chẳng có ai. Viết đi. Ừ, viết đi.

Thế có chán không chứ?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment