LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.12.2013

 

trandainghia-1

trandainghia-2

Thắp nén nhang trước tượng danh nhân Trần Đại Nghĩa, trước lúc chuyển tượng từ nhà riêng sĩ Tô Sanh về Trường Trung học Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú). Từ phải: Nhà thơ Phạm Hồng Danh, Lê Minh Quốc, nhà báo Vương Liễu Hằng.

 

Chiều hôm qua, bạn thơ Phạm Hồng Danh đã chính thức chuyển tượng danh nhân Trần Đại Nghĩa về Trường Trung học Vĩnh Viễn (Q. Tân Phú). Tượng này do nhà điêu khắc Tô Sanh thực hiện. Sau khi ông vào Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, tượng vẫn đặt tại nhà. Nhà trở thành nơi cho người khác thuê mở quán nhậu. Tượng đặt nơi này rõ ràng không hợp lý. Sau vài lần trao đổi, nhà điêu khắc Tô Sanh đồng ý giao về trường. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Anh em báo chí đến chung vui với sự kiện này. Rõ ràng, mọi chuyện phải từ chữ “duyên”. Có duyên nên sự việc trật tự, chỉnh chu một cách hợp lý. Mỗi ngày nhìn tượng danh nhân, hy vọng các em học sinh được khơi gợi thêm ý thức tự học, hiếu học noi theo tiền nhân.

Chỉ cần nghĩ vậy, đã thấy lòng vui.

Cũng như mọi lần, gặp gỡ nhau thường lai rai chút đỉnh và hát hò. Những ca khúc từ trên trời rơi xuống. Từ trí nhớ vụt lên. Và tất nhiên không thể thiếu thơ. Lần đầu tiên nghe anh Đ.T.Biền đọc thơ. Tứ tuyệt. Bốn câu. Nhiều tâm sự. Chuyện tình. Chuyện tình không với tới, rồi gặp lại. Cuối cùng Gửi một chiếc lá xanh là vui buồn tự vấn:

Khi em lớn thì tôi đà già cỗi

Tóc nhuộm đen nhưng hồn đã trắng phau

Tim còn đập nhưng lòng đà mệt mỏi

Biết đường tình ta có đuổi kịp nhau?

Tất nhiên là không. Nhờ vậy, mới có thơ. Đuổi kịp nhau là hết chuyện. End. Làm gì có thơ. Ngày xưa, khi viết bài thơ Chùa Hương, dòng cuối cùng, Nguyễn Nhược Pháp viết: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người ấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi thì hết chuyện”. Nghe bài thơ của anh B, lại nhớ câu hát: “Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm”. Ca từ đó của Phạm Duy hay Nguyễn Tất Nhiên? Hôm qua, post mấy tấm hình phần mộ của Phạm Duy, trong đó có câu “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi” khắc trên đá hoa cương, đặt ở mộ. Có người bảo, lẽ ra phải chọn câu này: “Dăm ba lần gian dối, đời vẫn ban cho ngọt bùi”. Nói như thế không sai. Đúng với cuộc đời và sự lựa chọn có ý thức của Phạm Duy. Nhưng mà, mà thôi. Chẳng lẽ lại chọn câu đó? Cuối cùng, đời người văn nghệ sĩ, khi “cái quan định luận” nghĩ rốt ráo cũng chỉ tác phẩm của họ. Tác phẩm đó có đóng góp và thúc đẩy gì cho học thuật nước nhà hay không? Chuyện lằng nhằng đời tư, thái độ chính trị rồi cũng được nhìn không còn khắt khe như lúc họ đang đồng hành. Khi có một độ lùi về thời gian, có những sự kiện được nhìn nhận bằng cái nhìn nhân ái hơn, cảm thông hơn.

 

phamduy-02jpg

Ca từ của Phạm Duy được chạm trên phần mộ


Hôm trước, trong Nhật ký đã bàn đến câu cửa miệng “Trà chanh chém gió”. Cá nhân hoặc tập thể nào là “sáng chế” câu nói đó? Hôm qua,  tranh thủ đọc tạp chí Cộng sản số 853 (11.2013). Dừng lại với bài Hội chứng "bắn chỉ thiên" của tác giả Vũ Lân: “Mỗi lần sơ kết, tổng kết công tác hay hội nghị tại cơ quan, những vi phạm quy định, hạn chế, thiếu sót cũng được chỉ ra trong văn bản rằng “có những đơn vị”, “có những đồng chí”, “một số cán bộ, đảng viên”, “đôi khi”, “có nơi”, “có lúc”… nhưng không có địa chỉ, đơn vị, cá nhân người vi phạm cụ thể, mặc dù trong cơ quan không lấy làm gì đông người lắm và hoàn toàn có thể chỉ đích danh từng đơn vị, cá nhân vi phạm. Chính vì vậy có người trong cơ quan gọi hiện tượng này là “hội chứng bắn chỉ thiên”. Hết trích. Ý kiến này đúng. Đã chỉ ra một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Đừng nhìn đâu xa. Cứ nhìn trên mặt báo. Có ý kiến của nhiều quan chức khi đánh giá, kiểm điểm sự việc nào đó cũng không khác gì “bắn chỉ thiên”. Lời lẽ mạnh mẽ, cương quyết như dao chém đá nhưng cuối cùng ai phải chịu trách nhiệm, cụ thể ra làm sao vẫn mơ hồ. Có những người rất hùng biện, có thể nói dông dài vài tiếng đồng hồ nhưng cuối cùng chẳng có một nội dung gì cụ thể.

Mấy hôm nay đi đến đâu cũng nghe bàn tán đến vụ hai “bảo mẫu” hành hạ trẻ em ở nhà giữ trẻ mầm non ở quận Thủ Đức. Sự phê phán hai người đó là đúng. Tuy nhiên vẫn chưa đủ. Thiết nghĩ, cần có cái nhìn khác. Điều gì đã tạo cho con người ta có những va vấp, sai lầm này nọ? Đó chính do cơ chế, quản lý điều hành, kiểm tra giám sát… của các cơ quan chức năng. Tại sao thẩm mỹ viện Cát Tường, nhà trẻ này, phòng khám bệnh kia… dù không giấy phép lận lưng nhưng vẫn hoạt động suốt thời gian dài? Trả lời đi. Sự việc chỉ trở nên trầm trọng khi xẩy ra một sự cố nào đó, báo chí đưa tin thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Sao không có biện pháp hoàn thiện trước từ quy định đến pháp lý để các hoạt động đó không đi chệch hướng? Thế thì, trước một sự cố cụ thể, dư luận tập trung phê phán đối tượng cụ thể là chỉ mới dừng phần ngọn, chưa chạm đến tận gốc của vấn đề. Các sự việc tiêu cực, trái khoáy đơn lẻ ấy vẫn còn tiếp diễn, lặp đi lặp lại nếu các cơ quan chức năng không tự ý thức chấn chỉnh, thay đổi, hoàn thiện từ cái gốc của sự việc.

Nói hay ho làm gì. Ngay cả người này, ngay cả người kia nếu với cơ chế vận hành đó, ngồi cái ghế đó, làm công viêc đó có thể không khác gì những người đang bị dư luận phê phán. Cơ chế nào ràng buộc người có quyền lực đang thực thi công tác, thừa hành nhiệm vụ không có cơ hội để tha hóa?

Đã gần hết một năm rồi. Chỉ dăm ngày nữa. Nhìn lại, mới đó, đã mấy chục năm đất nước hết chiến tranh. Hết chiến tranh nhưng vẫn còn người chết vì tai nạn. Khiếp quá. Cũng trên tạp chí Cộng sản số số 853 (11.2013) đọc bài viết của Bộ trưởng Đinh La Thăng, có mấy thông tin đáng lưu ý: Năm 2012, toàn quốc xẩy ra 36.409 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.849 người, bị thương 38.064 người. Số liệu này quan trọng ở chỗ, “lần đầu tiên kể từ năm 2001 số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 10.000”. Năm 2013 này thì sao? Thông kê của ông Thăng chỉ mới cập nhật đến 9 tháng đầu năm: “Xẩy ra 21.861 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.048 người, bị thương 21.789 người”.

Chà, đi ra đường phải cẩn thận thôi. Đừng phóng nhánh vượt ẩu. Phải chấp hành hướng dẫn của cảnh sát giao thông. Đi bằng ý thức công dân. Và cách tốt nhất, đừng cãi cọ nếu chẳng may va chạm gì đó với ai đó lúc đi đường. Thật lạ, con người Việt Nam hiện đại ngày càng dễ nổi nóng. Chỉ một câu nói ngứa tai, mọt cái nhìn đểu, một cú va quẹt, có thể rút dao “thay lời muốn nói” ngay tức khắc. Nhẫn. Chữ nhẫn nên nhớ nằm lòng. Tự răn mình mỗi ngày.

Sáng nay, đi họp. Tại khách sạn Continental Saigon, một đơn vị làm sách tư nhân tổ chức giao lưu “Thần đồng văn học Nga Mikhail Samarsky đến Việt Nam” và phát hành 2 tập sách Cầu vồng trong đêm, Cho những trái tim đang sống của tác giả này. “Chúng tôi có đôi mắt đã chết, nhưng trái tim đang sống”, đó là thông điệp của cậu bé Mikhail Samarsky, 13 tuổi viết về thế giới của người mù. Chiều, liên hoan với Công ty Saigontourist.

Cuối năm rồi.

Nghe nhắc “cuối năm rồi” ắt có người ngoan ngoãn thưa: “Dạ”.

Dịu dàng em nói "dạ thưa"

Đôi môi lễ độ nghìn xưa vọng về

Cảm tình sâu nặng phu thê

Thoáng nghe nhưng đã hẹn thề núi non


"Dạ thưa" như trái nho ngon

Tháng giêng chín mọng môi son nghĩa tình

Mắt cười miệng nói rất xinh

Mặt trời độ lượng bình minh bất ngờ


"Dạ thưa" vọng đến giấc mơ

Tôi nghe ấm áp đôi bờ yêu thương

Ngủ ngon giữa cõi thiên đường

Lời em nói ngọt như đường mía lau


"Dạ thưa" mà ngỡ chiêm bao

Con mắt lúng liếng em chào rất ngoan

Một lần nghe - lại âm vang

Một đời đâu dễ vội vàng quên ngay


"Dạ thưa" mưa nắng gió mây

Thiên nhiên gìn giữ cho đầy nết na

Dù em - con gái người ta

"Dạ thưa" hai tiếng đã là của tôi

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment