LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.12.2013

 

DSCN0581thai-lan

 

Lại nói về chuyện thơ. Thời chiến tranh, ông Trần Bạch Đằng có biết bài xã luận rất hay, đọc lâu quá rồi nhưng vẫn nhớ ông khẳng định lúc ấy sống trong thời đại “ra ngõ gặp anh hùng”. Bây giờ, còn đúng nữa không? Có điều không bàn cãi là thời buổi nào ra ngõ cũng gặp nhà thơ. Vụ Dương Chí Dũng đang gây chấn động cả nước, đứng trước tòa cũng đọc lại bài thơ viết ngày nhận chức:

28 năm qua lại trở về

Những người hàng hải nặng thề năm xưa

Dưới cờ Đảng nguyện cùng đưa

Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang...

Chưa hết, báo Đời sống & hôn nhân (16.12.2013)- phụ trương của báo Gia đình Việt Nam có đăng bài thơ của bà Mai Phương - vợ Dương Chí Dũng. Bài thơ này viết khi hai người gặp lần đầu tiên, và khổ cuối viết khi chồng bị bắt. Lẽ ra cũng ghi lại, nhưng không. Hầu như người Việt Nam nào cũng có thể làm được thơ. Hay dở chưa nói, nhưng cứ câu cú vần vè ai ai cũng làm được tất. Trong các đời vua triều Nguyễn, Tự Đức là ông vua văn hay chữ tốt, thơ hay mà lại làm nhiều nữa. Không ông vua nào có thể so sánh từ chất đến lượng. Nhờ có tài làm thơ, ngài trị vì đất nước thái hòa, yên ấm như thời Nghiêu Thuấn chăng?

Trong Việt Nam sử lược, sử gia Trần Trọng Kim đánh giá: “Không có đời nào giặc giã bằng đời ngài làm vua. Chỉ được vài ba năm đầu thì còn có hơi yên trị, còn từ năm tân hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4 trở đi, thì ngày càng nhiều giặc”. Nói giặc là cách nói chưa chuẩn xác, phải gọi các cuộc khởi nghĩa nông dân. Ấy là việc trong nước, trong nhà với nhau; còn chống ngoại xâm thì sao? “Quân ta bây giờ không có thống nhất, ai đứng lên mộ được năm ba trăm người, cho mang gươm mang giáo đi đánh, hễ phải độ vài ba phát đạn phá thì xô nhau đẩy nhau mà chạy; còn quân của nhà vua thì không có luyện tập, súng đại bác toàn là súng cổ, súng tay thì ít và xấu. Như thế làm sao chống được với quân Pháp là quân đã quen đánh trận và lại có súng ống tinh nhuệ?”. Lịch sử Việt Nam từ năm 1859 trở về sau, thời Tự Đức có nhiều biến động dữ dội nhất. Ấy vậy, nhà vua vẫn không quên làm thơ.

Mấy hôm nay, Sapa có tuyết phủ tuyệt đẹp. Nhiều báo loan tin. Còn gì thú vị hơn khi thấy một thiên nhiên ngập trắng tuyết như châu Âu? Ấy là thiên hạ dạt dào với thơ. Bỗng giật mình, khi lên mạng shtyle.fm tình cờ đọc những dòng tâm sự của tác giả Cao Đào Viết:

“Con muốn nói với mẹ rằng: Con không thích tuyết rơi, không bao giờ thích, cho dù một ngày nào đó mẹ của con không còn phải nuôi bò nữa. Cái lạnh cắt da, cắt thịt ở chốn thủ đô này làm con không thể không nhớ đến bố mẹ. Dưới này lạnh là vậy nhưng con biết trên nhà mình còn lạnh hơn nhiều. Con nhớ lắm những ngày đông rét thấu xương, nhiều nhà trong xóm mất đi tài sản lớn nhất, cũng là người bạn thân nhất của mình là con trâu, con bò.

Rồi mùa đông năm đó, con làm sao quên được giọt nước mắt làm tan trái tim con của mẹ khi cái lạnh vô tình cướp mất con trâu duy nhất của nhà mình. Và ngày hôm nay, khi ngồi trong góc trọ nhỏ nơi thị thành cũng đang rất lạnh lẽo, thậm chí lạnh đến mức đáng sợ của cái lạnh không chỉ đến từ thời tiết này, con thấy thương cho những bà con nơi vùng cao xa xôi, những nơi phải hứng chịu những đợt không khí lạnh khủng khiếp nhất và cũng chính là nơi vô tình được giới trẻ quan tâm nhất. Họ lũ lượt kéo nhau đến - xem - cười - chụp ảnh để thỏa mãn cái mong ước mà bấy lâu họ vẫn mơ mộng khi được xem trên mạng internet, trên truyền hình những bộ phim tình cảm, lãng mạn với bối cảnh không thể thơ mộng hơn: tuyết rơi. Con có thể tưởng tượng khung cảnh “kẻ khóc - người cười” ở chốn đó mẹ ạ, con tưởng tượng ra cảnh các em bé co ro bên những bếp lửa, những đôi môi thâm tím khóc oe oe vì lạnh. Rồi con thấy hình ảnh của mẹ: đôi mắt dại đi vì lạnh, vì tài sản lớn nhất đang có nguy cơ mất đi vì những cơn tai họa đến từ mẹ thiên nhiên; vì tuyết rơi...

Và rồi, con lại thấy một bức tranh “sôi động” hơn hẳn đến từ họ - những người được gọi nôm na là “dân phượt” mà mẹ chưa bao giờ nghe đến tên, hay và biết. Họ trong những trang phục không thể ấm cúng hơn, cười nói rôm rả, hạnh phúc bất tận khi chứng kiến những bông tuyết vô tình đang phủ trắng lên căn nhà của mẹ; họ chụp ảnh và họ thỏa mãn. Nhưng chừng ấy là chưa đủ đâu mẹ ạ, họ muốn nhiều hơn thế, thậm chí họ muốn tuyết phủ quanh năm trên chuồng bò của mẹ cơ; họ muốn biến ngôi làng của mẹ thành “thiên đường tuyết”, thành nơi mà họ có thể thoải mãi đi đến - xem - cười và chụp ảnh (…). Điều cuối cùng con muốn nói với mẹ rằng: con không thích tuyết rơi, không bao giờ thích, cho dù một ngày nào đó mẹ của con không còn phải nuôi bò nữa. À, mẹ ơi, hãy chú ý đàn bò, họ còn cầu tuyết rơi nhiều nữa đấy!”

Hàng triệu bài thơ ca ngợi tuyết rơi lúc này, chẳng có thể gây xúc động lòng người bằng những câu mộc mạc, chân thành trên. Sống trong đời, nhiều lúc con người ta dửng dưng quá. Thông tư 26 của Bộ LĐ-TB&XH quy định từ ngày 15-12.2013 chính thức hiệu lực "77 nghề phụ nữ không đươc làm". Hay quá. Tốt quá. Xã hội càng ngày càng văn minh quá. Nhưng than ôi! Ai nuôi, nếu họ bỏ nghề? Thời buổi này kiếm được việc làm không dễ. Cấm những nghề đã lao lực từ lâu, nay họ xoay xở kiếm sống thế nào?

Vậy họ làm thơ có được không? Đùa quá trớn rồi đấy.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment