LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.11.2013

 


ao_tarngRR

Tập san Áo Trắng sẽ trở thành Tuyển tập thơ văn phát hành vào ngày 15 mỗi tháng

 

Chiều qua, họp với NXB Trẻ về số phận tập san Áo trắng. Cuối cùng, “tổng tư lệnh” điều hành là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Tất nhiên, vẫn còn nhà văn Nguyễn Đông Thức và y nữa. Y sẵn sàng làm mọi việc khi anh em yêu cầu. Từ đây, theo giám đốc Nguyễn Minh Nhựt,  A.T sẽ trở thành Tuyển tập thơ văn, dày chừng 100 trang, mỗi tháng phát hành một số. Từ sân chơi này, hơn hai mươi năm qua, “huấn luyện viên” tài ba Đoàn Thạch Biền đã giúp cho nhiều cây bút trẻ sự xác tín về tình yêu văn chương. Tình yêu ấy nhọc nhằn mà cũng tạo cảm hứng để thêm yêu cuộc đời này. Cuộc đời có quá nhiều điều mới lạ mà những ai mới lớn cũng muốn viết lại cảm nghĩ của mình. Rồi dần dà năm tháng đi qua, như câu thơ Huy Cận “Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn”. Ngoảnh lại, họ đã thành những cây bút chững chạc tự bao giờ rồi. Lúc ấy, họ lại nhớ đến một thời áo trắng. Như nhớ một vườn ươm yêu thương ngay từ lúc bước vào đời. Nhớ lại năm tháng tươi đẹp của đời người. Có thể, từ đó, họ đi không chệch hướng. Sứ mệnh của tờ A.T chính là đó. Chẳng một tham vọng gì lớn lao. Chẳng tuyên ngôn to tát. Chẳng việc gì phải ồn ào. Chỉ lặng lẽ những trang viết và một niềm say mê văn chương.

Đêm qua, sinh nhật nhà thơ Thanh Tùng. Cảm động với sự lo toan chu đáo của cô con gái dành cho bố bước vào tuổi 79. Có tấm hình chụp chung ba người tuổi Hợi. Thanh Tùng: Ất Hợi (1935); Trần Mạnh Hảo: Đinh Hợi (1947); và y: Kỷ Hợi (1959). Nhạc sĩ Trần Tiến cũng Đinh Hợi có lần bảo y: “Tuổi Hợi thường thành công trong những việc làm ngẫu hứng. Ngẫu hứng đến, nếu khoái, cứ làm ắt thành công. Còn mọi sự tính toán, có kế hoạch đàng hoàng tưởng “ngon ăn” nhưng cuối cùng lại hỏng bét”. Có đúng vậy không? Chắc gì. Trong cơn say ngất ngưỡng, chỉ một chút thôi, bạn thơ Đinh Thu Hiền bảo: “Em thấy con gái thường yêu bố hơn con trai anh à”. Tại sao không là con trai? Hiền cười: “Con trai nhiều lúc muốn thể tình yêu dành cho bố, chắc gì vợ đã ủng hộ? Khó lắm”. 

Đã xong bài viết P.R cho một sản phẩm mới. Nhắc lại để thấy rằng việc quảng cáo thời buổi này đã khác trước. Thời trước, một sản phẩm mới ra thị trường thường gắn liền với hình ảnh của giới showbiz. Một chàng ca sĩ nọ, một siêu mẫu chân dài kia, một diễn viên kìa v.v… sử dụng sản phẩm đó. Xưa rồi diễm. Bây giờ người ta cần những người trí thức viết bài liên quan đến hình ảnh của sản phẩm đó một cách khéo léo. Có thể nhìn từ góc độ văn chương, điển tích văn học, quan niệm văn hóa của Đông - Tây v.v… Những bài viết này có những “từ khóa” chung như một cách gợi ý cho người đọc liên tưởng đến điều mà người viết muốn gửi gắm.

Loại bài này khó ở chỗ tác giả phải hài lòng mà không xấu hổ những gì đã viết, ít ra sự tự trọng không cho phép họ đem cái tên của mình ra quảng cáo cho sản phẩm đó - dù thù lao cao gấp nhiều lần so với bài báo cũng chừng ấy chữ. Kế tiếp, bài viết này phải được công ty trung gian đặt hàng đồng ý thì mới đưa cho chủ doanh nghiệp “duyệt” lần nữa. Chủ sản phẩm đó mới là người quyết định số phận bài viết vì họ là người trả mọi chi phí liên quan. Vậy đã xong đâu, loại bài viết này không được phép lộ ra ý đồ quảng cáo quá lộ liễu, nếu như thế công chúng sẽ phát hiện ngay. Cách làm này nhằm tạo một “thương hiệu” có tính chất lâu dài. Chính các “từ khóa” trong bài viết dần dà đi vào tiềm thức của công chúng. "Mưa dầm thấm lâu". Công chúng sẽ có cảm tình với sản phẩm mang tên các “từ khóa” luôn được nhấn mạnh, lặp đi lặp lại nhiều lần.

Quảng bá và tạo dựng một thương hiệu như thế quá tinh tế, thông minh.

Nhắc lại để thấy rằng, mỗi một thời cách quảng cáo sản phẩm điều có chiêu riêng. Cách sử dụng thơ, vè phổ biến nhất trên báo chí Việt Nam là trong khoảng thời gian từ 1930 đến 1954. Trước đây các doanh nghiệp dùng thơ vì nó dễ đi vào trí nhớ người tiêu dùng. Ngay cả ông Bạch Thái Bưởi khi cạnh tranh trên đường thủy với các hãng Tây, Tàu cũng vậy. Thời ấy, trên các chuyến tàu, ông thuê các tay hát sẩm rỉ rả những bài thơ, vè cổ động tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”. Nhờ đó, ông thành công rực rỡ. Còn nhớ lần đầu tiên, vài năm trước đây có một sản phẩm vật chất được quảng bá dưới hình thức sách. Sản phẩm đó là sơn. Trong tập sách đó, người viết không đề cập đến một nhãn hiệu sơn cụ thể, chỉ viết về sự an bình, thong dong, nghĩ ngơi... trong căn nhà của mình. Người đọc được sở hữu một tập sách văn học với chủ đề như vậy. Ngẫm lại mà xem, với một tập sách có giá trị văn học, người ta sẽ gìn giữ lâu dài chứ chẳng ai giữ các trang quáng cáo cụ thể, chỉ đơn thuần là thông tin có tính chất thời sự.

Khi đọc các tập sách đầu thế kỷ XX, chúng ta biết được nhiều nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa cách đây hàng trăm năm cũng là do người ta biết đến cách tiếp thị này. Chỉ xin đưa một vài thí dụ: Tập sách Thời sự cẩm nang in toàn bộ vấn đề thời sự Nam kỳ năm 1925, dày 600 trang - do nhà in Nguyễn Văn Của ấn hành năm 1926, ngoài bìa ghi rõ: “Các quan chủ tỉnh trong Nam kỳ có mua một ngàn cuốn đặng phát cho các làng dùng”. Ta hiểu tập sách này có tính chất tổng hợp các công văn, nghị định do thống đốc, toàn quyền...  ký và ban hành. Thế nhưng, trong đó vẫn có các trang quảng cáo đủ loại sản phẩm lúc bấy giờ; hoặc các tập sách khác của nhà văn ở Nam kỳ thời điểm đó cũng tương tự. Đừng nói đâu xa, chỉ mới trước 1975 thôi, hầu hết các tập sách viết về thú chơi cổ ngoạn, thú đọc truyện Tàu, chơi chim ca cảnh... của cụ Vương Hồng Sển đều ghi rõ do một công ty dược phẩm đứng ra in. Nhờ vậy đến nay ta vẫn còn nhớ đến thương hiệu công ty đó.

Khi một sản phẩm vật chất gắn liền với sách thì sự tồn tại của nó lâu dài với thời gian hơn bất kỳ hình thức nào khác. Và dù trong sách dù không có các trang quảng cáo, không phải viết về sản phẩm cụ thể đó... mà tác động của nó lớn hơn, bởi thông qua suy nghĩ, cảm xúc của nhà văn, nhà báo sẽ giúp người đọc có cảm tình với sản phẩm đó nhiều hơn.  Tiếp thị như thế này, nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy có khá nhiều điều lý thú về hiệu quả lâu dài của nó; và tác động của nó đối với người viết - thông qua những bài viết giàu chất văn học. Có thể do thời đại này quá nhiều thông tin, nhịp sống vội vã nên người ta nghĩ rằng đã P.R thì phải trực diện hơn chăng? Phải ồn ào hơn chăng? Có thể là vậy, nhưng chiến lược xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm thì cách đó chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất.

Người đầu tiên có những sáng kiến thông minh trên chính là nữ doanh nhân Minh Hương - một nhân vật không xa lạ trên thương trường hiện nay.

Cuộc sống ngày mỗi mới. Vì thế, y thích làm báo để có thể luôn được tiếp cận với cái mới mỗi ngày.

Chiều này lại mưa. Ngày mai thứ bảy. Ngày mốt trao giải cuộc thi Nguyễn Nhật Ánh và tôi. Sáng nay, bạn thơ Phạm Hồng Danh đã đồng ý với chuyện “thỉnh” bức tượng GS - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa về trung tâm luyện thi của anh. Ơn trời. Mọi việc suôn sẻ. Và ông bạn già nghệ sĩ Tô Sanh của y lại có một khoản tiền cần thiết cho tuổi già. À, qua tuần sau, phải bắt đầu công việc với sử cho thiếu nhi thôi. Thời gian trôi qua nhanh lắm. Đừng chần chừ. Đừng làm biếng. Phải vậy thôi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment