LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.12.2013

 

but-quan-hoai

Bút quan hoài của Ái Nam Trần Tuấn Khải (Tư liệu: L.M.Q)

 

Hôm nay, có thông tin cần lưu ý: Trong Hội nghị Ủy ban Liên chính phủ lần 8 về bảo vệ văn hóa di sản phi vật thể, diễn ra tại thành phố Baku (Cộng hòa Azerbaijan) từ ngày 2 đến 8.12.2103, UNESCO chính thức công nhận Đờn ca tài tử được là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như đến nay, thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 8 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hội Gióng Hà Nội, Hát xoan, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Đờn ca tài tử Nam Bộ. Trong năm 2013, bộ hồ sơ về Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh cũng đã được nộp lên UNESCO và sẽ có kết quả trong năm 2014.

Chiều, ngồi ngó trời ngó đất. Chẳng biết làm gì. Ghi lại vài mẩu chuyện đã đọc. Thấy hay hay. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Xuân Diệu đi thực tế sáng tác, ông được phân công ở trong gia đình một bác nông dân, trong nhà chỉ có đứa con gái nhỏ. Chiều nọ, ông đang ngồi làm thơ bỗng nghe tiếng khóc tấm tức. Thì ra, cô gái nhỏ vừa ngủ dậy ngồi khóc ngon lành. Ông bố đến hỏi tại sao thì em cũng không trả lời, cứ khóc thút thít mãi. Bực quá! Ông bố muốn phết cho vài roi. Nhưng Xuân Diệu can:

- Đừng đánh em. Tội nghiệp! Biết đâu trong giấc mơ chiều nay, em mơ thấy gì chăng?

Ngẫm cũng có lý, bác nông dân gặng hỏi thì em đáp vừa nằm mơ thấy mẹ. Thức dậy, không có mẹ nên nhớ quá mà khóc. Thật vậy, vợ của bác vừa mất trong một trận càn của giặc Pháp. Sự nhậy cảm của Xuân Diệu thật cảm động. Lúc trước mua được nhiều số báo Ngày Nay của nhóm Tự lực văn đoàn. Sau tặng lại cho L.K.Thơ. Bởi T sử dụng hiệu quả hơn, vì cô đang công tác ở Viên Văn học. Trong những số báo đó, có mẩu quảng cáo liên quan đến thi sĩ lừng danh Tản Đà. Vào cuối đời sống trong nghèo túng, ông xem “Hà Lạc lý số” kiếm sống qua ngày, bên cạnh việc dịch thơ Đường cho báo Ngày Nay, dạy Hán văn... Khác người ở chỗ không giấu giếm, ông cho quảng cáo trên báo Ngày Nay công việc của mình bằng... thơ! Bài "Quảng cáo Hà Lạc lý số" như sau: 

Nguyễn Khắc Hiếu Tản Đà

Nay mai sắp ở Hà

Hà Lạc đoán lý số

Đàn ông và đàn bà

Ai gần xin đến hỏi

Thư gửi người ở xa

Biết rõ năm cùng tháng

Ngày, giờ nào đẻ ta

Một cữ ước tuần lễ

Có thư mời khách qua

Quyển sổ đã lấy rõ

Xin cứ nói thật thà

Hán văn âm quốc ngữ

Quốc văn bày nghĩa ra

Còn như tiền đặt quẻ

Nhiều 5, ít có 3

Nhiều, ít tùy ở khách

Hậu, bạc kể chi mà

Kính cáo.

Mẩu quảng cáo này không thấy in trong các sách viết về giai thoại Tản Đà. Sau khi thi đậu Thành chung, năm 1936, ông Nguyễn Đổng Chi - bố của ông Nguyễn Huệ Chi trở về quê phân loại lại kho sách gia đình, mở Mộng Thương thư trai dành cho người dân trong làng đến đọc nâng cao tri thức. Điều ít người biết, ngôi nhà này, mặt cửa chính trông ra vườn và hồ sen, ông Chi cho làm một vòm mái hiên, trên có đắp hình một cuốn sách dang mở ra, có ghi câu của bố mình cụ Nguyễn Hiệt Chi: "Học tập làm lụng ta ngó lên, ăn mặc ta nhìn xuống". Và hai bên có một thanh kiếm và một quản bút giao nhau. Ông Nguyễn Thông, trước khi mất có ghi lại trong Di chúc: “Sách vở là gia truyền quý nhất, không được đem gửi người khác. Sau khi ta trăm tuổi mỗi khi gặp ngày giỗ thì lấy sách ra bày ở hai bên trên bàn thờ thay cho mâm cúng cơm”. Ở Sài Gòn hiện nay có đường Nguyễn Thông, chẳng thấy có nhà sách nào, chỉ toàn quán nhậu và nhiều tiệm bán rượu ngoại. Năm 1923, ông Tản Đà xuất bản tập Truyện thế gian (tập 1), trong đó có bài thơ:

Muốn ăn rau sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà

Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm

Không ngờ, ít lâu Tản Đà nhận được bưu kiện nho nhỏ từ Phủ Lý gửi lên, mở ra thấy có rau sắng chùa Hương xanh mơn mởn, nhưng không ghi tên người gửi. Ông ngạc nhiên lại thấy  có thêm mấy câu thơ gửi “Nguyễn tiên sinh nhã giám”:

Kính dâng rau sắng chùa Hương

Đỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa

Không đi thời gởi lại nhà

Thay cho dưa khú cùng là cà thâm

(Đỗ Tang Nữ bái tặng)

Nhà thơ rất xúc động và viết ngay bài thơ cảm tạ:

Mấy lời cảm tạ tri ân

Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình

Đường xa rau hãy còn xanh

Tấm lòng thơm thảo bát canh ngọt ngào

Yêu nhau xa cách càng yêu

Dẫu rằng suông nhạt mà nhiều chứa chan

Nước non khuất nẻo ngư nhàn

Tạ lòng xin mượn thế gian đưa tình

Tác giả bài thơ này là nữ sĩ Song Khê, em ruột của nữ sĩ Tương Phố. Duyên thơ như vậy kể ra cũng thật đẹp và thật đáng quý đối với một thi sĩ được nhiều người ái mộ. Thời buổi này hiếm có. Nếu có, nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường tếu táo là "nhuận bút nhân dân", chỉ có thể là... rượu! Về chuyện riêng, dù Chế Lan Viên độ lượng muốn níu kéo lại với nhiều thua thiệt nhưng cũng không thể. Cuối cùng cả hai chọn giải pháp là nhờ tòa án phán xử. Theo L.K.Thơ - con gái nhà viết kịch Lưu Quang Thuận: Lúc ấy, cha cô cũng có mặt tại tòa với tư cách người đại diện cơ quan và cũng là bạn thân với gia đình Chế Lan Viên, có kể lại: “Suốt buổi đó, Chế Lan Viên ngồi im lặng. Sau khi đã xong hết mọi thủ tục, trước khi ra về, ông mới lặng lẽ đứng lên và đọc bài thơ, thay cho lời nói cuối cùng:

Đến chỗ đông người anh biệt em

Quay đi thôi chớ để anh nhìn

Mày em trăng mới in ngần thật

Cắt đứt lòng anh, trăng của em

Sự việc đó khiến mọi người vô cùng sững sốt. Đúng là có một không hai. Mấy hôm nay, đọc bài ca trù Nhân vong cầm tại của Tiến sĩ Dương Khuê. Nó hay chỗ nào mà đã đọc chẳng quên? Mà cứ ám ảnh mãi:

Mưỡu 1:

Lấy ai là kẻ đồng tâm

Lấy ai là kẻ tri âm với nàng?

Đêm khuya luống những bàng hoàng

Người đi đâu vắng mà đàn còn đây?

Mưỡi 2:

Nghe đàn nhớ lão Chung Kỳ

Vợ mi ở đó, mi đi mô chừ?

Sớm khuya xe tẩu phụng thờ

Goá chồng cũng thể như chưa có chồng.

Hát nói:

Nhân vong cầm tại

Nhớ chàng Hai mà gặp lại cô Hai

Tiện đây hỏi một đôi lời

Đàn bản ấy cùng ai so phím cũ?

Hồng phấn kỷ nhân vi quả phụ?

Bạch đầu nan lão Trác Văn Quân!

Thế thì khi gió gác, lúc trăng sân

Chừng "Bạch tuyết", "Dương xuân" còn tưởng nhớ?

Hãy ngồi lại hát chơi khúc nữa

Có trách chi tang trở xóm Bình Khang

Xưa nay nghề nghiệp thế thường

Cách đây mươi năm có dịp gặp Tiến sĩ khoa học giáo dục Dương Thiệu Tống - dòng họ Dương Khuê. Qua trò chuyện, ông bảo “Hồng hồng tuyết tuyết” là ngụ ý chuyện chính trị, chứ không hẳn tình riêng trai gái như nhiều người đã hiểu. Theo ông, Dương Khuê ra làm quan năm 1868 đến lúc triều nhà Nguyễn ký Hòa ước 1883 rồi Hòa ước 1884. Đây là giai đoạn 15 năm đầu tiên trong đòi làm quan của cụ. “Mười lăm năm thắm thoát có ra gì” là nói về giai đoạn này. Lúc ấy, cụ những muốn giúp nước nhưng vua Tự Đức phê: “bất thức thời vụ” nên mới có câu ẩn dụ:

Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông

Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì

Sau Hòa ước năm 1884, cuộc đời làm qua của cụ đã bước sang một khúc ngoặt khác. Đại khái, nên hiểu bài thơ theo chiều hướng đó. Đọc Nắng được thì cứ nắng, ông Phan An Sa khẳng định chắc nịch rằng,  bài thơ này của Phan Khôi, dứt khoát không phải thơ tình:

Hồng nào hồng chẳng có gai

Miễn đừng là thứ hồng lài không hoa

Là hồng thì phải có hoa

Không hoa chỉ có gai mà ai chơi?

Ta yêu hồng lắm hồng ơi!

Có gai mà cũng có mùi hương thơm.

Thời trẻ, đọc những thông tin này ắt chịu khó tìm hiểu thêm. Nay đã ngại. Chỉ nhắc lại đôi dòng như gợi ý cho ai quan tâm. Nhân đây cũng ghi lại bài Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ

Nhiều người nhầm là ca dao. Và nó cũng có vài dị bản.

Rủ nhau xuống bể mò cua

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

Em ơi! Chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau

Cũng không phải ca dao. Bốn câu trên của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, đã in tập Duyên nợ phù sinh (1924). Tương tự, nhiều người vẫn nhầm ca dao như:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

Đó là những câu đã in trong tập Bút quan hoài (1928) cũng của Á Nam Trần Tuấn Khải. Sự nhầm lẫn như thế vẫn còn nhiều. Nhiều người vẫn nhầm tưởng:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

là ca dao, nhưng thật ra đó là thơ của nhà thơ Bàng Bá Lân. Trường hợp này, còn thể thấy ở trường hợp nhà thơ Kiên Giang. Đã có những câu của ông, nhiều người vẫn tưởng ca dao Nam Bộ:

Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương

hoặc:

Ong bầu đậu đọt mù u

Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn


cũng của Kiên Giang. Chiều nay, lẩn thẩn chuyện thơ cũng là một cách giết cho hết buổi chiều.

Lại một ngày.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment