LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.12.2013

 

1nhat-ky-

Sơn dầu của Lê Minh Quốc

 

Mấy hôm này, xuống phố đã nghe nhạc giáng sinh. Rộn ràng. Tươi vui. Cảm giác, Tết đang đến gần. Âm nhạc đó đã trở thành nét văn hóa chung, chứ không chỉ riêng người có đạo. Nhà thơ Kiên Giang có câu thơ hay:

Lạy Chúa con là người ngoại đạo

Nhưng con tin có Chúa ngự trên trời

Bài thơ Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh là bài thơ nổi tiếng. Đoạn kết:

Hãy về thăm xóm đạo,

Có trái ngọt cây lành.

Tha La dâng ngàn hoa gạo,

Và suối mát rừng xanh.

Xem đám chiên lành thương áo trắng.

Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh.

Trong Nhà văn hiện đại, từ năm 1942, Vũ Ngọc Phan viết: “Thơ tôn giáo ra đời với Hàn Mặc Tử. Tôi dám chắc rồi đây có nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm cảm hứng trong đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm mà đến năm chưa mấy nhà thơ dám bước tới”. Đến nay vẫn chưa thấy gì khác.

Đêm qua ngồi lai rai với Dương Công Đức, Đoàn Vị Thượng, Gia Hòa. Anh Dương Công Đức nhờ đọc lại bản thảo Trảng Bàng phương chí. Trên 1.000 trang, khổ A 4. Chữ vi tính chi chít. Thật đáng nể, còn trẻ, sinh năm 1974 đã dành 2 năm để viết về quê hương mình. Viết từ khảo sát thực địa, từ tài liệu, từ lời kể của nhân chứng. Cẩn trọng. Công phu. Đáng ghi nhận ở chỗ khách quan. Vùng đất nào cũng có những con người tâm huyết ấy thì hay quá.

Về bài thơ Tha la xóm đạo, anh viết: “Trong giai đoạn trước 1945, nhà văn Thẩm Thệ Hà kết thâm giao với nhà thơ Vũ Anh Khanh và trong một lần vào năm 1949 khi được anh bạn thi sĩ về thăm quê Trảng Bàng, có ghé sang làng An Hòa kế cận. Tại đây trước cảnh hoang tàn, vắng vẻ của giáo xứ Tha La do chiến tranh ly loạn, Vũ Anh Khanh đã sáng tác nên bài thơ bất hủ và sau đó đã trở nên nổi tiếng khắp miền Nam do được nhạc sĩ Dzũng Chinh và Sơn Thảo phổ nhạc thành bài Hận Tha La. Có lẽ đây là một trong những bài thơ hay nhất và nổi tiếng nhất viết về Trảng Bàng trong giai đoạn 1945 đến 1975. Điều thú vị, tác giả là người Bình Thuận”. Có những địa danh được nhiều người biết đến là do tài năng văn nghệ sĩ. Chẳng hạn, nhạc sĩ Xuân Hồng với Tiếng chày trên sóc Bom Bo, nhà văn Dương Hà với Bên dòng sông Trẹm... Rồi nhà văn Tô Hoài có làng Nghĩa Đô, Nguyễn Nhật Ánh có quán chợ Đo Đo... được đọc yêu mến bởi nó trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của họ. Ngay cả xứ Cà Bây Ngọp ở Nam bộ chẳng biết hư thật thế nào nhưng đã "chết tên" trong truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của nhà văn Sơn Nam v.v...

Tập sách Trảng Bàng phương chí của Dương Công Đức thế nào? Chưa có thể nói, nhưng ít ra đây là tâm huyết của một người quá yêu quê hương Tây Ninh mà viết. Trước đây, qua tập Lược sử tộc Dương và sự hình thành làng Gia Bình, Trảng Bàng (Tây Ninh), anh đã chứng minh thuyết phục dòng họ Dương ở Tây Ninh có nguồn gốc từ Quảng Nam. Việc nghiên cứu này rất đáng ghi nhận. Thấy bạn trẻ làm được một việc tốt, cũng nên có thái độ ủng hộ. Sẽ đọc kỹ bản thảo này.

Chẳng hiểu do cái cơ chế gì mà lâu nay chỉ một nhóm cán bộ thuộc Viện này, Hội nọ đứng ra thầu làm sách địa phương chí một kiểu “làm ăn”. Họ tập hợp lực lượng “đánh” từ Nam chí Bắc, dù chẳng hề sinh ra tại nơi đó. Ấy mới kinh, ấy mới tài. Mà thật ra, dù không sinh ra nơi ấy cũng chẳng sao, ai cấm? Nhưng không có tình yêu máu thịt với vùng đất đó, làm sao có thể viết gì được? Nếu có chỉ là những con chữ vô hồn, những số liệu thống kê như bản báo cáo. Chán phèo.

Vấn đề này, trước đây, y từng suy nghĩ: “Lại có một khoảng thời gian rất dài, các công trình nghiên cứu về địa chí của tỉnh này, tỉnh nọ chỉ nằm trong tay một nhóm người. Tôi có thể liệt kê danh sách, nếu cần. Do có học hàm, học vị và đang công tác ở viện này, viện nọ nên những người này có uy tín, có điều kiện đặt vấn đề với UBND các tỉnh, huyện, thậm chí cả cấp xã để làm địa chí. Đây là một nhu cầu cần thiết để quảng bá địa phương nên đề nghị này thường được tán thành, thậm chí tán thành nhiệt liệt! Cứ nhìn hàng loạt địa chí đã công bố thì rõ. Nhiều người cho biết, trong năm chỉ cần ký được một hợp đồng làm địa chí cấp tỉnh là “sống khỏe”, bởi kinh phí cho mỗi công trình này không có quy định cụ thể nào mà tùy theo sự hào phóng của từng địa phương. Sau khi có kinh phí, “nhóm chủ biên” lại đặt hàng cho người khác viết để cuối cùng gom lại thành sách.

Điều đáng phàn nàn nhất là các tập địa chí trên đều được thực hiện theo một dàn bài y chang nhau, bất chấp tính đặc thù của từng địa phương. Lật bất kỳ tập địa chí nào, ta cũng gặp “cấu trúc”: Tự nhiên và dân cư; Lịch sử và truyền thống đấu tranh; Kinh tế; Văn hóa; Giáo dục; Nhân vật tiêu biểu… Trong đó, giống nhau nhất vẫn là các phần viết về thời chống Pháp và chống Mỹ vì đa phần sử dụng tài liệu chung của cả nước chứ không riêng gì của địa phương đó. Nếu có khác chăng chỉ là phần hình ảnh minh họa.

Với kiểu làm địa chí như trên, chất lượng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Cả một đời sống gắn bó và nghiên cứu tận lực chưa chắc đã nên “cơm cháo” gì, thế mà có nhóm người cứ “đánh” hết địa phương này sang địa phương khác!

Cách làm “khoa học” như trên đã góp phần lý giải vì sao từ năm 1975 đến nay, chúng ta vẫn chưa có những địa phương chí đúng nghĩa. Thật ra, tính đến nay thì các nhà địa phương học của ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn, ông Nguyễn Vĩnh Phúc với Hà Nội; Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam; Quách Tấn với Bình Định; Toan Ánh với vùng Kinh Bắc; Nguyễn Khắc Xương với Vĩnh Phú; Sơn Nam với Sài Gòn… Trong khi đó, hầu như địa phương nào cũng có các tập địa chí đồ sộ!

Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn nhận thực trạng này một cách công khai và minh bạch nếu thật sự muốn thay đổi chất lượng của việc nghiên cứu khoa học”.

Thật buồn cười, trưa nay, đọc tờ báo Người Hà Nội cuối tuần (15.12.2013) có bài Lạ lùng chuyện người chết “nuôi” người sống ở “vương quốc lăng mộ” xứ Huế.  Đề tài này không mới, đọc vẫn giật mình: "Vương quốc cõi âm" này thuộc làng An Bằng, xã Vĩnh An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), diện tích, được khoanh làm bốn vùng rộng lớn gồm Bằng Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ. Cả làng có 44 họ tộc với lịch sử gần 500 năm. “Ông Hồ Thiết (80 tuổi) người chuyên phụ trách các nghi lễ của làng cho hay, hiện nay làng Bằng An có khoảng 3.000 lăng mộ, mỗi ngôi mộ có chi phí trung bình khoảng 30.000 USD, trong đó khu mộ của dòng họ Trương được xem là đắt và đồ sộ nhất thành phố lăng này khi tổng chi phí tính đến thời điểm này khoảng 50.000 USD”.

Choáng chưa?

Ấy là thói xấu của người Việt. Cái thói “con gà tức nhau tiếng gáy”. Mộ dòng họ này to, cao thì dòng họ mình phải to, cao hơn. Pháo nhà này nổ dài thời gian thì pháo nhà mình phải hơn thế nữa. Chết là hết. Cần gì phải tốn kém như thế? Trong khi người chung quanh, bà con xóm giềng còn trú thân trong cái nhà ọp ẹp, lụp sụp nghèo nàn thì sự "khoe của" ấy rất đáng trách. Nếu không muốn nói là hợm hĩnh. Chết là hết. Cái chết chỉ có ý nghĩa khi sinh thời người đó đã làm gì cho cộng đồng chứ không phải cái mồ phải to, cao như cái lăng. Đem tiền xây lăng mộ vô bổ ấy mà xây trường học, làm cầu đường… mới là báo hiếu người đã khuất. Ném tiền vào việc xây dựng mê muội và hãnh tiến đó, nghĩ cho cùng đáng thương quá. Thương hại cho thói xấu của người Việt.

Ngày hôm qua, thứ Sáu ngày 13. Lại sực nhớ, thứ sáu ngày 13.11.2009. Ngày đó, lên Đà Lạt bằng máy bay. Lúc nhận hành lý, mới hay chai rượu đỏ mang theo bị vỡ. Rượu lênh láng. Điều này báo trước gì vậy? Chuyện này chỉ một người chứng kiến. Lần đầu tiên ra biển. Sóng của mùi hương thơ dại còn quấn quýt mãi trong âm vang của tình nhớ. Nhớ một người. Một cảm hứng mới của thơ. Lật lại sổ tay thơ, có bài thơ này:

CỎ DẠI

thông reo, hoa nở, chim hót

Đà Lạt rất Tự lực văn đoàn

gió cũng hát cải lương

rêu xanh, ngói xám Bà Huyện Thanh Quan

tâm thế tôi đang Chinh phụ ngâm

không hỉ nộ ái ố

không buồn không vui không sầu không khổ

muốn hóa thành mây bay lên vòm trời

dẫn người yêu đi chơi

bỗng giật mình bởi tiếng chuông điện thoại

lôi tuột tôi quay về hiện tại

những ghế bàn hội họp giao ban

công việc mỗi ngày như tơ nhện

ùn ùn kéo đến

những khuôn mặt mỗi ngày lại xám

lại trắng lại đen lại đỏ mỗi ngày

tiếng chuông điện thoại vừa qua đây

bỗng giật mình nhớ lại

cho tôi một ngày không điện thoại

tĩnh tâm như cỏ dại

lãng quên...

Sao lại ghi cuối bài thơ là ngày 18.XI.2009? Chẳng cần thiết lắm. Chỉ nhớ phiên phiến thôi. Thời gian? Nghĩ cho cùng chẳng ý nghĩa gì. Đời người cũng thế. Chẳng có ý nghĩa nếu một ngày, một đời chỉ là tháng ngày lê thê của một kiếp người. Rồi đến lúc xuôi tay nhắm mắt lại trở về cõi vô danh nào đó. Hầu hết con người ta sinh ra chỉ là sự vô danh. Khi mất đi, lại quay về với sự vô danh đời đời kiếp kiếp.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment