LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.11.2013

 

moiemuongruou

Tập thơ Mời em uống rượu (NXB Hội Nhà văn) của CAO THOẠI CHÂU

 

Mấy hôm nay phờ phạc của người. Cứ lặng lẽ "cày" bài cho báo Xuân. Thì anh em cần thế. Y cần tiền thế. Thế là viết. Cũng vui. Thời gian trôi qua không đến nổi vô ích lắm. Có hôm viết đến khuya. Đã chín giờ sáng vẫn chìm trong mộng đẹp cùng tiếng ngáy khò khò. Bỗng nghe tiếng gọi cửa phòng: “Q ơi, sao giờ này chưa dậy?”. Thế đấy. Mẹ y gọi. Sướng chưa? Mẹ gọi dậy hoàn toàn khác với vợ gọi, có lẽ khó có lời trìu mến hơn. Sáng bừng. Chưa kịp làm gì đã hết một ngày. Càng già, con người ta càng thấy thời gian ngắn hơn nhiều. Loay hoay một chút đã thấy bạc trắng tóc. Nến lụn dần. Ngày vụt qua. Đời người tắt ngúm.

Chiều nay, đọc trên facebook của ông bạn thơ Từ Kế Tường:

“Những cuộc hội thảo văn học nghệ thuật để tìm ra tác phẩm đỉnh cao kiểu này đều không mang lại kết quả cụ thể, chỉ tốn tiền và tốn thời gian trong tình hình khốn khó của xã hội hiện tại. Nhìn những gương mặt được mời dự hội thảo, ngoài một số rất ít còn viết được (chứ không có nghĩa là viết được tác phẩm đỉnh cao) thì phần đông đã... hết xí quách, không viết nổi nữa. Thế thì hội thảo làm cái quái gì? Hay chỉ để tiêu tiền ngân sách Nhà nước rót cho lúc sắp hết năm và gặp gỡ tào lao, hiếu hỉ cho vui (mà chưa chắc đã vui)?

Theo tôi, để có tác phẩm thôi, chưa dám nói là đỉnh cao, hãy đầu tư tiền Nhà nước (tức của nhân dân) có trọng tâm, trọng điểm, đúng địa chỉ. Tức là, chọn ra một danh sách nhà văn, nhà thơ... viết được tác phẩm (bảo đảm vô tư, khách quan, không bè cánh) làm hợp đồng trách nhiệm gữa hai bên rồi ứng tiền (đủ để sống và viết, khỏi phải lo cơm áo gạo tiền gì nữa). Khỏi tổ chức trại sáng tác, tham quan thực tế làm gì cho rách việc. Đầu tư cho tác phẩm là bao nhiêu? tác phẩm đỉnh cao thì tiền phải cao, ứng trước bao nhiêu? đề cương thế nào? thời hạn giao tác phẩm và... tan hàng ai về nhà nấy cứ lo mà viết rồi đúng thời hạn quy định giao nộp. Nếu ai nhận tiền, ký hơp đồng trách nhiệm mà không giao được tác phẩm thì phải đền tiền lại. Danh sách tác giả mời viết, ký hợp đồng trách nhiệm không cần nhiều, mà chọn lọc, đặt hàng theo kiểu (chọn mặt gửi vàng). Tôi bảo đảm sẽ có tác phẩm. Nhuận bút 500 triệu - 1 tỉ sẽ có tác phẩm đỉnh cao chứ 15 - 20 triệu mà đòi tác phẩm đỉnh cao thì hơi bị.... hoang đường trong khi tham nhũng cả hàng trăm vụ, mỗi vụ hàng nghìn tỉ, Nhà nước lo dọn dẹp, cơ cấu lại kinh tế mệt xỉu. Cứ trả tôi nhuận bút 500 triệu, 1 tỉ và đừng ai dạy tôi phải viết thế này, viết thế kia tôi sẽ bảo đảm có tác phẩm đỉnh cao”.

Đọc một thông tin trên facebook đôi khi y không tin cậy. Bởi chẳng biết lúc ấy người ta viết thật hay đùa. Ngay cả like comment cũng thế thôi. Khó có thể biết được tâm ý của người ta thế nào. Thông tin của Từ Kế Tường đã nói đúng thực trạng của một thời và còn kéo dài đến bây giờ. Mà xin hỏi một cách nghiêm túc, có phải có tiền đầu tư thật nhiều, thật cao ắt có cái gọi là “tác phẩm đỉnh cao”? Tào lao hết sức.

Các ông tiền bối của 1930  - 1945 có nhận của ai một đồng xu nào mà vẫn có tác phẩm để đời? Họ nghèo sạt mặt, có người ho lao, đói cơm mà chết. Thậm chí, ông Ngô Tất Tố còn bảo rằng, “Trong các nhân vật làng văn hiện thời, ông Vũ Trọng Phụng là người nghèo lắm. Khắc hẳn những ông Trần Tế Xương và Nghiêm Phúc Đồng, cái nghèo của ông Phụng lại là thể “nghèo gia truyền”, không phải “nghèo lỏi”.“Hình như riêng ở phương Đông, cái nghèo cũng là cái trường đúc nên văn sĩ”. Thời đó, làm gì có chuyện nhà nước rót tiền, đầu tư kinh phí, mở trại sáng tác, tổ chức đi thực tế lấy cảm hứng để viết, vậy mà tác phẩm của họ vẫn sừng sững thời gian.  Bây giờ? Đừng trách người đọc. Có ai thừa thời gian, tốn tiền mua thứ hàng giả, nghĩa là khi viết đã tự “biên tập” lấy chính mình. À, cái này, cái kia thò ra là nó cắt béng ngay. Nghĩ thế, sợ quá, cho an toàn, cho suôn sẻ bèn tự mình thiến nó trước. Đôi lúc lại nghĩ một cách quả quyết nếu sống trong thời đại chúng ta, các ông tài danh trên văn đàn thuở ấy cũng khó có thể đẻ ra “tác phẩm đỉnh cao”. Vấn đề đặt ra không phải vì tiền. Vậy cái gì? Một cơ chế công bố tác phẩm phải thay đổi? Một quan niệm, ý thức về nghề phải thay đổi?

Ở Việt Nam, hiếm có nhà văn nào dám dành thời gian toàn tâm toàn ý viết một tác phẩm, cứ viết, dù lúc này chưa công bố được thì đợi thời gian sau. Thật ra, lâu nay chúng ta viết vì kiếm sống nên phải chiều theo ý của “đặt hàng”; viết để công bố nên khi viết đã không còn thật nữa, phải uốn éo đầu xuôi đuôi lọt. Viết để kiếm danh nên cắm mặt viết cái gì đó mà trong đầu mình không nghĩ thế. Nếu ông Đặng Trần Côn viết Chinh phụ ngâm theo kiểu ba rọi ấy, có lẽ hậu thế đã quên béng rồi. Đọc sử ta biết, bấy giờ, Uy Nam vương Trịnh Cương cấm đốt lửa trong kinh thành, nhưng không thể không viết, thế là ông Đặng đào hầm dưới đất đốt nến để viết. Viết hằng đêm. Viết từ một sự thôi thúc của chính mình, chứ không phải vì tiền. Dứt khoát không phải vì tiền. Ai lại không cần tiền để sống? Ai cũng cần. Viết đặng có tiền để sống khác với kiểu viết vì đã nhận tiền tài trợ.

Đọc loáng thoáng đâu đó, chỉ nhớ đại khái, Phật dạy khi ăn cơm mỗi ngày., chúng sinh hãy ăn như thể ngay sau đó không bao giờ còn được ăn nữa. Ăn như thế mới tận hưởng cái ngon. Thì viết cũng thế thôi. Viết như rút gan ruột ra mà viết, vì chỉ lần còn này. Chỉ lần này mà thôi. Hỡi ôi, mấy ai viết trong tâm thế đó hay chỉ múa may, ỏng ẹo trên trang giấy?

Mấy hôm nay, tờ báo V.N nọ ròng rã, bền bĩ, ráo riết, kiên nhẫn lôi các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc, Tương Lai… "đánh" tơi bời. Đao thủ một mình một chợ. Khiếp quá. Đao thủ múa bút. Mực cạn hụt hơi. Nhập vai kép độc. Đứt đầu như chơi. Chẳng buồn vỗ tay. Chơi trò độc diễn. Ngày ngày trôi qua. Vẫn còn bia miệng. Chẳng biết ra làm sao cho suy nghĩ của con người thời buổi này. Sợ thật. Trưa nay, ngồi ăn cơm mà muốn sặc bởi nguyên văn một câu chình ình trên mặt báo dành cho trí thức, văn nghệ sĩ: “Ông “giáo sư” Tương Lai (cái tên nghe thật “sến”)" (báo VN 28.11.2013). Người viết câu đó là “Luật gia - Nhà báo H.P”. Không bình luận nữa, Không đáng để bình luận. Dù chỉ một dòng. Chỉ nhắc lại để thấy thời buổi gì kỳ cục, kỳ quặt quá. Ngán ngẫm thật.

Vẫn còn nhiều nhà báo yêu nghề, cô Thu Trang lừng danh của báo PN vừa đi lên Sín Chải là một bản nhỏ xinh đẹp của người Hà Nhì, thuộc xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Vùng đất này “nhiều đoàn cán bộ miền xuôi lên đây nghiên cứu, họ nói do đất bị nhiễm độc phóng xạ”.  Thế nhưng số phận người dân ở dây vẫn không thay đổi. Cô viết một câu không thể không nhắc lại: “Trong tay những cán bộ xã Nậm Pung không có bất cứ tài liệu nào để giải thích về những cái chết bất thường bao lâu nay ở Sín Chải. Họ cũng giống như Phú A Sì, chỉ biết trông đợi vào kết quả nghiên cứu được công bố của các cơ quan chức năng. Các nhà khoa học có lẽ... bận quá nhiều việc nên đã quên mất ở Sín Chải, có những con người đang ngày đêm khắc khoải chờ đợi một điều kỳ diệu xảy ra. Họ không muốn tiếp tục chết, khi chưa kịp đi hết nửa đời người” (PN 25.11.2013). Thương cảm. Bùi ngùi. Lại đọc thông tin trên tờ TT (25.11.2013) mà bàng hoàng, cứ tưởng bịa: “Thời gian qua, tại một số địa phương trên cả nước xuất hiện những công sở được đầu tư kinh phí lớn, trên những khu đất rộng hàng ha. Là nơi làm việc của các cơ quan địa phương và các cơ quan trung ương đóng tại địa phương, các công sở này được đầu tư tiền trăm tỉ”. Trăm tỉ là ít hay nhiều? Có một điều dễ nhận ra nhất là có đi về các vùng sâu vùng xa mới thấy đời sống bà con còn nghèo, nghèo lắm. Buồn quá đi chứ.

Ngẫm nghĩ thêm một chút để làm gì? Dù vẫn biết chẳng làm gì cả nhưng rồi đôi khi người ta vẫn nghĩ. Nghĩ riết, chẳng biết để làm gì nên dần dà lại thấy mọi chuyện trên đời chẳng còn gì để nghĩ nữa.

Sáng nay đã nhận được tập thơ của ông bạn thơ Cao Thoại Châu gửi tặng. Cám ơn ông bạn già sinh năm 1939 tại Nam Định, nay định cư ở Long An, hơn y đúng 20 tuổi, có thơ in báo từ lúc y còn mặc quần tà lỏn tắm mưa. Tập Mời em uống rượu (NXB Hội Nhà văn). Lật hú họa một trang:

Thơ của anh cũng như đời của anh

Cứ mỗi ngày buồn thêm một ít

Nụ cười hồn nhiên kể như đã hết

Anh biết lấy gì để tiễn đưa em

(Cao Thoại Châu, 1968)

Lại thơ. Ừ, thì thơ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment