LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.11.2013

 

bia-sach-29.11.2013


Ngày nào cũng như ngày hôm nay, chuyện gì sẽ xẩy ra?

Sáng, chưa kịp cà phê, lướt web phải nhanh chóng rời ra khỏi nhà. Ăn sáng vội vàng. Bởi 9 g có cuộc họp cùng anh em trong Chi hội nhà báo. Gút lại công việc tổ chức đại hội. Đã sắp hết một nhiệm kỳ rồi. Sau đó, họp tiễn sếp Tổng nghỉ hưu. Vậy là năm tháng làm báo của y lại bắt đầu với đời Tổng biên tập thứ 5. Trước đó là chị Thế Thanh, Minh Nguyệt, Mai Hiền, Khánh Tâm. Các chị đáng yêu, là những người tốt. Một mái ấm của tháng ngày y sống bằng nghề viết báo. May mắn được làm việc trong một cơ quan như gia đình. Tình thân. Yêu thương và luôn quan tâm, bảo ban, che chở, giúp đỡ nhau. Ròng rã gần 30 năm kiếm sống lương thiện chỉ bằng các con chữ thể hiện trên mặt báo. Đâu riêng gì y, chắc chắn chẳng nhà báo nào có thể nhớ, trong đời đã viết, đã in bao nhiêu bài báo. Trưa nay, nhân dịp chia tay sếp Tổng, cơ quan tổ chức liên hoan thân mật. Tình thân vẫn đầy. Nỗi nhớ vẫn đầy. Lâu nay, đều như vắt chanh, ngày như mọi ngay dù mưa hay nắng, y phải về nhà ăn trưa và nghỉ ngơi một chút. Trưa nay không thể. Do đó, ăn vội vội vàng vàng và quay về nhà như thói quen mọi ngày. Đã thế, 14g30 phải có mặt ở Hội Nhà văn họp xét giải thưởng thơ thường niên; xét kết nạp hội viên mới. Đã có danh sách. Đã có kết quả. Họp xong, Lê Thị Kim mời anh em vào lẫu cá kèo. Đang ngon miệng mà phải vội rủ Trương Nam Hương đến chỗ hẹn. Hẹn với người bạn học cũ. Cô học trò người Hàn Quốc của bạn cần tư vấn một vài chuyện. Mà đã xong đâu. Rời khỏi quán cà phê, tranh thủ đi hớt tóc. Lúc quay về nhà lại vội vàng bởi mưa đang lấm tấm mưa. Thế là mất béng một ngày.

Ngày nào cũng thế này. Cũng phải vội vội vàng vàng là một cực hình.

Mấy hôm nay, vẫn mua vài ba tờ báo. Chị bán báo quen, biết y là nhà báo, tự nhiên hỏi: “Lâu nay tiền cứu trợ bão lụt có đến tay dân nghèo không?”. Chưa kịp trả lời, chị nói luôn: “Ai làm ác thì “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Còn mình, dân trong một nước thì phải thương nhau thôi”. Quan chức nước nhà, tự ý thức được như chị bán báo thì may cho dân quá.

Dạo này đọc báo lá cải, dù nhảm nhí nhưng đỡ phải tức anh ách. Vì các báo chính thống đưa tin dẫu nhanh nhậy, nghiêm túc, đứng đắn, câu cú đàng hoàng, viết có trách nhiệm nhưng đọc kỹ thấy gì? Thấy  cuối cùng, trước những sự việc đang phản ánh chẳng rõ quan điểm người viết ra sao. Điều này cũng dễ hiểu, để an toàn, nhà báo chỉ đưa sự kiện đang xẩy ra. Và tự bạn đọc phải suy nghĩ để có câu kết luận cuối cùng. Đọc mà không thấy thái độ của nhà báo.  Ấy cũng làm báo. Có ai đó đã nói, báo chí cũng một cách “xả xú bắp” nhưng “xả” kiểu đó, có khi lại xì-trét hơn.

Ngày nọ, ngồi lai rai người bạn đang công tác ở một tờ báo lớn nhất nhì tại TP.HCM. Bạn tâm sự: “Điều em đau nhất là trong Ngày Nhà báo có bạn đọc nói “Dạo này báo của chị bênh vực nhà nước hơn bênh dân”. Nghĩ thế nào về câu nói đó? Có phải người dân không thấy những điều họ quan tâm, bức xúc được phản ánh trên trên mặt báo chăng? Hay chỉ thấy thể hiện nửa vời "lửng lơ con cá vàng"? Hay còn lý do gì khác? Hôm trước đọc trên báo TT cái tin thật buồn cười, lại ngay trang 2: “Chiều 23.11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có chuyến công tác từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng máy bay giá rẻ của Hãng hàng không Jetstar Pacific. Đây là lần thứ 2 ông Thăng đi công tác bằng vé máy bay giá rẻ nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm của Bộ GTVT trong việc sử dụng kinh phí đi công tác. Trước đó, ông Thăng cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đi công tác bằng vé máy bay hạng phổ thông của Hãng VietJet Air thay vì đi vé hạng thương gia theo tiêu chuẩn được hưởng”.

Ủa, vậy hóa ra mấy cái hãng máy bay đó chỉ dành cho người thu nhập thấp? Mà quan chức đi may bay giá rẻ thì có gì phải đáng quan tâm? Trong khi đó, với người dân chưa cần được đi máy bay giá rẻ, chỉ cần đi xe đò, đi xe lửa không bị ép ăn "cơm tù", không bị mua suất ăn với giá trên trời, không bị nhồi nhét, không phóng nhanh vượt ẩu... là đã mừng hết lớn rồi. May mắn lắm rồi. Hãy xem hàng ngàn chuyến xe tốc hành, tàu hỏa Bắc - Nam mỗi ngày mới biết người dân còn khốn khó thế nào. Với quan chức, người dân quan tâm không phải chuyện vặt như báo đã đưa tin. Họ chỉ quan tâm trên cương vị đang giữ, quan chức đó đã làm được gì cho dân? Nếu đi máy bay hạng sang, hạng VIP mà vẫn làm được việc còn hơn đi máy bay giá rẻ nhưng chẳng làm được gì. Thích người Mỹ ở tính thực dụng. Phải hiểu thực dụng ở đây là đạt đến kết quả cuối cùng. Hiệu quả cuối cùng của công việc. Chứ không phải mấy chiêu trò lòng vòng “hoa lá cành nặng phần trình diễn". Trước đây, trên TT có chuyên mục tiểu phẩm Chuyện như đùa do nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa phụ trách. Còn nhớ một tiểu phẩm đại khái, tổ dân phổ nọ, ngày nọ quyết tâm phải bầu lại cán bộ. Dân đã chịu hết xiết quan tham này rồi. Bầu bán xong, quan tham đó vẫn yên vị, không gì thay đổi. Vũ như cẩn. Vẫn như cũ. Sao kỳ cục vậy? Hỏi ra, người dân đồng loạt cho biết, cứ để quan chức đó ngồi đó vì đã "ăn" nhiều rồi, "ăn" no rồi; nếu bầu người khác lên, nó bắt đầu mới "ăn" thì dân chịu làm sao xiết? Thời phong kiến, tùy thời đại, lại có cái hay. Nếu quan chức nhà nước tham ô, tham nhũng, ức hiếp dân thì dân hè nhau vác ông quan đó lên trả lại cho cấp cao hơn. Chiều qua, họp xong, bạn thơ Trương Nam Hương bảo: "Một xã hội mà trong dân gian thậm thò thậm thụt truyền miệng nhau thơ ca hò vè châm biếm, tiếu lâm chính trị là điều bất thường". Đúng quá. Tâm lý xã hội phản ánh chân thực nhất, đúng nguyện vọng, tâm tư, bức xúc của dân đen cũng chính từ kênh thông thông  dân dã, chợ búa, đầu đường xó chợ, khố rách áo ôm... Sở dĩ như thế, bởi nó chưa bị... "biên tập"!

Không rõ ai là người nghĩ ra cụm từ rất ác liệt: “trà chanh chém gió”?

Có một tập sách cái tựa chẳng hấp dẫn chút nào Sinh hoạt tư tưởng, dày 390 trang, in năm tại 2000, không rõ in bao nhiêu cuốn, chỉ biết in tại Nhà in Tạp chí Cộng sản (38 Bà Triệu - Hà Nội). Lời nói đầu cho biết: “Cuốn sách này tập hợp những bài viết trong mục Sinh học tư tưởng của Tạp chí Cộng sản suốt 10 năm, từ 1990 trở lại đây”. Đọc thú vị lắm, bởi các bài viết này thuộc loại tự chỉ trích. Thái độ dũng cảm này là phê phán. phân tích các việc làm, các hiện tượng trái khoáy của một bộ phận quan chức, cán bộ nhà nước. Nói cách khác là dám tự chỉ trích cái ấu trĩ, bất cập của một đảng cầm quyền. Con người ta chỉ trưởng thành khi dám tự chỉ trích chính mình. Thế nhưng chẳng hiểu tại sao, dù đã tự chỉ trích để Đổi mới nhưng sự vận hành trong xã hội hôm nay vẫn tồn tại y chang những gì đã có, đã xẩy ra từ thập niên 90 của thế kỷ trước? Chẳng thay đổi gì cả. Những vấn đề bức thiết vẫn còn còn ý nghĩa thời sự. Vậy hóa ra, sự thái hóa, biến chất, ấu trĩ của năm tháng đó kéo dài đến tận nay?

Khâm phục ông bạn già Lại Nguyên Ân quá, vừa công bố Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1935 (NXB Tri Thức). Chạnh lòng khi nhìn lưu chiểu, số lượng in chỉ… 300 bản! Tính nhẩm nhuận báo rồi thở dài. Nếu không có những con người như ông, làm sao thế hệ hệ này có thể biết được di sản của thế hệ trước còn tản mác đâu đó, ít ra là của nhà văn hóa Phan Khôi. Mười năm nay, ông Ân đã cặm cụi gom góp các bài báo của Phan Khôi và in các tập từ 1928 đến 1935. Sức làm việc phi thường quá. Xin ngả mũ chào. Lật ngẫu hứng một trang. Trang 352: “Bộ Lại mới ra nghị định cấm những sách này không được lưu hành ở Trung Kỳ: Chuyện Đề Thám của Bảo Ngọc Văn Đoàn ở phố Cửa Nam Hà Nội; Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang taGiặc Bãi Sậy của Nhật Nam thư quán ở phố Hàng Gai, Hà Nội”. Đoạn tin này lấy từ “báo Tràng An, số 56 (10 Septembre 1935), tr.4”.  Hồi đó, những cuốn sách được phát hành ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ nhưng Trung Kỳ lại không; hoặc ngược lại. Mà cũng có thế phát hành ở Nam Kỳ nhưng chớ hề béng mảnh tới Bắc Kỳ, Trung Kỳ  v.v...

Từ cái tin cỏn con đó, nhìn vào việc làm của bộ Lại Nam triều và liên tưởng đến thực tại, có nhiều điều phải suy nghĩ.

Mà thôi.

Em rằng: "thơ của em đâu?"
Hãy nhìn mây trắng ngàn lau dặm đường

Phố khuya rừng rực mù sương
Niềm vui ngây ngất ngoài vườn cỏ thơm

Chìm trong ký ức rạ rơm
Bông hoa đã tím hương thơm nồng nàn

Gối chăn ngày nọ còn ngoan
Đằm trong trí nhớ mơn man dấu tình

Hãy nhìn bóng tối yêu tinh
Dòng men rót xuống bóng hình đan nhau

Em rằng: "Thơ của em đâu?"
Mùa vui đang Tết ngàn sau còn bền

Một ngày nắng mới vừa lên
Dấu răng giữa ngực gọi em, em là...


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment