LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.12.2013


Trong một ngày có nhiều chuyện đáng quan tâm, nhưng y hèn, y chẳng dám bàn, y chỉ nói lẩn thẩn lơ thơ chuyện thơ thẩn. Biết thế nào? Con người của y nó thế. Chẳng muốn phải quan tâm đến sự xám xịt khiến con mắt nhìn cuộc đời này xám ngoét. Mà có thể như thế được không? Ắt không. Tác động của ngọn gió thời cuộc thổi buốt suy tư, nếu ai đó còn có một chút lòng thành dành cho tình yêu đất nước. Có những chuyện chẳng ngờ đến, nhưng rồi vẫn cứ xẩy ra. Đời sống này khốc liệt quá. Cứ nhìn nhan nhản trên mặt báo mỗi ngày, chỉ có thể nhếch mép cười như một kẻ đứng ngoài cuộc chăng? Được như thế. Tốt quá. Cứ từng ngày tẻ nhạt trôi qua. Rồi đến một lúc nào đó, con người ta lại thấy sự bất thường là bình thường. Chẳng gì phải suy nghĩ, đau đáu, suy tư cho mệt óc. Dòng đời cứ trôi đi. Y cũng trôi đi trong sự vô cảm. Chẳng gì còn có thể khiến phải bức bối, phải lên tiếng, phải góp một tiếng nói xây dựng cho cuộc đời tốt đẹp hơn.

Đọc Sống mòn của Nam Cao, lại ngột ngạt, bít bùng của đời sống trí thức thuở ấy:

“Không có việc gì làm, Thứ toan đọc sách, nhưng không đọc được. Óc y lúc này không còn chỗ cho những điều suy nghĩ trầm mặc. Những sách dễ đọc, những tiểu thuyết thì lại nhạt phèo. Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen. Mối tình của anh này với chị kia, cái giọng lướt mướt của một kẻ thất tình cũng như những thương tiếc vẩn vơ của một anh chàng đầu óc không bận vướng một việc gì, bèn nhớ hão, mong hờ cho đoạn tháng ngày... Những cái ấy có nghĩa lý gì bên cạnh cuộc sống sôi nổi, rất ồn ào, rất chật vật, rất đau thương ở quanh ta? Những cái ấy có nghĩa lý gì, bên cạnh ngay chính những lo lắng, những băn khoăn, những tủi hờn ở trong ta? Lúc này mà bình tĩnh nằm đọc sách, Thứ thấy mỉa mai quá!”.

Lúc này, chỉ cắm đầu vào với thơ cũng mỉa mai quá.

Sáng nay, lang thang lên facebook, tình cờ đọc status của anh bạn nhà văn Bùi Anh Tấn. Lâu quá không gặp, chẳng rõ công việc, tình yêu thế nào rồi? Tấn viết: “Mình sẽ không "lên án" bởi cũng chẳng có tư cách gì để lên án, ờ, tiền của tôi, tôi muốn làm gì chả được? chỉ xin giới thiệu chân dung một "trọc phú" Việt Nam thời kỳ đổi mới như chứng minh giá trị đồng tiền đang lên ngôi... đó là đại gia Lê Ân, người mua một chiếc giường nằm giá đắt nhất thế giới: 175.000 USD. Ngoài số tiền này, chi phí vận chuyển bằng máy bay, thuế, phí đóng gói… được đại gia (từng có 6 đời vợ) này nhẩm tính tổng cộng trên 6 tỉ đồng. Trong khi theo nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy có khoảng 17 triệu lao động Việt Nam vẫn có thu nhập quá ít ỏi, không vượt lên được chuẩn nghèo 2 USD một ngày. Khoảng 23 triệu người khác đang sống mấp mé trên ngưỡng đó và vẫn rất dễ bị tái nghèo trong những lúc khủng hoảng kinh tế, xã hội hay môi trường.Ừ...

Trọc phú ti toe bàn thế sự

Đĩ già tập tểnh nói văn chương

Đã coi đồng bạc to hơn núi

Lại học đòi theo thói Mạnh Thường.

(Nguyễn Bính)”

Hết đoạn trích của Tấn. Sực nhớ vài tháng trước đây, nhân vật này cũng leo lên tờ tạp chí nọ,  nằm dài suốt gần chục trang báo để nói về chuyện riêng tư. Nhảm không tả được. Nhảm bởi số trang đó, dù không có chứng cứ nhưng dân làm báo chuyên nghiệp biết rằng, đích thị mua trang quảng cáo; hoặc để có số trang đó thì phải đổi lại một cái gì đó. Đơn giản, không có một tờ báo này dành “đất” cho một nhân vật đến vài chục trang báo và in đủ các loại hình ảnh P.R cá nhân. Nhảm bởi không ai tự ca ngợi mình, vợ mình, gia đình mình trơ trẽn đến thế. Vậy mà tờ tạp chí này, y vẫn giữ dù chẳng làm gì. Mấy câu thơ trích trên nằm trong bài thơ Xuân vẫn tha hương của Nguyễn Bính. Hai đoạn kế tiếp, trích luôn:

Lẳng lơ đi võng, đi tàn cả;

Gái chính chuyên kia đứng vệ đường.

Đất đổi hoa màu, nhà đổi chủ,

Trâu quên mục tử, ngựa quên chuồng.


Thay đen đổi trắng bao canh bạc;

Vẽ nhọ, đen râu mấy lớp tuồng.

Trói vo hồn lại ba đồng bạc,

Bán rẻ đời đi nửa đấu lương.

Trong thời buổi này bỏ tiền ra mua cái giường 6 tỷ đồng? Khốn nạn quá. Một xã hội tử tế, cơ chế tử tế, pháp luật tử tế, quan hệ xã hội tử tế… thì không thể xẩy ra chuyện bất nhẫn này. Đôi lúc tự hỏi, lấy gì làm lý tưởng, kỷ cương trong xã hội này? Có thể lấy Phật giáo làm quốc giáo, đươc không? May ra, người ta còn sợ luân hồi “ác giả ác báo”, “đời cha ăn mặn, đời cha ăn mân, con khát nước”, “gieo gió gặt bão” v.v… Biết sợ thì mới tự tu tâm dưỡng đức, nếu chẳng sợ gì, chỉ chăm bẳm nhắm mắt “hốt hụi chót” trên chuyến tàu tốc hành cuối cùng thì chẳng luật pháp nào có thể răn đe, trừng phạt nổi. Răn đe cái gì khi cá mè một lứa?

Không bàn chuyện này nữa. Tự mình gieo ảo tưởng cho chính mình. Có như thế, mới có thể vui sống làm việc lương thiện cho trọn một kiếp đời. Thế thì làm gì? Bàn chuyện thơ thẩn.

Chuyện rằng, Lâu nay, ta chỉ mới nghe nói đến chuyện lẩy Kiều”, nghĩa là dùng câu 6 ghép vào câu 8 - lấy bất kỳ câu nào trong 3.254 câu trong Truyện Kiều miễn cùng vần để tạo ra một văn bản hàm nghĩa khác; dài ngắn như thế nào là tùy vào nội dung mà người lẩy kiều muốn diễn đạt. Thế mà, có người, lại người nước ngoài “lẩy” thơ Xuân Diệu thì quả là điều thú vị. Đó là cô Louise Roger, người Pháp, giỏi tiếng Việt và rất mê thơ Xuân Diệu. Khi đi chơi với người yêu, muốn người yêu đi mau, cô đọc “Mau với chứ vội vàng lên với chứ”, khi vào quán muốn giục người yêu, cô nói “Ăn đi anh! Em rất sợ ngày mai” (câu của Xuân Diệu là “Mau lên em! Anh rất sợ ngày mai” trong bài Giục giã). Và cô đã ghép những câu khác thành một bài mới đúng niêm luật và mang ý nghĩa mới:

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều (trong bài Vì sao?)

Ta cần uống ở suối thương yêu (trong bài Vô biên)

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói (trong bài Đây mùa thu tới)

Không khóc nhưng mà buồn hiu hiu (trong bài Nhị hồ)

Khi biết chuyện này, nhà thơ Xuân Diệu rất vui, ông không ngờ một thiếu nữa Pháp rất xinh đẹp lại say đắm thơ của ông đến như thế! Khổ cho cảm hứng của thi sĩ, không có hứng không sao có thơ, nhưng khi cảm xúc dồi dào quá cũng khổ! Bằng chứng nhà thơ Hoàng Cầm, thuở sinh thời, suốt ba mươi năm vẫn đau đáu không biết chọn câu thơ nào để bài thơ của mình hay hơn nữa. Chuyện là, mùa xuân năm 1974, tác giả Lá diêu bông có viết bài thơ Chùa Hương dài 40 câu, bốn câu cuối ông viết:

Ôm em đỉnh núi sao buông thấp

Hai ngực hòa tan một tiếng chuông

Tỉnh ra đắng chát tràn môi cháy

Em đâu rồi?

                   Vãn hội chùa Hương

Mặc dầu đã chọn đưa vào trong tập Bên kia sông Đuống (NXB Văn Hóa - 1983), nhưng nhà thơ vẫn chưa ưng ý lắm và “cầu cứu” bạn đọc rằng: “Bài thơ này có hai câu kết thúc. Tác giả phân vân. Xin bạn đọc tùy tâm chọn”. Hai câu thơ kết như thế nào? Này đây:

Ôm em đỉnh núi sao buông thấp

Hai ngực hòa tan một tiếng chuông

Nắng mai giải chiếu hồng mê động

Công chúa nằm mơ...

                       Mắt Phật buồn

Theo bạn nên chọn hai câu nào thì hay hơn? Câu nào cũng được. Chẳng tích sự gì trong thời buổi này. À, đố ai biết ngón tay áp út, cách đây 710 năm người Việt gọi là ngón gì? Đọc Đại Việt sử ký toàn thư mới biết tháng 9.1303, vua Trần Anh Tông “Xuống chiếu rằng phàm quan điển ngục lấy giấy tờ in tay phải dùng đốt thứ hai ngón tay vô danh bên trái”. Ngón áp út là ngón vô danh. Tại sao gọi vô danh? Suy luận điều này lý thú quá đi chứ? Lại hỏi, tại sao gọi lính lác? Chiều nay lai rai sau khi bàn nội dung tờ AT Xuân 2014, nghe hỏi thế, Nguyễn Minh Nhựt lý giải bằng câu ca dao ngộ nghĩnh:

Ô môi xức lác hay hơn muồng

Lấy chồng bộ đội chở một xuồng ô môi

Anh em cười ha hả, vui vẻ dù vẫn biết chỉ là một cách nói nghịch ngợm. Trong sự bông đùa ấy vẫn có cái đúng. Đúng là ngày xưa, y đi bộ đội y cũng bị lác. Hehe. Lại hỏi, vì sao trong tiếng Việt có các từ như chợ búa, gà qué, heo cúi v.v… Chà, khó trả lời quá. Bỗng nhiên, Trần Hoàng Nhân giải thích cà rỡn: Đã là chợ ắt có mua bán mà “mua bán”, nói lái “mang búa”. Chữ “búa” đi kè kè sau từ “chợ” có nghĩa là thế. Anh em cười cái rần dù biết giải thích chẳng khoa học tí xíu nào.  À, nhắc lại luôn, sáng nay va facebook, có người chụp băng rôn treo ngay góc ngã tư Lê Đại Hành và đường 3 tháng 2 với nội dung: THẢM HỌA TAI NẠN GIAO THÔNG - HÃY HÀNH ĐỘNG NGAY”. Ôi! Câu với cú!

Thời gian nhanh quá. Sắp đến mùa báo Xuân, báo Tết rồi. Nhân đây post luôn pano quảng cáo số Xuân báo Phụ Nữ TP.HCM -  nơi y đã là việc gần 30 năm rồi. Chỉ nháy mất đã hơn nửa đời. Đời thế nào? Đời, thế mà vui.

 

phnuxuan

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment