LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.10.2013

 

1374068_10200642750979101_618720668_n

Từ trái: Nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Thị Kim, Lê Minh Quốc, nhạc sĩ Thế Hiển tham gia chương trình thơ HTV (10.2013)

 

Sáng dậy. Mẹ đã đi chợ. Ngoài Trung, trời đang mưa gió, bão lụt khiến mẹ cũng ngần ngại, chần chừ có nên về giỗ đầu chị Ái không? Khi đã bước qua tuổi 90 sức khỏe yếu, ngại đi lại là lẽ tất nhiên. Trần Đăng Khoa có câu thơ hay:

Sáng nay trời đổ mưa rào

Nắng trong trái chín ngọt ngào bay  hương

Cả đời đi gió đi sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

Ấy là lúc nói mẹ ốm. Mà dẫu không ốm, con người ta đến độ tuổi nào đó cũng trở nên chậm rãi nói cười, chậm chạp đi đứng. Như đứa trẻ tâp đi. Lúc ấy, lại quay về với suy nghĩ và tình cảm của trẻ thơ. Về già, được sống thong dong, nhẹ nhàng như trẻ thơ là ước ao của nhiều người. Xem phim, nhìn hình ảnh người đàn ông già ngồi trên xe lăn, mỗi sáng có người đàn bà đẩy xe đi dạo mát. Bất giác gợi lên sự cảm động của tình chồng nghĩa vợ. Tình nghĩa này có thể sánh với tình mẹ con.

Sáng thứ bảy. “Dậy đi ăn sáng sớm anh ơi”. Tiếng gà vẫn gáy đâu đó vọng lại. Tiếng chuông chùa vẫn nhẹ nhàng ngân trong nắng mai. Sáng thứ bảy. Ngày nghỉ. Đêm qua, đã chín giờ tối, còn có điện thoại. Bần thần giây lát. Rất ngại nghe chuông reo, nhận tin nhắn vào giờ này. À, người bạn chưa biết mặt, trước dạy trường Phan Châu Trinh ở ĐN hẹn ngày nào đi cà phê. Ngày nào? Phải qua tuần thôi. Ngày cuối tuần, không thể. Không muốn. Chỉ muốn ở nhà làm việc riêng tư. Nghỉ ngơi.

Đêm qua vào facebook, đọc trên status của bạn Trần Thị Nhung có mấy câu thơ, trích trong quyển Vĩnh biệt các gangster của Takahaski:

Tôi làm thơ rất nhiều

Tuy nhiên, độc giả của tôi lúc nào cũng ít. Ít đến rầu cả người. Độc giả của tôi chỉ có 3 người.

Người thứ 1 là tôi

Người thứ 2 là mẹ tôi.

Hễ tôi gửi cho mẹ những bài thơ tôi tự sáng tác là bà lại hồi âm bằng một giấy chuyển tiền có đảm bảo.

Đọc bất kỳ bài thơ nào của tôi, mẹ cũng nghĩ là tôi đang xin tiền.

Vỗ đùi cái đét. Đúng quá. Tự nhiên, cười một mình. Câu cuối cùng bất ngờ. Người mẹ trong bài thơ đáng yêu quá. Giống mẹ của y. Mẹ y không biết chữ. Không đọc thơ. Thương con bằng việc làm cụ thể. Không cần nhăng cuội ồn ào. Người tình thương người tình đôi khi chỉ khua môi múa mép. Ngôn từ rổn rảng. Phát ngôn vô tội vạ. Những mây những trăng những gió những hoa hồng mộng mị. Những hẹn biển thề non những ba voi không một bát nước xáo. Có ích gì chăng? Yêu một người làm thơ, phải biết chắc rằng người đó khó có thể làm ra tiền, từ thơ. Thơ không đẻ ra tiền. Tiền cũng không đẻ ra thơ.

Vậy mà, có người vẫn muốn con mình trở thành nhà thơ. Oái oăm thế. Chừng mươi năm trước, trong làng thơ có bé gái học tiểu học được thiên hạ biết đến qua dăm bài thơ thiếu nhi đăng báo. Tuy nhiên, do ông bố là sếp đứng đầu một cơ quan báo chí, lại có mối quan hệ rộng rãi nên mới rách việc. Những bài thơ của cháu đã khiến một loạt giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu ùa vào, tranh nhau, giành nhau khen lấy khen để. Một “chiến dịch” P.R rầm rộ trên các mặt báo. Cứ như thần đồng thơ xuất hiện. Đùng một cái, bé gái này lặn mất tiêu, không còn thơ thẩn gì nữa. mất tăm mất tích. Không ai có thể mặc cái áo rộng quá khổ. Phải đóng một vai ngoài khả năng. Nhà văn Nguyễn Khải, có lần bảo, đại khái, muốn giết chết một mầm non văn nghệ, một cây bút trẻ cách mau nhất, hiệu quả nhất là hãy khen nó bốc trời, khen tận chín tầng mây xanh. Khen cho nó chết.

Trường hợp của bé gái này cũng thế. Nghĩ lại, thấy thương. Đại loại còn nhớ câu thơ: “Em đi ra Hà Nội/ Em thấy rất nhiều cây”, một cảm nhận rất đỗi bình thường. Đứa trẻ nào cũng thấy. Nhưng qua con mắt của những nhà phê bình uyên bác lập tức trở thành những câu trác tuyệt: Câu thơ ấy thể hiện một tấm lòng chan chứa nhân văn vì tâm hồn tác giả rất gần với thiên nhiên, yêu thiên nhiên là yêu cái đẹp. Cái đẹp trong tâm hồn tác giả có thể sánh với đại văn hào Dostoivsky vì đã gửi đến thông điệp mang tính toàn cầu: "Cái đẹp cứu chuộc thế giới". Rồi, gắn luôn câu thơ vào môi trường sạch và xanh của Hà Nội. Sau những trận mưa bom khốc liệt thời chiến tranh nhưng màu xanh của cây tại Hà Nội vẫn vươn lên, xanh lên từng ngày như sức sống của người Thủ đô từng ngày vươn lên v.v… và v.v…

Mà đâu riêng gì mấy câu thơ trên. Loại bài phê bình này vẫn còn đầy trên mặt báo đó thôi. Cứ giả vờ tán tụng nhau mãi. Riết cứ tưởng thật chăng?

Thơ với thẩn làm cái gì? Bà Wislawa Szymborsk -  giải thưởng Nobel Văn học năm 1996, trong bài thơ Đêm tác giả bà miêu tả lại một buổi đọc thơ ở Ba Lan. Sẽ có hàng ngàn người tham dự, cổ vũ, hò reo, tán thưởng, tung hô ầm ĩ như chương trình ca nhạc đang náo nhiệt trên sân khấu Trống Đồng, Lan Anh, Phan Đình Phùng… chăng?

Trong căn phòng có mười hai người

Một nửa đến vì mưa rơi

Một nửa là thân quyến

Đã tới lúc chúng ta phải bắt đầu câu chuyện

Thơ ơi

(Tạ Minh Châu dịch)

Chỉ vì trú mưa mà tạt vào, vì tình thân quyến mà đến chứ nào phải vì thơ. Rồi trong bài Một số người thích thơ, bà cho rằng:

Không kể chính các nhà thơ

Có lẽ những người đam mê

Chỉ có hai trên một nghìn

(Tạ Minh Châu dịch)

Ngao ngán chưa? Vậy mà cứ suốt ngày thơ với thẩn. Nói thế, bởi những ngày này phải nằm đọc vài chục quyển thơ do Hội Nhà văn TP.HCM vừa chuyển qua. Tập thơ của những người xin vào Hội. Theo nguyên tắc, nếu có trên một tác phẩm, có hộ khẩu tại TP.HCM thì có quyền nộp đơn xin vào Hội. Mấy năm nay, trong các cuộc họp quyết định của Hội đồng thơ, y luôn phát biểu, ai thích vào thì cứ mở cửa cho họ vào. Vào cho đông. Cho vui. Anh em trong hội đồng không đồng ý. Bảo, phải xem xét chất lượng các tập thơ đó, rồi mới bỏ phiếu. Chà, gay go thật. Vì thế, danh sách tác giả thơ xin vào Hội từ năm này tồn đọng qua năm kia cứ dài dằng dặc.

Ấy là chưa kể trường hợp xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Còn gian nan hơn nhiều. Nghe đâu thời trước, ở ngoài Bắc khi nhận được thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có người còn tổ chức linh đình như ngày xưa thí sinh đậu Trạng nguyên trở về làng. Trước hết, làm buổi lễ kính cẩn đặt cái thẻ ấy lên bàn thờ gia tộc, nhang khói nghi ngút, cáo với tổ tiên sự thành đạt, sự vẻ vang, sự vinh quang chói lọi này. Sau đó, đãi bạn bè nhậu, say sưa đọc thơ thâu đêm suốt sáng. Tán tụng nhau. Ca ngợi nhau. Chỉ vợ con là khổ. Dù cái thẻ ấy không hề được ưu tiên mua vé tàu, vé xe, qua phà… như thẻ nhà báo. Nhưng người cầm bút thời ấy vẫn thích. Vẫn thấy oách. Vẫn có thể khoe hí hửng khiến không ít người nhẹ dạ thèm thuồng. Còn nhớ ngày đó, với thông tin hội viên vừa được kết nạp thì báo chí hồ hởi đưa tin chúc mừng.

Có lẽ, năm 2000 y cùng các anh Nguyễn Thái Dương, Đoàn Thạch Biền, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Hiếu vào Hội là năm cuối cùng của quan niệm: đã nhà văn, nhà thơ thì phải phấn đấu cho bằng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc đó, nhà văn Anh Đức - đại diện và thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam ở phía Nam có mời anh em nhậu lai rai như lời chúc mừng. Gặp gỡ ở sân 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, vào buổi chiều. Vừa thân tình. Vừa trang trọng. Dần dà, mọi việc đã khác. Ngày nay, có nhiều người dứt khoát không làm đơn xin vào Hội; hoặc ngang xương bỏ ra khỏi Hội, không thèm sinh hoạt nữa. Lúc cuối năm, các hội địa phương và trung ương có lệ công bố danh sách những người vừa được kết nạp thì nay báo chí cũng không buồn đưa tin. Dù chỉ một dòng.

Đêm qua, vẫn thói quen đọc sách, báo trước lúc ngủ. Đọc và quan tâm đến thông tin này: UBND TP.HCM vừa ra quyết định ban hành danh mục các loại cây cấm trồng và hạn chế trồng trên đường phố thuộc địa bàn thành phố. Cụ thể, có 5 loại cây bị cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố vì có độc tố gây nguy hiểm cho người là bả đậu (mủ và hạt độc), cô ca cảnh (lá có chất cocaine gây nghiện), mã tiền (hạt có chất strychnine gây độc), thông thiên (hạt, lá, hoa, vỏ cây đều chứa chất độc) và trúc đào (thân và lá có chất độc). UBND TP.HCM cũng quy định hạn chế trồng các loại cây ăn quả trên vỉa hè và dải phân cách để tránh tình trạng trẻ em leo trèo, quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố. Ngoài ra, còn có hơn 20 loại cây khác cũng bị đưa vào danh mục hạn chế trồng trên đường phố TP.HCM vì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường, có rễ phụ dễ làm hư hại công trình, nhánh giòn dễ gãy, gồm: bàng, bồ kết, cao su, da, sung, dừa, điệp phèo heo, đủng đỉnh, gáo trắng, gáo tròn, gòn, keo lá tram, keo lai, keo tai tượng, lọ nồi, đại phong tử, lòng mức, lòng mức lông, me keo, mò cua, sữa, sọ khỉ, xà cừ, trôm hôi, trứng cá, xiro. Trong 5 loại cây cấm trồng trên, có một loại cây mà người yêu thơ nhạc chắc còn nhớ đến: 

Chiều xưa có ngọn trúc đào

Mùa thu lá rụng bay vào sân em

Chiều thu gió lạnh êm đềm

Mùa thu lá rụng cho mềm chân em

Phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Vì quan tâm nên y chép luôn vào nhật ký. Như một tư liệu. Theo tài liệu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, khi người Pháp mới sang, tại Sài Gòn từ “năm 1870 bắt đầu cho trồng cây hai bên đường. Năm 1873 định lệ xây vỉa hè. Năm 18709 định phép ghi số nhà (số nhỏ bắt đầu từ rạch Thị Nghè hoặc sông Sài Gòn, bên phải số chẵn, bên trái số lẻ). Năm 1908, cho thầu làm cống thoát nước” (SG - TP.HCM 300 địa chính, Sở Địa chính TP.HCM in 1998, tr.113). Không rõ lúc ấy, người Pháp đã chọn trồng các loại cây gì? Chừng mươi năm trước, không rõ do sáng kiến của ai, dãy phân cách dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, từ sân bay Tân Sơn Nhất về đến gần đường Điện Biên Phủ vào một ngày đẹp trời, người dân Sài Gòn mở mắt dậy thấy trồng toàn cây cau! Cau trồng ngay giữa đại lộ. Kỳ lạ chưa? Nhân vụ tróe ngoe nầy, cây bút hoạt kê Lê Thị Liên Hoan (tức đạo diễn Lê Hoàng) nhanh nhậy viết chuyện trào phúng in TT chủ nhật. Đọc lâu quá, chỉ nhớ đại khái: Không rõ vì sao dạo này thành phố lại có quá nhiều chuột. Chuột ở chung người mà lấn lướt, bắt nạt cả người. Bấy giờ thiên hạ mới nháo nhào hỏi nhau, vậy mèo đâu hết rồi mà chuột dám lộng hành thế này? Cuối cùng, họ bật ngửa biết mèo đang mải lo “trèo lên cây cau” vừa mới trồng ở tuyến đường trên.

Sáng nay, vẫn dành thời gian một chút cà phê với nàng. Thoáng một lúc, đã trưa trày trưa trật rồi. Vậy có bàn về chuyện thơ nữa không? Sao lại không? Nếu là Takahaski, khổ  thơ trên, y sửa lại thế này:

Tôi làm thơ rất nhiều

Tuy nhiên, độc giả của tôi lúc nào cũng ít. Ít đến rầu cả người. Độc giả của tôi chỉ có 3 người.

Người thứ 1 là tôi

Người thứ 2 là nàng

Hễ tôi gửi cho nàng những bài thơ tôi tự sáng tác là nàng lại hồi âm bằng một giấy chuyển tiền có đảm bảo.

Đọc bất kỳ bài thơ nào của tôi, nàng cũng nghĩ là tôi đang xin tiền".

Được như vậy thì hay quá. Các nhà thơ có thể sống nhẹ nhàng, toàn tâm toàn ý  vực dậy nền thi ca nước nhà đặng có thể sánh vai cùng bốn biển năm châu. Hay quá đi chứ? Đúng rồi. Rất hay. Mà hay nhất khi các nhà thơ yêu mến của chúng ta vừa trình bày ước mơ đó với người yêu, lập tức mối tình bao nhiêu năm hương lửa mặn nồng bỗng đột ngột khăn gói lên đường không kèn không trống không ngoái lui nhìn lại không một lời vĩnh biệt tình anh!

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment