LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.10.2013 (ghi thêm)


Sáng ở nhà. Cũng viết lách nhì nhằng. Làm cho xong mọi việc của cơ quan. Chuẩn bị chuyến đi Thái Lan vào sáng sớm mai. Mọi việc đã xong. Chẳng nhớ cái năm đầu tiên sang đó là năm nào. Chỉ nhớ năm đó đội tuyển Việt Nam cũng sang tung hoành ngang dọc trên sân cỏ xứ người. Và thất bại. Lúc trở về có thay đổi một chút trong cảm nghĩ về quê nhà. Thời nhỏ, đọc Quốc văn giáo khoa thư, nhớ bài văn: “Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?” Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được”.

Chỗ quê hương đẹp hơn cả là tựa của bài văn này. Suy nghĩ này còn đúng? Tất nhiên. Chẳng bàn cãi. So với những gì đã thấy, chợt nghĩ quê nhà vẫn đẹp. Đẹp mà nghèo. Bùi ngùi lẫn ngao ngán. Bùi ngùi thì ít. Ngao ngán lại nhiều. Chuyện này còn có thể nghĩ thêm nữa. Mà thôi. Đang sắp xếp va li, có cuộc điện thoại nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Anh trao đổi về bài thơ của Hồ Xuân Hương trên Nhật ký sáng nay.

-Ho_Xuan_HuongR

 

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi !

Thua chẵn ba mươi cũng một đời

Chôn chặt văn chương ba thước đất,

Ném tung hồ thỉ bốn phương trời.

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc,

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi !

Y rất thích cặp “luận”:

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Đọc lần nào, y cũng thấy rờn rợn da thịt. “Thi trung hữu họa”. Đọc chưa hết câu đã thấy hiển hiện trước mắt một không gian hắt hiu. Lạnh lẽo. Cô độc. Nắm xương dưới ván chau mày khóc. Hình ảnh ghê rợn. Bi thảm. U ám tử khí. Chợt rùng mình. Lạnh lưng. Chợt hỏi, khóc như thế nào? Tại sao lại khóc? Oan khuất gì chăng? Có phải nuối tiếc chưa được sống bao năm trên dương thế đã ngậm ngùi chín suối? Tự nhiên nhớ đến bạn bè thời ở chiến trường K cũng vùi nông ba tấc đất. Lúc tóc xanh. Râu chưa mọc. Chưa kịp sống đã chết. Chết trẻ măng như trẻ thơ khép mắt. Câu kế tiếp lại mở ra một số phận, một sinh linh bé bỏng, vừa lọt lòng đã mồ côi. Côi cút trên bàn tay góa phụ nhưng nào biết gì. Vẫn “mỉm miệng cười”. Hai hình ảnh trái ngược ấy đã tạo nên sức bật để câu thơ xoáy sâu vào tâm cảm người đọc. Như vết thương. Như tiếng nấc. Ám ảnh khó quên. Khi dứt câu thơ như một lẽ tự nhiên từ trong lòng đã vọt ra tiếng thở dài.

Thế nhưng anh Ánh lại lập luận khác, anh cho rằng hai câu thơ đó không phản ánh tính cách con người, phong cách thơ Hồ Xuân Hương. Với bà, từng câu thơ, từng bài thơ luôn ẩn giấu sự lắt léo, ngoắc nghéo đa tầng, đa nghĩa, thanh mà tục nhưng đố ai bảo tục đó không thanh? Anh nói đúng. Khả năng sử dụng tiếng Việt của bà thuộc hàng cao thủ võ lâm. Bậc thầy. Khó có ai sánh kịp. Trong suy nghĩ đó, anh cho rằng phải là hai câu thơ khác. Hai câu nào hả anh? Thì 2 câu mà Q không thích đó.

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Đọc lại lần nữa xem sao. Đã nhìn ra phong cách thơ Hồ Xuân Hương chưa? “Cán cân tạo hóa; Miệng túi càn khôn” là ám chỉ sinh thực khí của giới tính. Âm và dương. Nam và nữ. Chà, lý thú quá. Ban đầu đọc hai câu này, y không thích, đơn giản do các từ “tạo hóa”, “càn khôn” đã quá quen thuộc, sáo mòn trong thơ cổ điển. Đọc và không liên tưởng, suy nghĩ gì khác. Anh Ánh cười hề hề chẳng sao chỉ do Q... “trong sáng” quá đó thôi. Tongue outQua chi tiết này, rõ ràng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất tinh ý trong thẩm thấu thơ. Anh nhấn mạnh lần nữa: "Ngoài chuyện sinh thực khí vốn là ẩn ngữ quen thuộc trong thơ họ Hồ, ở hai câu này có cái chất ngang tàng hiển lộng, phù hợp với khí chất của hai câu "thực:

Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời

Hai câu thực nói chuyện "ba thước đất", "bốn phương trời" thì câu luận nói tới "càn khôn", "tạo hóa" thì hình ảnh và ngữ khí nó phóng túng bao la và khớp với nhau. Còn 2 câu này:

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Xét về giọng điệu và bút lực thì yếu hẳn (đặc biệt là câu Hòn máu trên tay mỉm miệng cười ) mà so với ngữ khí toàn bài thì không hợp, có cảm giác ai sửa chữa lại 2 câu thơ gốc - nhất là 3 chữ "mỉm miệng cười" không ra thơ HXH chút nào, mà cũng không có hơi hướm thơ thế kỷ 19".

Chưa hết, anh còn nhắc thêm một câu thơ nữa cũng rất Hồ Xuân Hương. Câu gì vậy anh? Ừ, câu “Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc”. Thấy chưa? Dù khóc chồng nhưng bà vẫn tinh nghịch bảo, hăm bảy tháng trời trôi qua nhanh, chẳng mấy chốc đến thời hạn được quyền... tái giá đó thôi.

Chi tiết này hay. Một gợi ý nhằm tìm hiểu thêm câu thơ đó.

Đọc lại những tập chuyên khảo cứu về tang ma như Văn công thọ mai của tu sĩ Viên Tài, Thọ mai gia lễ của Tiến sĩ Hồ Sỹ Tân, Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính..., chợt giật mình bởi linh cảm của anh Ánh là có cơ sở. Đại khái, sau khi mất có những giỗ, lễ quan trọng như Chung thất: giỗ 49 ngày; tốt khốc: giỗ 100 ngày, lúc này người thân thôi khóc; tiểu tường: giỗ đầu 1 năm đốt bỏ đồ sô gai, gậy mũ...; đại tường: giỗ 2 năm. Sau giỗ đại tường là giỗ đàm tế. Phan Kế Bính cho biết: :"Sau lễ đại tường 2 tháng, chọn một ngày làm lễ trừ phục, gọi là đàm tế". Như vậy, từ lúc mất đến lúc làm giỗ, lễ đàm tế, vỏn vẹn 26 tháng. Câu thơ "Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc" nằm trong phạm vi của đàm tế. Trong giỗ này, người thân không mặc đồ tang nữa mặc các sắc phục thường, vì thế còn gọi lễ trừ phục - nghĩa là thời gian quy định để tang đã hết. Từ khảo cứu Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính đến câu thơ Hồ Xuân Hương, ta thấy chênh nhau 1 tháng! Tại sao? Sách của Phan Kế Bính viết năm 1915, khi đó quy định đã rút ngắn 1 tháng, bằng chứng Thọ mai gia lễ của Hồ Sỹ Tân biên soạn đời nhà Lê cho viết: "Việc cư tang, cứ tính theo tháng, không kể năm nhuận, hễ đến tháng thứ 27 là lễ trừ phục, tức đàm tế". Theo năm tháng, chuyện giản lược nghi lễ, rút ngắn thời gian tang ma, cưới hỏi là lẽ bình thường miễn sao phù hợp với nhịp sống, quan niệm của mỗi thời.

Hỡi ôi! Chỉ một câu thơ mà vỡ ra được bao điều. Đọc thơ của tiền nhân, nếu tinh ý vẫn nhận ra nhiều điều hữu ích. Sau khi trao đổi với anh Ánh, sực nghĩ:

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Nếu xác định của Hồ Xuân Hương ắt phải trả lời câu hỏi liệu giữa Hồ Xuân Hương và ông phủ Vĩnh Tường có con chăng? Khoan đã, khoan bàn tới chuyện này. Khác hẳn với của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ Quách Tấn lập luận:

“Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Sửa như thế kể cũng đã giỏi, vì quả có giọng Hồ Xuân Hương. So lấy sự giễu cợt thay vào nỗi bi thương người có tâm không nỡ. Đối với chàng Tổng Cốc, họ Hồ xem như cừu thù nên khi Tổng Cóc chết, họ Hồ mừng giải thoát nên mới thốt:

Chàng Tổng Cóc ơi ! Chàng Tổng Cóc ơi

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Chớ đối với quan phủ Vĩnh Tường, họ Hồ hết lòng yêu kính, vì là người có học có tình. Ăn ở với nhau mới có hai bảy tháng, lại vừa sinh con chưa ráo máu, mà đã kẻ hiển người u thì lòng xót thương đâu còn chỗ hở để đùa cợt?

Đó là nói về tình. Còn về văn chương thì câu:

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Lấy thay cặp luận như thế này là làm cho bài thơ thành một chiếc áo gấm vá vải màu. So sánh với nhau riêng nói về mặt văn chương mà thôi, thì một bên là biển lặng lúc bình minh, một bên là ao bùn  khi gặp lụt. Câu thơ không bị thất truyền thật muôn lần may mắn” (Hương vườn cũ - Quách Tấn - NXB Hội Nhà văn - 2007)

Câu chuyện lý thú quá. Đọc một bài thơ hay, có nhiều cách cảm nhận là lẽ thường tình. Chỉ riêng câu "Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc", giữa cụ Quách Tấn - vị sứ giả cuối cùng của thơ Đường luật ở Việt Nam và tác giả Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ hoàn toàn trái ngược. Tuy nhiên, y vẫn nghiêng về lập luận của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hơn. Định viết thêm chút nữa. Mà thôi. Thơ thẩn gì nữa. Đã 22 g khuya. Đến giờ ngủ rồi. Sáng mai, còn phải thức dậy sớm. Ra sân bay. Một chuyến nghỉ ngơi.

Đời, thế mà vui.Tongue out

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment