LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.11.2013


DSCN0617RR

 

Chiều thứ bảy vừa rồi, dự đám cưới. Đã lâu rất ngại những đến nơi này. Tâm lý nhiều người Việt đôi khi cũng rất cà chớn, cứ sợ vía của ai đó đã từng nhiều lần tân hôn, gẫy đổ, chia tay, ly dị… Lại sợ ngày đó, có ai đó cao hứng lên sân khấu hát, đọc thơ, ò è ca khúc về ly tan, ly hôn, ly biệt… Tầm phào hết sức. Mê tín hết sức. Mọi người chỉ đến với vai trò chứng kiến ngày vui đó. Và họ cũng chẳng phải có một trách nhiệm gì về hạnh phúc hoặc bất hạnh của hai kẻ quyết tâm nhập làm một. Có lẽ, câu chúc hay nhất, không phải “trăm năm hạnh phúc” sáo mòn, trung tính kia mà đại khái, chúc cả hai sau này, dù chung sống hay chia tay cũng giữ được tình cảm như lúc rượu hồng đã rót. Vậy thôi. Làm sao có thể biết, cả hai có thể răng long tóc bạc đời đời kiếp kiếp? Chung sống mà từng ngày cấu xé, đay nghiến, nghi ngờ, nghi kỵ… chi bằng chia tay vẫn tốt hơn. Đến với một người. Chia tay với một người. Chẳng gì trầm trọng. Vấn đề đặt ra sau đó, không có thù hận chen vào mà chỉ là sự yêu thương dù biệt ly nghìn trùng thăm thẳm. Lật lại sổ tay thơ, từ tháng 8.1996 có viết bài thơ Đùa trong tiệc cưới:

Nếu đi dự đám cưới

Đừng dẫn theo vợ mình

Yểu điệu nào cũng đẹp

Thiếu nữ rồi vẫn xinh

 

Tôi chợt thương tôi lắm

Tuổi trẻ thất lạc rồi

Bỗng bây giờ tìm được

Thuở mười bảy xa xôi

 

Nâng ly chạm vào môi

Thấy lạnh tê đầu lưỡi

Tôi chợt nhận ra tôi

Ngày chưa hề cưới hỏi

 

Tôi thấy tôi tươi rói

Máu nóng bốc lên đầu

Tay chân còn khỏe mạnh

Đủ bẻ gẫy sừng trâu

 

Tôi thấy tôi bẽn lẽn

Lúc nhìn con mắt ai

Dậy thì đang rón rén

Ve vuốt sợi tóc mây

 

Tôi ngồi gần một chốc

Đắm đuối hoài hương trinh

Ước chi chưa có vợ

Để bâng quơ tỏ tình

 

Tôi chợt thương tôi lắm

Rượu ngọt môi đã mềm

Mỗi lần dự đám cưới

Về muốn… cưới vợ  thêm

Đọc lại, buồn cười. Chà, lúc đó ham hố quá. Trẻ con quá. Trên đời này, một chồng một vợ mới khó. Đã vợ lại kèm thêm nhiều nhân ngãi thì hay ho gì mà ngoác mồm ra khoe? Tiệc cưới hôm đó, cao hứng bàn luận với Nguyễn Nhật Ánh về sự uyển chuyển, biến hóa, đa dạng, lắt léo của tiếng Việt. Theo anh, chỉ tiếng Việt, có những từ khi phát âm thì nghĩa từ đó thể hiện hình thù ngay trên miệng. Chẳng hạn, khi nói “chu” dứt khoác miệng ta chu lại; hoặc hãy quan sát miệng người đang nói “nhe răng”, “khép miệng”, “ho”, “khạc” v.v… Ví dụ này còn nhiều. Chỉ đưa ra như một gợi ý cho ai muốn tìm hiểu sâu, bài bản hơn. Lúc ấy, sực nghĩ lại có những từ ghép đẳng lập, ghép chính phụ; hoặc âm của tiếng Việt không chỉ đơn thuần âm thanh mà còn gợi mở hình ảnh khác… Mỗi nhà thơ, tự bản thân dù không phải nhà ngôn ngữ học, nhưng họ cũng có cách cảm riêng biệt về ngôn từ tiếng Việt. Chẳng hạn, câu thơ của Tú Xương: “Ậm ọe quan trường miệng thét loa”, Xuân Diệu cảm nhận: “Thét là oai phong lẫm lẫm, loa thì đưa tiếng đi rất xa, tiếng gì? Tiếng ậm ọe, đồng thanh với “dậm dọa” nhưng ậm “ậm ừ”, ọe “nôn ọe”, nói như là mửa, hách lắm, mà chẳng ai nghe rõ gì". Thời nhỏ, lúc còn học tiểu học, có lần cô giáo đố tìm hai từ mà khi nói lái sẽ là hai động vật khác. Lục tìm trong trí nhớ, đọc chơi:

Báo - sò / bò - sáo

Cò - báo / cáo -  bò

Rùa - công/ rồng - cua

Cò - sóc / cóc - sò

Cóc - sáo / cáo - sóc

Trùng - sâu / trâu - sùng

Cọp - vắt / cắt - vọp

Hạc - ve / he - vạc

Rồng - nhái/ Rái - nhồng

Cuốc - rầy /  cầy - ruốc

Sói - bò/ sò - lóc

Cú - sâu / câu  - sú

Còn nữa không? Chắc còn nhiều. Cũng là một cách yêu tiếng Việt. Ai biết bổ sung giùm. Cho đến nay, chỉ mới có một người làm từ điển về một từ trong tiếng Việt. Đó là nhà nghiên cứu Bằng Giang với quyển Tiếng Việt phong phú, trong đó, chỉ liệt kê, dẫn chứng về một từ có nghĩa “chết”! Vì thế, tít nhỏ là Ăn xôi nghe kèn. Trong đó, ông chứng minh các mẫu tự A đến Y đều có các từ chỉ cái chết. Cả hàng ngàn từ chứ không ít. Thú vị chưa? Thử đọc chơi: An giấc ngàn thu, Ăn xôi nghe kèn, Bóng khuất suối vàng, Cách mặt, Chơi cõi Phật, Cọp tha ma bắt, Diêm Vương cắt hộ khẩu, Đắm ngọc trầm châu, Đi đời nhà ma, Đi tàu suốt,  được Chúa gọi về, Gác bút ngàn thu, Hóa kiếp, Hụi nhị tì, Mặc áo "ba đời suy" gỗ  v.v… và v.v… Lúc nhà nghiên cứu Bắng Giang mất, đọc báo mới hay kho sách của ông, gia đình tặng cho Viện Khoa học xã hội nào đó, chẳng rõ nay số phận ra sao?

Có những từ tiếng Việt không phải vay mượn Tây, Tàu mà do nhà văn tạo ra. Từ đó lắm khi hài hước, đọc lên, ta bật ra tiếng cười khoái trá! “Oẳn tà rroằn” là một thí dụ. Trong truyện ngắn cùng tên, nhân vật Nguyệt chì chiết, đay nghiến người yêu tên Phong, dọa sẽ tự tử chết nếu chàng có ý định “quất mã truy phong”. Chao ôi! Mang tiếng chửa hoang, còn gì phẩm hạnh người con gái, đạo đức gia đình... Kịch tính của câu chuyện khiến ta hồi hộp vì thương cho Nguyệt, sợ cho Nguyệt lúc quẫn trí sẽ làm liều. Và đây là lúc Phong vào thăm con: “Té ra thằng bé con chàng nước da lại đen như cái cột nhà cháy. Vậy nó không phải là con Rồng cháu Tiên. Nó là “Oẳn tà rroằn” không biết chống gậy”!

Vậy “Oẳn tà rroằn” là gì nhỉ? Người đọc cứ ngẫm nghĩ và tự cười một mình vậy. Cười xong, bèn ngẫm nghĩ thêm về sự biến hóa, linh động của tiếng Việt. Chẳng hạn, nhà thơ Khương Hữu Dụng vốn là tay cự phách trong làng dịch thơ. Với hai câu thơ nổi tiếng "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị:

Trì trì chung cổ sơ trường dạ

Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên

Ông phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ rất nhiều. Nếu trước đó Tản Đà đã dịch thành bốn câu, riêng hai câu sau tuyệt diệu:

Sông Ngân lấp lánh sao thưa

Trời chưa muốn sáng sao chưa sáng trời

Ông cho biết: "Ba mươi năm trước tôi đã học theo cách láy của Tản Đà mà chỉ đổi từ 'lấp lánh' ra 'lấp lóa:

Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng

Muốn sáng mà sao chửa sáng trời

Sau đọc lại, ông thấy từ "chửa" nặng nề nên thêm vào... cái dấu phẩy làm nổi lên tâm sự của Đường Minh Hoàng buồn cho cái đêm cứ kéo dài, trời không chịu sáng:

Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng

Muốn sáng mà sao chẳng sáng, Trời?

Muốn thêm một cái dấu phẩy vào câu thơ dịch, ông Khương phải mất... ba mươi năm! Chuyện chữ nghĩa nó thế. Nhọc nhằn chưa? Có giai thoại, khi đọc hai câu thơ của Tú Xương:

Tế đổi làm Cao mà chó thế

Kiện trông ra Tiệp, ối giời ơi!

Cụ Nguyễn Khuyến “phê bình” ngay:

Rằng hay thì thật là hay

Giời đem đối chó lão này không ưa!

Dù vậy, với văn tài của Tú Xương, cụ từng khen:

Kìa ai chín suối xương không nát

Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn.

Lời tiên tri của cụ quả chính xác. Tuy nhiên cũng có “dị bản” giai thoại này là khi đọc hai câu thơ của Chu Manh Trinh:

Làng nho người cũng coi ra vẻ

Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay

Và cụ “phê” rằng:

Rằng hay thì thật là hay

Đem nho đối xỏ lão này không ưa!

Lửa thiêng là tập thơ đầu tay của Huy Cận, trong đó có bài thơ nổi tiếng Tràng giang, được đưa vào sách giáo khoa. Câu thơ cuối trong khổ thơ đầu “Củi một cành khô lạc mấy dòng” giàu hình ảnh, rất tài hoa, nhiều người nhớ mãi. Nhưng ít ai biết rằng để có được câu thơ đó, ông đã thể nghiệm qua nhiều câu thơ khác nhau: “Một cánh bèo trôi đã lạc dòng; Một cánh bèo đơn lạnh giữa dòng; Một chút bèo đơn lạnh giữa dòng; Một cánh bèo đơn lạc giữa dòng; Một gót bèo xanh lạc mấy dòng; Gỗ lạc rừng xa cuộn xiết dòng; Củi một cành xuôi lạc mấy dòng”. Và cuối cùng, ông mới chọn được câu thơ như ta đã biết. Trong bài Nhạc sầu, có câu thơ mà ban đầu ông viết:

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế

Chiều đìu hiu, đời rét mướt ngoài đường

Sau, ông sửa thành “Chiều hắt hiu...”, cũng chưa ưng ý lắm, ông lại sửa “Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường”. Quả thật, hai chữ “mồ côi” mới đắc giá hơn nhiều vì nó vẽ lên được cảnh hắt hiu và ảm đạm của buổi chiều buồn. Trong bài Chiều xưa, có câu:

Ngàn năm sực tỉnh lê thê

Trên thành son nhạt chiều mê mải sầu

đã là câu thơ hay, nhưng sau đó Huy Cận sửa cho hay hơn nữa “Trên thành son nhạt chiều tê tái sầu”. Những tưởng đã sửa như vậy đã là ổn, nhưng không, nghe bạn đọc xong, nhà thơ Xuân Diệu mới góp ý nên sửa là: “Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu”. Rõ ràng, câu thơ này không chỉ âm vang hơn mà chứa đựng cả “chiều tê tái sầu”...

Chuyện chữ nghĩa nhọc nhắn chưa? Mấy hôm nay liên tục nhận tin nhắn, điện thoại mời viết bài này bài kia nhưng chẳng ai nói đến nhuận bút cả. Chỉ bàn đề tài, thời hạn giao bài… Lạ nhỉ? Có lẽ họ nghĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà thơ không cần tiền nong ư? Những người đó cần gì? Họ cần danh ư? Nhầm. Họ viết để sống, vậy phải sòng phẳng tiền thù lao, nhuận bút chứ? Nếu không, mỗi ngày cứ Nhật ký vẫn thong dong hơn, dù chẳng có một xu nào. Định viết thêm nữa, bổng có điện thoại rủ đến quán Đo Đo bàn công việc. Nhận lời làm giám khảo cuộc thi Nguyễn Nhật Ánh và tôi của NXB Trẻ. Đi thôi. Trời cũng đã chiều. "Chiều tê cúi đầu". Một ngày đã qua.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment