LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.10.2013

 

Nỗi ngao ngán của người đi xa về đến nhà, lúc bước xuống sân bay thể hiện qua tiếng thở dài. Lúc ấy, trong đầu đã mường tượng đến công việc mỗi ngày. Lại mỗi ngày, chỗ ngồi đó, bàn phím đó, công việc đó. Lại ngồi chỗ kia, ghi chép kia, lắng nghe kia. Có những khoảng thời gian trôi qua chẳng mang một ý nghĩa gì. Vô tích sự. Đời người, ai cũng từng mất quá nhiều thời gian lằng nhằng. Đến lúc rửa tay gác kiếm mới buồn bã nhận ra, thì ra, đúng ra, thật ra mình đã tự giết chết quá nhiều thời gian. Đến lúc này, y đã biết quý thời gian. Đã ngoài ngũ thập là từng ngày bước về phía mộ phần. Nghĩ lại đi, ngay từ lúc lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc oe oe là con người ta đã đi về với sự hủy diệt của thân xác rồi.

Vẫn công việc của mỗi ngày. Viết lại những gì đã có, đang có trong đầu để nuôi lấy hình hài này.

Từng ngày lại trôi đi.

Trong đời sống, có đôi lúc lời nói của người này sẽ quyết định, thay đổi số phận của người kia. Sực nhớ lúc viết xong Người Quảng Nam, có ý định nhờ một nhà văn đồng hương viết Tựa. Cũng là một cách bày tỏ lòng mến yêu với những gì đã đọc thời trẻ. Thời trẻ, nhà văn đó từng vào tù ra khám vì chống chính quyền Sài Gòn. Từng viết những truyện ngắn có giá trị như tuyên ngôn của người cầm bút. Tất nhiên nhà văn đó gật đầu đồng ý ngay. Mọi việc cứ thế sẽ tiến hành thôi.

Rồi tình cờ, không hẹn trước, đến quán Đo Đo thăm người anh, người bạn. Nguyễn Nhật Ánh. Khề khà men say bốc lên đầu, y cao hứng kể lại chuyện đó. Trầm ngâm một chút, anh phân tích là không nên vì lý do X, Y, Z… Và anh phán đoán về sau con người đó sẽ thay đổi tính cách. Nếu viết Tựa, thiên hạ sẽ nghĩ mình “cùng hội cùng thuyền” thì lúc ấy, làm sao có thể thanh minh thanh nga? Giật mình, vậy lâu nay mình không nghĩ ra. Sống trên đời mà hồn nhiên quá, vô tư quá đôi lúc cũng chết oan mạng. Ai sẽ biện hộ cho tư cách của mình? Chẳng lẽ lúc đó, ngồi lật Truyện Kiều mà ca cẩm: “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”.

Cuối cùng, Tựa Người Quảng Nam là ông già Nam bộ Sơn Nam đảm nhận. Chỉ nghĩ đến  đó vẫn còn đau đáu nặng nợ cái tình của sự góp ý chân tình, kịp thời đó.

Thật lạ, có những người thời trẻ sống rất hay. Lịch lãm. Từng trải. Dám cất lên tiếng nói phản kháng nhưng về già lại khác hẳn. Khác thế nào? Chẳng hạn, lúc về già lại viết thế này thì có ra làm sao không? Viết thế nào? Viết thế này: “Ngay cái sự kiện mà tờ Thanh Niên trích dẫn từ lời phát biểu của ông hiệu trưởng đại học rằng Bùi Giáng cùng một số trí thức Sài Gòn, vào năm 1965 đã viết gởi 5 nhà văn hóa lớn trên thế giới để kêu gọi hòa bình ở Việt Nam nếu đó là sự thật cũng là điều có nhiều cách hiểu khác nhau. Bởi lẽ nếu kêu gọi để Mỹ đừng đổ quân ồ ạt  thì năm quốc gia cũng không ngăn được cái tham vọng ấy, nói gì đến 5 nhà văn hóa lớn”. Rồi sau khi phân tích về lịch sử, kết luận chắc như bắp rang: “Trong hoàn cảnh chiến đấu đó, không phân biệt hai bên mà chỉ đòi “hòa bình” suông là mắc mưu Mỹ (tạp chí HV số 74, tháng 10.2013, tr.41).

Quan niệm ấy là tấm lòng còn hạn hẹp lắm.

Chế Lan Viên khi nói chuyện với văn nghệ sĩ Sài Gòn dự lớp nghiên cứu chính trị và văn nghệ khóa II tại TP.HCM ngày 3.8.1976, ông kể:

Ta làm con nai lạc giữa rừng thu

Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo

Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ

Làm tất cả! Chỉ trừ không đổ máu

Tôi nhớ đâu một vài năm sau gì đó, trong một buổi nói chuyện linh tinh, anh Tố Hữu sực nhắc đến bài đó. Anh bảo: “Cái câu Chỉ trừ không đổ máu găng quá”. Tôi chưa nói sao thì anh lại tiếp: “Lúc ấy các anh không chấp nhận đế quốc, thế là quý rồi! Các anh chỉ buồn thôi, không vui cùng chúng nó, thế là quý rồi. Đảng đâu có đòi hỏi một người phải đổ máu mới làm cách mạng” (Nghĩ cạnh dòng thơ - NXB Văn Học -  1981- tr.192). Lâu nay người ta nói nhiều về Tố Hữu với các gam màu khác nhau. Riêng chuyện này, ít ra phải ghi nhận ở ông về tấm lòng.

Khi trí thức miền Nam, viết lá thư gửi 5 trí thức lớn Martin Luther King, Jean Paul Sartre, André Malraux, René Char, Henry Miller kêu gọi hòa bình là đáng quý lắm chứ? Tại sao lại miệt thị, cười cợt họ? Phải hiểu họ không phải nhà cách mạng, được giác ngộ cách mạng nhưng hành động ấy cùng vì mục đích của cách mạng thì tại sao không đón nhận? Thiết nghĩ, sống trên đời chưa cần người đó giúp mình chỉ cần họ ủng hộ, chia sẻ việc làm của mình thì đã đáng trân trọng rồi. Vậy chẳng lý do gì phải hạ một câu rẻ rúng, chẳng ra làm sao: “Bởi lẽ nếu kêu gọi để Mỹ đừng đổ quân ồ ạt thì năm quốc gia cũng không ngăn được cái tham vọng ấy, nói gì đến 5 nhà văn hóa lớn”!

Có những con người hào hoa, lịch lãm lúc trẻ nhưng lúc về già lại lú lẩn quá, hằn học quá. Nghĩ cũng tiếc. Cái quý của tuổi trẻ ở chỗ cả tin, ngây thơ, bồng bột, bốc đồng, xem trời bằng vung, dám làm dám chịu... Cái quý ở tuổi trung niên là chín chắc, một lời nói ra vạn ngựa đuổi theo không kịp, không đổ vấy lỗi cho kẻ khác, dù đứng hoặc đi vẫn không nói hai lời… Cái quý của tuổi già chỉ gói gọn trong hai từ: “nhân ái”. Khi người ta đã già mà câu văn còn hắn học, cay cú ắt không có chỗ cho lòng nhân ái.

Ước gì, đến lúc y lẩm cẩm, già nua viết những nhăng cuội nào đó sẽ có người tỉnh táo hơn ngăn cản giúp.

Kể lại chuyện này, vì nhớ đến nhà văn hóa Phan Khôi. Thương cho một số phận, phải trên dưới 50 năm sau người ta mới có thể hiểu và đánh giá đúng về ông. Sau khi ông mất trong bóng tối ghẻ lạnh, con trai ông là Phan Thao qua đời. Trong tập sách Nắng được thì cứ nắng, Phan An Sa miêu tả: “Người đưa tiễn động nghịt, nghẽn cả một đoạn phố Trần Khánh Dư trước cổng bệnh viện Việt Xô đến tận đại lộ Trần Hưng Đạo, cùng tiếng kèn, tiếng réo rắt của Đoàn Văn công Liên khu V” (tr. 629). Sau khi Phan Thao mất, nhà báo Lưu Quý Kỳ, giữ chức thư ký tòa soạn báo Thống Nhất, một thời gian sau thay ông Dương Bạch Mai làm chủ nhiệm. Chuyện đám tang Phan Thao, với thế hệ chúng ta bình thường nhưng do là con Phan Khôi nên lúc ấy mới rày rà. Phải sống trong thời điểm đó mới thấy hết cái phiền toái của sự rày rà: “Hôm sau cơ quan công an phê bình báo Thống Nhất là cơ quan văn hóa mà không gương mẫu: đám tang đời sống mới mà kèn trống inh ỏi, lại còn làm tắc nghẽn giao thông trên đường phố” (tr.629 - 630). Tiếp thu lời phê bình này tất nhiên người đứng đầu cơ quan là ông Lưu Quý Kỳ. Lúc ấy, nếu vì an toàn cho phẩm chất chính trị, vì nhát gan, vì yếu bóng vía và nhằm khẳng định mình ngoại cuộc ắt ông Kỳ tính toán cách trả lời khác. Cách trả lời có thể khiến con cháu Phan Khôi còn khốn đốn, rày rà hơn. Nhưng không, ông  Kỳ “đứng ra phân trần:

- Do anh chị em văn công nhiệt tình và thương mến anh Phan Thao, chúng tôi không nỡ ngăn. Còn tắc đường là chuyện không lường trước được, vì đám tang càng đi thì dòng người càng thêm đông” (tr.630).

Do cách ứng xử “chịu chơi” ấy nên tập sách này mới nhắc tên bởi có những nhân vật, tác giả không nêu đích danh. Tự nghĩ, khi viết hồi ký, tự truyện, nhật ký… hoặc viết những gì liên quan đến gia đình, dòng tộc mình, chỉ nên nêu tên những người mà mình quý mến, tình nghĩa hoặc mang ơn. Còn ai mình thù oán, ghét đến độ muốn đào đất hất đi thì hãy viết xa xa gần thôi, ai hiểu sao thì hiểu, không hiểu thì thôi. Viết như thế, không phải vì sợ người đó mà chính vì nghĩ đến con cháu họ. Viết không tốt về người thân của họ, dù viết đúng cũng là sự tổn thương. Không nên chút nào.

Mấy hôm nay, công việc vẫn thế. Vẫn viết. Viết vài suy nghĩ về Tướng Giáp để kịp in PNCN tuần này. Đã phát biểu cho HTV, báo TT&VH cũng về Tướng Giáp. Sáng nay, có thông tin đáng lưu ý: Đề thi chọn học sinh giỏi văn lớp 12  của TP Hải Phòng đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tại sao? Bộ phận ra đề thi lấy câu nói “không tiền cạp đất mà ăn” của người mẫu Ngọc Trinh; câu “tôi mơ ước có nhiều đại gia” của Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) đưa vào đề thi và yêu cầu: “Từ những hiện tượng này, học sinh viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề “tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

Theo y, đây là đề thi quá hay. Thoát ra khỏi suy nghĩ quen thuộc của loại đề thi mẫu, văn mẫu đã là một vấn nạn khủng khiếp của nền giáo dục nước nhà. Mà suy nghĩ của y có đúng không? Tối nay lai rai với anh em, trong đó có tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu. Hậu bảo: “Đề thi này đáng khen anh à bởi khi phân tích, tự thân các em sẽ phân biệt đúng sai các phát ngôn trên. Điều này mới qua trọng, khi tự ý thức đúng sai các em sẽ tự đề kháng thích hợp nhất”.

Y cũng nghĩ thế.

Tối nay, lai rai mới biết anh Biền vừa cụp xương sống. Anh nói đùa: “Thời trẻ mà bị thế này thì hay quá”. Ủa? Tại sao? Anh cười khà khà bông đùa cho nhộn bàn nhậu: “Sống trên đời, càng khom lưng càng dễ leo lên cao”.

Hé hé hé.

Tại sao cười? Cười vì anh Triều vừa email tặng tấm ảnh của y do nhà báo Nguyên Công Thành chụp vào dịp 30.4.1988 tại báo TT. Ngày đó, y đẹp trai ngời ngời. Phải không?

 

30.4.1988-Q

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment