LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.10.2013

 

PCT-1

 

Trong những ngày này, quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tự nhiên lại liên tưởng đến một vài sự kiện của năm 1926. Năm đó, có sự kiện gì đáng nhớ? Chẳng hạn, ngày 1.1.1926 tại Pháp, báo Việt Nam hồn của nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền ra số đầu tiên, tờ báo rất có ảnh hưởng với kiều bào và trí thức trong nước. Đọc Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ sẽ thấy rõ điều này. Về sau, năm 1961, ông Truyền sống tại Sài Gòn, có ra tranh cử tổng thống với Ngô Đình Diệm nhưng thất bại. Nhà văn Nguyễn Khải có viết về cuộc đời bất đắc chí của ông. Ngày 8.1.1926, lễ tấn tôn Đông cung Hoàng thái tử Nguyễn Vĩnh Thụy lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Bảo Đại. (Chẳng biết do đâu ở Quảng Nam có câu thành ngữ lạ tai, khi muốn nói về cái thuở cái thời xa xưa các bà già hay chép miệng: “Cái thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa”). Ngày 20.3.1926, tại Sài Gòn báo Jeune Annam (Nước Nam trẻ) do nhà báo Lâm Hiệp Châu chủ trương ra số báo đầu tiên và cũng duy nhất. Ngày 21.3.1926 đảng Thanh Niên ra đời. Trong Hồi ký Trần Huy Liệu có viết kỹ về đảng này. Ngày 24.3.1926, cụ Phan Châu Trinh tạ thế.

Xin dừng  lại với sự kiện này.

Nếu nghiên cứu chu đáo lịch sử cận đại Việt Nam, ắt rút ra có một kết luận dứt khoát: hầu hết thế hệ thanh niên thập niên 1920 thế kỷ XX tham gia cách mạng do từ hai tác động quan trọng nhất. Đó là biểu tình đòi ân xá cụ Phan Bội Châu (1925); tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh (1926). Quốc dân cả nước ngưỡng vọng hai bậc thiên sứ, xem như biểu tượng quốc hồn của cả dân tộc. Đám tang cụ Phan Châu Trinh đã đánh thức sự mê ngủ của tầng lớp sĩ phu, thanh niên trí thức lúc nước mất nhà tan:

Đêm sao đêm mãi tối mò mò,

Đêm đến bao giờ mới sáng cho?

Đàn trẻ u ơ chừng muốn dậy,

Ông già thúng thắng vẫn đương ho.

Ngọn đèn giữ trộm khêu còn bé,

Tiếng chó nghi người cắn vẫn to.

Hàng xóm láng giềng ai đã dậy?

Dậy thì lên tiếng gọi nhà Nho!

(Đêm dài - Từ Diễn Đồng)

Đám tang cụ Phan “lên tiếng gọi” và cả dân tộc như bừng tỉnh. Sau đó, không ít thanh niên dấn thân làm cách mạng, gia nhập các đảng chính trị, hiên ngang chấp nhận tù đày, xem khinh xà lim, máy chém... Lúc ấy, có bao nhiêu người tham dự đám tang cụ Phan? “Ngày 4.4.1926, tại Sài Gòn, đám tang được tổ chức với 14 vạn người tham dự” (xem Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919 - 1945, tr. 107). Tài liệu này còn  chú thích: “Các báo công khai đương thời đều đưa con số 14 vạn người dự đám tang; theo Nguyễn Ái Quốc trong bài viết Phong trào cách mạng Đông Dương thì: “Cùng với dịp này, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, một người thuộc phái quốc gia khác vừa mất, 30.000 vạn người ở xứ Nam kỳ đã làm lễ an táng theo quốc lễ và khắp nước tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ. Chỉ trong vài ba ngày, một cuộc lạc quyên đã thu được hơn 100.000 đồng. Tất cả học sinh, sinh viên đều để tang Cụ”. Dân số Việt Nam thời điểm đó bao nhiêu người?

Nước bốn nghìn năm hồn chửa tỉnh,

Người hăm lăm triệu giấc còn say.

(Tú Xương?)

Hoặc:

Dân hai nhăm triệu, ai người lớn,

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

(Tản Đà)

Thế thì, số lượng 14 vạn người không phải là ít. Theo Hồi ký Trần Huy Liệu, ủy ban tổ chức tang lễ cụ Phan “gửi giấy đi khắp cả nước hiệu triệu làm lễ nhà chí sĩ ái quốc, coi như một quốc tang, Lúc ấy, sau cuộc vận động đòi thả Phan Bội Châu, phong trào đương lan tràn khắp toàn quốc nên bản hiệu triệu kể trên được mọi nơi hưởng ứng nhiệt liệt. Học sinh các trường nhất là những trường trung học, bãi khóa lung tung đòi để tang nhà ái quốc. Tại Hà Nội, và nhiều tỉnh khác ở Trung, Bắc đến cả Nam Vang ở Campuchia và Viên Chăn ở Lào, lễ truy điệu cử hành có hàng vạn người tham gia” (SĐD, tr. 73).

Nếu thời trước có internet thì hay quá. Tài liệu cập nhật ấy, sẽ là nguồn lưu trữ phong giúp đời sau có thể hình dung quốc tang Phan Châu Trinh. Ngày nay thuận lợi hơn nhiều. Chỉ ngồi nhà, qua các phương tiện truyền thông đã có thể theo dõi trực tiếp đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến từng chi tiết. Đám tang của hai vĩ nhân trong hai thời kỳ lịch sử, có gì giống và khác nhau?

Có lẽ, người mê sách cũ cũng khó có thể sở hữu tập sách quý Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên. Sách in sau một năm cụ Phan mất, năm 1927 tại Sài Gòn. Người thực hiện là nhà báo Nguyễn Kim Đính - Tổng lý Đông Pháp thời báo. Nếu nhà xuất bản nào, cá nhân nào có lòng với lịch sử nước nhà, muốn in lại thì liên hệ, y sẽ biếu không tập sách quý này. Trong đó, có nhiều hình ảnh về đám tang cụ Phan từ Nam chí Bắc, thậm chí cả ở Nam Vang (Phnom Penh). Sở dĩ làm được như thế vì “Các bức ảnh in trong cuốn sách này, ở Sài Gòn thì của hiệu Khánh Ký, ở Nam Vang thì của hiệu Royal photo, ở Hà Nội thì hiệu Hương Ký photo, ở Nam Định thì của Thụy Ký photo, là các hiệu chụp hình nổi tiếng của người mình ở Đông Pháp. Các quý hiệu trên đây nghe bổn báo xuất bản cuốn Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên đặng phổ thông cái tư tưởng cao cả, ý kiến sâu rộng của cụ thì thẩy đều vui lòng cho phép lục in các hình vào sách” (tr. 1). Bên cạnh đó, còn những tư liệu quý là Thông báo quốc dân ngay lúc cụ Phan vừa mất của các nhân vật nổi tiếng ở Nam kỳ như Phan Văn Trường, Trương Văn Bền, Trần Huy Liệu…; Điếu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Quang Chiêu, Bùi Kỷ, công nhân hãng Ba Son v.v… đọc trong tang lễ; hàng trăm câu đối khóc cụ của các đoàn thể, cá nhân v.v… trong cả nước. Chẳng hạn, đây là câu đối của cụ Phan Bội Châu:

Thương hải vi điền, Tinh Vệ hàm thạch

Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền

(Tạm dịch: Biển xanh chưa lấp bằng thì Tinh Vệ còn ngậm đá; Chung Kỳ đã mất, Bá Nha cũng đứt dây đàn).

Hoặc “chữ đại tự” của “Các người đàn bà buôn bán ở Sài Gòn”: “Hùng tâm vị úy”; của “Bắc kỳ nghĩa trang”: “Danh lưu thiên cổ”... Tập sách cũng tường thuật lễ truy điệu cụ Phan tại các nơi như Bến Tre, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Cao Lãnh, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Tây Ninh, Phnom Penh, Phan Thiết, Tam Kỳ, Tourane (Đà Nẵng), Huế, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội… Đáng lưu ý, ngoài các bài diễn thuyết cuối đời của cụ Phan như Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, Đạo đức và luân lý Đông Tây… còn có bài Ta phải thương cụ Phan Châu Trinh cách nào? của Nam Kiều (tức Trần Huy Liệu). Bài viết rất hùng hồn, theo đó, “Ta phải thương cụ bằng tấm lòng, ta phải thương cụ bằng việc làm, việc làm của cụ chưa tới nơi, thì ta phải làm cho tới nơi đi…” (tr.202).

Đúng quá.

Khi vĩnh biệt Tướng Giáp, y viết: “Đã đành, vĩnh biệt một con người bao giờ cũng có những lời tiếc thương, như thế vẫn chưa đủ. Điều cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực nhất là hãy làm sống lại tinh thần của người đã khuất”. Nếu không, sự thương khóc ấy không đem lại một ý nghĩa thích cực gì. Sực nhớ, năm 1925, khi nhà yêu nước Nguyễn An Ninh sang Pháp, đưa cụ Phan Châu Trinh về nước. Thời gian đầu, cụ Phan ở tại nhà cụ Nguyễn An Khương - thân sinh Nguyễn An Ninh tại Hóc Môn - Bà Điểm. Nơi cụ trú ngụ trở thành địa điểm của nhiều người đến thăm viếng. Ngày nọ, có hai thanh niên trí thức, đi xe hơi đến thăm, họ vòng tay:

- Thưa cụ, chúng cháu nghe danh cụ, chúng cháu đến thăm cụ, chúc cụ mau mạnh khỏe hoạt động cho dân nhờ.

Lập tức cụ Phan đùng đùng nổi giận:

- Tôi hộ cái chi. Các anh trẻ trung, to con lớn xác. Các anh không làm chi. Các anh chỉ trông ngóng ở thằng già sắp chết. Trông ngóng cái chi?

Cụ quát lớn khiến hai thanh niên đỏ mặt tía tai mà ù té chạy. Tính cách của cụ Phan rặt Quảng Nam mà cũng rất Việt Nam. Cụ Phan nói không sai chút tẹo nào. Trẻ có vai trò của trẻ, chứ đâu phải lúc nào cũng ngong ngóng, ỷ lại lớp người già. Trong những này vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, báo Thể thao & văn hóa quan sát và khẳng định, giới trẻ vẫn nặng lòng với lịch sử: “Giới trẻ không thờ ơ, hời hợt, vô cảm với lịch sử, với văn hóa… như một số ý kiến từng nói trước đây. Trong khoảng thời gian này, trên mạng có rất nhiều bạn trẻ lập nhóm, lập trang riêng để tri ân, tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều thanh niên tình nguyện đã đến các địa điểm viếng Đại tướng, để hỗ trợ phân luồng giao thông, giúp đỡ người đến viếng, tiếp nhận hương hoa, giúp ghi sổ tang…”. Chia sẻ điều này với PV của báo, y phát biểu:

“Những ngày này, sự đi về cõi vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo nên một cơn “địa chấn” trong tâm hồn mọi người. Không chỉ thế hệ đã trải qua năm tháng chiến tranh, các em thuộc thế hệ 8X, 9X cũng bộc lộ sâu sắc lòng thương tiếc, ngưỡng mộ đối với một danh nhân của đất nước.

Sự việc giới trẻ tình nguyện đứng ra “chung tay” cùng xã hội lo chu đáo đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó chính là ý thức công dân. Hành động đó, không phải bây giờ mà thời nào cũng có - nếu người đã khuất khi sống đã tận hiến cho cộng đồng.

Khi chứng kiến thái độ, hành động tự nguyện của giới trẻ trong những ngày vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta có thể xác tín đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, chỉ dừng lại đó vẫn chưa đủ. Điều thiết thực hơn, xứng đáng hơn với tâm nguyện của người đã khuất, của toàn xã hội nếu giới trẻ ý thức hơn nữa là phải sống thế nào cho xứng đáng với thế hệ của cha ông?

Câu hỏi này, không thể bỏ mặc giới trẻ loay hoay tự tìm câu trả lời mà còn là trách nhiệm của các đoàn thể nữa. Trước hết, tôi nghĩ đến trách nhiệm của chính “thế hệ đàn anh”. Thế hệ đi trước phải sống gương mẫu, góp phần tạo ra một môi trường lành mạnh. Có như thế sự định hướng lâu dài cho giới trẻ mới có thể trở thành hiện thực (báo TT&VH ngày 11.10.2013).

Sở dĩ nhấn mạnh về sự gương mẫu, là do suy nghĩ nếu thế hệ đi trước sống không ra gì ô thì đừng mong có thể vận động xã hội, nhất là thế hệ trẻ toàn tâm, toàn lực tạo ra một cú hích mới. Ít ra cú hích ấy là sự góp phần thúc đẩy tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà chí sĩ Phan Châu Trinh đã nêu ra từ đầu thế kỷ XX.

Thật lạ, những ngày tang lễ này lại xẩy ra sự cố kinh thiên động địa.

Theo nguồn tin từ trang điện tử Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam: “Lúc 7 giờ 48' ngày 12.10, tại phân xưởng 4, Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đóng trên địa bàn xã Khải Xuân và Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ tai nạn cháy nổ tại khu vực sản xuất pháo hoa”. Có bao nhiêu người chết và thương vong? Chỉ “23 người chết, 97 người bị thương”? Tối nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng bão số 11, ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, một số nơi có lượng mưa lớn như Lý Sơn (Quảng Ngãi) 126mm, Nam Đông (Huế) 48mm. Ghê gớm chưa?

Lại chết chóc.

Lại bão lụt.

Trong lúc đó, y vẫn cùng các nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Thị Kim, nhạc sĩ Thế Hiển… làm chương trình Cung bậc thi ca cho HTV. Ôi! Thơ. Thơ ơi là thơ! Quá chán. Chẳng biết nghĩ thế nào nữa. Mà nhờ vậy, y mới vào trường quay ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai (đối diện Sở Thú). Không ngờ, nơi này có miếu thờ Lê Văn Tám. Tiếng kinh Phật từ máy cassette liên tục vọng lên. Ấm áp. Da diết. Siêu thoát. Sử sách ghi rằng, ngày 8.4.1946, kho đạn của thực dân Pháp ở đường Docteur Angier (nay đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) nằm trên tả ngạn kinh Avalanche (nay Thị Nghè) bị Chiến sĩ Quyết tử phá nổ. Tiếng nổ kéo dài đến 4 giờ sáng ngày 10.4.1946 mới chấm dứt. Toàn bộ 600 tấn bom bị phá hủy. Cả Sài Gòn rúng động. Huyền thoại “đuốc sống” Lê Văn Tám ra đời từ sự kiện này. Gần đây trên nhiều diễn đàn thông tin khẳng định nhân vật Lê Văn Tám không có thật. Chẳng những thế, lại có nhiều nhà sử học còn cất công chứng minh danh tướng Lý Thường Kiệt không phải tác giả bài Thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”; lại có người đặt nghi vấn có thật hay không “Lê Lai cứu chúa” như sử sách đã ghi? Lê Lợi là tác giả Bình Ngô đại cáo chứ không phải nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi v.v…

Nghĩ cũng buồn cười cho một tư duy lẩm cẩm.

Đành rằng, hoài nghi là đức tính cần thiết của người làm khoa học, kể cả nghiên cứu lịch sử tuy nhiên trong những trường hợp nêu trên, thiết nghĩ không cần thiết. Bởi từ sự hoài nghi ấy dù có tìm ra “đáp án” cuối cùng đi nữa thì nó cũng không làm tăng hoặc giảm ý nghĩa các chiến công, sự hy sinh, đức trung nghĩa liên quan nhân vật và sự kiện lịch sử đó.

Vậy dành thời gian mày mò, tìm kiếm, chứng minh “sự thật” ấy, liệu có ích gì cho hiện tại? Đọc sử đời trước, chẳng hạn ngày các nhà vua khóc oe oe được nhà chép sử gắn liền với biết bao chuyện lạ lùng, huyễn hoặc. Cứ như thánh nhân lọt lòng mẹ, chứ chẳng phải người trần mắt thịt. Thế nhưng chẳng ai thèm nhớ đến các chi tiết bịa đặt nếu nhà vua ấy không để lại công trạng gì ích nước lợi dân. Thật ra, chuyện sử hiện đại còn có nhiều vấn đề nóng bỏng, bức thiết, cần thiết được quan tâm tìm hiểu, tìm mọi cách tiếp cận đến gần với sự thật hơn là những vấn đề nêu trên.

 

1anhRR

Miếu thờ nhân vật Lê Văn Tám

 

Những ngày này, đã có thể tranh thủ cho ngày nghỉ cuối tuần.

Lại mỗi chiều đi ngang qua cầu Thị Nghè, nơi nhân vật Lê Văn Tám đã làm nên chiến công hiển hách, dù anh Tám không có thật thì chiến công ấy có thật. Vậy là đủ. Đi qua cầu Thị Nghè tự dưng xót cả ruột. Ngán ngẫm cái sự đời chẳng ra làm sao. Ai đời thành cầu còn vững chắc thế kia, hiện nay người ta đang quyết tâm phá cho bằng được để xây mới. Dừng lại quan sát, thấy công nhân dù phải dùng đến máy khoan nhưng cũng chỉ có thể ì ạch; còn búa tạ xem như vô dụng. Thành cầu còn tốt chán, thế mà lại phá. Nhiều lề đường còn tốt chán nhưng lại đào bới lung tung loạn xạ, lát gạch lại v.v... Lãng phí quá. Trong khi đó còn biết bao nhiêu nơi cần phải đầu tư xây dựng lại bỏ mặc. Tiền ngân sách nên chẳng ai tiếc chăng?

Thôi, chẳng thèm nghĩ nữa. Mệt. Đôi khi cứ nhắm mắt mà đi, bịt tai mà nghe. Cho nhẹ cái đầu.

Thế mới là thức thời chăng?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment