LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.10.2013


tranh-quocRR

Sơn dầu Lê Minh Quốc

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…”. Mỗi lần lai rai, đồng nghiệp T.H.Nhân thường cười khà khà rồi cất lên giọng ca não nùng nhừa nhựa đó. Đêm kia là đã hết mùa hè. Nhập học lại rồi. Thư sinh đến trường. Miệt mài đèn sách. Sôi kinh nấu sử. Để trở thành người đàn ông gương mẫu. Mỗi chiều thôi lai rai trên bờ kè. Thôi đàn đúm đèn mờ lúy túy men say chân dài váy ngắn. Rất đàng  hoàng. Rất chỉnh chu. Rất ngoan.

Khi gặp em, tôi trở thành người đàn ông gương mẫu

24 giờ qua chỉ nhớ đến một người

Hàng triệu người cũng trở thành xa lạ

Chỉ có em hiện hữu ở trong tôi

 

Em là đầu tiên. Em là duy nhất

Ban tặng cho tôi một cảm giác diệu kỳ

Chót vót niềm vui. Tận cùng tuyệt vọng

Hấp hối là tôi. Và tôi mới dậy thì

 

Trăng mật là em cũng là em xa lạ

Em trẻ con ngây ngất rất đàn bà

Tôi mê đắm trong đời lần thứ nhất

Đến bây giờ tôi mới thật sinh ra

Đêm kia, trời không mưa. Sân bay. Rượu đỏ. Một quán ngồi ngoài trời. Trầm thơm. Nến sáng. Lại phiêu lưu đến một chân trời. Hai giờ sáng, từ trên cao nhìn xuống đường phố. Một cảm giác bình yên. Sông suối về nguồn. Sáng dậy trễ, cũng đã 8 giờ. Đọc lại Viết về bè bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Thì ra, nhà văn Mạc Lân là con trai đầu của nhà văn Lê Văn Trương. Một số phận lạ lùng. Tác giả chỉ nói xa gần, không rõ lý do vì sao năm 1967, Mạc Lân rời khỏi báo Tiền Phong, rồi về Hội Văn nghệ Hà Nội: “Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn các văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mạc Lân, Lê Bầu. Nếu hãn hữu có in cũng không được  ký tên hai người. Người ta thực hiện triệt để tới mức Người Hà Nội có bài Mạc Lân, Lê Bầu thế mà tên không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt. Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống”.

Mạc Lân sống bằng cách nào?

Bán máu.

Bán máu? Vâng, bán máu. Có lần chiêu đãi bạn, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn mới từ lang thang các vùng núi về Hà Nội, Mạc Lân đi bán máu đột xuất để có tiền chiêu đãi bạn một bữa bún chả. Bạn bè chơi với nhau chí tình quá. Đọc rưng rưng. Đọc mới biết, thời đó có nhà văn như Mạc Lân, Lê Bầu, Phùng Quán, Trần Dần… từng sống bằng nghề “viết văn chui”. Viết xong, bán bản thảo cho người khác, họ trả tiền và đứng tên tác giả! Chắc sinh thời, nhà văn nhà văn Lê Văn Trương không ngờ về sau con mình lại bi đát đến vậy. Ông Trương sống lang bạt nhiều nghề, từ nghề thầu khoán nhảy sang viết văn và nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tay. Lúc ông chết ở Sài Gòn, túng quẫn, nghèo đói, theo hồi ký của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt thì ông nuôi rất nhiều mèo. Ngày ông chết, mèo cũng tản đi hết. Bấy giờ văn nghệ sĩ Sài Gòn kêu gọi xã hội chung tay lo hậu sự cho ông. Nếu nhớ không nhầm, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng là người đã viết “tâm thư” đó. Sinh thời nhà văn Lê Văn Trương chủ trương "triết lý người hùng", ông "tuyên ngôn": "Sống rồi hãy viết". Không chỉ riêng ông mà nhiều nhà văn cũng quan niệm vậy. Đúng quá, sống rồi hãy viết. Thì đây, một thí dụ: Mới đọc tập Hứng phấn nâng hương, di cảo của nhà thơ Quách Tấn. Lâu nay, bài thơ Khóc chồng của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương chỉ bốn câu:

Chàng Cóc ơi ! Chàng cóc ơi

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Bà còn có bài thơ nữa, cũng khóc chồng, theo trí nhớ của nhà Quách Tấn bản này 8 câu. Đọc thử đi, chắc chắn sẽ bùi ngùi rúng động từ chân tơ đến kẽ tóc:

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi !

Thua chẵn ba mươi cũng một đời

Chôn chặt văn chương ba thước đất,

Ném tung hồ thỉ bốn phương trời.

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc,

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi !

Tìm trên mạng thấy nhiều ở trang web, câp “luận” lại là:

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Quá xoàng. Sáo rỗng. Làm sao có thể sánh bằng câu có da có thịt có hồn có vía:

Nắm xương dưới ván chau mày khóc

Hòn máu trên tay mỉm miệng cười

Gờn gợn xương sống. Lạnh toát người. Ôi, thơ. Sống rồi mới viết. Đọc văn của nhiều người cảm thấy chất liệu sống của họ phong phú quá. Có khi, nếu không có đời sống khốc liệt, từng trải vẫn có thể viết được tác phầm giá trị. Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một ví dụ. Những phóng sự hay nhất của ông về cờ bạc bịp, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ chính là ghi chép từ lời kể của người trong cuộc. Tôi kéo xe mở đầu thể loại phóng sự của nền văn học báo chí Việt Nam, nhà văn Tam Lang ngoài phần đi thực tế thì ông cũng  ghi chép nhiều qua lời kể của chính phu xe. Trước đây, đọc truyện ngắn và kịch của Nguyễn Huy Thiệp thấy hay quá. Thấm thía. Nhưng nay, chẳng thấy ông viết gì thêm. Nếu có cũng chỉ cỡ Đổi tình lấy điểm. Làng nhàng quá. Ông trời lấy lại cái tài rồi chăng? Đã nhà văn, ai cũng có tài, dù ít dù nhiều. Nhưng tự hào, tự tin nhất về cái tài của mình có lẽ chỉ Nguyễn Công Trứ:

Trời đất cho ta một cái tài

Dắt lưng dành để tháng ngày chơi

Để chơi thôi. Chẳng phải kiêu ngạo gì. Chỉ kiêu ngạo một cách ngớ ngẫn là khi muốn đem cái tài đó để tạc tuổi tên vào văn học sử, lưu danh thiên cổ. Vì lẽ đó, không ít người đã “nống” cảm xúc lên nhưng cũng khó lọt qua con mắt tinh đời. “Văn chương tự cổ vô bằng cứ” (Văn chương không có bằng chứng cụ thể), do đó, có thể mượn nó lòe người khác, giấu tham vọng được không? Thì đây, đầu tháng 2.1912 ở hải ngoại, bậc thiên sứ, nhà cách mạng, nhà thơ Phan Bội Châu cùng các đồng chí quyết định cải tổ Hội Duy tân thành Việt Nam Quang phục Hội. Và để khuếch trương thanh thế, Hội chủ trương trước mắt cần gây “những tiếng vang thiên kinh động địa” để “thức tỉnh hồn nước”. Có một điều rất thú vị của kẻ sĩ Việt Nam trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, họ thường xướng họa thơ. Không chỉ kỷ niệm thù tạc mà qua đó còn để thăm dò tư tưởng, ý chí của người đi, kẻ ở. Cụ Phan kể:

Nguyễn Hải Thần trước lúc ra đi có lưu biệt câu thơ (tạm dịch):

Ba mươi tuổi bình sinh thỏa chí,

Bốn ngàn năm lịch sử thêm tươi.

Cái lòng hiếu danh đã lộ ở câu thơ này. Câu thơ lưu biệt của Đặng Tử Vũ như thế này:

Đỉnh chung vứt lại cho ai cả,

Bảo kiếm mang theo trả nợ đời.

Xem câu thơ này biết tác giả không thể nào quên lợi lộc; những người trong bụng còn quý danh vọng, tham lợi lộc tất nhiên không thể hy sinh thân mình để thành việc nghĩa. Tôi tuy hiểu như thế, nhưng tiếc rằng lúc ấy ván đã đóng thuyền rồi, không làm thế nào được nữa. Nhân bài học này tôi mới nhận ra những người dám mạo hiểm để làm việc nghĩa, phải là người quang minh lỗi lạc, không nghĩ một chút gì về danh lợi, phải có khí phách cứng rắn nhẫn nại, gan dạ khác thường, thiếu một không thể làm trọn trách nhiệm, còn những người hoặc vì sự cổ động, hoặc vì chịu mệnh lệnh mà làm điều là giả dối, không bao giờ thành công”.

Suy ngẫm của cụ Phan về những con người này về sau đã diễn ra đúng như thế. Ông Nguyễn Du, ấy mới lại bậc thượng thừa, viết 3254 câu thơ rướm máu dọc ngang muôn thế kỷ sau lại nhẹ nhàng: “Mua vui cũng được một vài trông canh”. Mua vua? Lũ chúng ta, qua những gì đã viết có thể giúp gì cho kẻ khác “mua vui”? Mà thôi, đừng hỏi, khi viết tự mình đã thỏa mãn cảm hứng “mua vui” chính mình. Vậy là đủ.

Chiều qua, mưa tầm tả. Phải tập trung làm cho xong mấy việc để nghỉ phép. Cũng là chuyện viết nhì nhằng. Người có trách nhiệm bao giờ cũng thế. Muốn làm xong mọi việc trước khi toàn tâm toàn ý cho một chuyến đi. Mà công việc của y chỉ có viết. Viết lúc nào cũng dễ mà cũng khó. Dễ là cứ viết những gì đã nghĩ trong đầu. Khó là làm sao phải kéo dài ra cho đủ số chữ quy định mà nội dung không cà kê dây cà ra dây muống. Lại có lúc phải viết ngắn hơn mà ý nghĩ vẫn còn dài. Kiếm sống bằng nghề viết có cực nhọc không? Thời mới vào nghề, có lần hỏi phu xe xích lô, mỗi ngày bán sức lao động được bao nhiêu tiền? Nghe xong, liên tưởng đến trị giá của nó chỉ bằng viết cái tin, cái bài vài trăm chữ trong vòng mươi phút. Thế là bèn hăng hái viết bởi nghĩ còn may mắn hơn nhiều người. Sáng nay, câu trả lời phỏng vấn của báo TT&VH đã in. Cũng là nhắc lại một quan niệm về viết ký. Câu hỏi: “Ở thể loại Ký như cuốn Xách ba lô lên và đi của tác giả Huyền Chip, người viết được phép "hư cấu" đến mức nào là chấp nhận được?”. Trả lời:

“Hư cấu ở mức độ nào có thể chấp nhận được? Khó có thể có câu trả lời chung bởi còn tùy vào quan niệm của người viết. Dù quan niệm thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ, thể loại “ký” nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học (báo chí, chính luận, ghi chép tư liệu các loại...) chủ yếu là văn xuôi tự sự, gồm các thể như bút ký, hồi ký, du ký...

Trong truờng hợp sách “ký” Xách ba lô lên và đi, không có chỗ cho sự hư cấu. Sở dĩ các trang bút ký của các nhà thám hiểm lừng danh Đông - Tây đã viết từ hàng trăm năm trước đến nay vẫn còn có giá trị bởi tính chân thật. Họ ghi chép trung thực. Không hư cấu. Không bịa ra các tình tiết “câu khách”. Nếu ghi chép của họ vì lý do nào đó có thể sai sót nhưng vẫn được chấp nhận. Do đó, nó đã trở thành những trang tư liệu quý để người đương thời tìm hiểu và người đời sau có thể tìm được các dấu vết của quá khứ.

Tôi nghĩ, “đi” chính là “khám phá”. Người du lịch là người khám phá. Họ có điều kiện mở rộng một tầm nhìn và ghi chép lại những gì đã “mắt thấy tai nghe”. Giá trị của sự khám phá chính là ở đó, tự bản thân nó đã hấp dẫn rồi nên không cần phải hư cấu thêm bất kỳ một chi tiết nào, dù là một chi tiết vụn vặt mà không có thật”.

Đọc kỹ, có một câu in sai. "Trong truờng hợp sách “ký” Xách ba lô lên và đi, không có chỗ cho sự hư cấu". Câu này bị biên tập sai, câu trả lời của y là: "Viết ký không có chỗ cho sự hư cấu".

Sực nhớ đêm kia, trời không mưa. Sân bay. Rượu đỏ. Một quán ngồi ngoài trời. Trầm thơm. Nến sáng. Lại một cuộc phiêu lưu đến một chân trời. Hai giờ sáng, từ trên cao nhìn xuống đường phố. Một cảm giác bình yên. Sông suối về nguồn. Thế nào là sông suối về nguồn? Nghe câu hỏi ấy, nhớ lại mấy câu thơ chẳng rõ của ai? Cũng có thể ông nhà nho tài tử nào đó lúc nhàn rỗi, ngồi nhổ râu, nghĩ ngợi linh tinh:

Đại hạn phùng cam vũ

Tha hương ngộ cố tri

Động phòng hoa chúc dạ

Kim bảng quý danh đề

Thử dịch lăng nhăng xem sao:

Đại hạn bỗng có mưa rào

Xa quê, gặp bạn dạt dào rượu bia

Động phòng vào lúc nửa khuya

Bảng vàng lại thấy, ớ kia, tên mình

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment