LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.10.2013

 

tet_tayR

Một kiểu "đá giò lái" của người Việt: "Nghe nói biểu hiệu mẫu quốc là con gà sống (trống), nên chúng tôi đem đến tết cụ lớn con gà mái cho có đôi" (báo Ngày Nay năm 1939)

Đêm qua, sân thượng. Gió mát. Vẫn bạn bè cũ. Mừng người bạn vừa từ hội chợ sách ở Frankfurt về. Bốn chai rượu đứng xếp hàng ngang như những tráng sĩ sẳn sàng chờ lệnh xung phong. Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Mấy anh em cầm bút đã gục ngã giữa sa trường. Hào hứng. Náo nhiệt. Lúc say, con người ta luôn có nhiều ảo tưởng. Ảo tưởng lớn nhất là được góp chung công sức làm tập sách Thói xấu của người Việt. Một dân tộc có bản lĩnh, "vốn xưng nền văn hiến đã lâu" không dễ gì bị đồng hóa, có thể sánh vai cùng các dân tộc khác trên thế giới là khi nhận thức được thói xấu, hạn chế của chính dân tộc mình. Có nhìn thấy nhận, may ra mới có thể chấn chỉnh và khắc phục nhược điểm. Bằng không, cứ vỗ về đại loại người Việt cao quý, người Việt đáng yêu, giàu lòng yêu nước, có truyền thống chống ngoại xâm, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn v.v… và v.v… mà không dám nhìn nhận các điểm yếu đã có, đang tồn tại thì khó có thể trưởng thành.Mà dân tộc nào cũng vậy thôi. Bên cạnh cách tính cách làm nên sức mạnh một dân tộc, vẫn còn có những thói xấu, tật xấu. Vấn đề là có bản lĩnh thừa nhận và tu sửa, thay đổi hay không?

Văn hào Lỗ Tấn vĩ đại còn ở chỗ ông dám chỉ trích thói xấu của chính dân tộc ông. Ai dám bảo ông không có tinh thần yêu nước? Ban đầu, ông học y khoa, du học Nhật Bản năm 1902 nhưng sau đó chuyển sang hoạt động văn nghệ. Lần nọ, xem phim chiến sự Nga - Nhật thấy lính Nhật chém đầu một người Trung Quốc vì tình nghi là gián điệp của Nga, thế mà những người Trung Quốc chung quanh lại đứng nhìn thờ ơ, dửng dưng vô sự. Lỗ Tấn nhận thức ra rằng, dân một nước mà tinh thần còn nhu nhược thì cơ thể có khỏe mạnh cũng trở nên đớn hèn, vô dụng.

Trưa qua, đi rửa xe. Tranh thủ ngồi đọc tờ báo PL TP.HCM ngày 20.10.2013. Đọc bài Gầy dựng lại hình ảnh người Việt của GS Nguyễn Đăng Hưng. Ngậm ngùi. Cay đắng. Ông Hưng là GS danh dự trường ĐH Liège (Bỉ), GS cố vấn cao cấp ĐH Tôn Đức Thắng và còn giữ nhiều trọng trách khác. Do đó, thông tin ông đưa ra không thể nghi ngờ là bịa: “Từ thời bao cấp, người Việt trong mắt các nước Đông Âu đã không phải là hình ảnh đẹp. Bởi đó là hình ảnh từng đoàn người Việt ra nước ngoài chủ yếu theo dạng xuất khẩu lao động, với trình độ thấp và thường là người nghèo khổ, bần cùng. Những năm trước khi bức tường Berlin bị sụp đổ, nhiều chuyện xảy ra tại Đông Âu như buôn thuốc lá lậu, hành xử côn đồ những người xuất khẩu lao động… Vô hình trung, hình ảnh người Việt ở những nước này đứng dưới đáy xã hội. Chung quy cũng tại cái nghèo thậm tệ của những năm bao cấp.

Chính bản thân tôi nhận ra sự thật phũ phàng này khi lên máy bay về Việt Nam năm 1977. Thời buổi máy bay các nước Tây phương chưa kết nối được với Sài Gòn và Hà Nội, phải bay về Bangkok, đáp máy bay Thai Airlines, sang Rangoon (Miến Điện), rồi từ đây đón máy bay Liên Xô Aeroflot về Hà Nội. Chuyến bay có bố trí một bữa ăn trưa và khách hàng sử dụng dao, muỗng, nĩa làm bằng kim loại. Ăn chưa xong mà cô tiếp viên người Nga đòi nằng nặc phải giao lại sớm con dao, muỗng, nĩa. Đáng nói là cô ấy chỉ đòi tôi nhưng vẫn cho các hành khách khác người Âu được dùng. Tự dưng tôi cho đây là một sự kỳ thị không chấp nhận được. Tôi cương quyết đòi phải giải thích và cuối cùng một thành viên của phi hành đoàn đến giãi bày: “Chúng tôi lo ngại đặc biệt vì các chiếc đĩa, muỗng, dao đã biến mất khi vào tay người Việt Nam và sự cố này cứ tiếp diễn trong mỗi chuyến bay về Việt Nam!”.

Não nùng chưa? Ê chề chưa?

Ngay cả người Việt cũng cảnh giác… người Việt. Sực nhớ mẩu chuyện nhỏ, có một thời trong các phòng khách sạn, nếu chú ý sẽ thấy các đôi dép mang trong phòng đều bị cắt béng đi một góc. Tại sao? Để không ai có thể cuỗm luôn đôi dép đó đem về nhà! Những chuyện này là nhỏ ư? Do đêm qua uống rượu say, chìm miên man trong sự ảo tưởng lằng nhằng nên sáng nay bèn dậy sớm. Phải dậy sớm như mọi ngày. Nhà đã hết cà phê. 6g đã phóng xe ra khỏi nhà. Chỉ mới ngang qua Trường Độc Lập trên đường Thích Quảng Đức phải khựng lại. Kẹt xe. Thì ra các bậc phụ huynh đã có mặt từ sớm đưa con đến trường. Nhìn mấy nhóc chừng năm, bảy tuổi mặc đồng phục, nắm tay nhau vào trường mà thương quá. Chúng phải dậy từ lúc mấy giờ? Gương mặt vẫn đang còn ngái ngủ. Có đứa hồn nhiên há miệng ngáp ngắn ngáp dài. Đi học chứ có phải đi làm quan đâu mà dậy sớm thế? Đã thế, trên báo TT sáng nay có bài của tác giả Mỹ Dung, đọc xong, buồn cười ghê gớm: “Học sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ như... thi đại học”. Trời đất ơi! Nghĩ cũng may. Đã qua thời đi học tiểu học, nếu không cũng mệt lắm đây. May ơi là may.

Lại đọc lá thư Là một nhân viên y tế, con xin tạ lỗi trước bà con của BS Huỳnh Văn Bình (BV Nhân dân Gia Định). Cũng in trên TT sáng nay. Thư viết nhân vừa xẩy ra sự kiện kinh hoàng: Thẩm mỹ viện Cát Tường “hút mỡ nâng ngực” cho một phụ nữ. Chẳng may tai biến, nạn nhân tử vong. Thay vì phải làm các biện pháp, thủ tục đúng luật pháp thì giám đốc thẩm mỹ viện đó ném xác nạn nhân xuống sông Hồng. Thư của BS Bình viết cảm động, đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, lại nghĩ, tại sao không là thư của Bộ trưởng Bộ Y tế? Đã có nhiều vụ trái khoáy nhưng lâu nay, vẫn chưa thấy nhiều vị Bộ trưởng chính thức lên tiếng. Nếu có, cũng phải một khoảng thời gian sau, thường là không kịp thời giải tỏa bức xúc của dư luận. Do quan chức chúng ta chưa có thói quen này chăng? Qua sự việc man rợ trên, dư luận tập trung phê phán, lên án thẩm mỹ  viện Cát Tường là đúng nhưng nếu chỉ dừng lại đó, chỉ là sự phiến diện. Sự đáng trách nhất vẫn thuộc về các cơ quan chức năng, vâng chính các cơ quan chức năng có lỗi lớn nhất. Một (hoặc nhiều) thẩm mỹ viện, cơ sở trị bệnh... không có giấy phép nhưng tại sao có thể tồn tại trong một thời gian dài mà không bị "hỏi thăm sức khỏe", kiểm tra? Đừng trách người dân dại dột, làm sao họ có thể biết thẩm mỹ viện đó có giấy phép, có chức năng làm đẹp này nọ hay không? Đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Khi cơ quan chức năng lơ là, thiếu trách nhiệm là người dân lãnh đủ.

Nghĩ thế nên tự hỏi, nghệ thuật có thể đóng vai trò gì nhằm hạn chế sự tha hóa của con người? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời. Phải có thời gian suy ngẫm thêm. Chỉ biết rằng, nghệ thuật còn có chức năng dự báo. Thử đặt lên môi một vài giai điệu, ca từ để hát một ca khúc của Trịnh Công Sơn:

Khi đất nước tôi thanh bình

Tôi sẽ đi thăm

Tôi sẽ đi thăm, cầu gẫy vì mìn

Đi thăm hầm chông và mã tấu

Khi đất nước tôi không còn giết nhau

Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường

Hát lại lần nữa đi. Có gì đáng phải lưu ý trong ca từ này? Đã phát hiện ra chưa? Đọc lại truyện Tàu, chẳng hạn Đông Chu liệt quốc, ngay từ dòng đầu tiên: “Thái tử Tịnh lên ngôi xưng hiệu là Tuyên vương, trong thì lo sửa sang triều chính chiêu đãi hiền thần, ngoài thì lo vỗ an bá tánh, vì thế các bậc hiền tài lúc bấy giờ như Phương Chúc, Thiệu Hổ, Doãn kiết phủ, Châu Bá, Trọng sơn phù, đều dốc lòng bảo giá. Tuyên vương đem lại thái bình cho nhà Châu được mười chín năm thì giặc Khương nhung dấy loạn, vua phải ngự giá thân chinh. Thế giặc quá mạnh, Tuyên vương thua luôn may trận, quân sĩ hao hụt rất nhiều, bèn trở về Thái nguyên kiểm điểm dân số để mộ thêm binh lính. Khi đi ngang qua một khu phố nhỏ gần Kiểu kinh có một bầy trẻ xúm nhau vỗ tay hát :

Thỏ lên, ác lặn non mờ,

Túi cơ cung yểm bơ phờ nước non.

Vua nghe câu hát lấy làm tức giận, truyền quân vây bắt. Bọn trẻ cả sợ chạy tán loạn, chỉ bắt được có hai đứa.

Vua quát hỏi:

- Ai bày cho chúng bay hát như thế?

Hai đứa trẻ run lẩy bẩy, cúi đầu tâu:

- Cách đây ba hôm, có một đứa nhỏ mặc áo đỏ, đến tại chợ nầy dạy chúng con hát. Nhưng chẳng biết vì sao, cùng một lúc, cả trẻ con trong khu phố đều biết các câu hát ấy” (bản dịch Nguyễn Đỗ Mục).

Những câu hát của trẻ con, có lúc tưởng chừng vô nghĩa nhưng thật ra nó ẩn chứa những thông tin về thời cuộc, những thay đổi lớn lao sắp đến, liên quan đến vận mệnh đất nước... Không phải trẻ con tự nhiên  hát cho vui, chính những bậc hiền nhân đặt ra bày cho chúng. Chúng thuộc nhanh và đem phổ biến khắp đầu làng cuối xóm. Trẻ con hát theo trí nhớ nên thường có nhiều dị bản. Chẳng hạn, trẻ con nào lại không biết chơi trò ép nhong nhong với câu hát ngộ nghĩnh?

Ép nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn

Đâu phải câu hát đồng giao vu vơ mà chính là một cách an dân. Tuyên truyền cho nhân dân biết cuộc kháng chiến mười năm của nghĩa quân Lam Sơn sắp thắng lợi. Qua đó, động viên quân, dân hãy tin vào ngày toàn thắng chống quân Minh, lúc ấy chúng đang bị vây hãm trong thành Đông Quan. Bấy giờ, đại bản doanh của anh hùng Lê Lợi đang đóng tại dinh Bồ Đề. Câu hát đồng dao trên, thiết nghĩ có thể bổ sung cho sự kiện lịch sử năm 1427 trong chính sử. Thêm một ví dụ nữa, câu hát đồng dao:

Chu chi rành rành !

Cái đanh thổi lửa,

Con ngựa đứt cương,

Ba vương lập đế,

Chấp chế thượng hạ,

Ba chạ đi tìm

Ú tim, ù ập!

Là liên quan đến sự kiện của năm 1888 đấy chứ. Có thể tóm tắt, “Con ngựa đứt cương": vua Hàm Nghi; “Ba vương lập đế”: sau khi vua Hàm Nghị bị bắt, ba vị vua kế tiếp nối ngôi là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc v.v… Như đã nói, do trẻ con hát nên còn có nhiều dị bản như:

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế

Chấp chế đi tìm

Hù tiu, bắt … ập !

Với dị bản này, lại có cách giải thích khác. Vậy thì, xét nội dung của bài đồng dao phải xác định thời điểm ra đời. Khi Trịnh Công Sơn viết: “Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường”,  ông có nghĩ đến ý nghĩa sâu xa đã phổ biến trong lịch sử: Khi trẻ con hát đồng dao tức lúc ấy, báo hiệu một sự thay đổi có liên quan đến vận mệnh của một dân tộc? Khi viết câu ấy, ông chỉ nghĩ đến hình ảnh của mỹ học, tượng trưng cho sự thái bình của một đất nước sau chiến tranh? Dù gì đi nữa, vô hình chung, qua âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã nêu lên một sự dự báo. Nghệ thuật chính là sự dự báo. Dự báo điều gì, tùy nhận thức của mỗi người. Chỉ lẩn thẩn nghĩ rằng, bây giờ nếu có, đâu là bài đồng dao của thuở "Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường”?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment