LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.11.2013


noi-buontoc-ky

Nỗi buồn tốc ký (NXB Hội Nhà văn) - tuyển thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang

 

Phải đấu tranh tư tưởng. Phải nỗ lực phấn đấu. Phải hạ quyết tâm. Phải vượt lên chính mình. Bởi trưa hôm qua không về nhà ăn cơm. Một “phá lệ” của thời khóa biểu hằng ngày. Phải vậy thôi. Chẳng lẽ, bạn từ Hà Nội vào đây ra mắt tập thơ mà mình lại vắng mặt? Có thể từ chối nhiều lời mời. Nhưng lần này không thể. Chơi vậy, chơi với ai? Trưa qua, nhớ đến những câu thơ đã viết, từ năm 1998:

Đừng dắt tôi vào cõi của đám đông

Bia rót đầy sông, rượu tràn ngập suối

Tôi làm thơ cô đơn như hạt muối

Sẽ hòa tan khi va chạm đám đông

Dễ tính hơn một chút đi. Có quái gì phải tự dặn dò đến vậy? Đến tuổi nào đó, sẽ nhìn cuộc đời nhẹ nhàng hơn. Lá rụng. Lá lại xanh. Ngày đi qua. Ngày lại đến. Từng ngày sống là từng ngày vui. Sáng hôm qua, báo chí đồng loạt đưa tin: Lúc 5 giờ 45 phút sáng nay 1.11.2013, tiến sĩ, Trưởng khoa Đẻ, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Lê Thiện Thái đã công bố tên công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Đó là bé Nguyễn Thị Thùy Dung, chào đời lúc 2 giờ 45 phút sáng 1.11, nặng 3,2 kg. Cháu Dung là con của chị Lê Thị Duyên và anh Nguyễn Văn Dũng (xã Nam Chính, H.Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Tự nhiên lại nghĩ, tập thơ mới nhất trong xuất bản sách hiện nay: Nỗi buồn tốc ký của Hồng Thanh Quang đã là tập thơ thứ bao nhiêu của nền thơ Việt Nam hiện đại? Trưa qua, đám đông của tình thân đem lại nhiều ấm áp. Đám đông không cần đeo mặt nạ. Không cảnh giác. Không phải thốt ra câu thơ cay đắng:

Nhìn mặt nạ, nhận ra nhau

Miệng cười mủm mỉm, mà đau quá  chừng...

Thơ của Hồng Thanh Quang đó. Vừa ngà ngà say vừa đọc thơ của bạn, cả ngàn bài thơ, có thể xem như tổng kết của một đời thơ. Cầm tập thơ trên tay. Nâng niu. Khẽ lật từng tờ. Thích nhất tờ giấy lót bên trong. Nhìn kỹ, tưởng tượng đến những sợi tóc mỹ nhân đã góp phần làm nên thăng hoa cho từng câu thơ. Từng sợi tóc là từng câu thơ. Dệt lại thành thơ. Thời buổi này, có còn ai đọc thơ nữa không? Dù chẳng còn ai thắp nến đêm đêm đắm đuối mộng mị với thơ, nhà thơ vẫn viết. Những câu thơ ra đời như lá rụng trên đường. Lặng lẽ và mất hút trong dòng đời. Những tự sự lơ đễnh, suy tư trằn trọc trút qua trang giấy cũng tựa như viên sỏi kia ném lên trời. Không một tiếng vọng. Ngày trước, để chép thơ, phải chọn lấy phơ-luy hồng, trắng hoặc xanh và chép nắn nót từng dòng, từng chữ. Giữa tập thơ còn ép thêm phượng hồng, cánh bướm... Trang nhã. Thánh thiện. Lúc đọc thơ, sang trọng và quý phái vẫn là lờ mờ một không gian thoang thoảng trầm thơm, nến sáng. Có lẽ phong cách thi sĩ cuối cùng đọc thơ kiểu ấy thuộc về Đông Hồ. Nay đã mất. Không còn nữa. Đừng hoài cổ. Có gì bất động trong dòng chảy của đời sống mỗi ngày?

Nhìn sang lãnh vực y đang kiếm cơm xem sao. Ngay cả, thông tin trong thời buổi này cũng không còn độc quyền của báo chí nữa. Theo báo TT: “Đó là khẳng định của ông Hoàng Hữu Lượng, cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin - truyền thông, tại hội thảo quốc tế “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: cơ hội, thách thức và triển vọng” diễn ra tại Hà Nội ngày 29.10.2013. Các trang mạng xã hội đang phát triển rất nhanh. Một cá nhân có thể làm trang thông tin của mình không chỉ thu hút công chúng trong nước mà cả toàn cầu. Chúng ta không xem đó là báo chí, nhưng không thể phủ nhận rằng các trang blog đang tác động mạnh mẽ đến đời sống thông tin” - ông Lượng nhấn mạnh. Ông Lượng cũng thông tin hiện tại báo chí VN đang phát triển rất đa dạng với hơn 852 cơ quan báo in (cung cấp hơn 1.000 ấn phẩm), 67 đài phát thanh - truyền hình (100 kênh phát thanh, 118 kênh truyền hình) cùng 250 báo điện tử, trang tin điện tử và hơn 300 trang mạng xã hội”. Giữa trùng trùng điệp điệp thông tin. Có quãng dừng nào của con mắt dành cho thơ? Trưa qua, ngồi giữa đám đông. Ồn ào. Náo nhiệt. Chém gió. Men say. Vẫn lặng lẽ trên từng trang thơ. Đọc thoáng qua. Đọc vội vã. Đọc ngẫu hứng. Rượu vẫn rót. Hãy xem Hồng Thanh Quang Bái vợ:

Mấy thứ lăng nhăng đều vướng cả,

Lệ làng, rất khó được dung tha.

Nhưng em lòng rộng như giời ấy,

Cuối cùng mọi sự vẫn nương ta.

Em lo con bé, thương chồng dại,

Thật thà mê đắm, lắm ngu ngơ.

Cho ta gửi nhé, muôn nghìn vái,

Vợ mà như mẹ của nhà thơ...

Câu thơ cuối đọng lại trí nhớ. Thành kính. Trang trọng. Cảm động. Dù lang thang bốn phương tám hướng, cuối cùng vẫn chốn cũ quay về:

Bất ngờ gặp phút thu sang

Rưng rưng thấy nắng tím dần ngoài song

Không cần ai hẹn mà mong

Bỗng dưng đôi mắt rất trong hiện về

(Ngồi nhìn vào đám lá thu)

Trong đời, ai cũng có nỗi ám ảnh không cùng ấy. Một đôi mắt rất trong từ dĩ vãng đau đáu nhìn mình. Cái nhìn ấy là của chính mình đấy thôi, từ ký ức. Như lửa đỏ cứ âm ỉ cháy từ thăm thẳm ngàn trùng cõi nhớ. Đôi mắt của thơ. Đôi mắt của tình non giấy trắng đã vời xa thời gian cát bụi. Thỉnh thoảng lại nhớ. Rồi lại quên. Rồi lại tiếp tục bước đi lẻ loi trên đường xa của kiếp người chông chênh không định hướng. Để hiểu một người, chỉ có thể tìm qua thơ của họ, chứ không là các thể loại khác. Sực nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Nhật Ánh:

Tuyển văn xuôi tôi lấy thơ

Tuyển thơ tôi lấy những bờ cỏ non

Những là khe lạch con con

Bãi xa nắng nhuộm,đầu nguồn sương phơi

Tuyển đời, tôi lấy em thôi

Tuyển em, tôi lấy những lời ngày xưa

Còn như cay đắng bây giờ

Cầm bằng gió thổi hững hờ bên tai....

(Tuyển)

Trưa qua, gật gù với mấy câu này của Quang:

Em bây giờ xa quá

Như không là kiếp này

Đã hết buồn năm cũ

Nhớ em toàn nét hay

(Chợt nhớ)

Tín hiệu cuối cùng của một tình xa hun hút chân trời vẫn là những “nét hay” của một người. Nhớ như đã nhớ. Còn lại những đắng cay, gẫy đổ, dằn vặt, chì chiết từ trong quá khứ cũng đã quên. Kỷ niệm cũ êm đềm quá, thành thiện quá khiến con người ta càng khó sống với hiện tại. Lúc ấy, ngoài trời đã mưa. Sầm sập mưa. Ngồi trong phòng máy lạnh đọc thơ, mở toang cửa, nghe tiếng mưa vọng vào cũng là cái thú. Câu chuyện ồn ào và cũng như mọi lần, lại quay về với bolero. Có kẻ say quá, ngã lăn quay trên ghế, úp mặt xuống bàn. Ngáy khò khò. May quá, y vẫn tỉnh bơ. Nhờ đọc thơ chăng? Chừng mươi năm trước có đến nhà riêng của nhà văn Huỳnh Phan Anh nhậu chơi. Chà, cứ như đang ngồi họp. Anh bắt buộc mọi người, phải ngồi thẳng lưng, không nghiêng ngửa, không tì tay lên mặt bàn. Khác với hôm qua. Hôm qua, có thể nhậu ồn ào, té ngả lăn cù, nói cười rổn rảng. Rót rượu từ tóc tràn xuống chân. Để say. Rồi lại đọc thơ. Những câu thơ ẩn hiện đâu đó, chợt nhớ chợt quên ai thích thì cứ đọc. Không bị phạt như mọi lần, vì từ lâu anh em đã có quy ước đã rượu đừng thơ. Oái ăm chưa? Hôm qua bỏ lệ ấy.  Đồng nghiệp Lam Điền đọc bài thơ của Ơi cánh đồng quê của Trịnh Hoài Giang:

Bây giờ ruộng đã bê-tông

Cây đa đã cụt, dòng sông đã què

Mái đình đã phẳng đường xe

Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa

Hội làng thì đã ngày xưa

Thôi anh đừng có tiễn đưa làm gì

Em chào thầy mẹ em đi

Làm ô-sin chả biết khi nào về

Heo may thổi dọc triền đê

Nghe câu dự án mà tê tái lòng

Người đi thì đã ngàn trùng

Người về, đất có còn không mà về

Giật mình nửa tỉnh nửa mê

Cánh đồng quê, cánh đồng quê, cánh đồng.

Câu thơ cuối khiến nhớ đến thi sĩ chân quê Nguyễn Bính:

Anh đi đấy, anh về đâu?

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

Đang phân vân về lời mời ra Hà Nội tham dự chương trình thơ nhạc Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em của Hồng Thanh Quang. Tổ chức tại Nhà hát Thành phố Hà Nội lúc 19 g ngày 7.11.2013, có sự tham gia của nhạc sĩ Phú Quang, NSND Lê Khanh, NSƯT Quang Lý, Thanh Lam, Ngọc Khang, Nguyệt Thu và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Tấn Minh, Phương Anh, Tuấn Hiệp… Phía sau Thiệp mời là bài thơ Anh sẽ không nhường em cho ai cả của Hồng Thanh Quang. Trong đó, có đoạn:

Em vĩ đại bởi vì em trung thực,

Em vô tư theo tiếng gọi tim mình.

Anh sẽ không nhường em cho ai cả,

Nếu chết đi anh vẫn cứ chung tình.

Ngoài trời đã cạn mưa. Chia tay nhau. Trên đường về, cùng Đức béo tạt vào quán phở. Ăn và khen ngon. Chúc mừng tập thơ mới của bạn mình. Mừng công dân thứ 90 triệu của nước ta vừa mới ra đời. Mừng một chiều không phải cắm cúi với công việc. Quay về nhà, lại đọc tập Nỗi buồn tốc ký. Thèm nghe tiếng mưa đêm. Đã một ngày. Thương nhớ online.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment