LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.10.2013

 

94bcea8e-7475-4f3d-90b0-3c515b855ff8

 

Trưa chủ nhật vừa rồi, ngày 20.10 kéo nhau vào khách sạn sheraton ăn buffet. Chiều mệt đứ đừ cũng phải dự sinh nhật của một nhà văn rửa tay gác kiếm. Đã chính thức hào hứng với ca khúc của Y Vân: "Em ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời. 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu. 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi. 20 năm cuối là bao. Ơ là thế, đời sống không được bao. Ơ là bao, đời không lâu là thế". Đời không lâu là thế nên anh vẫn tiếp tục loạt truyện ngắn mới. Mỗi truyện ngắn có tựa của một ca khúc. Thì ra có những người viết suốt cả đời. Đến lúc xuôi tay nhắm mắt mới thôi. Buổi trưa đó, ngồi sát cửa sổ. Nhìn xuống đường phố. Nhìn qua lớp kính trong veo. Thấy nắng vàng tươi. Thấy người đi thong thả. Một cảm giác bình yên. Gần gũi mà xa lạ. Đã ở Sài Gòn nhiều năm, vào đây và những nơi sang trọng khác nhiều lần nhưng vẫn cảm thấy xa lạ. Đơn giản, Sài Gòn là nơi y ghé đến lúc không còn trẻ. Và nơi này, không có những kỷ niệm gắn bó từ thuở ấu thời. Trong khi đó, chỉ ở Đà Nẵng vỏn vẹn 18 năm, nhưng mỗi lần về lại, đi trên đường phố cũ, vẫn tưởng như có tiếng vọng gọi tên y từ dưới gót giày. Thân mật. Tin cậy. Y đi bằng kỷ niệm của quá khứ. Quá khứ còn rõ nét. Chưa nhạt nhòa. Ở Sài Gòn, chỉ đi bằng hiện tại. Hiện tại từng ngày lại chóng quên. Hiện tại lấp vùi lên hiện tại. Không hề có quá khứ. Nghĩ thế, nhưng bảo rằng phải xa Sài Gòn có lẽ không bao giờ chọn lựa. Ngôi nhà ở Sài Gòn đã  quen. Công việc mỗi ngày đã quen. Cứ như thế, từng ngày lại trôi đi. Biết đến bao giờ mới có quá khứ của Sài Gòn trong tâm hồn y?

Vào khách sạn Sheraton ăn buffet, tìm cảm giác nghỉ ngơi sau một tuần miệt mài với từng con chữ. Hai người phải trả 2 triệu 750 ngàn đồng. Trong khi đó, quán cơm từ thiện Nụ Cười, một suất chỉ 2 ngàn đồng. Không sao cả. Đời sống thiên hình vạn trạng. Không thể giống ai cũng như ai. Tết vừa rồi nghĩ ngơi ở Intercontinental Danang Resort Sơn Trà. Đẹp mê hồn. Cứ tưởng lạc vào một cõi bồng lai tiên cảnh. Tự nhiên ngậm ngùi. Bùi ngùi nghĩ đến những số phận cần lao mỗi ngày nhọc nhằn cơm áo:

Van nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi

(Tú Xương)

Đã chôn nhau cắt rốn nơi này nhưng họ không thể béng mảng đến. Khó có thể tận hưởng cảm giác thư giản tuyệt vời nhất ngay trên chính quê nhà. Dù rằng, mảnh đất ấy từ đời cha đến đời họ đã từng sống chết, chắt chiu gìn giữ… Sau chiến tranh, có những nơi không dành cho người cần lao. Người nghèo? Đi chỗ khác chơi. Nói thì nói thế, nếu không chọn lấy những vị trí đẹp nhất xây dựng các resort, vui chơi, thư giản làm sao thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch, thu tiền thuế đất v.v...? Vấn đề quan trọng nhất vẫn là chính sách đền bù, giải tỏa thế nào, có hợp lòng dân hay không? Dù ý nghĩ thoáng qua nhưng lòng y vẫn chùng như ghita lạc phím. Vậy mà gió trùng khơi cứ mơn mởn tơ vàng. Nắng đẹp. Sóng đẹp. Ngày đẹp. Quái ác chưa?

Sáng nay, có tin nhắn của Đ.T:

Nhật ký càng viết càng sâu

Ngỗn ngang thế sự cho rầu lòng ai

Bèn cười. Nhớ bạn và ngồi lướt web. Một thông tin đáng chú ý trên báo TN: “Mỗi người gánh hơn 851 USD nợ công”: Đồng hồ nợ công thế giới (The global debt clock) trên trang The Economist.com hôm qua 21.10 điểm nợ công của VN đạt mức 76,706 tỉ USD, chiếm 48,6% GDP.

Tính trên dân số 90,1 triệu người, thì mỗi người VN gánh 851,48 USD nợ công. Vào tháng 7 vừa qua, trung bình mỗi người gánh 826,4 USD nợ công, khi đó nợ công VN ở mức 74,294 tỉ USD. Còn hồi tháng 1, nợ công tính trên đầu người là 787,9 USD với tổng nợ công 70,576 tỉ USD, chiếm 49,5% GDP của VN.

Tuy nhiên, đồng hồ nợ công VN vẫn giữ ở tông màu cam nhạt, thể hiện mức độ nhẹ hơn các nước có tông màu đỏ như Mỹ, Trung Quốc, Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản… Ở Đông Nam Á, nợ công chiếm trên 50% GDP có Thái Lan, Malaysia, trong khi Indonesia chỉ chiếm 25,1%. Tổng nợ công toàn cầu hiện ở mức 51.815 tỉ USD”.

Từ chuyện nợ nần này, TTC số ra ngày 15.10.2013 có mẩu chuyện của tác giả Mộng Bình Thường: Ngày 1.4.2013 bệnh viện Từ Dũ có đỡ ca đẻ của cụ bà ngoài 95 xuân xanh. Nhờ bác sĩ phẩu thuật nên mẹ tròn con vuông. Sinh đôi. Có điều hai cụ hài nhi ấy vừa lọt lòng mẹ nhưng râu tóc bạc phơ, ước chừng ngoài 70 tuổi. Phóng viên báo đài đến săn tin “nhưng hai cụ không không quan tâm mà chỉ hỏi: “Ở tuổi chúng tôi đã được tính vào diện mất sức chưa?”. Quái, sao lại quan tâm đến chuyện này? Hai cụ đồng thanh: “Chúng tôi sợ phải trả… nợ công quá nên trốn mãi trong bụng mẹ đến giờ”.

Đọc xong, chẳng biết có nên cười hay không?

Mấy hôm nay, đọc quyển Chữ Quốc ngữ 130 năm thăng trầm (NXB Văn hóa Văn nghệ) của đồng nghiệp Trần Nhật Vy vừa gửi tặng. Tại sao 130 năm? Theo nghị định của Thống đốc Nam kỳ Lafont: "Điều 1: Kể từ ngày 1.1.1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, nghị quyết, sắc lệnh, phán quyết... sẽ được viết, ký và công bố bằng mẫu tự Latinh" (tr.11). Khi làm thơ, anh Trần Nhật Vy ký Nguyễn Hữu Vang. Ngày mới vào nghề, anh là người hướng dẫn những bước đi đầu đời. Viết cái tin ra sao? Chụp ảnh báo chí phải thế nào? v.v… Theo quy định của báo TT ngày đó, mỗi phóng viên tập sự đều có người đi trước hướng dẫn. Ngày đi xuống cơ sở, thực tế, ghi chép thông tin thì cuối tuần báo cáo lại. Người đi trước sẽ hướng dẫn cách chọn đề tài, cách viết, thể hiện ra làm sao, nên viết thể loại gì? v.v. Cầm tập sách tự nhiên nhớ lại ngày tháng rong ruỗi khắp Sài Gòn trên chiếc xe đạp cà rịch cà tang. Thoáng đó. Gần 30 năm gắn bó với nghề. Vẫn chưa nên cơm cháo gì. Tập sách này có phần viết kỹ về tờ Gia Định báo. Đọc xong, vui vui bởi suy nghĩ của y lâu nay không sai: Quảng cáo trên báo chí thuở Pháp mới sang chính là thuốc Tây.  Mối quan tâm lớn nhất của con người ta chính là sức khỏe, ngày trước chữa trị chỉ có thuốc Bắc, thuốc Nam "cây nhà lá vườn" thì thuốc Tây vẫn là mặt hàng xa lạ, công hiệu thế nào chưa mấy ai biết rõ nên cần phải quảng cáo là lẽ tất nhiên. “Do không tìm thấy các số báo những năm 1877-1880 nên không rõ trong những năm này, Gia Định báo đã có quảng cáo chưa. Tới năm 1881, báo xuất hiện những trang quảng cáo ở trang cuối cùng” (tr.139). Các mẩu quảng cáo, anh dẫn chứng đều là các tiệm thuốc Tây, loại thuốc Tây.

Nay, bổ sung thêm.

Không những xuất hiện quảng cáo trên báo chí, ngay cả sách giáo khoa dạy học trò tiểu học thì thuốc Tây cũng được “gài” vào luôn. Nói có sách mách có chứng: “Quyển Ấu học bị thế, ngoài bìa phía trên cùng ghi “Các sách học mới để các trường ở Đông Dương dùng - ông Henri le Bris - đốc học trường Pháp Việt Thừa Thiên soạn. Sửa lại theo tiếng Nam Kỳ đặng thông dụng trong các trường làng và trường tổng”. Sách này khổ 13x 21,5cm, 136 trang, do Imprimerie commerciale, C. Ardin et Files xuất bản năm 1916 tại Sài Gòn. Trong đó gồm 160 bài học, chia làm 8 phần: Thân thể; Vệ sinh; Loài vật; Cây cối; Đất, đá, kim loại; Trời, đất, địa cầu; Xứ Nam kỳ và các xứ lân cận đại Pháp; Xứ Nam kỳ, dân số, sử ký; Nói về cách chánh trị trong Nam kỳ. Ở cuối mỗi bài đều có câu hỏi dành cho học trò, và những bài địa lý đều có in bản đồ. Bài viết dễ hiểu, ngắn gọn. Xin trích lại bài số 13 có tựa Ghẻ:

“Anh em bạn học tôi tên là Mít có nhiều ghẻ; nó gãi hoài. Khi đầu ở trường có một mình nó có ghẻ mà thôi, sau lại trò Tư và trò Năm cũng có ghẻ nữa. Thầy tôi biểu ba trò ấy ở nhà kẻo lây ghẻ cho các trò khác. Hôm qua trò Mít đến học mà đã lành ghẻ rồi, thầy tôi hỏi làm sao mà mau lành như vậy. Trò Mít trả lời rằng: Cách tám ngày rày ông Thầy thuốc Tây có đi đến làng tôi; người biểu tôi lấy xà-bông đen mà tắm, mỗi ngày phải lấy thuốc gián vàng của người cho mà thoa lên chỗ có ghẻ. Đương lúc ấy tôi mặc áo cũ. Mẹ tôi đem trụng mấy cái áo tôi thường mặc. Khi ghẻ lành rồi, tôi mặc áo quần sạch sẽ. Mẹ tôi lấy mà nấu mấy cái áo dơ đi, lấy nước sôi mà rửa cái giường tôi nằm và đem ra phơi nắng. Tôi hết đau ghẻ đã đươc ba ngày rày, không còn một mụt ghẻ nào nữa. Chị tôi và thằng đầy tớ tôi cũng có ghẻ, mà cũng làm như vậy, rồi cũng nhẹ ghẻ hết.

Thầy tôi khen trò Mít mà nói rằng : “Như trong mình và áo quần sạch sẽ luôn luôn thì không bao giờ mà có ghẻ”

Câu hỏi: - Ghẻ có lây không ?- Phải làm sao cho khỏi ghẻ ?- Nếu có ghẻ phải làm gì cho hết ghẻ ?

Cách dạy: như có nhiều học trò có ghẻ, thì Thầy phải khuyên cha mẹ chúng nó mua thuốc Pommade d’Helmerichxà bông đen giá không bao nhiêu tiền”.

Rõ ràng, khi đọc báo, thông qua các mẩu quảng cáo, người ta có thể ít nhiều hình dung ra đời sống, xã hội trong thời điểm đó. Nếu có ai làm tập sách, chọn lọc các mẩu quảng cáo xuất hiện trên báo chí từ ngày 15.4.1865 - ngày ra đời Gia Định báo đến nay, qua đó, chắc chắn sẽ có nhiều thông tin hữu ích.

Chiều rồi. Loay hoay một chút đã chiều. Chiều không nắng. Chiều sắp úa. Phải phở thôi. Phải phở bởi sáng nay bận quá nên không thể. Vậy thì chiều.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment