LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.10.2013

 

“Lâu ngày không thấy anh LMQ viết nhật ký"; " Sao mấy hôm nay, anh không viết nhật ký?". Mỗi một ngày tất bật với công việc. Vật lộn, đùa giỡn, mơn trớn, ve vuốt, sắp xếp từng con chữ. Kiếm sống. Từng ngày viết. Chỉ mỗi một nghề. Từng ngày. Từng giờ. Thay Lời Tựa Tôi chạy theo thơ, y tự thú:

tôi nào dám dậy sau tiếng gà

rạng sáng đã lao vào bàn viết

gió thổi ngoài sân

chim reo mùa tết

nhắm mắt bịt tai quên hết

viết rồi lại viết

uống cà phê cầm hơi

trán toát mồ hôi

viết

cảm hứng gì cái nghề keo kiệt

lấy chữ đổi ra tiền

tiền tiêu rồi cũng hết

lấy chữ đổi ra danh

danh phai dần không còn dấu vết

một ngày kia tôi chết

còn để lại gì không?

đừng nản lòng

Tự dặn dò mỗi ngày. Một ngày đang viết ngon trớn, vậy mà: “Đà Lạt đi anh. Em thèm cảm giác lạnh của Đà Lạt để nghe tơ liễu run trong gió”. À, thơ Hàn Mặc Tử. Câu kế tiếp thế nào? “Và để nghe trời giảng nghĩa yêu”. Trong tình huống này, phải làm gì? Chẳng lẽ, vẫn tiếp tục cắm cúi với bàn phím mặc kệ những lời nỉ non, réo rắt, thầm thĩ? Chẳng lẽ, đắm đuối với công việc mỗi ngày đang bày ra trước mặt. Không thể. Có mà ngốc.

Một chuyến bay. Một vòm trời mới. Ở đó, lờ mờ sương khuya và lạnh. Hoa mimosa vàng rực sườn đồi và gió. Ana Mandara Villas Đà Lạt và nắng bạt phếch riu riu vàng vọt sóng soài chân thềm. Mưa xanh như ngọc và lãng đãng mây mù. Khu biệt thự này xây dựng từ thời Pháp, khoảng thập niên 1930, gần Biệt điện Trần Lệ Xuân, nay là Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV - nơi lưu trữ mộc bản triều Nguyễn nhiều nhất Việt Nam. Những ngày cuối tuần của nghỉ ngơi. Của riêng tư. Vì thế không nên nghe bất kỳ một điện thoại nào, trả lời một tin nhắn nào, trừ công việc cơ quan.

Ở đó, cùng một người sống với thiên nhiên. Qua một người, mở ra một thiên nhiên khác. Chỉ tận hưởng trong muôn trùng cảm giác. Đừng ảo tưởng có thể khám phá đến tận cùng mưa nguồn của vực sâu đang lênh đênh trên núi. Đừng ảo tưởng có thể chạm bàn chân đến cõi địa đàng. Biết thế ư? Thì hãy cứ tận hưởng trong từng giây phút. Không phân vân. Toàn tâm toàn ý. Mùa vàng rực rỡ. Đang ngon. Lúc ấy, ban trưa có tiếng gà gáy ngân vang từ tháp chuông nhà thờ lặng lẽ trên những triền đồi xa xăm vọng lại. Lúc ấy, những ngọn nến đã thắp. Những giọt men nồng nàn như lửa chảy dài trên chăn gối một nỗi niềm hân hoan. Mệt mỏi. Rã rời. Ngày vẫn dài. Gió vẫn thổi buốt từng ngón tay. Vẫn thèm.

Đêm. Ngồi ngoài sân, gió buốt. Từ phòng ăn, vọng ra tiếng hát Tuấn Ngọc. Tiếng nói cười loãng và trôi theo từng dòng âm thanh. Đêm cũng trôi dần. Tuấn Ngọc hát. Hát 15 ca khúc cho vài người nghe. Chỉ là những ca khúc vàng son của một thời đã qua. Nghe  nhạc? Khi ấy con người ta sống lại cùng hoài niệm. “Ôm rách nát không tâm linh. Ôm tiếng hát không hơi rung nghèo nàn. Còn yêu chi hoa ngày xanh, héo hon vì mong manh bỏ quên lại người sau ngỡ ngàng”. Ca khúc nào cho Đà Lạt? Nghĩ rằng, chỉ có thể Lê Uyên Phương. Từng giai điệu, ca từ đã tạo nên một không gian riêng biệt của Đà Lạt. Không gian của hẹn hò. Không gian của cuộc tình đôi lứa. Dù êm đềm, dù biệt ly, dù nồng nàn, dù ghẻ lạnh, dù đớn đau, dù muộn phiền, dù hân hoa tình ngon môi ấm thì cuộc tình đó chỉ đẹp khi người ta mới ngoài ba mươi. Trẻ quá, nghe Lê Uyên Phương cảm thấy rã rời. Già quá, nghe Lê Uyên Phương cảm thấy lạnh buốt mắt môi mà mười ngón tay không thể che khuất hết. Gió vẫn thổi. Tuấn Ngọc vẫn hát. Trước anh, một nữ ca sĩ vô danh hát lót, chỉ rặt ca khúc về Hà Nội.

Lại nghĩ, văn nghệ sĩ Hà Nội luôn có ý thức làm sống lại hình ảnh của một Hà Nội chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Mọi lúc mọi nơi. Rất tự ý thức. Ý thức một cách cố ý. Hát và viết nhiều về Hà Nội trong mọi tình huống, nếu có thể. Trong khi đó, như một mạch nước ngầm, như đóm lửa nhỏ, các ca khúc Sài Gòn một thời vàng vọt ánh điện câu, đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh, lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa, trăng tàn trên hè phố, phố đêm đèn mờ giăng giăng… vẫn thao thức trong lòng người. Ray rứt. Bùi ngùi nhưng không ủy mị. Như một hoài niệm. Như câu văn của Thạch Lam vọng đến đánh thức một niềm đau hân hoan, tiếc nhớ: “Mỗi mùa, nàng lại cài một đóa hoàng lan trên mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”. Chỉ vậy thôi. Mùi hương ấy nhẹ nhàng, đã mất, đã xa khuất, mà, lạ chưa, vẫn hiện hữu trong từng sợi máu chảy ngầm qua mạch sống hiện tại.

Chiều. Lang thang xuống phố, đi dọc bờ hồ. Quán Thanh Thủy. “Theo em xuống phố trưa mai, đang còn nhức mỏi đôi vai. Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau”. Dừng chân, mua một lon đậu luộc, củ khoai nướng chỉ 15 ngàn đồng. Ba cụ vuốt từng giấy bạc cho phẳng phiu. Cẩn thận cất trong túi áo. Và mỉm cười sung sướng. Thấy thương quá. Ông trời hay thật. Bất kỳ ai dù giàu, dù nghèo cũng có niềm vui, nỗi khổ như nhau. Ai dám bảo, những người khách kia nghỉ ngơi ở Ana Mandara Villas Đà Lạt, dám bỏ số tiền không nhỏ mời ca sĩ Tuấn Ngọc từ Sài Gòn, mời giọng ca ngoài Hà Nội lên đây, chỉ để hát riêng nhóm của mình; và bà cụ nghèo vừa gặp ở bờ hồ thì niềm vui, hạnh phúc nào lớn lao hơn? Một người đến trú ngụ nơi kia một đêm trả tiền phòng không dưới hai triệu đồng, có lẽ niềm vui cũng như người dân chài nằm ngoài thuyền đánh cá không tốn một xu teng nào, nếu cả hai cùng ngủ ngon. Đời sống nhẹ nhàng. Ai cũng có được niềm vui trong cõi sống này.

Nghĩ thì nghĩ vậy. Trong lòng vẫn nhói lên một điều gì đó khi sự giàu nghèo ngày một cách biệt. Lúc ấy, đọc báo TN, ngoài trang bìa, có in lời phát biểu của bà đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tại kỳ họp Quốc hội ngày 25.10.2013: “Có cần thiết không khi đám tiệc, khởi công, khánh thành hoành tráng, mời rất đông khách. Mình chi một triệu, một tỷ đồng thấy nhẹ nhàng trong khi đó người dân gò lưng ra đóng từng xu một”. Từng xu, với bất kỳ ai kiếm sống lương thiện cũng đầm đìa mồ hôi. Trong khi đó, có những quan chức có thể ném tiền tỷ, tham ô tiền tỷ cứ như đùa, như giỡn. Thử so sánh một con số: Báo Chuyện đời (ấn bản phụ của báo Đất Việt) ngày 26.10.2013 có bài viết về vụ Dũng “lò vôi” tức Huỳnh Uy Dũng tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương: “Năm 2004, chính quyền Bình Dương đến hạn thanh toán khoản nợ 1.000 tỷ cho Bộ Tài Chính. Theo ông Dũng, lúc đó lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhiều lần gặp gỡ, đề nghị ông giúp tỉnh khó khăn, bằng cách mua hơn 533 ha ở khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Đô thị Bình Dương”. Không quan tâm đến chuyện này, chỉ hỏi, số tiền 1.000 tỷ lớn hay nhỏ? Chắc chắn rất lớn, cỡ một tỉnh còn phải chạy vạy đầu này đầu kia tìm cách tháo gỡ thì chẳng phải đùa. Vậy mà, có 7 “quan tham” đã gây thiệt hại hơn 530 tỷ đồng, tức hơn phân nửa số tiền kia! Ghê gớm chưa? Ai vậy? 7 bị can này nguyên là cán bộ, lãnh đạo của Công ty Cho thuê Tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Chúng sắp ra tòa, dự kiến diễn ra từ ngày 6/11 đến 20/11 tại TP.HCM. Theo vnexpress.net: "Vụ án được cơ quan tố tụng đánh giá là một trong những “đại án” về tham nhũng trong thời gian qua, được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo sớm đưa ra xét xử".

Nghĩ cho cùng, tất cả những vụ việc tiêu cực nhằm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Nhà nước, cuối cùng chính dân đen lãnh đủ. Chỉ dân đen thôi ư? Không, chính quyền cũng lãnh đủ mà phải trả giá gấp nhiều lần. Đó là lúc lòng tin của người dân vào chính quyền bị xói mòn ghê gớm. Có những vụ gây rúng động nhân tâm, chính quyền mới quan tâm cải thiện đời sống người dân. Chắc nhiều người chưa quên vụ chìm đò Cà Tang thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) ngày 19.5.2003, có đến 18 em học sinh bỏ xác rồi sau đó mới có chiếc cầu được xây dựng; vụ lật tàu Dìn Ký, sau đó, mới có cuộc kiểm tra toàn diện các nhà hàng trên sông; rồi gần đây, sau vụ thẩm mỹ viện Cát Tường thì Bộ Y tế mới yêu cầu Sở các tỉnh thành thanh kiểm tra tất cả các cơ sở hành nghề thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Còn bao nhiêu vụ nữa? Còn nhiều. Nhìn chung là chính quyền ứng xử quá chậm. Chậm quá. Sao không có biện pháp trước?

“Lòng dân bây giờ thật sự bất ổn trên nhiều góc độ lắm. Những cái không công bằng, những cái không minh bạch trong chính sách làm người dân không tin tưởng. Phải có giải pháp, mà quan trọng nhất là phải có cơ chế để đo được lòng dân. Vì nói cho cùng, lòng dân là một trong ba yếu tố đảm bảo ổn định chính trị xã hội - đó là sự đồng thuận xã hội. Tôi mong chúng ta hãy quan tâm vấn đề này nhiều hơn nữa. Đừng bất chấp, đừng phớt lờ dư luận, đặc biệt là dư luận từ nhân dân”. Ý kiến của bà đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm trên báo TT rất đáng lưu ý - nhất là cụm từ "phải có cơ chế để đo lòng dân". Thật kỳ cục, có những sự việc người dân muốn biết quan điểm, câu trả lời chính thức từ phía Nhà nước nhưng người đứng đầu cứ ầu ơ ví dầu. Vì lẽ đó, báo Chuyện đời ngày 26.10.2013 mới có “Thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế”, câu kết như sau: “Để chữa bệnh cho bệnh nhân có hiệu quả, ngành y tế Việt Nam cần thành lập một khoa mới tên là “Khoa điều trị bệnh thiếu y đức” để chữa bệnh cho các bác sĩ trước tiên và bà Bộ trưởng sẽ là bác sĩ Trưởng khoa”. Nên hiểu thế nào? Lời đề nghị nghiêm túc hay bài viết của Tuổi Trẻ Cười in nhầm sang báo này? Có lẽ, chưa bao giờ ngành y của chúng ta tệ hại như lúc này. Người dân thấp cổ bé miệng, biết kêu ai? Thôi thì, hãy đọc lại “Cách ngôn dạy người làm thuốc” - nổi tiếng không kém gì Lời thề của danh y Hippocrate - của Đại y tôn Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1920 - 1791):

 

HTLO1anh-nay

 

1. Học thuốc phải thấu hiểu cả nho lý, rỗi nên xem những sách thuốc của các bậc lương y thời trước, để gặp bệnh biết thông biến, mới khỏi sai lầm.

2. Nếu nhà bệnh có mời, nên tuỳ bệnh nặng nhẹ mà đi xem, chớ thấy người phú quý mà đi trước, nhà bần tiện mà đi sau.

3. Xem mạch cho đàn bà, con gái, nhất là gái góa và các ni cô, phải bảo một người đứng bên cạnh để tránh sự hiềm nghi.

4. Đã là nhà làm thuốc phải để ý giúp người, mà không nên vắng nhà luôn, nhất là đi hành lạc.

5, Gặp chừng bệnh ngặt, muốn hết sức cứu vãn, nhưng nói cho người nhà có bệnh biết trước là bệnh khó chữa, rồi hãy cắt thuốc.

6. Thuốc phải chọn vị tốt và bào chế đúng phép, chứ không được cẩu thả.

7. Gặp người đồng nghiệp, người học hơn mình thời thờ làm thầy, người cao hơn mình thì kính cẩn, người kém mình nên khuyên bảo thêm, dù gặp người kiêu ngạo cũng nên khiêm nhường.

8. Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc, ta càng thêm lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nghèo mà bị bệnh, thời ngoài sự cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm, nếu không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật.

9. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tuỳ ý vì làm thuốc là thuật thanh cao, thời phải có tiết thanh cao.

10. Tôi xét, làm thuốc là nhân thuật giữ tính mạng cho người, vậy không nên mưu lợi. Ngạn ngữ có câu: “Ba đời làm thuốc hay tất đời sau có người làm nên khanh tướng”. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân cha mẹ người bệnh ốm ngặt, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chửa được, thế là lập tâm bất lương, hơn nữa đối với người cao cấp thì ân cần để tính lợi, đối với người nghèo túng thời lạnh nhạt coi thường, cho việc làm thuốc như nghề buôn bán, thời không đáng kể. Cổ nhân có nói: “Không làm quan giỏi cũng làm thầy thuốc giỏi” vậy tôi chỉ nghĩ sao cho không hổ với lương tâm, nên bệnh nào không thể chữa được, thời báo trước cho nhà có bệnh biết. Nếu gặp những người tiếc của coi thường tính mệnh, hay là không đủ ăn mặc, thời tôi lại chu cấp thêm”.

Lời dạy của Thánh y Việt Nam vẫn còn ý nghĩa thời sự. Làm sao để lời căn dặn này vận hành trong cuộc sống?

Khuya qua, rời khỏi “Thành phố buồn lắm tơ vương cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn”. Một chuyến bay đêm. Ngày mai, lại về quê nhân giỗ đầu của bà chị ruột. Một tuần qua cái vèo. Mỗi ngày vẫn 24 giờ, nhưng có cảm giác thời lượng của một ngày ngắn hơn trước nhiều. Làm sao có thể thoát khỏi mối quan tâm thời cuộc? Chỉ có thể, nếu sống một  mình trên hoang đảo như Robinson.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment