LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 31.10.2013

 

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Từ trong tiềm thức, ngày hôm qua, câu thơ Kiều vụt hiện trong trí nhớ khi đứng trước nghĩa trang Hòa Sơn (Đà Nẵng). Đã giỗ đầu người chị. Thời gian trôi qua chỉ nháy mắt. Đã hết một đời. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy. Đã hết một ngày. Có cõi âm không? Chẳng thể biết. Hư hư thật thật. Mơ hồ. Chỉ mấy chữ “hiu hiu gió”, lập tức, đã gợi lên một cõi âm. Hắt hiu. Đìu hiu. Quạnh quẽ. Lẻ loi. Khi ông Hồ Dzếnh than thở: “Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung” chỉ là cảm giác của một người. Khi đã yêu, bất kỳ thời tiết nào cũng gợi lên da diết nhớ. Não nùng thương. Nhớ nhung triền miên. Tương tư dằng dặc. Chẳng cần phải đợi “hiu hiu rét”. Với “hiu hiu gió” lại khác. Gợi mở một nỗi niềm bơ vơ, cô đơn, lạnh lẽo đến nao lòng. Trước mặt là những mộ phần đơn độc trên một ngọn đồi. Bát ngát xa trông chỉ một cảnh ảm đạm của chiều thu vừa gượng dậy sau lũ lụt. Lòng trống rỗng như nhịp chuông chùa vừa buông thõng sau  mưa.

Đêm qua về đến sân bay, lại tiễn một người rời khỏi sân bay. Thời tiết nóng bức, nhưng lòng lại “hiu hiu rét”. Lại những ngày thật dài. Những ngày thương nhớ online.

Người đời thử ngẫm mà hay

Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!

(Tản Đà)

Những ngày này, báo chí rộ lên nhiều thông tin về chuyện ngoại cảm, nhập vong đi tìm mồ mả, hài cốt liệt sĩ. Ông Hoàng Công Thái - cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ - TB&XH), nhấn mạnh: “Chủ trương tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là rất nhân văn” (TT 30.10.2013). Rất nhân văn. Tuy nhiên sẽ nhân văn hơn, nếu có chủ trương tìm kiếm cả người lính của “phía bên kia”. Cuộc chiến giải phóng dân tộc đã khép lại. Hơn nửa đời người rồi còn gì. Giang sơn thu về một mối. Trong tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc nếu có tầm nhìn sâu xa hơn, cái tâm khoan dung hơn thì không nên có sự phân biệt cái chết ngay trên đất nước mình, dẫu lúc sống họ đứng về phía bên nào. Cuộc chiến lạ lùng, trên bàn thờ của một gia đình có cả di ảnh người “chết trận” lẫn người “hy sinh”. Nhang khói, giổ quẩy như nhau, không phân biệt, vậy mà chủ trương, chính sách chung lại khác nhau.

Đã đọc một truyện ngắn, rất ngắn của nhà văn nổi tiếng từ thời chống Mỹ nhưng chưa tìm lại được văn bản nên không tiện nêu tên tác giả. Truyện như thế này, cô giáo tiểu học mới ra trường được phân công về dạy ở vùng sâu, vùng xa. Thời chiến tranh đây là vùng “xôi đậu” nghĩa là ngày “quốc gia”, đêm “Việt cộng”. Sắp đến ngày Thương binh - liệt sĩ, cô giáo bảo học sinh, đại khái, em nào có cha, anh đi lính chết thì đưa tay lên để nhà trường chuẩn bị quà tặng. Lập tức, hầu như cả lớp đều đồng loạt đưa tay. Cô giáo ngạc nhiên quá chừng, chẳng lẽ vùng đất này nhiều liệt sĩ đến thế ư? Hỏi ra, cô giật mình, học trò của cô đều là con em người lính của cả hai chiến tuyến. Vậy cho quà như thế nào?

Thì ra, trẻ con không phân biệt như người lớn. Đứa trẻ nào mất cha, dù người cha chiến đấu vì “ý thức hệ” nào cũng đớn đau như nhau. Bà mẹ nào cũng thế. Dù có là Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay không thì nổi đau nào cũng bao la trời biển. Người đã chết, phân biệt họ làm chi nữa? Họ chết, dù ở chiến tuyến nào cũng là nỗi đau chung của một dân tộc hơn bốn ngàn năm máu đỏ da vàng. Sự phân biệt ấy chỉ tạo ra ngăn cách từ trong lòng người. Hố thẳm ấy cần khỏa lấp. Điều cốt lõi sau chiến tranh vẫn là sự hòa hợp lòng người. Ý nghĩa này cao cả nhất, thấm đẫm tính nhân văn nhất và là mục tiêu cuối cùng để sau đó, mới có thể lật sang một trang sử mới.

Trước đây, có lần nghĩ, ngay sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 tại sao các văn nghệ sĩ không sáng tác được áng văn bất hủ như Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Văn tế trận vong tướng sĩ (Nguyễn Văn Thành)… để đời sau muôn đời tự hào ghi nhớ? Nay đã nghĩ khác. Thời điểm 30.4.1975, không có được những áng văn bất hủ như thuở cha ông, âu cũng là cơ duyên của dân tộc trong thế kỷ này.

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ cựu giang san

(Trần Quang Khải)

“Thái bình nên gắng sức, non nước ấy ngàn thu”. Ai gắng sức? Cả dân tộc Bắc Nam đoàn kết một khối từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, chứ nào phải riêng ai. Đại Việt sử ký toàn thư chép về đời Trần: Triều vua Trần Nhân Hoàng đế, năm 1289, tháng 3, ngày mồng 1, có nhật thực; mùa hạ, tháng 4, bàn xét công dẹp giặc Nguyên; tháng 5, trị tội những người hàng giặc: “Trước kia quân Nguyên sang lấn, các vương hầu, quan liêu nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm tờ biểu của những người hàng giặc. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ kẻ nào trước đây đầu hàng giặc thì dẫu bản thân ở triều đình giặc cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc thì đổi làm họ Mai. Người khác cứ theo lệ ấy mà đổi, như bọn Mai Lộng. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Vì thế, những ghi chép đương thời đều gọi là Ả Trần, Mai Kiện...”. Chi tiết "Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc" đáng giá ngàn vàng. Dẫu có ngàn vàng cũng không thể sánh được mảy may lòng khoan dung của cha ông. Lòng khoan dung ấy thấu hiểu lẽ hòa hợp của lòng người sau chiến tranh. Chuyện ai thắng, ai thua nay còn đem ra thảo luận, tranh cãi, phản biện, ngợi ca, lên án thì quả lẩm cẩm, ngớ ngẩn... dù với bất kỳ động cơ gì.

Do khoái đọc sách báo, tạp chí cũ nên trong nhà y hầm bà lằn các loại. Gặp đâu xâu đó. Thỉnh thoảng, đọc lại những trang giấy cũ, mốc, ẩm, vàng ố cũng là lạc thú ở đời. Nay chép lại bài thơ của góa phụ miền Nam khóc chồng chết trận. Loại thơ này, hầu như văn học cách mạng, hiện thực xã hội chủ nghĩa không có. Đã cố ý tìm lại thơ Đường, vẫn không thấy bài thơ nào viết về đề tài này. Bất quá, sự nhớ nhung da diết chỉ dừng lại lúc chồng ngoài biên ải. Bài thơ này lại khác, in trên tuần báo Tiền Phong, số 554 (tuần lễ từ 7.5.1970 đến 13.5.1970). Thơ sử dụng thể loại ngũ ngôn, gieo vần có lúc chỉnh chu, có khi trật nhịp nhưng tình cảm chân thật, không lên gân giả tạo.

 

tho-khg-bao-gio-em-quen

 

Không bao giờ em quên

(Viết cho chồng tôi tử trận 30.7.1969 tại Rạch Giá)

Không bao giờ em quên

Đường hai trăm cây số

Em đi tìm xác anh

Với muôn vàn đau khổ

Không bao giờ em quên

Chiếc quan tài màu vàng

Lá cờ ba sọc đỏ

Anh nằm im lìm đó

Chẳng một lời sau cùng

Không bao giờ em quên

Mắt môi anh ngày ấy

Mắt em nhìn đắm đuối

Môi còn ấm tình say

Không bao giờ em quên

Trái tim anh lãng mạn

Chỉ một bóng hình em

Giờ nhận thêm mảnh đạn

Không bao giờ em quên

Trại lính nghèo xơ xác

Nến thắp trên quan tài

Nước mắt em mặn chát

Không bao giờ em quên

Mẹ già đầu nhuốm bạc

Người anh trai đau xót

Thương thân mình ngày mai

Không bao giờ em quên

Nghĩa trang ngày hôm đó

Nắm đất vun cuối cùng

Anh đã nằm trong mộ

Tình yêu mình còn đó

Hình hài em còn đây

Dư hương ngày ân ái

Bỗng về trong phút giây

Em làm thân con gái

Yêu lính lấy làm chồng

Những ngày phép ngắn ngủi

Chưa kịp ấm gối chăn

Anh đi không trở lại

Nỗi sầu này ai hay

Em còn trong tuổi dại

Lệ đã khô cạn rồi

Tình đôi ta ngắn ngủi

Nên em giờ đơn côi

Trăm năm duyên không vẹn

Buồn biết thuở nào nguôi

(Mộng Tú)

Buồn biết thuở nào nguôi”. Thân phận đàn bà mất chồng, mất con dù thời nào, chiến tuyến nào cũng là nỗi đau xé ruột. Dù chồng, con mình bỏ mình vì lý tưởng nào, tâm thế của họ vẫn không khác. Vẫn mang nặng đẻ đau. Vẫn rứt ruột sinh ra. Vẫn đêm đêm đắng lệ khóc thầm. Vẫn máu đỏ một dòng. Vẫn quặn lòng bi thảm ứa ra từ hố mắt.

Buổi chiến trận mạng người như rác

Phận đã đành đạn lạc tên rơi

Lập lòe ngọn lửa ma trơi

Tiếng oan văng vẳng, tối trời càng thương

(Nguyễn Du - Chiêu hồn thập loại chúng sinh)

Sau chiến tranh, đã có những người “Mẹ già lên núi tìm xương con mình”  không ít nhà ngoại cảm đã xuất hiện. Tất nhiên cũng có kẻ lưu manh lợi dụng vào lòng tin của người khác. Vụ "nhà ngoại cảm cậu Thủy” vừa bị lật mặt là một ví dụ điển hình. Trên đời này, không có sự khốn nạn, vô lương tâm nào tồi tệ  bằng lợi dụng nổi đau, tuyệt vọng của người khác để trục lợi. Về năng lực các nhà ngoại cảm nên suy nghĩ thế nào? Theo thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân - thành viên Hội Giáo dục khoa học Việt Nam kiêm giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa thôi miên Việt Nam, nếu các nhà ngoại cảm sử dụng thuật “áp vong” để trò chuyện với người cõi âm thì khoa học hiện đại gọi “thôi miên” và sự kết hợp ba yếu tố: “lòng tin, ám thị lạ và tự ám thị”. Dù giải thích thế nào, chắc chắn ý kiến của trung tướng Trần văn Độ - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn được nhiều người đồng tình: “Bản thân tôi thì cho rằng giả sử có tìm được hài cốt thật thì cũng nên sử dụng phương pháp khoa học là giám định ADN. Việc này chắc chắn phải làm để đảm bảo rằng gia đình yên tâm trong việc thờ cúng. Tôi hiểu rằng về mặt tâm lý gia đình nào cũng mong muốn tìm cho được hài cốt hay là một vật dụng của thân nhân mình, song cũng không nên vì thế mà tin vào bất cứ những gì nhà ngoại cảm nói”. Và cũng theo ông, "Hiện còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy hoặc chưa xác định được danh tính là mối quan tâm chung của cả xã hội" (báo HNGĐ 31.10.2013 - phụ trương của báo Gia đình Việt Nam)

Trong hồi ký Kể chuyện đời mình, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè có chi tiết cảm động. Có lúc, bà đi tìm hài cốt của con là Nguyễn Huỳnh Đại. Theo tin của đồng đội con bà, liệt sĩ Đại được chôn ở nghĩa trang xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long). Lúc ấy, nhà ngoại cảm đứng trước hàng loạt mộ vô danh và xác định mộ chôn con bà. Lúc bốc mộ, chỉ có một khúc xương bằng lóng tay, dài độ 2 tấc, bà đưa về an táng. Tuy nhiên, trong lòng bà vẫn chưa an. Vài năm sau có người giúp đỡ bà gặp nhà ngoại cảm khác là ông Liên. Bà suy nghĩ, nếu ông Liên tìm ra một hài cốt khác, còn hài cốt lâu nay mình đã nhang khói thì sao? Bà suy nghĩ: “Nếu xương đó không phải của con tôi mà của liệt sĩ nào đó thì tôi xem như con tôi”. Vì thế, bà không đi tìm nữa. Thái độ và cách ứng xử của bà rất nhân văn gợi cho ta nhiều suy nghĩ.

Lại nghĩ, khi con người còn sân, si, ham hố, lục tặc tam bành thì hãy thanh lọc tâm hồn bằng cách một mình đứng trước nghĩa trang. Lúc ấy, ngước nhìn mây trắng phiêu du mới hay "trăm năm là ngắn". Ủa vậy à? Sao lâu nay mình cứ mải mê lao theo dòng đời để cuối cùng bị cuốn theo một dòng chảy xiết?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment