LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.10.2013

 

DSCN0604

 

Trong đầu nghĩ linh tinh lang tang, đại khái, sau chuyến du lịch quay trở về chắc chắn trong đầu của ai cũng nặng trĩu suy tư. Có biết bao nỗi dẳn vặt, so sánh, buồn phiền… sau khi đã thấy, đã quan sát ở xứ người. Vậy mà sau đó, lao vào công việc mỗi ngày, chợt giật mình bởi những gì đã nghĩ, đã  đau đáu nặng lòng lại bỏ quên ngay từ lúc vừa rời khỏi sân bay.

Ra nước ngoài bằng cách tự khám phá sẽ là một thú vị, có nhiều ngạc nhiên hơn đi theo tour. Đi chung với đám đông, có hướng dẫn viên chưa chắc có được nhiều trải nghiệm hơn. Hệ thống giao thông, sân bay, đường xá, cung cách phục vụ… của Thái Lan đã đi một bước, nhiều bước trước chúng ta. Họ đi trước đã xa lắm,  đã lâu lắm, biết bao giờ chúng ta mới đuổi kịp? Hệ thống giao thông với các tuyến đường chằng chịt từ trên trời đến dưới đất nườm nượp người là người, mua bán sầm uất đã cho thấy một sự năng động. Sự trẻ. Sự mới. Sự hấp dẫn. Sự hội nhập của nhiều tầng văn hóa.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đi xa về nhà nói khoác” bởi không tin lời kể của người đi xa về. Tin thế nào được. Đừng có tin. Tin thế nào được khi y có cảm giác sân bay Thái Lan là biển lớn, còn của ta chỉ là ao hồ. Nói như thế là tự ti mặc cảm đấy nhé. Biết thế nào được. Lại nghĩ, một người nghèo sinh sống ở đất nước văn minh, hiện đại thì họ vẫn may mắn hơn một người trung lưu ở nước lạc hậu, chậm tiến. Bởi người nghèo ở đó được hưởng thụ hệ thống giao thông, dịch vụ công cộng, chương trình giáo dục, chăm sóc y tế… Nghĩ cho cùng, một xã hội phát triển bình thường thì những tiện ích công cộng đó phải hoàn chỉnh vì người dân, người dân dù nghèo nhưng vẫn có quyền tiếp cận, hưởng thụ bình đẳng.

Lại nghĩ, với người dân “dĩ thực vi tiên”. Họ không quan tâm đến thể chế chính trị, miễn là đất nước của họ độc lập, tự do, cơm no áo ấm và thỏa mãn nhu cầu, khát vọng mưu cầu hạnh phúc. Người dân của bất kỳ xứ sở nào trên trái đất này cũng đáng yêu, đáng quý, thân thiện, tứ hải giai huynh đệ. Dù khác nhau về thể chế chính trị nhưng điều cốt lõi của hòa hợp tình người, tình nhân loại vẫn giống nhau. Sự thông minh, sáng tạo, cần cù, lương thiện của các dân tộc màu da, trắng, vàng, đen không khác nhau, nó chỉ khác biệt do vận hành của một thể chế chính trị. Nói cách khác, môi trường xã hội là yếu tố quyết định thay đổi tính cách, tài năng, cống hiến của con người.

Lại nghĩ, đã có nhiều đoàn cán bộ của ta ra nước ngoài, không rõ họ đã thấy, đã học được gì? Nếu có thấy, có học, có trách nhiệm chắc chắn mỗi người sẽ có lúc tự vấn lương tâm về sự tụt hậu của đất nước khi so với xứ người. Ngày xưa, các ông Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Phan Thanh Giản… sau công cán, họ đều viết lại những điều mắt thấy tai nghe dâng lên nhà vua những mong có sự thay đổi nào đó.

Từ ngày đi sứ đến Tây kinh,

Thấy việc Âu châu phải giật mình.

Kêu rủ đồng bang mau thức dậy

Hết lời năn nỉ chẳng ai tin!

(Phan Thanh Giản)

Tin thế nào được. “Đi xa về nhà nói khoác” đấy thôi. Thà là thế. Còn kể, còn nói, còn so sánh, còn đau đáu với những gì đã thua kém bè bạn năm châu thì tư duy còn cấp tiến, chưa chai lì, còn nặng lòng với đất nước. Chán. Rất chán với những người ra nước ngoài nhưng chẳng thấy gì. Có mắt như mù. Xem lại bức biếm họa trên báo Phong Hóa thập niên 1930, mẫu đối thoại như sau: “Ở đây có nhiều người nói tiếng Tây hơn xứ ta”. Đó là “phát hiện” mới mẻ, độc đáo của một tầng lớp quan lại An Nam khi sang Pháp. Tranh biếm ấy có còn ý nghĩa thời sự không?

Không rõ có phải đây là tâm lý của người Việt, nghe khen ai đó, lập tức bĩu môi, dè bĩu: "Ố dào, tưởng gì. Ngày xưa bố tao làm tổng đốc, quan huyện thì bố nó còn cụp mặt xuống đất kéo xe, hộc máu miệng kiếm cơm từng ngày còn đói rã họng. Nay nó có chút này chút nọ tưởng là "ngon" hả? Chưa chắc". Chưa chắc cái gì nữa hả trời? Nó bây giờ lên ngựa xuống xe, mình cù bơ cù bất, dở thầy dở thợ nhưng mở miệng ra chỉ rặt một giọng khinh khi, lớn lối. Ố dào! Cái đất nước đó, trước kia so với mình là "cái đinh" gì. Thua mình xa. Thời đó, nó xách dép chạy theo mình còn không kịp. Đến khi nó đã chạy vượt qua mặt mình, mình vẫn bình chân như vại. Hỡi ôi!

Có lẽ điều thích thú nhất vẫn là lúc vào các trung tâm thương mại ở Bangkok, thấy lũ lượt các em học sinh trang phục chỉnh tề cũng đi mua sắm, ăn uống, vui chơi chững chạc như người lớn. Trên nét mặt ấy không có vẻ lớ ngớ “nhà quê ra tỉnh” như y. Quan sát cái cặp sau lưng, chỉ thấy nhẹ hều, mỏng dính chứ không nặng nề như con em mình. Hầu hết, học sinh Thái Lan mang dép, có quai sau, dáng đi thẳng, bước nhanh. Thể trạng của chúng cũng to cao hơn. Thật thú vị khi nhìn chúng quyên góp từ thiện: Một tốp học sinh nam lẫn nữ, chừng hai mươi em đứng hàng ngang ngay dưới cầu thang ở một trung tâm thương mại, trước ngực đeo tấm bảng có dán hình ảnh các lớp học nhà tranh vách lá, thiếu tiện nghi, bàn ghế xụp xệ… Dòng đời “ngựa xe như nước, áo quần như nen”, ai động lòng cứ việc bỏ tiền ủng hộ vào cái thùng giấy sát bên.

Lại thấy, một tốp học sinh khác “biểu tình” ngay dưới sảnh mua bán đồ mỹ nghệ, các em giương các câu khẩu hiệu, đại khái, phản đối những kẻ săn bắn voi lấy ngà làm vật trang sức! Vậy mà cũng có đài truyền hình địa phương đến quay, phỏng vấn… Thời gian chỉ chừng một giờ sau là các em giải tán! Nhân nhắc đến voi mới thấy hình ảnh con voi ở Thái Lan rất được “tôn sùng”. Đi trên phố, vào công viên nếu tinh ý, chịu khó quan sát sẽ nhìn thấy hàng trăm tượng voi lớn nhỏ cách điệu khác nhau. Rất đẹp. Ngộ nghĩnh. Thiên hình vạn trạng. Ủa! Lào còn gọi “đất nước Triệu Voi”, cũng như Kampuchia là “đất nước Chùa Tháp” vì nhiều voi, nhiều chùa tháp. Vậy biểu tượng voi đóng vai trò thế nào trong đời sống văn hóa, tâm linh người Thái mà đi đâu cũng gặp?

Nhiều câu hỏi, linh tinh lang tang cứ lẩn quẩn trong đầu. Lại thêm một ấn tượng khác. Khu Riverside resort &spa Anantara, nơi y đến, do nằm dọc theo sông Sathorn nên mỗi ngày muốn vào trung tâm Bangkok, phải đi thuyền chừng 15 phút. Bến thuyền nhộn nhịp không thể tưởng, đúng 15 phút là có chừng năm bảy chiếc thuyền ào ạt cặp bến, rời bến. Người lên kẻ xuống tấp nập. Tiếng máy ầm ầm vang trời. Cả một bến sông náo nhiệt nhưng tuyệt nhiên không thấy ăn xin, mời vé số, đánh giày, níu áo gạ mua hàng rong,kính đeo mắt, thuốc cường dương bổ thận, bao OK!

Lại “đi xa về nhà nói khoác” nữa rồi.

Thế à? Vậy không kể nữa.

Sáng hôm đi ra sân bay Tân Sơn Nhất, tranh thủ mua mấy tờ báo mới. Y quan tâm đến thông tin này: Ngày 3.10.2013, Hội Nhà văn Hà Nội đã công bố Giải thưởng năm 2013: Văn xuôi: Nguyên Ngọc với tác phẩm bút ký Các bạn tôi ở trên ấy; Thơ: Giáng Vân với tập thơ Đường gió; Lý luận phê bình: Phan An Sa với tác phẩm khảo cứu Nắng được thì cứ nắng viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Phan Khôi; Văn học dịch: Phạm Vĩnh Cư với tuyển thơ Tâm - dịch thơ M.Tsvetaeva (Nga); Thành tựu sự nghiệp: Nguyễn Huệ Chi với tác phẩm Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. Giải thưởng này sẽ được trao vào ngày 10.10.2013 nhân dịp kỷ niệm Giải phóng thủ đô.

Trong giải thưởng này, may mắn y có đọc quyển Nắng được thì cứ nắng do ông Phan Trản, con trai cụ Phan Khôi tặng. Sách in khổ 16 x 24 dày 688 trang. Trang viết ngồn ngộn tư liệu, thuyết phục, đọc hấp dẫn và có thể nói lần đầu tiên diện mạo Phan Khôi được khắc họa rõ nét. Chỉ đưa ra một chi tiết nhỏ về tập sách Nắng chiều mà Phan Khôi viết trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc đến lúc hòa bình lập lại về Thủ đô năm 1954. Dù sách không được in nhưng báo Văn nghệ số 15 ra tháng 8.1958 có bài “đánh” theo lối chụp mũ, bới bèo ra bọ: “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi”. Có lẽ do sự tế nhị nào đó, tác giả Phan An Sa không nêu đích danh tác giả bài báo, tuy nhiên với một vài dữ kiện ta có thể đoán ra. “Theo nguồn tin đáng tin cậy, sau khi có lệnh cấm xuất bản các tác phẩm của ông, thì bản thảo tập Nắng chiều đã nằm ở NXB Hội Nhà văn bị đốt đi. Đốt bản thảo một tác phẩm gồm nhiều thể tài, với những bài khảo cứu, truyện ngắn, tạp văn có giá trị về nhiều mặt của một nhà văn vốn nổi tiếng với những bài viết kỳ thú, lại là một nhà văn hóa đầy tâm huyết với đấy nước mình, với đồng bào mình là một tội ác” (tr.368).

Thử đọc lại một bài khảo cứu về "Cỏ cứt lợn dại” trong tập Nắng chiều. Vì bài tạp văn này mà Phan Khôi bị quy chụp chống cộng. Ông viết: “Đàng Ngoài gọi là “cỏ cứt lợn”, Đàng Trong gọi “cỏ bù xít”. Gọi cứt lợn vì nó hay sinh ở chỗ có cứt lợn; gọi bù xít vì nó có mùi hôi như con bù xít hay còn gọi là con bọ xít”. Loại cây này có ở nước ta từ bao giờ? Phan Khôi cho biết lúc trò chuyện với anh em ở cơ quan: “ông Trần Văn Giáp nói: "Tây nó gọi thứ cỏ ấy là cỏ cộng sản”. Nhân đó, ông Đào Duy Anh thêm rằng: “Nguyên thứ cỏ này ở xứ ta ngày xưa hình như không có, không biết lấy giống từ đâu mà bọn Tây đồn điền đem trồng trong đất của họ để che những cây cao su, cây cà phê mới trồng vốn không chịu được nắng gắt. Chẳng những đồn điền ở Bắc mà trong Nam cũng vậy. Không ngờ thứ cỏ ấy nẩy nở chóng quá, chẳng mấy chốc mà nó đầy lên cả đồn điền, trừ đi không hết được, nó lan ra ngoài đồn điền nữa. Bọn Tây gọi thứ cỏ ấy là “herbe comuniste”, một  lẽ vì nó lan ra chóng quá, một là vì nói bắt đầu có từ năm 1930 - 1931 đồng thời với Đảng Cộng sản Đông Dương hành động ở xứ ta” (tr.363).

Sau đó, khi đi thực tế ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phan Khôi thấy nơi đó có rất nhiều thứ cây cứt lợn dại. Nhiều vô số. Tuy nhiên, có nơi không gọi cỏ cứt lợn, cỏ bù xít mà gọi bằng tên khác: “Ngày 9.5.1950, tôi đi con đường Cù Vân - Đại Từ, đến Dốc Diệp thì tối mà không có chỗ ngủ. Gặp một ông già người Tày đưa vào trong làng cách đường cái ba cây số ngủ ở nhà ông. Sáng hôm sau, ông đưa tôi trở ra, dọc đường lại thấy thứ cỏ ấy, tôi hỏi ông đó là cỏ gì, thì ông nói: “Thứ cỏ này nguyên trước kia ở đây không có, từ ngày có Cụ Hồ về lãnh đạo cuộc cách mạng thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đồi đống, đường sá, đâu đâu cũng có, người ta không biết tên nó, chỉ gọi là “cỏ Cụ Hồ” (tr.363).

Bình tĩnh mà nhận xét, nhân vật Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh đều là những học giả uyên bác, có uy tín, là bạn cùng thời nên không thể Phan Khôi bịa ra các chi tiết ấy. Ông Giáp -  nhà thư mục học số một của Việt Nam, thời du học ở Pháp ông cùng Ngô Đình Nhu là bạn học; là tác giả công trình Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - nguồn gốc của văn học, sử học Việt Nam (2 tập), do sự đóng góp và sự mẫu mực của nó nên sau này giới nghiên cứu quen gọi “Mô hình Trần Văn Giáp”. Đào Duy Anh, là nhà soạn từ điển Pháp - Việt, Hán - Việt và nhiều công trình khảo cứu giá trị khác. Thứ hai, nhân vật ông già người Tày cũng không thể bịa. Bịa làm gì khi ông ta trân trọng nói "Cụ Hồ về lãnh đạo cuộc cách mạng". Gọi “Cụ Hồ” trang trọng, quý mến, kính trọng chứ không hề có giọng xách mé. Hơn nữa, khi gọi loại cỏ ấy là "cỏ cộng sản" là ca ngợi cộng sản đấy chứ, vì nó liên tục phát triển nhanh chóng và khó tiêu diệt.

Thời đó, người ta không suy nghĩ thế, chỉ nhất nhất quy Phan Khôi “chống cộng” mà khổ nỗi ông có được nói lại đâu. Thậm chí, lúc ông mất ngày 16.1.1959 chỉ gia đình đưa an táng ở nghĩa trang Hợp Thiện (Hà Nội): “Một đám tang hiu hắt, ảm đạm, âm thầm như không thể hiu hắt, ảm đạm, âm thầm hơn được nữa. Một cỗ quan tài gỗ mộc đơn sơ, một cỗ xe tang hai ngựa kéo, một nhúm người ruột thịt đi theo sau xe tang, không một vòng hoa…” (tr. 624). Hiện nay, mộ của nhà văn hóa Phan Khôi đã thất lạc. Sau lớp sóng thời gian, những đóng góp của Phan Khôi với nền văn hóa nhà, tấm lòng ái quốc của ông đã được nhìn nhận đúng như sự việc đã có. Do đó, tại Đà Nẵng đã có tên đường mang tên Phan Khôi.

Phải thừa nhận rằng, từ nhiều năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng hằng năm đều được dư luận đồng tình, không điều tiếng gì. Rất đáng hoan nghênh.

Sáng nay, mở mắt ra việc đầu tiên nghĩ đến phở. Nhớ phở như nhớ tình nhân. Khổ thế. Lúc đang ăn, đọc bài viết trên báo Thanh Niên: Nhân cách và giá trị của thi sĩ Bùi Giáng phản ứng lại bài báo Ai làm Bùi Giáng sống lại sau 15 năm? trên báo Văn Nghệ TP.HCM số 274, ra ngày 3.10.2013. Thật không thể tưởng tượng nổi tại sao trong thời buổi này lại có thể xuất hiện bài báo tào lao, mạ lỵ người khác khốn nạn đến thế. Bèn gọi Giao Hưởng, anh cho biết tác giả bài trên Văn Nghệ TP.HCM ký tên Châu Thị Năm. Lại cái trò ném đá giấu tay, không dám xuất hiện với tên thật bèn núp dưới cái tên cha căng chú kiết nào đó. Trò bẩn thỉu này thời nào cũng có. Bài báo này viết: “15 năm nay Bùi Giáng đã chết không kèn không trống, giờ sống lại nhờ Báo Thanh Niên và các vị bạn bè thân hữu của ông ấy với động cơ gì trước sau gì ta cũng rõ”. Thật chối tai với một cách suy nghĩ bệnh hoạn. Chợt rùng mình với cụm từ “động cơ gì”. Lạnh cả người. Với não trạng này, biết đến bao giờ chúng ta mới có sự hòa hợp trong lãnh vực nghệ thuật. Hòa hợp ở đây là sự ghi nhận các sáng tác trước 1975 dù Nam hay Bắc chỉ là một, cùng trong một dòng chảy nếu nó có giá trị, có đóng góp tích cực cho nền học thuật, văn hóa nước nhà. May quá, cái tên Châu Thị Năm chỉ là tiếng nói lạc lõng trong xu thế đổi mới hiện nay. Anh Giao Hưởng đã phân tích thuyết phục, bẻ gẫy luận điệu quy chụp hổ lốn, hồ đồ về thi sĩ Bùi Giáng. Không trích dẫn thêm bài viết của Văn Nghệ TP.HCM nữa, chỉ bẩn trang Nhật ký. Chỉ chép lại mấy vần thơ ông Lửa Thiêng Huy Cận tặng ông Mưa Nguồn Bùi Giáng:

Văn thơ hồn ai say

Như đèn chong đêm dày

Thức đời bằng tiếng Việt

Chẳng cạn dầu mảy may

Gửi anh mấy vần thơ

Nói con chim say hót

Chim Thơ bay thuở giờ

Mặt trời xoay không ngớt

Xin gửi kèm ngọn bút

Để khắc Thực cùng Mơ

(3.10.1983)

Nếu trí nhớ của y nhớ không nhầm, nhầm thế nào được, Huy Cận còn có bài thơ Thân tình gửi anh Bùi Giáng, viết ngày 17.3.1997:

Đôi lời thăm bạn thơ

Thăm tấm lòng tri kỷ

Bao giờ đến bây giờ

Tình thơ không hoen rỉ

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment