LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.9.2013

duong-lam

Làng cổ Đường Lâm (nguồn: Internet)

 

Trong văn học Việt Nam hiện đại, nếu chọn lấy một nhà văn “chơi” thể loại hoạt kê, trào phúng, châm biếm có cá tính, bền bĩ, sâu cay, đa thanh đa dạng nhất chỉ có thể Nguyễn Công Hoan. Sự lựa chọn này có thể nhiều nhà nghiên cứu sẽ la toáng lên, bởi ông không có tác phẩm hoạt kê riêng biệt như Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Khao (Đồ Phồn), Dòng nước ngược (Tú Mỡ)… Không sao cả. Dám quả quyết rằng, toàn bộ truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đều có tính chất trào lộng. Đọc, cười chua chát. Cười rơi nước mắt. Hàng trăm kiểu cười ẩn giấu sau các tình tiết mà ông xây dựng từ hiện thực mắt thấy tai nghe. Đố có nhà văn nào cùng thời (hoặc hiện nay) có thể nhìn đâu cũng phát hiện ra sự trái khoáy để cười như Nguyễn Công Hoan.

Sáng nay, đọc lại Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan.

Chuyện rằng, ngày nọ lính huyện mang trát quan về làng, thông báo cho dân làng biết “ngày 19 Mars này, tức 29 tháng Giêng An Nam tại sân vận động huyện có cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ”. Vì thế, dân làng phải đi xem. “Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh, và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách”.

Sướng quá. Vui  quá. Thích quá. Ấy vậy, dân đen lại trốn chui trốn nhủi. Quái quỷ chưa? Họ khóc lóc như cha chết, van xin, lạy lục cúc bái như bị bát bỏ tù. “Ngay từ sáng tờ mờ hôm 29, ở sân đình làng Ngũ Vọng, đã có tiếng ông lý quát tháo om sòm:

- Thiếu những mười tám thằng kia à? Tuần đâu, đến tận nhà chúng nó, lôi cổ chúng nó ra đây. Chứ đã hẹn đi lại còn định chuồn phỏng!

Sau tiếng dạ ran, những ngọn đuốc linh tinh kéo đi các ngả. Ông lý dặn theo, tiếng oang oang:

- Hễ đứa nào láo, cứ đánh sặc tiết chúng nó ra, tội vạ ông chịu. Mẹ bố chúng nó! Việc quan thế này chết cha người ta không! Chúng bay gô cổ cả, giải cho được ra đây cho ông!

Lại một tiếng dạ nữa, giữa những tiếng chó rống dậy. Ngọn lửa đỏ như nổi lềnh bềnh trong biển sương mù”.

Cuối cùng, “tinh thần thể dục” của đám dân đen như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết tiếp: “Cuộc săn dù ráo riết đến đâu cũng không sao tróc đủ một trăm người phải đi xem đá bóng. Dăm sáu anh khôn ngoan, đã kéo đến ngủ nhờ nhà khác, hoặc làng khác. Họ làm như lánh nạn.

Khi thấy đã chậm giờ, ông lý trưởng nghiến răng nói:

- Chúng nó ngu như lợn. Người ta cho xem đá bóng chứ ai làm gì mà cũng phải bắt. Rồi quan thấy không đủ số, lại chửi ông không tận tâm.

Rồi ông ra lệnh:

- Chín mươi tư thằng ở đây, xếp hàng năm lại, đi cho đều bước. Tuần chúng bay phải kèm chung quanh giúp tao. Đứa nào mà trốn về thì ông bảo.

Đoạn ông lo lắng, đi cuối cùng, mắt nhanh nhẹn để coi cẩn thận như coi tù binh.

- Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc!”

Đúng quá! Ông lý trưởng nói có sai tí tẹo nào không? Đọc mà cười chua chát. Sở dĩ đọc vì sực liên tưởng đến vụ thời sự đang diễn ra: Dân Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) lại xin trả di tích, không muốn nhận lấy vinh dự này. Trước đó, ngày 15.5.2013, họ đã ký đơn rồi. Oái oăm thật! Những tưởng lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây đã hứa hẹn, giải quyết xong cớ sự tróe ngoe rồi chứ? Nào ngờ, ngày 25.9.2013, một lần nữa họ lại đồng loạt làm đơn xin trả danh hiệu! Sự đời có những tình tiết cứ như mô phỏng từ truyện của Nguyễn Công Hoan. Có người, có nơi phải chạy chọt cổng sau, đút lót xin cho bằng được cái giấy khen, giấy chứng nhận thế này, thế kia. Ngược lại, có nơi mèo chê mỡ! Tại sao mèo chê mỡ? Cớ sự chắc chắn không phải là mèo.

Không đi sâu vào các chi tiết, nhưng có một điều chắc chắn rằng khi được phong danh hiệu đó, đời sống của người dân ở làng cổ Đường Lâm không hề được cải thiện thêm. Đã thế, lại gánh thêm quá nhiều phiền toái. Bài học kinh nghiệm của Hội An là một bằng chứng sinh động nếu khi danh hiệu đó gắn với quyền lợi của người dân. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” câu thơ của Thanh Tịnh lại quay về trong trí nhớ.

Mà riêng gì vụ phong tặng danh hiệu làng cổ Đường Lâm đâu. Thử nhìn quá, các vụ lễ hội trùng trùng điệp điệp nhằm thúc đẩy du lịch, văn hóa của nhiều địa phương. Trước đây có thống kê từ Bộ VHTT&DL: Hàng năm trong cả nước đã diễn ra hơn 9.000 lễ hội (LH) lớn nhỏ! Trong đó, khoảng 7.000 LH dân gian (chiếm 78,6%), 407 LH lịch sử  (5%), 1.399 LH tôn giáo (15,7%); còn lại là các LH quảng bá du lịch, LH mới du nhập từ nước ngoài...

Chưa nói đến nhiều hay ít, chất lượng ra sao mà vấn đề là người dân địa phương đó có thật sự được sống và tận hưởng các giá trị văn hóa do LH đem lại? Chỉ xin nêu một ví dụ, tại Festival Huế, có những chương trình nghệ thuật vẫn không thu hút được người dân địa phương đến xem, đơn giản chỉ vì... giá vé quá cao! Một đồng nghiệp là nhà báo Lê Đức Dục đặt vấn đề không sai: “Nếu chúng ta có mức vé ưu đãi giữa người Việt với người nước ngoài thì sao không có một mức vé ưu đãi cho dân Huế, thu hút đông người Huế đến với các chương trình nghệ thuật của festival?” Đặt câu hỏi này, bởi không ít festival, LH diễn ra tại đại phương nhưng người dân nơi đó chỉ đứng bên lề!

Dù thiên hạ đang bội thực về LH, nhưng vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào  nhằm hiến kế Nhà nước quản lý, quy hoạch hoạt động này. Ấy là chưa kể đến các “tổng đạo diễn” qua các mùa LH, quay đi ngoảnh lại vẫn một vài tên tuổi quen thuộc. Nhân tài của các địa phương ở đâu, chả lẽ “như lá mùa thu” phải “cầu cứu” người từ nơi khác đến? Chính vì thế, không ít LH chưa quy tụ được “sức mạnh tập thể” tại chỗ, không được người dân địa phương tâm phục khẩu phục! Vì thế mới có chuyện “bản sắc văn hóa” của Quảng Nam tại LH cách đây vài năm là hát Quan họ; dâng bánh trong lễ hội đền Hùng tại Phú Thọ 2008 là bánh thiu và độn thêm xốp cho nặng để đạt kỷ lục!

Nhìn qua liên hoan, hội diễn các loại hình nghệ thuật cũng lãng phí không kém. Gần đây, Liên hoan Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc (8.2008) tại Hải Phòng, các đơn vị của TP.HCM không “mặn mà”. NSƯT Hồng Vân từng từ chối: “Lý do thứ nhất là kinh phí. Chúng tôi là đơn vị xã hội hóa, cái gì cũng bỏ tiền túi ra làm, phải cân nhắc kỹ lắm... Mà dù có tiền đi nữa, thì cũng không tham gia vì lý do thứ hai là tiêu chí chấm thi của giám khảo có đồng nhất với tiêu chí mà khán giả yêu cầu chúng tôi hay không? Mình tham gia cơ chế thị trường, phục vụ khán giả, không biết có phù hợp với tiêu chí chấm thi hay không? Chúng tôi cần khán giả hơn. Sự đồng cảm và ủng hộ của họ cũng là một tiêu chí cần thiết”.

Phát biểu này đúng như suy nghĩ của nhiều người.

Hơn nữa, đã từ lâu chúng ta có tư duy lạ lùng: Đã tham gia ắt có giải thưởng. Các “trận mưa” huy chương vàng, huy chương bạc được ban tổ chức “ban phát” rộng rãi, hào phóng khiến đơn vị tham dự thấy... nhàm! Thậm chí, Liên hoan phim VN lần thứ 15, phim Hà Nội, Hà Nội được trao Giải thưởng phim được khán giả yêu thích nhất, trong khi đó khán giả từ Nam chí Bắc chưa hề biết mặt mũi ra sao vì phim này chưa công chiếu rộng rãi! Kết thúc Liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ (9.2013) trang web của VOV Đài Tiếng nói Việt Nam đã có bài báo: “Mưa giải thưởng ở Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ”. Đọc tựa này, tưởng như sinh hoạt văn hóa của những năm 80 của thế kỷ trước.

Mà phải thế thôi, “một miếng giữa sàn” được chia đều để không ai thắc mắc, kiện tụng thì lúc tổng kết mới mạnh miệng “thành công tốt đẹp”, “vui vẻ cả làng”! Cứ như thế, qua năm sau liên hoan của các hội chuyên ngành cứ thong dong “đến hẹn lại lên”. Cuộc đời vẫn đẹp sao.

Bên cạnh đó, lại còn sự lãng phí tương tự. Ấy là kinh phí dành cho các trại sáng tác! Các văn nghệ sĩ  được bao cấp từ A đến Z “mang nặng đẻ đau”. Sau đó, có diễn văn, báo cáo tổng kết, thống kê “thành quả” ra đời từ chuyến đi “chăn êm nệm ấm” đó. Các tác phẩm đó tác động, góp phần thúc đẩy sáng tác văn học trong cả nước như thế nào? Chẳng nghe ai bàn rốt ráo. Thì làm gì nhau? Bình tĩnh đi, có gì đâu mà ồn ào? Kinh phí dành cho các hoạt động này được rót từ “bầu sữa” của Nhà nước, chứ có phải “đồng tiền liền khúc ruột” của ai đâu? Cuộc đời vẫn đẹp sao.

Ủa? Đâu là nhà văn hiện thực phê phán tầm cỡ Nguyễn Công Hoan trong thời buổi này? Chả nhẽ, phải gọi thằng Xuân Tóc Đỏ ra và kết nạp nó vào hội nhà văn nữa sao?

Y nhiều chuyện quá.

Rách việc.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment